Kiểm tra việc thưởng “sếp” cao gấp 364 lần nhân viên
(Dân Việt) - Nhiều người lao động đã sốc khi biết tin lương, thưởng của một “sếp” doanh nghiệp nhà nước ở Khánh Hoà cao gấp... 364 lần so với nhân viên.
Dù ngành chức năng khẳng định sẽ kiểm tra, nhưng vẫn thấy có điều gì đó bất ổn trong công tác phân chia lương, thưởng hiện nay.
Trước đó, ông Lê Xuân Thân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa vừa ký văn bản báo cáo về tình hình tiền lương, thu nhập của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trong tỉnh năm 2010.
Theo báo cáo, Chủ tịch chuyên trách Hội đồng thành viên Công ty TNHH một thành viên Thương mại và Đầu tư Khánh Hòa (TMĐTKH) có thu nhập 137,32 triệu đồng/tháng, trong đó tiền thưởng bình quân 72,82 triệu đồng/tháng. Tổng giám đốc thu nhập 128,49 triệu đồng/tháng, thưởng 62,05 triệu đồng/tháng. Hai phó tổng giám đốc và kế toán trưởng, mỗi người thu nhập thực tế 72,04 triệu đồng/tháng, được thưởng bình quân 32,49 triệu đồng/tháng...
|
Khu nghỉ mát Anna Madra, một đơn vị trực thuộc của Công ty TMĐT Khánh Hoà. |
Tổng số tiền thưởng của 9 viên chức quản lý cao nhất tại công ty này năm 2010 hơn 4 tỷ đồng, trong khi tổng quỹ tiền thưởng của công ty là 5,551 tỷ đồng. Công ty có 680 cán bộ, công nhân viên, trừ trên 4 tỷ đồng thưởng cho 9 lãnh đạo kể trên thì 671 người còn lại chỉ được nhận thưởng bình quân 200.000 đồng/người/tháng. Như vậy, riêng tiền thưởng, nhân viên của công ty còn thua “sếp” tới 364 lần.
Bất công trong chia thưởng
Liên quan đến vấn đề thưởng nói trên, phóng viên đã trao đổi với bà Nguyễn Ngọc Chi – Kế toán trưởng và ông Lâm Lương Duy Cường – Phó Tổng Giám đốc Công ty TMĐTKH. Bà Chi cho biết, kể từ khi thành lập năm 2004 đến hết năm 2010, đó là lần chia thưởng đầu tiên của công ty nhân kỷ niệm 15 năm thành lập.
Quy chế chia thưởng là, tất cả CBCNV đã làm việc trên 1 năm và đang làm việc tại công ty tính đến 31.3.2010 sẽ được xét thưởng. CBCNV được hưởng 1 tháng lương/1 năm công tác. Bộ phận lãnh đạo sẽ được nhân thêm hệ số trách nhiệm, công nhân viên không được hưởng hệ số này.
Theo Sở LĐTBXH Khánh Hoà, Công ty TMĐTKH có 680 cán bộ công nhân viên, chuyên hoạt động trong lĩnh vực đầu tư du lịch, có 5 đơn vị trực thuộc. Năm 2010, tổng doanh thu của công ty này 152,84 tỷ, tổng các khoản nộp ngân sách 24,775 tỷ, lợi nhuận 42,618 tỷ đồng.
Tuy nhiên, khi hỏi hệ số trách nhiệm cao nhất là bao nhiêu, bà Chi nói không nhớ. Thậm chí bà Chi không nhớ cả hệ số trách nhiệm được hưởng của chính mình (?!).
Theo báo cáo của tỉnh Khánh Hoà, lương cơ bản được duyệt của chủ tịch chuyên trách Hội đồng quản trị công ty này là 10,59 triệu/tháng. Trong khi đó, ông này được hưởng mức thưởng tới 72,82 triệu đồng/tháng, gần 900 triệu đồng/năm, cho thấy hệ số trách nhiệm để tính thưởng dành cho “bộ sậu” công ty này rất cao.
Theo ông Cường, công ty hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực kinh doanh khách sạn, đặc điểm của công nhân viên của lĩnh vực này thường xuyên thay đổi chỗ làm. Việc để dành quỹ thưởng đến năm 2010 mới chia cũng là một trong những cách giữ nhân viên của công ty.
Không minh bạch
Tại buổi làm việc, cả ông Cường và bà Chi đều cho rằng, con số thống kê trong báo cáo của UBND tỉnh không chính xác. Đặc biệt là về quỹ thưởng, theo báo cáo, các năm 2008, 2009, 2010, công ty này đều “thực hiện” chi thưởng, riêng năm 2010 là 5,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, bà Chi lại đưa ra một bảng báo cáo khác, ghi rõ, các năm 2008, 2009 đều không chi thưởng và năm 2010 chi trên 10 tỷ.
Hơn nữa, trong báo cáo của UBND tỉnh ghi rõ số CBCNV của công ty năm 2010 là 680 người, nhưng cả bà Chi và ông Cường lại nói chỉ có 303 người. Vì vậy, mức thưởng bình quân của công nhân viên (kể cả lãnh đạo) theo báo cáo với UBND tỉnh chỉ 680.000 đồng/người/tháng, là điều không chính xác.
Ông Phạm Xuân Danh – Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Khánh Hòa tỏ ra rất bất ngờ với việc này: “Nếu đúng như vậy thì đây là điều đáng lên án. Đây là một DNNN, không thể có chuyện bất công như vậy được. Nếu đúng công ty này để quỹ thưởng suốt 15 năm mới chia là không đúng vì như vậy, quyền lợi của công nhân viên đã nghỉ hưu hay chuyển việc, vốn đã từng cống hiến cho công ty, góp phần xây dựng quỹ thưởng này không được bảo đảm…”.
Ông Mai Xuân Trí – Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cũng cho biết: “Sở sẽ cho kiểm tra lại toàn bộ, nếu đúng có sự bất công, bất hợp lý như vậy trong quy chế chia tiền thưởng thì Sở sẽ có văn bản kiến nghị, xử lý”.
Ông Đặng Quang Điều - Viện trưởng Viện Công nhân Công đoàn:
Việc chia thưởng như ở Công ty TMĐTKH là bất cập, chưa tạo ra sự công bằng. Theo quy định của Luật Lao động, tiền thưởng của công ty phụ thuộc vào tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, còn tiền thưởng ở DNNN thì theo quy chế, quy định của công ty. Các quy chế, quy định này đều được người lao động, công đoàn ở công ty thông qua. Và khi chia thưởng, đại diện công đoàn cũng phải được tham gia ý kiến. Trong trường hợp này, công đoàn cơ sở ở Công ty TMĐTKH phải có ý kiến, đề xuất kiểm tra xem mức lương thưởng đã đúng với quy định chưa. Nếu chưa thực hiện đúng theo quy định, phải đề xuất sửa lại quy chế.
Ông Nguyễn Văn Tạo - Giảng viên khoa Quản lý nhân lực (Trường Cao đẳng Nội vụ):
Tiền thưởng được trích từ lợi nhuận của doanh nghiệp, mà lợi nhuận đó là do toàn thể cán bộ công nhân viên của doanh nghiệp làm ra chứ không riêng một cá nhân nào cả. Do đó, tiền thưởng nếu không bằng nhau thì không được chênh lệch quá lớn, gây ức chế cho người lao động. Theo quy định tại điều 64 của Luật Lao động, quy chế thưởng được doanh nghiệp xây dựng phải dựa trên sự tham khảo ý kiến của ban chấp hành công đoàn cơ sở. Trường hợp này, cần xác định xem Công ty TMĐTKH đã có quy chế trả lương, thưởng cụ thể chưa và khi xây dựng có lấy ý kiến của công đoàn không… Nếu thấy quy chế bất hợp lý, công đoàn cơ sở cần có tiếng nói nhất định, trường hợp vi phạm quy chế thì các cơ quan chức năng có thẩm quyền như thanh tra lao động có thể vào cuộc.
Thanh Xuân (ghi)
Mai Khuê