Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Hồng Quân cho biết như vậy khi trao đổi với báo chí tại lễ công bố quy hoạch chung xây dựng thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn 2050, chiều 29/7.
Còn điểm nào khiến ông băn khoăn về bản quy hoạch này?
Băn khoăn lớn nhất là việc thực hiện quy hoạch chung như thế nào trong những năm sắp tới. Hiện nay, Hà Nội đang làm 17 quy hoạch phân khu, dưới quy hoạch phân khu là quy hoạch chi tiết. Cùng với đó Hà Nội cũng cụ thể hóa các quy định về quản lý, đặc biệt là các quy chế về quản lý kiến trúc quy hoạch. Quy chế về quản lý kiến trúc quy hoạch cụ thể đến từng công trình, từng đường phố.
Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Hồng Quân (ảnh: LĐ)
Các cấp chính quyền của thành phố Hà Nội phải biết và quản lý việc phát triển xây dựng theo quy chế đó. Cộng đồng, chính quyền phải nhận thức điều đó và có biện pháp hết sức kiên quyết, kể cả chế tài mới thực hiện được.
Nhiều người băn khoăn về việc thực hiện quy hoạch này sẽ rất tốn kém, ông nghĩ sao?
Tôi đã nghe ý kiến này. Bản thân quy hoạch tạo ra nguồn lực cho nên ngay từ ban đầu nghiên cứu các bên tham gia đã tính đến việc tổ chức thực hiện đồ án quy hoạch chung này. Trong những năm tới cần khoảng 90 tỷ USD, lớn hơn hẳn dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam.
Nhưng quy hoạch có một đặc tính là dự báo, chứ không phải dự án. Dự án thì phải xác định có một lượng vốn, nguồn vốn cụ thể để thực hiện. Còn quy hoạch là dự báo định hướng phát triển, mô hình phát triển và giải pháp.
Trong giải pháp để phát triển, người nghiên cứu quy hoạch phải nghĩ cách để tạo ra nguồn lực, đề xuất cơ chế để thu hút nguồn lực chứ không phải làm quy hoạch rồi phải có nguồn tiền từ đâu đó để thực hiện quy hoạch.
Hơn nữa, bản chất của phát triển đô thị có thể nói một cách dân dã là “mỡ nó rán nó”, nguồn lực ở chính đất đai. Vấn đề làm sao khai thác được nguồn lực đó. Một đặc thù của người nghiên cứu quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch không gian, là phải phát hiện và tìm ra nguồn lực.
Tuy nhiên, vấn đề ở đây không quá đơn giản theo cách hiểu thông thường là đổi đất lấy hạ tầng mà nguồn lực nằm trên chính mảnh đất mà chúng ta phát triển thành đô thị, vấn đề là cách làm.
Trục Hồ Tây - Ba Vì được đề cập đến trong quy hoạch chung có ý nghĩa gì thưa ông?
Trước hết đó là một trục giao thông. Trục Hồ Tây - Ba Vì không phải chỉ để đi đến vùng chân núi Ba Vì, vấn đề này tôi đã báo cáo trước Quốc hội. Với con đường trong đô thị, các nhà kiến trúc, quy hoạch đô thị thường có những ý tưởng phong phú, muốn biến trục đường giao thông đó tạo ra một cảnh quan, dấu ấn, điểm nhấn kiến trúc cho đô thị.
Trước hết khi vẽ ra một con đường là để phục vụ giao thông, đi lại chứ không cứ là để khai thác quỹ đất. Trục Hồ Tây - Ba Vì khi được vẽ ra cũng mang ý tưởng tạo ra một trục cảnh quan, tạo điểm nhấn cho đô thị (đoạn đường đôi thẳng trong bản vẽ quy hoạch). Đấy là ý tưởng của người quy hoạch, còn người lãnh đạo, quản lý có thể thấy không cần, hoặc không hợp lý, có thể làm và có thể không làm.
Đồ án quy hoạch chung Thủ đô
Bản thân đất đai là nguồn lực, là tài nguyên quốc gia và làm quy hoạch chính là để khai thác nguồn lực đó. Chúng ta chưa khai thác, chưa dùng đến cũng có thể coi như ta đang cất trong kho, đang dự trữ.
Nhiều người cho rằng, những tiêu chí vành đai xanh, hành lang xanh trong quy hoạch chung khiến 700 dự án của Hà Nội hiện nay phải nhường đất?
Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Hà Nội phải rà soát cụ thể các đồ án và dự án. Khi mà quy hoạch chung đã được phê duyệt thì càng phải xem xét cụ thể hơn nữa trên cơ sở quy hoạch chung, dưới đó là quy hoạch phân khu, các quy định về quản lý, quy chế quản lý kiến trúc mà thành phố Hà Nội phải tiếp tục cụ thể hóa.
Nếu dự án nào, đồ án nào không đảm bảo các yêu cầu của quản lý mới phải dừng lại, phải điều chỉnh. Nếu như ngay bây giờ chúng ta nói rằng 700 dự án phải đình hoãn, phải sửa đổi là cách nói hơi vội vàng. Khi tư vấn nghiên cứu quy hoạch đã xem xét tình hình, cập nhật các đồ án, dự án, một dự án nào đó không phù hợp với quy hoạch được duyệt thì sẽ phải điều chỉnh. Điều chỉnh như thế nào thì cũng phải nghiên cứu.
Xin cảm ơn ông!
Quang Phong