“Giải phẫu” thanh tục, tục thanh với Cù Trọng Xoay

31-08-2011 | 09:06

(Nguoiduatin.vn) - Với đề tài bướm cùng cách tung hứng khá nhạy cảm của Xuân Bắc (vào vai Trần Xoáy) và Đinh Tiến Dũng (vào vai GS. Cù Trọng Xoay) đã khiến không ít khán giả cho rằng, "Hỏi Xoáy đáp Xoay" (phát sóng 21h20 các ngày thứ 7 trên VTV3) thuộc chương trình “Thư giãn cuối tuần đang lạm dụng yếu tố tục?

Người khen, kẻ chê

Mở đầu câu chuyện, Trần Xoáy thông qua một tình huống quen thuộc để chất vấn GS.Cù Trọng Xoay: "Một bạn gái có nick name Bướm xinh ([email protected]) có hỏi:  "Em là một học sinh cuối cấp 3, và để chuẩn bị cho lễ chia tay các bạn vào cuối năm học, em muốn làm những món quà có ý nghĩa, đẹp đẽ để tặng các bạn. Em muốn bắt các loại bướm để ép vàp sổ. Vậy giáo sư có thể cho em biết các loại bướm được không?".

GS.Cù Trọng Xoay

Sau ít giây chia sẻ về 2 loại bướm, bướm ngày và bướm đêm, GS. Xoay cho biết anh từng là Chủ tịch Hội nuôi bướm của đại học Bôn Ba. Kế tiếp, trả lời câu hỏi đến với hiệp hội nuôi bướm không phải vì kinh tế, Cù Trọng Xoay khẳng định, anh nuôi bướm vì tinh thần và đam mê bướm.

Vị giáo sư tiếp tục cho biết, có 7 cách để nuôi bướm thành công. Một là không cho mượn, cho thuê hay mang tặng bướm cho ai vì như thế sẽ khiến bướm ốm mà chết vì lạ nhà. Hai là không được đánh bướm và bắt bướm phơi nắng. Ba là không được nghịch hay trêu chọc khi bướm mệt mỏi. Bốn, trong trường hợp bướm run râu vẩy cánh theo phản xạ thì phải cho bướm ăn ngay. Năm là phải cho bướm ăn đầy đủ từ khai vị đến tráng miệng, liên tục thay đổi thực đơn để tránh việc gây sự nhàm chán cho bướm (Cái này cũng phải có chiến thuật, ví dụ như thi thoảng phải cho bướm nhịn thật đói, sau đó cho ăn liên tục thì bướm sẽ ăn được nhiều hơn). Phải thể hiện thái độ nâng niu, tận tình nếu không bướm sẽ rơi vào thái độ bị trầm cảm. Nguyên tắc thứ bảy, để chăm sóc bướm của mình tốt nhất thì mình cũng phải tìm hiểu các loại bướm hàng xóm khác để tiện có dịp so sánh và nâng cao sự hiểu biết của mình về bướm cũng như để hiểu hết cái giá trị của bướm nhà.

Chưa hết, khi chuyển sang đề tài hở hang (cũng là câu hỏi của một bạn gái nhưng lại xin phép giấu tên), GS. Cù Trọng Xoay cho rằng hở hang tức là hở những phần khe, kẽ hoặc đồi tự nhiên trên cơ thể. Hang và đồi có liên quan mật thiết với nhau. Đồi càng cao thì hang càng sâu và ngược lại, đồi thấp thì hang càng nông.

Chúng tôi đã trao đổi kỹ, không có yếu tố ẩu ở đây

MC Trần Xoáy tức nghệ sỹ Xuân Bắc tỏ ra bất ngờ khi nhận được câu hỏi của người viết về vấn đề này. Tuy nhiên, là một người khôn khéo, Trần Xoáy từ chối bình luận về những ý kiến phản đối của khán giả. Anh cho rằng: "Hoàn toàn tôn trọng những cảm nhận khác nhau của  khán giả. Khi một vấn đề đưa ra không thể yêu cầu tất cả mọi người đều thích. Người này yêu, người kia ghét là chuyện bình thường". Trả lời cho câu hỏi: "Liệu "Hỏi Xoáy đáp Xoay" có lạm dụng yếu tố tục?". Xuân Bắc cho rằng thanh hay tục là tùy theo cách hiểu. "Khi dựng chương trình chúng tôi đã có sự trao đổi kỹ lưỡng giữa các thành viên trong ê- kíp nên không có yếu tố ẩu ở đây. Còn hiểu thế nào đó là việc của khán giả. Quan trọng là chúng tôi đã mang lại được những tiếng cười, dù không phải khán giả nào xem cũng cảm thấy hài lòng, sảng khoái", Xuân Bắc bày tỏ. Khác với Xuân Bắc, Đinh Tiến Dũng, người vào vai Cù Trọng Xoay  lại chọn cách im lặng và từ chối bình luận.

Ngay sau khi clip "Hỏi Xoáy đáp Xoay" số 46 (phát sóng 21h20 tối thứ 7 ngày 20/ 8/2011 trên VTV3) được tải lên mạng Youtube, có nhiều bình luận trái chiều nhau. Trong đó, người khen cũng lắm mà người chê cũng nhiều. Một độc giả có tên [email protected] viết: "Chương trình lần này quá nhạt, nhảm nhí và có phần dung tục. Nếu giáo sư trả lời kiểu này thì không thể trách khán giả hiểu theo nghĩa đen tối, thô thiển được.

Cùng đồng tình với ý kiến này, bạn [email protected] bình luận: "Chương trình này mới đầu thì hay nhưng bây giờ nhàm quá, bí đề tài hay sao mà toàn thấy xoáy vào những cái thiếu tế nhị nếu không nói là "bựa". Đặc biệt có rất nhiều ý kiến tranh luận về việc Trần Xoáy (Xuân Bắc) nhắc đến huấn luyện viên bóng đá nổi tiếng Alex Ferguson. Trong khi một số cho rằng việc Trần Xoáy bông đùa rằng gọi ngài Ferguson bằng bướm đêm Ferguson hoàn toàn không vấn đề gì thì một số khác lại cho rằng như thế là không ổn lắm. Ông ấy đã 70 tuổi, có thể không phải là ông bà mình nhưng cũng bằng tuổi những bậc “sinh thành của sinh thành”, đáng để kính trọng. Tuy là chương trình giải trí nhưng cũng phải có chừng mực.

Anh Đặng Tuấn Nguyên (ở Liễu Giai, Hà Nội), một khán giả trung thành của chương trình "Thư giãn cuối tuần", đặc biệt là chuyên mục "Hỏi Xóay đáp Xoay" của Trần Xoáy và GS. Cù Trọng Xoay cũng tỏ ra bất ngờ, ngao ngán với kịch bản lần này. “Đây là chương trình tôi yêu thích và chờ đợi nhất trong tuần nhưng vẫn choáng bởi những câu hỏi và trả lời "dã man" của Xuân Bắc và Đinh Tiến Dũng lần này”, anh Nguyên nói.

Bên cạnh những lời chỉ trích, phản ứng gay gắt cũng có những ý kiến tỏ ra bênh vực  sự thông minh, dí dỏm, trí nhớ thiên tài đáng nể của GS. Xoay. Tuy nhiên chưa bao giờ "Hỏi Xoáy đáp Xoay" lại vấp phải những bình luận thiếu thiện chí đến vậy.

Mong manh ranh giới giữa thanh và tục

Những ý kiến trái chiều về một game show hài được xem là thành công nhất hiện nay khiến công chúng đặt ra câu hỏi: Có phải các nhà sản xuất, nhà biên kịch đã cạn đề tài. Vì thế mà họ phải mượn đến những yếu tố tục để gây cười cho khán giả thay vì tìm đến những yếu tố giàu tính nhân văn?

Nghệ sỹ hài Xuân Bắc

Mang câu hỏi này đến một nhà văn nổi tiếng, ông cho rằng: "Ranh giới giữa tục thanh và tục thô rất gần nhau. Giống như thơ của Hồ Xuân Hương ngày xưa. Để đi đến được ngày hôm nay, thơ của bà cũng phải trải qua rất nhiều những định kiến. Thậm chí một thời gian người ta gọi đó là thơ tục. Mượn cái tục để nói cái thanh là một nghệ thuật. Cái tục là sự trần trụi, cái thanh là sự mài giũa để vấn đề trở nên nhân văn hơn. Tôi nghĩ "Hỏi Xoáy đáp Xoay" đã làm được hai vấn đề. Vừa mang tính hài giải trí, vừa mang tính khoa học, hiểu biết. Điều đó không phải show hài nào cũng làm được. Thời buổi bây giờ, nói để người ta chửi dễ hơn là nói để người ta cười vui”.

Một chuyên gia trong lĩnh vực truyền thông cho biết, chương trình nào dù hay đến mấy nếu nhiều quá sẽ gây sự nhàm chán. Biên kịch bị khai thác quá nhiều cũng có lúc phải bí đề tài. Ca sĩ giỏi cũng có lúc hát hay lúc không chứ không phải lúc nào, ở đâu cũng giữ được phong độ. Diễn viên càng như vậy. Tuy nhiên, phải thẳng thắn thừa nhận, hài miền Bắc vẫn bị kêu là lạm dụng yếu tố tục nhiều hơn hài miền Nam (?). Có lẽ vì người Bắc mình quen với lối suy nghĩ sâu xa, bóng gió. Kể cả những danh hài được xem là số 1 miền Bắc hiện nay vẫn bị khán giả bình luận là dùng nhiều văn ngữ tục trong khi diễn.

Mặc dù vậy, có lẽ, ở một lúc nào đó, "Hỏi Xoáy đáp Xoay" đã lỡ bước sang bên kia ranh giới của thanh và tục cho nên mới có nhiều đến thế những ý kiến trái chiều của khán giả. Tôn trọng công chúng là một phần trách nhiệm của nghệ sĩ. Bởi vậy, hi vọng ở những chương trình tiếp theo, "Hỏi Xoáy đáp Xoay" sẽ làm hài lòng người xem mà ít sự phàn nàn hơn bởi chất dí dỏm hài hước quanh những vấn đề thanh tục, tục thanh. Những mong, Trần Xoáy và GS. Xoay ngày càng được sự chờ đợi và yêu thích của khán giả.    

Đào Bích

Tags: cù trọng xoay, hỏi xoáy, đáp xoay, gặp nhau cuối tuần



Bình luận bạn đọc

Họ tên
Email
Mã bảo vệLấy lại
Nội dung