Sự thật đẫm máu của người săn “thần dược ái tình”

19-07-2011 | 10:16

(Nguoiduatin.vn) - Là một trong những loài thuốc quý với đồn đoán có thể cải lão hoàn đồng, đông trùng hạ thảo từ xưa đã trở thành một dược liệu bồi bổ cơ thể của bậc vua chúa. Ngày nay, với đặc tính quý hiếm của mình, loại nấm này đã trở thành một mặt hàng được săn lùng nhiều nhất tại dãy núi ở Dolpo thuộc vùng Karnali, Nepal.

Tuy nhiên, để tìm ra được 1 kg đông trùng hạ thảo đúng chất, người dân nơi đây đã bất chấp nguy hiểm, thậm chí phải đánh đổi bằng cả tính mạng của mình.

“Thần dược” xa xỉ

Đông trùng hạ thảo là dạng ký sinh giữa một loài nấm túi có tên khoa học là Cordyceps với sâu non (ấu trùng) của một loài côn trùng thuộc chi  Hepialus. Việc đặt tên đông trùng hạ thảo xuất phát từ đặc tính phát triển của loại nấm này. Vào mùa đông, nấm bắt đầu ký sinh vào sâu non và sử dụng chất dinh dưỡng của chúng, khiến ấu trùng trở thành xác khô tự nhiên. Vào mùa hè, nấm bắt đầu mọc ra khỏi sâu và vươn lên khỏi mặt đất như một loại thực vật. Có thể nói, đông trùng hạ thảo là một trong những loại nấm thuốc nổi tiếng và quý hiếm nhất thế giới.

Đông trùng hạ thảo

Đông trùng hạ thảo quý hiếm là do loài nấm này sống âm ỷ trong lòng đất hơn 5 năm trước khi trồi lên khỏi mặt đất và chỉ được phát hiện vào mùa hè ở một số cao nguyên cao hơn mặt biển từ 3.500 đến 5.000m với khí hậu lạnh giá và vô cùng khắc nghiệt như: dãy núi Hamalaya, cao nguyên Tây Tạng (Trung Quốc) và ngọn núi cao ở Dolpo thuộc vùng Karnali (Nepal).

Trong văn hóa y học cổ truyền phương Đông thì Đông trùng hạ thảo là một vị thuốc được đánh giá rất cao, y học Trung Quốc gọi nó là vị thuốc kích thích tình ái và có công dụng trong việc điều trị nhiều chứng bệnh khác nhau từ suy nhược đến ung thư. Đông trùng hạ thảo còn được xem là có tác dụng cân bằng âm - Dương.

Ở Nepal, Đông trùng hạ thảo đã trở thành một trong những nguồn tài nguyên thu nhiều lợi nhuận nhất tại các vùng nông thôn nghèo khổ. Giá trị của Đông trùng hạ thảo tăng chóng mặt, đặc biệt là kể từ cuối thập niên 90, thế kỷ XX. Vào năm 2008, 1kg Đông trùng hạ thảo đã có giá tới 3.000USD (phẩm chất thấp nhấtp) đến hơn 18.000 USD /1kg (loại có phẩm chất hảo hạng nhất).

Đánh đổi cả tính mạng

Chính vì giá trị kinh tế rất cao nên từ vài chục năm trước, nhiều người dân sống tại chân núi Dolpo thuộc vùng Karnali Nepal đã bỏ làm nông để trèo lên những ngọn núi cao ngất ngưởng săn lùng đông trùng hạ thảo, bất chấp nguy hiểm luôn kề cận.

Những người dân dưới chân núi Dolpo săn đông trùng hạ thảo

Một người dân sống tại chân núi Dolpo cho biết, từ nhỏ ông thường thấy loại nấm này xuất hiện trên các sườn đồi và sườn núi. Tuy nhiên, khi biết được giá trị của loại thuốc quý này, người ta đã đổ xô đi tìm, bây giờ có tìm mỏi mắt cũng không còn loại nấm đặc biệt này nữa.

Được biết, những người săn tìm Đông trùng hạ thảo phải trải qua 12 giờ /ngày, quần thảo các sườn đồi hoặc núi để tìm các cây nấm mảnh khảnh, cao cỡ 2cm trên nền đất. Lúc cao điểm, đã từng có cuộc tranh giành bằng dao và súng vì trong quá trình săn đông trùng hạ thảo.

Một điều đặc biệt nữa là ở Nepal, việc khai thác đông trùng hạ thảo phải có sự quản lý của nhà nước. Những trường hợp khai thác tư nhân hoặc thuê người khai thác trên những sườn đồi và núi hoàn toàn là phi pháp. Tuy nhiên, việc nhà nước không thể quản lý được hết những hoạt động xé lẻ của người dân khiến cho tình trạng khai thác vô độ Đông trùng hạ thảo tại Nepal trở thành chuyện thường ngày ở huyện.

Cũng chính vì việc quản lý còn lỏng lẻo nên đã có những trường hợp người dân do tìm thuốc quý mà ngã từ trên cao xuống đất trong lúc tìm đông trùng hạ thảo. Cũng có những chủ tư nhân sẵn sàng đấu súng để tranh giành địa bàn tìm kiếm. "Đánh nhau là thường xuyên và chuyện có người tử vong vì tranh giành nấm không phải là chuyện hiếm" - một người dân sống dưới chân núi ở Dolpo vùng Karnali của Nepal cho biết.

Hải Hiền (Theo Global)

Tags: đông trùng hạ thảo, người dân, thuốc quý, tìm kiếm,



Bình luận bạn đọc

Họ tên
Email
Mã bảo vệLấy lại
Nội dung