Mất đống tiền vì công nghệ làm chim giả

22-08-2011 | 09:54| 7 bình luận

(Nguoiduatin.vn) - Một bộ phận kinh tế khá đã nghĩ đến thú vui trong đời sống hàng ngày là ngắm chim, nghe chim cảnh hót, cho chim cảnh đi chiến. Cũng vì cái thú này mà nhiều người bỏ ra vài chục triệu để chơi chim, nhưng không ít người đã mua phải chim rởm từ Trung Quốc mang về mông má bán với cao ngất ngưởng.

Chim cảnh Trung Quốc tràn lan thị trường

Anh Nguyễn Văn Trung (ở Gia Lâm, Hà Nội), một lái chim cảnh, chuyên mua chim từ Trung Quốc về Việt Nam cho biết: Đầu năm, người chơi chim chỉ chăm chăm vào việc đem chim đi thi hót, đi chiến đấu nên công việc buôn bán, trao đổi chim cảnh rất ít. Bắt đầu từ tháng 4 âm lịch, tức hết thời gian ẩm, ướt, nồm của thời tiết thì giới buôn mới "đi hàng" - tức đi mua chim về bán, nhưng không phải mua về là bán được ngay mà phải huấn luyện chim "có nghề" rồi mới bán được giá.

 Đây là khuyên nuôi của gia đình ông Long

Một tháng anh Trung đi lên cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn), sang Trung Quốc vài lần để mua chim cảnh về bán dăm lần. Theo anh Trung, tùy theo việc nắm bắt thị trường của từng vùng mà lái chim mua loại chim gì về bán, về huấn luyện. Anh Trung thừa nhận: Chim cảnh Trung Quốc chất lượng bình dân, thậm chí dưới mức bình dân. "Hàng xịn" phải nhập từ Ấn Độ, Bangladet... vì đó là quê hương của rất nhiều loài chim cảnh. Nếu kiếm được con hoàng khuyên hay hoạ mi ở núi rừng Himalaya thì độc nhất vô nhị rồi...

Cũng theo anh Trung, chim cảnh ở khu vực phía Bắc, miền Trung... phần lớn có nguồn gốc ở Trung Quốc. Giá nhập một con chim cảnh từ Trung Quốc, tuỳ loài, dao động từ vài trăm nghìn đến dưới 3 triệu đồng.

Lái chim vận chuyển về nhà bằng ô tô khách. Anh Nguyễn Quốc Huấn, chuyên chạy xe khách tuyến Mỹ Đình - Lạng Sơn cho biết: Có đến vài lái chim thường xuyên gửi hàng trên xe khách của anh. Lái chim còn tin tưởng nhà xe đến mức, gọi điện lên cửa khẩu cho chủ bán loại chim cần mua để họ đem ra tận xe gửi về. Sau đó, anh Huấn lại cầm tiền lên trả giúp lái chim.

Anh Huấn kể thêm: "Dân - lái chim, lãi lắm. Mua chỉ vài trăm nghìn đồng/con thôi, về sang tay ngay cũng được một vài triệu. Có lái không bán ngay mà bỏ ra khoảng vài tuần hoặc 2-3 tháng huấn luyện chim, bán lãi gấp cả trăm lần là chuyện thường. Có lần, tôi chứng kiến người mua và người bán cãi nhau mà cười vỡ bụng. Họ gọi chim là em làm mình tưởng là đôi bên đang ngã giá vụ tình ái nào đó”.

Chuyện "thổi" giá chim cảnh

Mùa xuân hàng năm, nhiều địa phương tổ chức thi tiếng chim hót. Những con chim được gia chủ chọn đi thi đều được huấn luyện rất kỹ lưỡng. Những con chim đạt giải thường là "hàng khủng", giá chuyển nhượng cao chót vót, có thể lên đến vài trăm triệu đồng. Chim cảnh ở mức trung bình của Vành khuyên, Hoạ mi, Chích choè, Cu gáy, Chào mào... có giá từ 5 đến 10 triệu. Còn loại chất lượng thì vô cùng, nó giá trị hay không phụ thuộc vào người “thổi” nó.

Ông Nguyễn Thành Long, một người chơi chim cảnh lâu năm ở Hải Phòng cho biết: Chim cảnh Việt Nam giá cao hơn chim cảnh có nguồn gốc Trung Quốc vài chục lần. Cụ thể, kiếm được "em" Vành khuyên Việt Nam "xịn", dù chưa biết hót nhưng mã đẹp, có "cơ hội phát triển" trong quá trình huấn luyện thì không dưới 7 triệu đồng.

Trong khi đó, cùng loại, chim Trung Quốc mua tại cửa khẩu chỉ vài chục đến trăm nghìn đồng /con. Theo ông Long, thời gian vừa qua, nhiều người mới chơi chim cảnh bị lái chim "thổi" giá, bán chim giả với giá cao ngất ngưởng.

Ông Long phân tích: Chim Vành khuyên có nhiều loại: Vàng, xanh và nhất bảng là Hoàng khuyên; Chào mào thì có đến 9 phân loài; Hoạ mi có tiểu mi, hót, chiến; Chích choè thì có than, lửa... Tức là người chơi chim phải hiểu biết về chim thì khi đi mua mới không bị lừa. Bởi, lái chim bao giờ cũng giới thiệu rằng, họ bán toàn những loại một, loại độc chứ chẳng lái nào chịu hạ thấp hay nhận chim của mình loại thường cả.

Lái chim Chu Văn Hưng (ở Tiên Du, Bắc Ninh) phân trần: Không biết tự "thổi" giá trị của chim lên thì không phải là lái chim chuyên nghiệp. Với người trong giới, chỉ một câu: Có gì mới không? là biết ngay hỏi về cái gì, loại nào, ra sao. Người chơi đến mua, phần lớn thể hiện mình là đại gia, thích mua chim "xịn", chim độc với tâm lý, giá càng cao thì càng "xịn", càng độc nên bị "thổi" giá là bình thường.

Anh Hưng kể, tháng 6 vừa qua, anh bán được "em mi" - tức chim Hoạ mi, mới biết hót nhưng chưa biết chiến, trừ chi phí, lãi được 6 "củ" - tức 60 triệu đồng. Anh Hưng cho biết thêm, năng lực hót của "em  mi" hơi hạn chế, tôi huấn luyện gần 5 tháng rồi nên biết, giá có cao chút đỉnh nhưng là chim xịn. Nhiều ông khách, đã mua phải chim "đểu" lại còn bị "thổi" giá, nghĩ cũng tội bỏ ra đống tiền mà bị chim không biết hót, không biết chiến bị bạn bè chê cười.

Công nghệ làm giả chim cảnh

Chim Cu gáy, chim Sẻ bụi lưng xanh có thể thành chim Hoạ mi chiến. Theo phân tích của ông Long: Chim Cu gáy và chim Sẻ bụi lưng xanh đều biết hót và có khả năng chiến tốt. Vì thế, nó được làm giả thành chim Hoạ mi. Công nghệ làm giả này đối với lái chim thật quá đơn giản. Họ mua chim nhỏ, chim non về, nhuộm màu lông, cắt, tỉa lông cho giống Hoạ mi.

 Chim cảnh trong tự nhiên

Những người hơi biết về chim, khi mua, họ xem chân. Thấy màu chân phù hợp thì nghĩ đích thị là chim mình cần mua. Thế nhưng, chân đó đã bị nhuộn. Ví dụ, con chim được làm giả thành chim thật, có màu đen, sẽ bị lái xoa một lớp hoá chất, bóc lớp da cũ đi, Sau đó cho chân chim ngâm vào nước màu phù hợp với chim mới do lái muốn tạo ra.

Nước màu đó dĩ nhiên là có hoá chất để nó ngấm vào da chân chim, không bị phai màu hoặc lâu pha màu. Công nghệ nhuộm màu, cắt tỉa lông thì đơn giản hơn, giống như người ta uốn thế cho cây cảnh. Chỉ cần thời gian vài tháng là có thể làm được bộ lông chim mới hoàn toàn giống loại chim lái định tạo thành. Đến khi chim thay lông thì mới biết đó là lông giả.

Ông Thành Long cho biết: Hình dáng bên ngoài không quan trọng bằng nghe tiếng hót. Với những người chơi chim cảnh lâu năm như chúng tôi, nghe chim hót, biết nó ở vùng, miền nào. Hoạ mi Trung Quốc khác với Hoạ mi Việt Nam. Giọng hót của Hoạ mi hay bất cứ loài chim nào của Trung Quốc đều đục hơn, âm vực của nó cũng khác với chim Việt Nam.

Chào mào hót từ 1 đến 4 âm tiết thì chim Trung Quốc thường ít hơn chỉ 3 âm tiết là tối đa. Giọng của nó đục và hơi gằn. Hoạ mi thì càng khác biệt, chim gốc Việt Nam giọng hót thanh, lảnh lót còn chim Trung Quốc, giọng hơi gắt, lảnh lót nhưng rất đanh chứ không trong.

Ông Thành Long kết lại: Dù nguồn gốc chim cảnh Trung Quốc hay Việt Nam, nếu mua được chim "xịn" thì tiếng hót của nó vẫn có thể chấp nhận được. Còn mua phải chim giả, có thể nó chỉ hót một lần hoặc nuôi vài tháng cũng chẳng hót lần nào. Bỏ mấy chục triệu, thậm chí cả trăm triệu để nghe tiếng chim hót mà không được thì coi như bị lừa.       

Nguyên Hằng

Tags: chơi chim cảnh, Trung Quốc, làm chim giả, bị lừa



Bình luận bạn đọc

Họ tên
Email
Mã bảo vệLấy lại
Nội dung
  • Vinh còi (22-08-2011 | 23:44 )

    Hình như nhà báo này mới tập chơi chim thì phải..hay là do bị lái buôn chém??hình trích dẫn đầu tiên là chòe lửa.thì lại ghi là khuyên..làm gì có ai chơi chim mà cu gáy lừa họa mi được? rồi con mi mới hót mà 60tr.trừ khi chim bạch tạng hay gì nhá.bó tay.

  • Minh Thuỳ (22-08-2011 | 23:14 )

    Trong hính lồng chim đang nhốt chú choè lửa rõ ràng mà chú thích ghi là " Đây là khuyên nuôi của gia đình ông Long"?? Đúng là chim giả ngay từ trong hình!

  • Phan Văn Định (22-08-2011 | 22:56 )

    Đúng sự thật khoảng 40% ....Con chòe lửa đuôi dài to con như thế mà bảo "Khuyên". Mời nhà báo xem topic này http://www.arowana.com.vn/forum/f305/anh-em-binh-luan-nhe-65665.html

  • Hải (22-08-2011 | 20:38 )

    Bà nói phét nó vừa vừa thôi, ko biết cái gì thì đừng viết bài về chim...ảnh con choè lửa thì bảo khuyên, cu gáy sẻ bụi mông má thành đc hoạ mi thì loạn rồi, lấy đâu ra mi hót chưa biết chiến 60tr, tôi con chưa nói đến cái khoản 6củ ma bà giám bảo là 60tr dâu đấy...móc đâu ra khuyên chưa biết hót >7tr hả bà?....thôi thôi, càng đọc tôi càng thấy bà chẳng biết 1 cái gì cả....

  • Tranchan79 (22-08-2011 | 17:47 )

    Nhà báo thiếu kiến thức về chim cảnh quá. Tôi không phủ nhận về công nghệ làm giả chim cảnh. Nhưng viết Chim Cu Gáy có thể làm giả thành Họa Mi thì đến chịu với Nhà Báo.Chỉ nên viết những điều mình biết.

  • kazunaki (22-08-2011 | 15:51 )

    Nhà báo không hiểu gì về chim và thu chơi nên viết rất ngây thơ và cẩu thả.

  • nguyễn quân (22-08-2011 | 11:09 )

    Bài viết theo tôi hay về ý tưởng. Nhưng nội dung chưa được sâu . Đề nghị báo viết kỹ và sâu hơn để người đọc thấy được vấn đề báo nêu rõ hơn . Đề nghị báo viết bài về vấn đề cá cảnh (Cá Rồng). Đây là vấn đề rất hay để viết . Cảm ơn báo đã có nhiều bài tôi thấy rất hữu ích .