Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải:
Chưa biết bao giờ hết thiếu điện
TT - Năm 2011, điện không căng thẳng như dự tính, nhiều ý kiến cho rằng EVN đã cường điệu để tăng giá. Trao đổi với Tuổi Trẻ bên hành lang QH ngày 26-7, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết:
|
Lắp đặt thiết bị tổ máy số 3 thủy điện Sơn La - Ảnh: duy anh |
|
Ông Hoàng Trung Hải - Ảnh: v.dũng |
- Cường điệu làm sao được! Cái đó chủ yếu do thời tiết, nước về các thủy điện nhiều hơn. Thứ hai là nhiều dự án nhiệt điện vào kịp, một số nhà máy trước chạy không ổn định nay đã ổn định. Thủy điện Sơn La cũng phát điện sớm hơn.
Đặc biệt do nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ yêu cầu cắt giảm đầu tư công, thắt chặt tín dụng khiến nhu cầu điện giảm đi so với tính toán. Giá điện tăng cũng khiến người sử dụng tiết kiệm... Cái này nhìn con số sẽ thấy chứ không phải chỉ nói suông. Những đợt nắng nóng năm trước nhu cầu điện tăng 20-30%, năm nay chỉ 9-10%.
* Vậy sang năm tình hình điện có đảm bảo được như năm 2011? Chúng ta vẫn phụ thuộc vào thủy điện nên vẫn khó chủ động?
- Nếu tình hình thời tiết thuận lợi thì điện năm 2012 sẽ đảm bảo như năm 2011. Tỉ trọng thủy điện của ta vẫn lớn, nên nếu nước về tốt thì mới bảo đảm nhưng lo nhất là không thuận lợi thì không đáp ứng được.
Những năm qua chúng ta đã tăng đầu tư nhiệt điện. Trước thủy điện chiếm đến 70% tổng nguồn điện, nay chỉ còn trên 30%. Song cũng phải nói phát triển thủy điện vẫn là nhu cầu thực tế của VN, nếu không ta sẽ phải đẩy nhanh việc nhập khẩu điện, làm điện hạt nhân vì khả năng cung ứng có hạn.
Làm quá nhiều thủy điện tôi công nhận là không tốt nhưng không làm cũng không được, vì kiểu gì ta cũng phải xây hồ chứa thủy lợi, nếu không vừa lũ xong là hạn hán. Không làm thủy điện cũng khó đáp ứng đủ điện nên tận dụng tốt tiềm năng thủy điện, hài hòa với các yếu tố môi trường, kinh tế xã hội là bài toán Chính phủ đang cố gắng giải quyết một cách tốt nhất.
* Ta đang đầu tư lớn cho điện, giá điện cũng đã tăng giúp ngành điện có vốn. Vậy người dân có thể biết bao giờ hết thiếu điện?
- Câu hỏi này rất khó trả lời. Nhu cầu điện chỉ giảm hay tăng thấp khi nền kinh tế bão hòa, nghĩa là đã lên đến mức phát triển. Ta đang phấn đấu năm 2050 trở thành nước phát triển thì khi đó may ra hết thiếu điện.
Còn nếu nhìn con số, hiện bình quân đầu người ta mới đạt gần 1.000 kWh/người/năm, trong khi các nước phát triển là 10.000 kWh/người/năm. Nghĩa là còn phải cố gắng gấp 10 lần nữa trong khi nguồn lực có hạn. Đó là đoạn đường dài. Nếu VN phát triển chậm, vài chục thậm chí cả trăm năm nữa vẫn chưa đạt mức phát triển, chưa bão hòa thì điện anh vẫn cần, vẫn thiếu, vẫn phải đầu tư. Nên câu hỏi bao giờ hết thiếu điện rất khó khẳng định.
* Theo quyết định 24/2011 của Thủ tướng, từ ngày 1-6, EVN có quyền tăng giá theo chi phí đầu vào, chỉ phải xin ý kiến. Nhiều chuyên gia cho rằng sau kỳ họp Quốc hội này giá điện sẽ tăng vì EVN vẫn lỗ lớn?
- Chính phủ chỉ cho cơ chế có thể được tăng giá theo chi phí đầu vào nếu được sự chấp thuận của cơ quan chức năng chứ không cho phép từ ngày 1-6 đương nhiên được tăng giá. Lúc nào điều chỉnh phải theo điều kiện kinh tế - xã hội, khả năng chịu đựng của người dân. Năm nay tình hình rất khó khăn nên tăng giá hay không mình đang phải cân nhắc. Nếu thực hiện thành công nghị quyết 11/2011, kiềm chế được lạm phát thì mới dám nghĩ đến. Còn không thì rất khó.
* EVN luôn kêu khó để tăng giá. Trong khi mấy năm gầy đây giá điện đều tăng kép: năm 2009 tăng gần 10% và thêm giờ cao điểm buổi sáng. Năm 2011 thì tăng trên 10% và bỏ trợ giá toàn dân 50kWh đầu?
- Có tăng nhưng vẫn không bù đắp được thì làm thế nào. Nếu tăng quá mức thì phải lãi lắm chứ?
* Vấn đề là EVN đã thật sự tiết kiệm và Chính phủ có kiểm soát được các định mức tiêu hao của EVN là hợp lý?
- Tôi khẳng định Chính phủ kiểm soát được. Hằng năm đều có thanh tra, kiểm tra hoặc kiểm toán. Hay vẫn không tin? Nếu có sai số thì chỉ sai số một ít thôi. Làm sao đang lãi mà thành lỗ được.
* Chúng ta vừa khởi động thị trường phát điện cạnh tranh - yếu tố thúc đẩy cạnh tranh tăng chất lượng, giảm giá điện. Nhưng các thiết chế như điều độ, truyền tải, đo đếm đều thuộc EVN làm sao cạnh tranh được?
- Cái đó phải từ từ. Nếu đùng một cái ra ngoài hết thì không khéo nhiều người sẽ kêu to hơn. EVN nói thế nhưng lỗ họ vẫn phải nai lưng ra chịu. Nếu chuyển cho tư nhân hết trong khi thị trường chưa hoàn thiện, cơ chế chưa thử nghiệm xong thì điện thiếu làm thế nào? Lúc đó lại bảo sao lại đi sớm thế ấy chứ...
CẦM VĂN KÌNH thực hiện
Chậm tiến độ một phần do thưởng phạt chưa nghiêm * Chậm tiến độ, thiếu điện thời gian qua một phần còn vì cơ chế thưởng phạt tiến độ không nghiêm với cả chủ đầu tư là các tập đoàn nhà nước và các nhà thầu? - Cái đó có. Có vấn đề năng lực chủ đầu tư và cả nhà thầu yếu. Nhưng không thể tự dưng có một ông năng lực tốt từ trên trời rơi xuống, mà phải để họ làm rồi nâng lên dần dần. Các doanh nghiệp nhà nước dần dần phải hạch toán đúng hơn, năng lực tốt hơn. Nếu nhìn doanh nghiệp nhà nước bây giờ với chục năm trước đây họ không kém hơn, nhưng chưa đạt yêu cầu vì ta so với thế giới. So thế là đúng, Nhà nước cũng ép các doanh nghiệp nhà nước phải đuổi cho bằng thế giới nhưng không thể ngày một ngày hai được, chúng ta phải chấp nhận cần có một quá trình. |