- Thảo luận tại hội trường chiều nay (4/8) về việc triển khai chủ trương nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 và thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp, các ĐBQH đề nghị phải làm rõ tư tưởng "quyền lực của nhà nước thuộc về nhân dân".
Tờ trình do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý trình bày nêu ra 7 định hướng lớn sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992.
Về chế độ chính trị, Hiến pháp tiếp tục khẳng định Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân.
Theo đó, "phải làm rõ cách thức sử dụng quyền lực Nhà nước của nhân dân thông qua cơ chế dân chủ đại diện (cơ quan quyền lực Nhà nước) và cơ chế dân chủ trực tiếp".
Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam Trương Trọng Nghĩa: Kiểm soát quyền lực lẫn nhau giữa các cơ quan nhà nước là một định hướng lớn và mới mẻ |
Hiến pháp sửa đổi cũng sẽ xác định rõ vai trò, quyền hạn, trách nhiệm của từng cơ quan trong tổ chức bộ máy nhà nước. Đồng thời xây dựng và từng bước hoàn thiện cơ chế tăng cường kiểm tra, giám sát tính hợp hiến, hợp pháp trong hoạt động của các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp phù hợp với thể chế chính trị và thực tiễn Việt Nam.
Về Chủ tịch nước, cần xác định rõ trách nhiệm, quyền hạn của Chủ tịch nước trong thực hiện vai trò là nguyên thủ quốc gia, thống lĩnh các lực lượng vũ trang nhân dân.
Làm rõ quyền của dân ở đâu
Phát biểu tại hội trường, đa số ĐBQH đều cho rằng, trong lần sửa đổi này nên tập trung vào định hướng về tổ chức bộ máy nhà nước.
Theo ĐBQH Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội), khi bàn về vấn đề tổ chức bộ máy nhà nước, Hiến pháp sửa đổi lần này phải giải mã được rạch ròi tư tưởng "tất cả quyền lực của nhà nước thuộc về nhân dân".
ĐB Trần Du Lịch: Người dân phải có quyền phúc quyết Hiến pháp |
Theo ông Lịch, theo như Hiến pháp năm 1946 thì dân còn có quyền phúc quyết. Vì vậy, trong việc sửa đổi lần này nên làm rõ vấn đề dân ủy quyền cho Quốc hội đến đâu, trong phạm vi nào. Còn lại, phạm vi nào là phạm vi người dân trực tiếp quyết định. Theo ông Lịch, người dân phải có quyền phúc quyết Hiến pháp.
Thực tế, trong thời gian qua, nhiều nhà nghiên cứu, xây dựng pháp luật cho rằng: Các Hiến pháp sửa đổi, bổ sung sau này đã có sự thay đổi rất lớn khi quyền lập hiến từ dân được chuyển sang Quốc hội.
Cơ chế kiểm soát quyền lực
Theo Ủy ban Pháp luật, một trong những định hướng sửa đổi lần này là "phải phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm, cơ chế phối hợp và kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp".
Tuy nhiên, phân định cơ chế kiểm soát quyền lực thế nào là vấn đề băn khoăn của nhiều đại biểu.
Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam Trương Trọng Nghĩa (ĐB TP.HCM) cho rằng đây là một tư tưởng mang tính định hướng nhưng phạm vi rất rộng. Vì vậy, ủy ban chủ trì sửa đổi phải cụ thể và chi tiết hóa hơn nữa. Bởi vấn đề kiểm soát quyền lực lẫn nhau giữa các cơ quan nhà nước là một định hướng lớn và mới mẻ. Đặc biệt, vai trò giám sát của các cơ quan Quốc hội rất quan trọng và phải được làm rõ.
Theo ĐBQH Trần Du Lịch, cơ chế kiểm soát quyền lực hiện nay chưa rõ và vẫn còn là một vướng mắc. Vì vậy, ban soạn thảo nên nghiên cứu để đưa ra định hướng cụ thể. Chẳng hạn, làm thế nào để phân quyền nhưng không mất quyền.
Ngoài ra, các ĐBQH cũng góp ý về việc phải xác định Hiến pháp của một đất nước là đạo luật gốc, cần có tính lâu dài, ổn định để đảm bảo tuổi thọ thay vì sửa đổi nhiều lần. Các ý kiến khác cũng góp ý về xây dựng cơ chế bảo hiến.
Dự kiến, cuối kỳ họp này, Quốc hội sẽ thông qua Nghị quyết về sửa đổi Hiến pháp 1992.
Theo lộ trình, Ủy ban dự thảo sửa đổi hiến pháp dự kiến sẽ trình Quốc hội dự thảo sửa đổi Hiến pháp (lần thứ nhất) vào kỳ họp cuối năm 2012.
Sau đó sẽ tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân trong khoảng hai tháng (từ tháng 3 đến tháng 4/2013). Dự kiến tháng 10/2013, Quốc hội sẽ thông qua dự thảo sửa đổi Hiến pháp.
Nên mời thêm đại diện giới luật gia Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp dự kiến gồm 27 thành viên, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng và Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu sẽ đảm nhiệm vai trò là chủ tịch và phó chủ tịch ủy ban. Các ủy viên có Thường trực Ban Bí thư, Phó Chủ tịch nước, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng Ban Dân vận Trung ương, Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của QH, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Kinh tế, Bộ trưởng các Bộ Quốc phòng, Công an, Nội vụ, Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư… Các ĐBQH cho rằng nên mời thêm đại diện của giới luật gia, hoặc những thành phần tiêu biểu trong Quốc hội thay vì chỉ có lãnh đạo các bộ, ngành. Thậm chí, trong thành phần ủy viên còn không có mặt đại diện Ủy ban Tư pháp Quốc hội.
|