Điều kỳ diệu đến từ nước Ý

10-08-2011 | 05:00

(Nguoiduatin.vn) - Thời gian vừa qua, người Ý đã làm cho toàn thế giới kinh ngạc vì tính kỷ luật của họ: Người Đức ngạc nghiên khi nhìn thấy phần lớn dân lái xe người Ý ngoan ngoãn giữ đúng vận tốc tối đa cho phép 130 km/h trên đường cao tốc.

Dân nghiện thuốc kinh ngạc khi thấy chỉ qua một đêm, thuốc lá đã bị kiên quyết tống cổ ra khỏi các quán rượu và nhà hàng ở phía Nam của dãy núi Alps. Và ở Rome, ngay chính người bản xứ cũng chưng hửng vì số nhân viên nhà nước nghỉ bệnh trong nháy mắt đã giảm xuống còn một nửa sau khi chính phủ tuyên chiến với những kẻ phục vụ quốc gia lười nhác.

Tuy vậy, những Miracoli all'italiana – điều kỳ diệu Ý – này không phải do Chúa Trời ban cho mà do nhà nước đã tích cực thúc đẩy qua kiểm soát rất gắt gao và phạt tiền rất nặng.

Ít có quốc gia nào trong Liên minh châu Âu lại có tương phản lớn như ở Ý. Người Ý thích nhận diện bản thân với vùng đất quê hương hơn là với quốc gia không được yêu thích. Chủ nghĩa địa phương này có nguồn gốc từ hơn 100 quốc gia, cộng hòa hay công quốc ngày xưa như Venice, Genoa, Milan, Florence, Rome, Naples và Palermo với những nét riêng mà chỉ vừa mới thống nhất trở thành nhà nước Ý cách đây tròn 150 năm.

Chênh lệch giàu nghèo giữa Bắc và Nam rất lớn. Sau khi Bức tường Berlin sụp đổ, người ta nói đùa rằng người Đức chẳng biết kinh doanh gì cả, chứ nếu không thì họ đã bán bức tường cho Ý để chia đôi đất nước.

Phụ nữ vẫn còn chưa được tôn trọng đúng mức. Nhiều người Ý đã bị sốc, sốc nặng, khi các nghiên cứu mới nhất bình chọn đàn ông Anh quốc lạnh lùng là những người đàn ông có đời sống tình dục "tích cực" nhất. Thời mà những anh chàng Casanova đào hoa cuỗm mất bạn gái của du khách Đức hay Anh đã qua rồi. Một vài tờ báo bày tỏ mối e ngại rằng thế thì trong tương lai chắc sẽ có ít phụ nữ từ những nước này đến Ý hơn. Mặc dù vậy, nam giới Ý vẫn kiên trì giơ cao ngọn cờ Playboy.

"Casa mia è casa tua", nhà của tôi là nhà của bạn. Người Ý rất cởi mở và hiếu khách. "Finchè c´é per noi c´é per tutti", chừng nào vẫn còn có cái ăn thì ai cũng có phần, một người vừa mất nhà sau trận động đất ở L'Aquila đã nói như thế và mời 6 người Romania dùng bữa.

Giao thông ẩn chứa nhiều rủi ro. Đèn xanh không nhất thiết đồng nghĩa với việc "đường ta, ta cứ đi", nên nhìn sang trái và nhìn sang phải trước khi tự tại tiến tới. Phải tự nhủ rằng đèn xanh hay đỏ thỉnh thoảng chỉ là lời khuyên nhiều hơn là điều bắt buộc. Đừng nên quá tin cậy vào những bảng hiệu giao thông, giống như cũng đừng quá tin vào giới chính trị gia.

Bàn luận về bóng đá luôn luôn được hoan nghênh và không bao giờ chấm dứt cả. Nhưng trước đó phải thăm dò xem người đối diện với mình đang mang màu cờ của đội bóng nào trong tim, chứ nếu không thì có thể sẽ bị mất nhiều thiện cảm. "Italiani mangiano pane e calcio" – người Ý ăn bánh mì và bóng đá, đó là một câu tục ngữ ở Ý.

Tại sao không có một chính khách nào chống nạn quan liêu một cách có hiệu quả vẫn còn là một câu đố chưa có lời giải. Nhiều chuyên gia ước lượng số tiền thất thoát qua việc này vào khoảng 1,5 đến 2% của tổng sản phẩm quốc gia.

Cứ mỗi lần sắp có sự kiện lớn là phóng viên nước ngoài thường xuyên viết rằng chẳng có gì sẽ xong kịp. Câu nói "Những gì làm được ngày hôm nay thì đừng để sang ngày mai" ở Ý có thể là "Những gì có thể làm được trong ngày mai thì nên dời sang ngày kia".

Người Ý có lẽ vô địch thế giới trong môn "nước đến chân mới nhảy". Nhưng rồi mọi việc cũng xong trong phút cuối cùng. Đến đúng giờ được cho là quê mùa: Là ngôi sao thật sự thì người ta phải đến sau cùng.

Và tuy rằng mê tín thường mạnh hơn tín ngưỡng (Alitalia không có hàng ghế số 13) nhưng người ta đã hân hoan mừng rỡ chào mừng vị Giáo Hoàng vừa được bầu như thể Chúa Giê-xu vừa mới sinh ra đời.

Ôi, Bella Italia - Nước Ý tươi đẹp!

Phan Ba

Tags: nước Ý, điều kỳ diệu, đá bóng