"Năm 2015 sẽ không còn người ăn xin"

04/09/2011 07:59:40
- Giải quyết nạn người lang thang, ăn xin, chèo kéo khách du lịch… làm mất mỹ quan đô thị, TPHCM đã liên tục triển khai nhiều biện pháp quyết liệt.
TIN LIÊN QUAN

Một phương án mới của thành phố có mục tiêu cụ thể là "Năm 2015  sẽ không còn người ăn xin" khiến người dân mong đợi và không khỏi băn khoăn!

Bà Phan Thanh Minh (trưởng phòng Bảo vệ Chăm sóc Trẻ em, Sở Lao động - Thương binh & Xã hội TPHCM): Sẽ kiên quyết thực hiện

Chúng tôi cũng nghĩ đến chuyện nếu một đứa trẻ nhỏ thì ăn xin, lớn lên lang thang không việc làm thì rất nguy hiểm nhưng cái khó là lực lượng còn mỏng. Giải pháp chấm dứt tình trạng người ăn xin trên địa bàn thành phố hiện nay đến năm 2013 đang triển khai đến các quận trung tâm như 1, 3, 4, 5, 6, 10, Bình Thạnh, Tân Bình, Phú Nhuận.

Các quận còn lại sẽ được thực hiện và đến năm 2015 sẽ hoàn thành, tất nhiên là sẽ khó khăn bước đầu nhưng sẽ kiên quyết thực hiện, đây là việc cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban ngành và chính địa phương cũng như người dân toàn thành phố.

Người ăn xin đeo bám du khách. Ảnh: Trần Hải
Người tốt bụng, hảo tâm cũng nên thay đổi cách cho, cách giúp đỡ.     Ảnh: Trần Hải

ThS Vũ Toản (khoa Xã hội học, trường đại học KHXH&NV TPHCM): Hay nhưng thực hiện không dễ

Đây là ý kiến hay, nhưng việc thực hiện sẽ không dễ dàng nhất là đối với một thành phố mà lượng người nhập cư quá đông, khi đặt ra vấn đề này thì đã tạo nên áp lực cho các nhà lãnh đạo, một mặt phải làm cho được, đúng tiến độ và phải giải quyết được số người ăn xin kia có việc làm ổn định, có thu nhập mới không tái lại tình trạng ăn xin.

Bên cạnh đó, những người già, trẻ em cần được chăm sóc và nuôi dưỡng tại các trung tâm bảo trợ xã hội cần phải thực hiện, chưa kể là cấm quận này thì qua các quận khác xin ăn, cứ thế chạy vòng vòng chẳng khác nào bắt cóc bỏ dĩa. Bao giờ còn có người cho, người bố thí thì còn có người xin ăn.

Anh Lê Văn Tám (phường 2, Tân Bình, TPHCM): Nên thay đổi cách cho

Tôi thấy đây là việc nên làm vì hiện nay đi chỗ nào cũng thấy người ăn xin, người già, trẻ em hoặc có những thanh niên lười lao động cũng giả tật nguyền mà ăn xin. Có lần tôi gặp một thanh niên quỳ xin tiền mọi người đi chợ với bộ dạng đói kém run rẩy, nhìn thấy bất bình tôi nói: Rất nhiều người tật nguyền còn cố gắng đi làm kiếm tiền nuôi sống bản thân, nhìn anh đâu đến nỗi mà đi xin. Anh ta quay lại chửi tôi, giận quá tôi quay lại định đánh anh ta thì anh đứng lên bỏ chạy, đó là những người khoẻ mạnh nhưng không muốn làm ăn mà chỉ thích đi xin.

Không cho thì tội nghiệp mà cho một người thì những người khác vây quanh không buông tha. Không những thế nhiều người còn vào tận các cửa hiệu trộm đồ, nhất là các điểm tham quan du lịch du khách cứ bị chèo kéo. Không thể không có chuyện xin ăn trong xã hội nhưng bằng mọi biện pháp các nhà lãnh đạo ngăn chặn được và làm giảm bớt sẽ tốt hơn rất nhiều, từ ăn xin đến cướp giật là không có khoảng cách, xin không được thì giật, nếu là trẻ em thì trở thành mầm mống cho những tội phạm nguy hiểm.

Tôi nghĩ, người tốt bụng, hảo tâm cũng nên thay đổi cách cho, cách giúp đỡ. Nên vận động mọi người đóng góp cho một trung tâm xã hội nào đó để góp phần vào việc dạy nghề cho những người này có tương lai thì vẫn tốt hơn là cầm tiền cho trực tiếp.

Thầy Nguyễn Thiên Hải (phụ trách Mái ấm Ánh Sáng, số 80/76 Trần Quang Diệu, quận 3, TPHCM): Sẵn sàng đón nhận người cơ nhỡ

Hiện nay, các trung tâm hỗ trợ xã hội và nhiều mái ấm đã nhận nuôi các em cơ nhỡ, lang thang và cho học văn hóa,  học nghề theo sở thích để các em phát huy khả năng hòa nhập vào cộng đồng trở thành người hữu ích. Tôi nghĩ muốn thực hiện giải pháp chấm dứt tình trạng ăn xin lang thang TPHCM cần có nhiều trung tâm hơn nữa hoặc với những nơi hiện có cần được đầu tư về đội ngũ nhân lực.

Đối với một người quen sống tự do khi được đưa vào trung tâm, nhà trường sẽ gây ra những xáo trộn lúc đầu, hoặc cơ sở cần được mở rộng để giáo dục người mới và ổn định người cũ. Các nhà tình thương luôn sẵn sàng đón nhận và tạo điều kiện tốt nhất để giúp cho những người cơ nhỡ có điều kiện làm lại cuộc sống cho cuộc đời mình.   
    
Đến năm 2010, TPHCM đã tập trung hơn 8.500 người lang thang, ăn xin. Trong đó, chỉ gần 900 người cư trú tại TPHCM, số còn lại đến từ địa phương khác. Quận 1 trong năm 2010 và 6 tháng đầu năm 2011 đã tập trung 1.031 người lang thang. TPHCM  hiện có 124 trung tâm bảo trợ xã hội. Năm 2009 - 2010, các Trung tâm GDTX, BTXH đã xây dựng kế hoạch, tổ chức dạy một số nghề phổ thông như chăm sóc cây kiểng, cắt may, thợ nề... cho 542 người và dạy văn hóa cho 548 người lang thang. 
(Số liệu của Sở LĐ-TB&XH TPHCM)

Quỳnh Anh (thực hiện)
.
Xin vui lòng gõ Tiếng Việt có dấu
.