(Tin tuc) - Thay vì được đi lại tự do như hiện nay, vào các giờ cao điểm, tất cả các tuyến đường nội thành Hà Nội sẽ cấm xe máy hoạt động, ưu tiên phương tiện xe buýt, ô tô con, xe đạp… để giải quyết ùn tắc giao thông.
Ngày 18-8, trong buổi làm việc với Sở Giao thông Vận tải, Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Thế Thảo có đưa ra yêu cầu phải nghiên cứu ngay đề án kiểm soát phương tiện cá nhân để hạn chế sự gia tăng của các phương tiện ôtô, xe máy, đồng thời giải quyết ùn tắc giao thông.
Ngay sau đó, ông Vũ Tuyên, đường Láng (Hà Nội) đã đề xuất sáng kiến hạn chế phương tiện cá nhân bằng biện pháp cấm xe máy hoạt động trên các tuyến đường nội thành vào các giờ cao điểm.
Để rộng đường dư luận, cũng như đóng góp sáng kiến cho Đề án kiểm soát xe cá nhân của Hà Nội, chúng tôi giới thiệu giải pháp “Giờ không xe máy” của ông Vũ Tuyên.
Giải pháp ông Tuyên khuyến cáo nên thực hiện là, hàng ngày, vào các giờ cao điểm, toàn bộ khu vực nội thành sẽ cấm xe máy hoạt động. Sáng từ 6h - 8h30; trưa từ 11h - 13h; chiều từ 16h - 18h30. Theo ông Tuyên, trong các giờ cao điểm trên chỉ nên sử dụng phương tiện xe buýt, xe con và xe đạp.
Cứ tắc đường là xe máy lại leo lên cả vỉa hè
Tác giả của bản đề xuất “Giờ không xe máy” cho biết, sở dĩ ông nêu ra phương án trên là vì xe máy rẻ và tiện dụng, nhưng với số lượng quá lớn đang trở thành tác nhân số một gây ùn tắc và tai nạn giao thông. Mặc khác, phương tiện trên khi được điều khiển bởi không ít người tùy tiện và ích kỷ, thì trở thành thảm họa như đã thấy.
Theo ông Tuyên, ưu điểm của giải pháp là nhanh chóng tạo mặt đường thông thoáng cho xe buýt nhờ đó xe buýt có thể chạy đúng giờ, đúng hành trình với số lượng lớn hơn hiện nay. Số người dùng xe buýt sẽ ngày càng tăng. Xe đông khách thì có thể giảm trợ giá.
Hơn nữa, việc cấm sử dụng xe máy vào giờ cao điểm sẽ khiến thời gian dành cho xe máy bị gián đoạn và bất tiện hơn, nhất định số người sử dụng sẽ giảm, thói quen sẽ dần dần thay đổi. Đồng thời, làm tăng ý thức của người tham gia giao thông….
“Mục tiêu của “Giờ không xe máy” là hạn chế tối đa lưu thông bằng xe máy, tăng cường sử dụng phương tiện công cộng”, tác giả của bản đề xuất cấm xe máy nói. Những hệ lụy của việc cấm xe máy?
Đề xuất sáng kiến trên, tác giả của đề án cũng cho rằng, “Giờ không xe máy” có nhiều ưu điểm nhưng cũng khó tránh những hệ lụy không mong muốn. Đó những xáo trộn trong cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày. Hiện mỗi ngày có hàng chục vạn người dùng xe máy đi làm và làm phương tiện mưu sinh. Giờ cao điểm mà cấm xe máy thì khó có sự đồng thuận, vì thế rất cần sự hy sinh của mọi người.
Cảnh thường thấy trên các tuyến đường của Thủ đô
Hơn nữa, do số lượng xe buýt hiện nay không đủ và bố trí luồng tuyến còn hạn chế nên những ngày đầu chuyển đổi nhất định sẽ có hiện tượng ùn ứ, chen lấn tại các bến xe. Tuy nhiên mức độ thế nào là tùy thuộc vào sự chuẩn bị của chúng ta.
Việc sắp xếp lại và tăng luồng tuyến, tăng đầu phương tiện, nhân lực phục vụ phải được tính toán trước. Ngoài ra, việc cấm xe máy vào giờ cao điểm cũng sẽ khiến số người sử dụng ô tô cá nhân tăng.
““Giờ không xe máy” không hạn chế quyền tự do cá nhân mà chỉ là biện pháp tổ chức giao thông để mọi người tự điều chỉnh nhu cầu cho phù hợp với lợi ích xã hội. Xáo trộn nhiều hay ít là tùy thuộc nhận thức của mỗi người và việc tổ chức thực hiện”, ông Tuyên nói.
Theo ông Tuyên, để giảm bớt xáo trộn, thành phố nên đưa ra một lộ trình, trong đó số ngày thực hiện “Giờ không xe máy” trong tuần tăng dần theo mức độ đáp ứng của giao thông công cộng, đồng thời cho phép thực hiện một số “dịch vụ phát sinh” để bù đắp cho bộ phận xã hội có quyền lợi bị đụng chạm.
Tháng đầu khi mới triển khai, mỗi tuần thực hiện “Giờ không xe máy” một ngày để thử nghiệm và rút kinh nghiệm. Từ tháng thứ 2, mỗi tháng sẽ tăng thêm một ngày trong tuần để người tham gia giao thông thích ứng và chuyển đổi dần. Đến tháng thứ 6 thì “ Giờ không xe máy” được thực hiện từ thứ 2 đến thứ 7 hàng tuần.
“Nếu Hà Nội quyết tâm thực hiện thì chỉ sau 2 đến 3 năm các quận nội thành sẽ trở thành địa phương đầu tiên trong cả nước không dùng xe máy như một phương tiện giao thông chủ yếu”, ông Tuyên khẳng định.
Phải biết hy sinh vì lợi ích chung
“Trong quá khứ, Thăng Long - Đông đô – Hà Nội đã nhiều lần là 'quyết chiến điểm' của các cuộc chiến tranh giành độc lập dân tộc. Điều đó có nghĩa cha ông chúng ta đã chịu biết bao hy sinh gian khổ để gìn giữ và làm đẹp mảnh đất này.
Nếu hôm nay, chúng ta chấp nhận hy sinh thói quen dùng xe máy vì biết chắc rằng trong một, hai hay ba năm nữa giao thông của Hà Nội sẽ trật tự, không ùn tắc và an toàn, thì sự hy sinh đó cũng là xứng đáng.
Chắc chắn “Giờ không xe máy” sẽ đụng chạm đến nhiều người. Biết chấp nhận hy sinh thì mỗi người chúng ta sẽ tự tìm được cách thích ứng và chẳng bao lâu sẽ hình thành thói quen mới – Một thói quen văn minh, để có một Thủ đô văn minh. Đó chính là lòng yêu nước”, ông Vũ Tuyên, tác giả đề án “Giờ không xe máy” kêu gọi.
TAGS: cam xe may, noi thanh, tac duong, gio cao diem, tin tuc, tin hot, tin hay
Theo ý kiến của tôi thì đây là 1 phương án cực kỳ thiếu thực tế. Đa phần dân ta còn nghèo, phương tiện đi lại chủ yếu là xe máy nếu như cấm dân làm sao mà mưu sinh? Nếu nói là đi xe buýt và ô tô thì cơ sở đường bộ của chúng ta chưa thể đáp ứng được.
Xe máy là phương tiện di chuyển quan trọng của người dân nước ta trong điều kiện Nhà nước chưa thể đáp ứng đủ phương tiện công cộng cho sự đi lại, sinh hoạt của người dân. Nếu chúng ta phát triển giao thông công công hoàn chỉnh, chất lượng cao thì tự động người dân sẽ từ bỏ xe máy.
xe máy chiếm gần 80% số lượng phương tiện giao thông nhưng chỉ chiếm có 20% diện tích lòng đường trong khi chủ yếu là xe ô tô chiếm phần còn lại !! tạo sao không cấm xe ô tô là nguyên nhân chính và chủ yếu nhất gây ra tắc đường như hiện nay???
Mai Thanh Tùng:cần có tầm nhìn tổng quan khi đưa ra một quyết định
40
Không hợp lý vì mấy lý do sau: Thứ nhất :Tôi cho rằng nguyên nhân chủ yếu gây tắc đường là ô tô bởi đường hẹp khi quay đầu là tắc dây chuyền chứ không phải là xe máy. Thứ hai: Với điều kiện đường xá như hiện nay, xe công cộng chỉ được một số tuyến nên dù muốn hay không vẫn phải đi xe máy Thứ ba: Không có đủ xe công cộng để phục vụ lượng người bị cấm xe máy Thứ tư: Tình hình sẽ nghiêm trọng hơn với việc đi gửi xe máy đi xe buýt rồi xuống xe buýt đi xe máy, rồi đưa đón con cái đi học, đi học thêm v..v Thiết nghĩ nên đảo nội dung cấm xe máy bằng cấm xe ô tô
sao mà cấm nổi, ai cũng có công có việc, ai cũng phải lo cho miếng cơm manh áo. có ai rảnh hơi đi chơi vào giờ cao điểm đâu. thay vì cấm sao chúng ta ko xây dựng hệ thống giao thông cho tốt.
Tôi thấy phương án cấm xe máy trong giờ cao điểm là một phương án thiển cận, không khả thi. 80% người dân sống và gắn bó với xe máy, đi làm, đi học, đi chơi, đón con bằng xe máy và đều trong giờ cao điểm. vậy cấm xe máy họ sẽ sinh hoạt thế nào? đòi hỏi sự hy sinh thì sao ko bắt đầu từ những người có thu nhập cao, một bước lên xe hơi trước. Ách tắc giao thông là tích hợp của nhiều vấn đề: là do quy hoạch nửa vời, luật nửa vời, người thi hành luật nửa vời,... Nếu chúng ta có một thành phố quy hoạch đồng bộ, có luật nghiêm và người dân chấp hành luật tốt thì đã không xảy ra ách tắc giao thông.
Đa phần dân ta còn nghèo, phương tiện đi lại chủ yếu là xe máy nếu như cấm dân làm sao mà mưu sinh?
Nếu nói là đi xe buýt và ô tô thì cơ sở đường bộ của chúng ta chưa thể đáp ứng được.