Thứ Hai, 05/09/2011, 08:34 [GMT+7]
.
.

Nghe quảng cáo lập lờ, bùi tai nhưng sai sự thật

(Phunutoday) – Muốn thúc đẩy việc bán hàng thì quảng cáo gần như là phương pháp tối ưu được các doanh nghiệp lựa chọn. Không còn lạ lẫm với những câu slogan đánh đúng tâm lý người tiêu dùng như: “Nước mắm ngon vì sức khỏe”, “Hạt nêm không bột ngọt”, “Mì gói không sử dụng dầu ăn chiên đi chiên lại nhiều lần”… Thế nhưng, trong những câu slogan quảng cáo đó thì có được bao nhiêu phần trăm là sự thật?

Sự thật từ những quảng cáo “câu khách”

Ngày nào cũng vậy, từ những khung giờ ít người xem nhất như từ 7h -10h, 13h – 17h hay cho đến những khung giờ hút khách như 11h-12h, 18h – 22h… đều dễ dàng nhận thấy hàng loạt các quảng cáo được đan xen trong các chương trình Tivi.

Ngay cả một cô bé, cậu bé 4-5 tuổi cũng thuộc lòng những mẩu quảng cáo như: “Mẹ chọn là nhất”, “Nhà mình rất thích nước tương, mỗi người có riêng một bát nước tương để chấm… Nước tương Chinsu không có chứa 3-MCPD nên an toàn cho cả nhà” thì đủ thấy mức độ truyền tải của các thông điệp quảng cáo rộng rãi đến thế nào. Thế nhưng, sự thật từ những gì quảng cáo so với trên thực tế thì được bao nhiêu phần trăm?

Bên cạnh đó, mì Tiến Vua của Masan cũng quảng cáo là không sử dụng dầu chiên đi, chiên lại nhiều lần nhưng trong kết quả phân tích mà một khách hàng mang đi kiểm nghiệm sản phẩm mì ăn liền Tiến Vua hương vị tôm chua cay tại Công ty cổ phần dịch vụ khoa học công nghệ, lại cho ra kết quả 0,097% Transfat.
Mô tả ảnh. Mô tả ảnh.
Mì Tiến vua được quảng cáo là không sử dụng dầu chiên đi chiên lại nhiều lần nhưng thực chất vẫn sử dụng dầu chiên lại
Một đơn cử thứ hai để người tiêu dùng có thể nhìn rõ hơn về sự thật trong một số mẫu quảng cáo là quảng cáo “hạt nêm Chinsu không bọt ngọt”, mà thực chất là siêu bột ngọt. Với ý đồ đánh vào tâm lý sợ bột ngọt gây đau đầu ở người tiêu dùng, Masan đã tung ra quảng cáo “hạt nêm không bọt ngọt” để cạnh tranh với các đối thủ. Tuy nhiên, ngay sau khi tung ra quảng cáo không lâu, mẫu hạt nêm không bột ngọt này của Masan đã được đưa đi kiểm nghiệm tại Trung Tâm dịch vụ phân tích thí nghiệm thuộc Sở KHCN TPHCM. Phiếu kiểm nghiệm cho thấy: bột nêm không bột ngọt Chin-su có hàm lượng 1,21% monosodium glumate (còn gọi là bột ngọt).

Nhưng không chỉ riêng gì hạt nêm Chin-su, một nghiên cứu của Viện Vệ sinh y tế cộng đồng (TP HCM) cũng đã từng đưa ra các kết quả xét nghiệm mẫu hạt nêm Knorr, Maggi cũng chứa siêu bọt ngọt. Và thực chất, trong các loại hạt nêm này, thành phần không hoàn toàn kết tinh từ nước hầm xương, thịt như các lời quảng cáo: “100% từ nước hầm xương”, “ngon từ thịt, ngọt từ xương”, “tốt hơn cho sức khỏe”… mà có chứa rất nhiều bột ngọt.

Đơn cử thứ ba là sản phẩm “nước tương ngon vì sức khỏe” vẫn được quảng cáo trên Tivi. Trước đó, năm 2008, sản phẩm nước tương Chinsu đã từng bị Bỉ cáo buộc là thừa chất gây ung thư. Theo đó, cơ quan chất lượng an toàn thực phẩm Bỉ đã khuyến cáo người dân không dùng nước tương Chinsu vì có lượng chất độc 3-MCPD vượt mức cho phép tới 172 lần. Tuy sau đó đại diện của Vitecfood có khẳng định lại là nhiều khả năng loại nước tương dư thừa 3-MCPD đang bán tại Bỉ chỉ là hàng giả, hàng nhái vì Vitecfood chưa xuất khẩu Chinsu sang Bỉ lần nào, song uy tín của của nước tương Chinsu vẫn có phần giảm sút.

Một sản phẩm nước mắm cũng trình làng với quảng cáo “nước mắm Chinsu cá hồi”, chiết suất từ hương vị cá hồi Bắc Âu. Thực chất, cá hồi là loại cá hiếm và rất đắt, không có để ăn, nhưng lại hội tụ trong sản phẩm nước mắm Chinsu chỉ có vài chục ngàn đồng?
Mô tả ảnh. Mô tả ảnh.
Nước mắm Chinsu cá hồi và Nam Ngư đệ nhị được quảng cáo là "hảo hạng" có giá vài chục ngàn đồng?
Bên cạnh đó, các sản phẩm khác như Nam Ngư, Nam Ngư Đệ Nhị, nước mắm hảo hạng Chinsu… đều có thông điệp quảng cáo: Không đổi mùi, xuống màu, trong đến cuối chai, nước mắm hảo hạng, vì sức khỏe… Trong khi đó, nước mắm Nam Ngư có thời điểm độ đạm không đảm bảo, chỉ có 6-7 độ Nitơ (còn hàm lượng công bố trong bao vì là 10g N/1 lít). Hay nước mắm thượng hạng theo tiêu chuẩn nước mắm Việt Nam là phải từ 25 độ N – 29 độ N, còn nước mắm Chinsu hiện nay chỉ đạt 12 độ N, hoàn toàn chưa đủ tiêu chuẩn để sử dụng từ “nước mắm hảo hạng”.

Xử phạt với những quảng cáo sai sự thật là rất khó?

Mới đây, ngày 29/6, ông Nguyễn Thanh Phong - Cục phó Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm (Bộ Y tế), trả lời trên Lao Động cho rằng: Gần đây có nhiều mẩu quảng cáo nhạy cảm bị yêu cầu chỉnh sửa do gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng. Chủ yếu trong đó là hành vi sử dụng thành phần (có tỉ lệ cực nhỏ trong sản phẩm) để đặt tên cho cả sản phẩm, hoặc dùng ký hiệu để ghi thành phần nguyên liệu khiến nhiều sản phẩm chứa siêu bột ngọt lại được quảng cáo là không bột ngọt, hoặc sản phẩm có tên là xương, thịt, cá nhưng thực chất thịt, cá chỉ chiếm 1-2%.

Ông Phong cũng cho rằng, theo quy định hiện hành, các quảng cáo quá mức và vi phạm các quy định bị xử phạt 5-10 triệu đồng, chưa đủ sức răn đe.

Bên cạnh đó, ông Trần Quang Trung, Chánh Thanh tra Bộ Y tế cho biết, trước đây (năm 2008) hạt nêm Chinsu có bột ngọt mà lại quảng cáo là không có bột ngọt là đánh lừa người tiêu dùng. Vì thế, Bộ Y tế đã đình chỉ việc quảng cáo sản phẩm Chinsu với nội dung nói trên.

"Sản phẩm hạt nêm Chinsu đã được Cục ATVSTP cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Tuy nhiên, sản phẩm này chưa bao giờ được cấp phép quảng cáo với nội dung sản phẩm không bột ngọt như nội dung về sản phẩm này đang được quảng cáo rầm rộ trên báo, đài" – Ông Nguyễn Thanh Phong cho biết thêm.
Mô tả ảnh. 13.jpeg
Hạt nêm Chinsu được quảng cáo là không bọt ngọt nhưng thực chất là siêu bột ngọt.
Còn theo TS Đoàn Phương, Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng (Vinastas) cho rằng: "Chỉ cần bật tivi hay mở trang báo ra là vô vàn quảng cáo với rất nhiều thông tin, khiến người tiêu dùng không biết đường nào mà lần. Thông thường, họ nói không đúng sự thật, như sữa chẳng hạn, chỉ có mấy thành phần chính nhưng quảng cáo cho thêm chất nọ chất kia. Chưa kể nhà sản xuất, phân phối còn tự ý nâng giá gấp 3 - 4 lần".

Về việc này, chúng tôi cũng làm việc với các bộ, ngành về việc quản lý thông tin quảng cáo, tuy nhiên hiện việc quản lý thông tin quảng cáo đang rất hổng. Mặc dù đã có quy định cấm quảng cáo sai, đánh lừa người tiêu dùng nhưng cụ thể thế nào là đánh lừa, đánh lừa đến mức nào thì chưa có quy định cụ thể, thiếu cơ sở để xử. Chúng tôi cũng nhiều lần làm việc với cơ quan liên quan để có thể khởi kiện một số vụ việc điển hình để răn đe, nhất là trong lĩnh vực thực phẩm… nhưng chưa thể tiến hành" - ông Phương cho biết.

Lý giải việc khởi kiện và xử phạt đối với những quảng cáo sai sự thật là rất khó, ông Phương cho rằng kinh phí của Hội còn quá hạn hẹp. Mỗi mẫu mất mang đi kiểm nghiệm tiêu tốn từ 1 đến vài triệu đồng. Và phải tốn số tiền đến hàng trăm triệu thì mới đủ đánh động đến cơ quan quản lý nhà nước. Bên cạnh đó người tiêu dùng Việt Nam cũng còn e ngại việc kiện tụng để bảo vệ quyền lợi cho mình, mức án phí để đưa vụ việc kiện ra tòa cũng rất cao. Cho nên nhiều lúc việc khởi kiện và xử phạt đối với những doanh nghiệp quảng cáo sai sự thật là rất khó.
  • Duyên Duyên
;
.
'; ABDZone[1] = ''; try{ rotatorAdNetwork("ADBCookie", ABDZone); }catch(e){}