Thứ Tư, 24/08/2011, 13:26 [GMT+7]
.
.

Vàng nhảy múa, niềm tin quay đầu òa khóc!

(Phunutoday)- Trong gần một tháng trở lại đây, giá vàng tăng phi mã đã khiến đời sống của một bộ phận không nhỏ người dân bị đảo lộn. Những ngày qua, bất chấp thời tiết mưa nắng, bất chấp vàng thế giới có lúc đảo chiều đi xuống và vàng trong nước đắt hơn vàng thế giới cả triệu đồng mỗi lượng, người ta vẫn đua nhau mua vàng bằng mọi giá.

Trong suốt gần 1 tháng vàng liên tục tăng giá, người dân đã đổ không biết bao nhiêu tiền của để đi mua vàng. Nhìn vào số lượng vàng bán ra của các công ty vàng, người ta mới thấy bàng hoàng: hóa ra, dân mình có nhiều tiền thật. Bởi, nếu không có tiền thì sao giá vàng cao như thế, người dân vẫn cứ ào ào đi mua vàng, dù trước đó, người dân cũng đã mua rất nhiều vàng trong những đợt vàng lập đỉnh giá mới.
Thiếu niềm tin vào tiền đồng và kinh tế vĩ mô khiến người dân đổ xô đi mua vàng, chấp nhận mua ở mức giá rất cao. (ảnh Phương Anh)
Theo dõi kỹ thị trường vàng trong nước thời gian vừa qua, người ta mới thấy được một nghịch lý hết sức phi lý, ấy là: Trong khi kinh tế trong nước đang gặp khó khăn, lĩnh vực nào cũng đang cần rất nhiều tiền để duy trì hoạt động sản xuất, thì việc giá vàng cao khiến các tổ chức tín dung đổ tiền sang vàng, còn người dân thì ồ ạt đi rút tiền tiết kiệm và huy động tiền bạc bằng mọi cách để đi mua vàng.

Một điều nghịch lý khác nữa ấy là việc người dân không chỉ đổ xô đi mua vàng khi vàng tăng giá, mà cả khi vàng có dấu hiệu đi xuống, người dân cũng vẫn đi mua vàng một cách điên loạn và mua vàng bằng mọi giá.

Vì thế mới có chuyện, chiều 22/8, khi người dân đã “vét cạn” vàng miếng của Bảo Tín Minh Châu thì sang ngày 23, dù vàng có xu hướng giảm mạnh, người dân vẫn đổ xô đi mua vàng. Vì vậy, sau khi đã hết vàng miếng, tiệm vàng Bảo Tín Minh Châu lại hết sạch cả vàng ở dạng nhẫn. Và, để mua được vàng nhẫn, nhiều người lại phải chấp nhận giao tiền để nhận giấy hẹn mới được nhận vàng sau vài ngày.

Theo dõi thị trường vàng thời gian vừa qua, người viết bài này đã ghi nhận được những câu chuyện hết sức thú vị và cả đau long nữa. Ấy là việc để có tiền mua vàng, người dân không chỉ đi rút tiền tiết tiết kiệm gửi ngân hàng, tiền tiết kiệm, dành giụm của gia đình. Bởi trong lúc vàng tăng, nhiều người đã gấp gáp đòi các khoản nợ của hàng xóm, anh em, thậm chí đòi cả nợ của con cái để lấy tiền mua vàng.

Đặc biệt hơn, có không ít người còn huy động tiền mua vàng bằng việc bán bớt những vật dụng có giá trị trong nhà như xe máy, ti vi, ô tô để… quy ra vàng!
Tình trạng "vàng hóa" nền kinh tế là một điều tệ hại. Nhưng bao giờ "niềm tin" mới thôi quay đầu khóc òa mỗi khi vàng tăng giá, cười duyên và làm mình làm mẩy? (ảnh Phương Anh).

Lý giải tình trạng người dân đang tìm cách mua vàng bằng mọi giá như hiện nay, ông Đặng Văn Quang, một chuyên gia tài chính, hiện làm Giám đốc công ty Tư vấn BĐS NaViGat cho rằng: Hiện, người dân đang bị mất niềm tin vào nền kinh tế, và vàng gần như là nơi “trú ẩn” được nhiều người coi là an toàn nhất hiện nay.

Theo ông Đặng Văn Quang, nếu coi chỉ số của thị trường chứng khoán là chỉ số niềm tin của nền kinh tế thì niềm tin của người dân vào nền kinh tế đã tan vỡ từ lâu rồi. Ngay cả với thị trường BĐS, vẫn được coi là kênh đầu tư bảo toàn vốn số 1 thì thị trường BĐS cũng lại liên tục đi xuống, khiến người dân không yên tâm đổ tiền vào BĐS nữa.

Trong khi thị trường chứng khoán, BĐS đi xuống, nền kinh tế vĩ mô không ổn định khiến lạm phát tăng cao, tiền đồng mất giá khoảng hơn 20% mỗi năm nên lãi suất ngân hàng dù được điều chỉnh, nó cũng không còn hấp dẫn người dân gửi tiền vào ngân hàng. Đúng lúc này, việc Chính phủ đồng ý tăng lương từ tháng 10 cũng khiến nhiều người lo ngại lạm phát sẽ còn tăng, tiền đồng còn mất giá mạnh hơn trong thời gian tới.

Không còn tin vào nền kinh tế vĩ mô, không còn tin vào tiền đồng, vào các kênh trú ẩn khác nên người dân mới đổ xô đi mua vàng. Cơn khát vàng của người dân lên đến đỉnh điểm khi nhiều người bất chấp nguy hiểm, sẵn sang chấp nhận mua  vàng khi giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới đến 2 triệu đồng mỗi lượng.

Cho đến thời điểm này, vẫn chưa có một thống kê cụ thể lượng tiền mặt tại các hệ thống ngân hàng đã bị rút ra bao nhiêu để chuyển sang vàng. Thế nhưng, cứ nhìn vào số lượng vàng các công ty vàng thông báo đã bán ra hàng ngày, nhìn vào những câu chuyện người dân đang giục giã nhau rút tiền tiết kiệm để đi mua vàng, người ta có thể suy đoán lượng tiền bị rút ra khỏi các ngân hàng để chuyển sang vàng tích trữ lớn như thế nào.

Hơn lúc nào hết, nền kinh tế nước ta đang bị tình trạng “vàng hóa” hết sức nghiêm trọng. Tình trạng “vàng hóa” nền kinh tế sẽ không thể được ngăn chặn bởi những biện pháp quản lý hành chính với thị trường vàng. Bởi, nếu giá vàng thế giới tăng, không có lý gì vàng trong nước sẽ không tăng và người dân không tiếp tục rút tiền từ ngân hàng ra để mua vàng, các tổ chức tín dụng sẽ lại không dồn tiền vào đầu tư kinh doanh vàng.

Vì vậy, theo nhiều chuyên gia kinh tế, việc ổn định thị trường vàng và chống hiện tượng “vàng hóa” nền kinh tế thì nhiệm vụ trước tiên vẫn là phải ổn định nền kinh tế vĩ mô, phát triển nền sản xuất và đặc biệt, phải duy trì niềm tin của người dân vào tiền đồng.
  • Nguyên Minh
;
.
.
'; ABDZone[1] = ''; try{ rotatorAdNetwork("ADBCookie", ABDZone); }catch(e){}