Thứ Hai, 29/08/2011 - 06:47

Cà phê thác loạn vẫn… loạn!
Sau một thời gian tạm lắng, nay nhiều quán cà phê kích dục trên địa bàn TPHCM hoạt động trở lại
 >>  Dẹp cà phê thác loạn
 >>  “Lạc” vào thế giới cà phê thác loạn
Tiếp viên quán cà phê Thủy Tú trên đường Minh Phụng (quận 11 - TPHCM) đang phục vụ khách
 
Trở lại các quán cà phê trên đường Ung Văn Khiêm (phường 22, quận Bình Thạnh), Phạm Thế Hiển (phường 4, quận 8) và một số quán trên đường Trương Phước Phan, Hương lộ 2 (phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân), Minh Phụng, Hòa Bình (phường 9 và phường 3, quận 11)… mà Báo đã phản ánh trong tháng 4-2011, chúng tôi ghi nhận mức độ thác loạn tại các quán cà phê này càng trắng trợn hơn dù lãnh đạo UBND TPHCM đã chỉ đạo phải cương quyết dẹp bỏ.

Quán cũ chưa dẹp, quán mới đã mọc lên !

8 giờ ngày 20/8, quán cà phê Thy Thy trên đường Minh Phụng (phường 9, quận 11) đã thu hút khá đông khách ngồi rải rác trong góc khuất, gần chục tiếp viên ăn mặc cũn cỡn dùng đủ mọi động tác để… phục vụ khách. Tiếp chuyện chúng tôi, một tiếp viên cho biết từ đầu năm đến nay, quán này chưa phải đóng cửa ngày nào, thỉnh thoảng có công an phường, đội kiểm tra liên ngành đến kiểm tra rồi về. “Anh cứ yên tâm vui vẻ, không ai dòm ngó đâu mà ngại!”- cô tiếp viên gọi mời. Cách quán Thy Thy không xa là quán cà phê Thủy Tú cũng nhộn nhịp không kém. Tiếp viên của quán này thường mặc đồ hai mảnh để tiếp khách. Tại đây, chỉ cần bỏ ra 100.000 đồng là khách được chiều tới bến.

Trên đường Trương Phước Phan (phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân), sau khi Báo Người Lao Động phản ánh, một số quán đã ngưng hoạt động nhưng hiện nay lại mọc lên nhiều quán cà phê kích dục khác, như T.N, Th.Tr, T.T, Ph.H, N.Ch, L.N… Cạnh đó không xa là Hương lộ 2 cũng xuất hiện nhiều quán cà phê “mát mẻ” như Ph.L, D.Th, N.Ph… Chủ các quán cà phê này hằng ngày bố trí 4-5 tiếp viên ăn mặc “mát mẻ” ngồi trước cửa để chào mời khách.

Đủ chiêu đối phó

Sau khi đi thực tế và làm việc với chính quyền địa phương, tối 26/8, chúng tôi tháp tùng với lực lượng liên ngành của phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân để đi kiểm tra. 20 giờ 15 phút, xe chúng tôi vừa rời khỏi cửa UBND phường, có khoảng 20 thanh niên đi trên xe máy chờ sẵn bám theo. Một thành viên trong đoàn nói với chúng tôi: “Đó là người của các quán cà phê, mình đi đến đâu, họ theo đến đó và điện thoại thông báo cho chủ quán biết để đóng cửa trước khi đoàn đến!”. Và đúng như dự đoán, khi đoàn kiểm tra đến nơi thì các quán này đã tắt điện, cửa đóng im ỉm.

Quay về lại phường, khoảng 30 phút sau, chúng tôi cùng hai cán bộ âm thầm đi kiểm tra trở lại và phát hiện các quán cà phê đã mở cửa đón khách.

Vào quán cà phê 518 trên Hương lộ 2, bốn tiếp viên ăn mặc mát mẻ đang ngồi trước cửa liền kéo tay chúng tôi: “Vào đi, vào nhà rồi chọn em út sau, ở bên ngoài dễ bị hốt về phường đấy!”. Khi chúng tôi vừa vào bên trong, chủ quán cho người đóng cửa lại và kêu tiếp viên ra phục vụ, tuy nhiên đã bị các cán bộ lập biên bản vi phạm. Ngay sau đó, hàng loạt quán trên tuyến đường này đèn bỗng vụt tắt, tiếng kéo cửa nghe chói tai. “Nhìn quán tối như thế nhưng thực tế bên trong vẫn có khách. Thậm chí có quán còn khóa trái cửa bên ngoài, phục vụ khách xong thì mở cửa để khách ra… Biết vậy nhưng theo quy định, chúng tôi không có quyền kiểm tra”- một cán bộ nói. 

 

Quận, huyện than khó!

Sau khi Báo Người Lao Động phản ánh tình hình các quán cà phê thác loạn hoạt động tràn lan, ngày 13-5, UBND TPHCM đã có văn bản giao Sở LĐ-TB-XH, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch phối hợp các cơ quan, UBND các quận, huyện tiến hành thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý vi phạm và rút giấy phép đối với các quán cà phê vi phạm pháp luật để xảy ra hoạt động mại dâm.

Tuy nhiên, theo phản ánh của các quận, huyện, tại điểm a, khoản 1, điều 20 Nghị định 178/NĐ-CP của Chính phủ quy định phạt tiền từ 15 triệu đồng đến 20 triệu đồng nếu sử dụng việc mua dâm, bán dâm và các hoạt động tình dục khác để kinh doanh. Đồng thời theo khoản 3, điều 20 Nghị định 178, ngoài việc bị phạt tiền, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm khoản 1 còn bị tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề. Trong khi đó, theo công văn 5193/BKH/ĐT hướng dẫn của Bộ Kế hoạch - Đầu tư thì giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và giấy phép kinh doanh là hai loại giấy khác nhau. Do đó, việc tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với các quán cà phê thác loạn đang bị vướng.

 
Theo Thành Đồng
Người Lao động