(GDVN) - "Với đặc thù của nghề mổ lợn, Luyện đã quen với cảnh máu me và có thể chịu đựng tiếng kêu thảm thiết của con vật khi bị giết thịt"...
Như đã đưa tin, sau nhiều ngày điều tra vất vả, ban chuyên án vụ án thảm sát cướp vàng ở Bắc Giang đã xác định được hung thủ gây nên thảm án này là Lê Văn Luyện (SN 1993, trú tại thôn Sân Đình, xã Thanh Lâm, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang).
|
Khám nghiệm hiện trường |
Trao đổi với phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam, nhiều người dân ở đây cho hay: họ hết sức kinh ngạc khi biết Luyện lại chính là kẻ giết người không gớm tay. Ở làng, bình thường Luyện khá hiền, thậm chí với nhiều người thì “thằng này nhìn thấy tiền rơi không biết nhặt”.
Vậy tại sao một con người còn rất trẻ và hiền lành lại có thể ra tay một cách tàn bạo đến mất nhân tính như vậy? Phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với PGS, TS. Trịnh Hòa Bình - Giám đốc Trung tâm dư luận xã hội (Viện Xã hội học).
Theo PGS, TS. Trịnh Hòa Bình lý giải: “Trong trường hợp này có lẽ đang có nhiều quan điểm, giữa hiền lành trong cuộc sống đời thường với con người đặt trong một tình huống cụ thể.
Thứ nhất: Trong tích tắc một người có thể vượt qua giới hạn giữa sự hiền lành và trở thhành kẻ khác, sẵn sàng làm những điều thay đổi toàn bộ cuộc đời khi ở bên kia giới hạn.
Thứ hai: cái hiền lành được nhiều người dân địa phương nhận xét về Luyện, rất có thể phiến diện vì trong sinh hoạt hàng ngày người ta chưa nhìn thấy y “tắm” vào trong một mối quan hệ cụ thể nào đó".
Lý giải việc hung thủ không ra tay hạ sát cháu Bích đến cùng, ông Bình nói: “Điều này có thể do hung thủ bị sức ép về mặt thời gian hoặc không có bản lĩnh cao đến mức quyết tâm diệt cỏ tận gốc hoặc vì một tiếng động nào đấy mà hung thủ bỏ cuộc truy sát cháu Bích".
Ông Bình cho biết thêm: "Có thể khi hạ sát, các hung thủ rơi vào trạng thái tâm lý "đâm lao phải theo lao" sợ bị phát hiện nên đã nhẫn tâm ra tay sát hại cả gia đình như vậy.
Không chỉ vậy, tôi được biết, anh Trịnh Thành Ngọc đã đi xuất khẩu lao động 10 năm ở Đức về và có một khoản tiền khá lớn. Như vậy, ngoài lòng tham có thể có thêm tâm lý “trâu buộc ghét trâu ăn”, ghen ghét khi thấy gia đình nạn nhân có nhiều tiền mà ra tay sát hại cả gia đình".
|
Việc khám xét nhà hung thủ thu hút nhiều người dân quan sát |
Ngoài ra, xét về phương diện xã hội, ông Bình phân tích: "Bố mẹ Luyện làm nghề mổ lợn, với đặc thù của nghề này, Luyện đã quen với cảnh máu me và có thể chịu đựng tiếng kêu thảm thiết của con vật khi bị giết thịt.
Cho nên khi người dân khen Luyện hiền lành là có thể có ý muốn so sánh với những người trong gia đình làm nghề đó thôi. Chúng ta cứ bình tĩnh mà suy xét".
Ông Bình kết luận: “Tôi chỉ muốn cung cấp một cách tiếp cận: chỗ nước lặng không phải là chỗ nước không sâu. Con người ta đứng trước một mối lợi rất lớn và nghĩ là an toàn khi chiếm mối lợi ấy thì máu tham nổi lên. Nhất là nghi phạm lại sinh ra trong một gia đình làm nghề mổ lợn quen buôn bán và quen với máu me rồi.
Tất cả gồm: bối cảnh, tình huống, lòng tham, nghề nghệp cùng với sự ganh ghét và cảm nhận thấy sự an toàn khi ra tay cũng có thể làm cho người ta ra tay".
"Tôi cho là chúng ta chưa có đầy đủ thông tin. Khi có đầy đủ thông tin chúng ta sẽ có thể hiểu hơn việc tại sao một người trông hiền lành lại có thể ra tay với đồng loại của mình một cách dã man đến như vậy". Ông Bình khẳng định.