Chương trình phổ thông: Sẽ cắt giảm nhiều bài học trong SGK
GiadinhNet - Bộ GD&ĐT đã tổng hợp để hoàn thiện Dự thảo tài liệu Hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học nhằm giảm tải chương trình - SGK.
Trước những ý kiến chương trình phổ thông quá nặng, ngày 25/8, Bộ GD&ĐT đã tổng hợp để hoàn thiện Dự thảo tài liệu Hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học nhằm giảm tải chương trình - SGK và gửi đến các giáo viên để thực hiện trong năm học mới. Điều này phù hợp với ý kiến một số chuyên gia khi cho rằng nên bớt chương trình để giảm tải trước khi thay toàn bộ SGK.
Điều chỉnh các câu hỏi quá khó
Theo ông Lê Tiến Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD&ĐT), hầu hết các môn học đều có các phần lược bớt kiến thức, giảm bớt yêu cầu, số lượng bài tập. Ví dụ môn lịch sử - địa lý sẽ không yêu cầu học sinh tường thuật diễn biến sự kiện lịch sử mà chỉ kể lại sự kiện theo cách hiểu của học sinh; không yêu cầu học sinh thuộc lòng hệ thống kiến thức mà chỉ cần ghi nhớ những đặc điểm tiêu biểu. Môn đạo đức cũng sẽ lược đi, hoặc không bắt buộc thực hiện những yêu cầu không phù hợp với điều kiện của học sinh (như xây dựng tiểu phẩm, sưu tầm tài liệu...). Ở môn thể dục, giáo viên có thể linh hoạt điều chỉnh việc dạy học phù hợp với điều kiện, trình độ, thể lực học sinh...
|
Học sinh đang phải tiếp thu lượng kiến thức quá nhiều. Ảnh: Chí Cường. |
Cụ thể, bậc tiểu học, có trên 360 điểm được điều chỉnh ở các môn học toán, tiếng Việt, khoa học, lịch sử - địa lý, âm nhạc, mỹ thuật, thể dục. Riêng môn tiếng Việt có nội dung cần điều chỉnh nhiều nhất, trên 80 điểm. Ở chương trình - SGK lớp 4 có 8 bài không dạy. Lớp 5 có 18 bài không dạy. Nhiều nội dung các bài khác được lược bớt, điều chỉnh câu hỏi quá khó, giảm số bài tập bắt buộc đối với học sinh.
Ở bậc THCS, Bộ GD&ĐT cũng điều chỉnh ở 13 môn học. Có nhiều bài hoặc phần trong các bài được cắt bớt không dạy. Một số nội dung quá khó, trùng lặp, không gần gũi và không cần thiết với học sinh, không phù hợp với thực tế cũng được điều chỉnh. Ví dụ môn văn sẽ có gần 20 bài được chuyển sang phần "đọc thêm", 4 bài không dạy, nhiều phần kiến thức, yêu cầu đối với học sinh được giảm bớt. Tương tự, môn lịch sử có 20 bài không dạy và chuyển sang đọc thêm, nhiều bài khác giảm bớt yêu cầu, kiến thức. Các môn học khác đều có đến hàng chục bài sẽ giảm bớt kiến thức, điều chỉnh yêu cầu đối với học sinh. Đặc biệt, các môn giáo dục công dân, công nghệ sẽ điều chỉnh theo hướng cung cấp kiến thức gần gũi với học sinh. Môn công nghệ hướng dẫn giáo viên điều chỉnh nội dung dạy học phù hợp với học sinh nông thôn và thành thị.
Bậc THPT cũng điều chỉnh theo hướng lược bớt, giảm nhẹ yêu cầu ở hầu hết các môn học. Nhiều phần kiến thức được chuyển sang phần đọc thêm, hoặc giáo viên giới thiệu cho học sinh tham khảo.
Thời gian dạy ít, kiến thức "khổng lồ"
Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển, sự quá tải chương trình lâu nay gây bức xúc vì nhiều nguyên nhân. Quá tải vì thời gian dạy học ít nhưng lượng kiến thức đòi hỏi phải trang bị cho các em lại nhiều. Chương trình- SGK viết tương đương trình độ các nước trên thế giới và trong khu vực nhưng ở các nước đó phần lớn học sinh được học 2 buổi/ngày, số học sinh/lớp ít, số giáo viên/học sinh thấp trong khi điều kiện kinh tế- xã hội nước ta mới chỉ đáp ứng một bộ phận không nhiều học sinh được học 2 buổi/ngày. Trang thiết bị dạy học của chúng ta cũng chưa đầy đủ. Do vậy, Bộ GD&ĐT đang và sẽ tiếp tục khắc phục. "Trong năm học này, giảm tải bằng điều chỉnh nội dung dạy học hợp lý là việc làm trong phạm vi khả năng và điều kiện thực tế của chúng tôi", Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển chia sẻ.
Đồng quan điểm này, GS.TS Nguyễn Ngọc Phú - Phó Chủ tịch Hội Tâm lý, Giáo dục Việt Nam cho rằng: "Bộ sách cũ này nên để tồn tại thêm khoảng 3 - 4 năm tới. Chúng ta có thể thêm hoặc bớt SGK chứ chưa nên thay đổi vội bằng cách xóa đi làm lại. Cái gì sai quá ở trong SGK và chương trình thì phải sửa ngay để có một bộ sách không sai".
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết thêm, để xây dựng một danh mục giảm tải như hiện nay, từ hàng năm nay, Bộ GD&ĐT đã thành lập ở mỗi bộ môn một nhóm bao gồm đại diện tác giả chương trình-SGK, cán bộ quản lý, cán bộ nghiên cứu giáo dục, đại diện giáo viên trực tiếp giảng dạy ở các vùng miền nhằm tập hợp các kiến nghị về những nội dung cần giảm tải do giáo viên và các cơ sở giáo dục trong cả 63 tỉnh, thành phố gửi lên. Sau đó các tổ bộ môn lại cùng thảo luận nhằm đảm bảo cắt giảm mà vẫn giữ được yêu cầu tính thống nhất của chương trình-SGK. Và khoảng đầu tháng 9, tài liệu này sẽ ban hành chính thức sau khi hoàn thiện trên cơ sở các góp ý mới để chuyển đến từng giáo viên các bộ môn của các bậc học để thực hiện ngay trong học kỳ 1 năm học 2011-2012.
Không kiểm tra phần lược bỏ Dự thảo tài liệu Hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học vừa được Bộ GD&ĐT công bố trên cổng thông tin điện tử của Bộ từ ngày 17/8/2011 và kêu gọi các tổ chức, cá nhân đóng góp ý kiến để hoàn thiện. Theo đó, việc điều chỉnh giảm tải được thực hiện với tất cả các bậc học, từ lớp 1 đến lớp 12, ở rất nhiều môn học. Trong dự thảo, Bộ GD&ĐT hướng dẫn với những phần kiến thức được điều chỉnh "không dạy" hoặc "đọc thêm". Những phần kiến thức không yêu cầu học sinh phải ghi nhớ, các nhà trường không được tổ chức kiểm tra, đánh giá. Những kiến thức đã lược bỏ cũng sẽ không có trong nội dung đề thi của các kỳ kiểm tra học kỳ, cuối năm, kỳ thi tốt nghiệp... |
Hà Dũng