PGS.TS Trịnh Hòa Bình: ‘Nguyễn Đức Nghĩa còn ghê tởm hơn Lê Văn Luyện’

Thứ ba, 06/09/2011 10:44

Chia sẻ với báo giới về dư luận xã hội những ngày qua xung quanh vụ thảm sát tại tiệm vàng Ngọc Bích, PGS.TS Trịnh Hòa Bình - GĐTT Dư luận xã hội (Viện XHH) không lấy làm lạ...

...khi nhiều người đang hồi tưởng lại vụ án kinh hoàng của Nguyễn Đức Nghĩa hơn một năm về trước và đặt lên bàn cân so sánh.

Bi kịch chung của hai kẻ “cuồng” game online


Trong khi cả xã hội đang sôi sục với hành vi “trời không dung, đất không tha” của kẻ sát nhân tại tiệm vàng Ngọc Bích cũng là lúc không ít người nhớ tới Nguyễn Đức Nghĩa, kẻ đã gây ra vụ án mạng xác chết không đầu kinh hoàng cách đây hơn một năm.

Trên mạng cộng đồng Facebook, có tới gần chục Hội được lập ra để cùng lúc lên án hai kẻ sát nhân này như: “Hội những người phát cuồng vì Luyện – Quang – Nghĩa”, “Bộ ba sát thủ: Nghĩa Ngốc Nghếch - Quang Quằn Quại - Luyện Lừng Lẫy”, “Nghĩa ngu ngốc – Quang quằn quại – Luyện liều lĩnh - Bộ 3 sát thủ đích thực”…. Không chỉ vậy, nhiều ý kiến đưa ra so sánh: giữa Nghĩa và Luyện, ai là kẻ đáng trách hơn?


Lê Văn Luyện và Nguyễn Đức Nghĩa

Hoàn toàn chia sẻ điều này, PGS.TS Trịnh Hòa Bình cho rằng: “Cả hai vụ việc mà Lê Văn Luyện và Nguyễn Đức Nghĩa gây ra đều khiến dư luận hết sức phẫn nộ bởi hành vi dã man và tàn bạo”.

Ông Bình phân tích, ở hai kẻ sát thủ này không phải không có nhiều điểm chung: “Cả hai đều là những kẻ giết người và dường như đều có sự suy nghĩ từ trước chứ không phải bộc phát. Trong quá trình điều tra, Luyện khai rằng vì cắm xe nên nghĩ đến chuyện cướp tiệm vàng để trả nợ. Trong khi đó, Nguyễn Đức Nghĩa sau khi giết chết người yêu cũ đã mang tài sản đi cầm cố vì thua cá độ".

"Nhưng dường như, hoàn cảnh đu đẩy dẫn đến hành vi giết người quyết liệt và tàn bạo của hai hung thủ này còn phụ thuộc vào thời khắc phạm tội. Ngay từ lúc đầu, rất khó để có thể nói Luyện đến tiệm vàng Ngọc Bích để chủ định giết 3, 4 người mà có thể động cơ chính của hắn chỉ là cướp tiền, cướp vàng. Song do sợ bị phát hiện và tố cáo nên buộc phải giết người, diệt khẩu”.

Có một điểm nữa mà ông Bình cho rằng, khi nói tới, các ông bố, bà mẹ nói riêng và xã hội Việt nói chung sẽ không tránh khỏi hoang mang, lo lắng. Đó là hai kẻ thủ ác này đều là những con nghiện “cuồng” của game online bạo lực, trò chơi mà cả xã hội đã nhiều lần lên tiếng, cảnh giác.


Tiến sỹ Trịnh Hòa Bình

Học hết lớp 9 rồi nghỉ, Luyện bỏ đi làm thuê và sa vào game online. “Món ăn” Luyện ưa thích nhất trên “mạng” là trò chơi “Kiếm thế”. Trong khi đó, Nghĩa không chỉ chơi game mà còn là một ‘cao thủ”. Hắn giỏi chơi game tới mức kiếm được tiền và thu phục cả bạn gái. Thậm chí, sau khi chia tay, Nghĩa vẫn hẹn được bạn gái cũ cầm máy tính xách tay tới nhà để cùng chơi.

“Suy cho cùng, con đường dẫn đến việc gây án đều xuất phát từ điểm cả hai tôn thờ giá trị nào? Đó là không sẵn sàng lao động, không nhập cuộc mà chỉ muốn hưởng thụ. Một trong những biểu hiện đáng lo lắng của một bộ phận giới trẻ hiện nay’, ông Bình nói.

“Hành động của Nguyễn Đức Nghĩa ghê tởm hơn rất nhiều” (?!)

Điểm khác nhau lớn nhất giữa hai kẻ thủ ác này, theo ông Bình chính là xuất phát điểm cá nhân. “Nghĩa được ăn học, được phát triển, trang bị hàng loạt kỹ năng sống như: sử dụng máy tính, chơi game giỏi…  Không phải “chuyện đùa” khi cậu thanh niên này được đào tạo ở một trường đại học danh giá của Hà Nội mà biết bao người mơ ước được đặt chân tới. Trong khi đó, Luyện mới học hết lớp 9, chơi bời lêu lổng, thực ra đã đi làm thuê nhưng chưa gặt hái được bao nhiêu.

Hoàn cảnh xuất thân của hai con người này cũng khác hẳn nhau. Nghĩa được sinh ra trong một gia đình khá cơ bản. Khi Nghĩa rơi vào vòng luân lý, người cha ấy đã từng lên xuống Hà Nội nhiều lần, không phải để chạy tội cho con mà để đứng trước những chuyện mất còn, mong ước pháp luật mở cho đứa con tội lỗi một con đường sống.

"Còn gia đình nhà Luyện, không chỉ bố mẹ mà còn những người khác trong gia đình như cậu, anh họ, bác… đều bảo vệ và che giấu khiến không ít người bị truy tố vì tội bao che và không tố giác tội phạm”, ông Bình nói.

Khi đưa ra so sánh như vậy, ông Bình cho rằng, xuất phát điểm của Lê Văn Luyện thấp hơn hẳn Nguyễn Đức Nghĩa. Đó cũng là lý do mà ông khẳng định: “Hành động của Nguyễn Đức Nghĩa ghê tởm hơn rất nhiều”.

Với quan điểm cá nhân của một nhà xã hội học, ông Bình chia sẻ: “Tôi vẫn cảm thấy vụ Nghĩa có định mưu. Nghĩa lạnh lùng, đặc biệt là cái lạnh lùng của người có tri thức, học hành và đã đạt được những giá trị nhất định. Trong khi đó, Luyện ở tầng thấp hơn, học hành ít hơn, thậm chí độ trưởng thành chưa chín.

Người ta nói rằng, con người hơn con vật là ở bản năng sống. Cái văn hóa tì đè lên bản năng sống. Nghĩa được đào tạo ở trình độ cao của xã hội, lẽ ra phải có khả năng tiết chế cái bản năng ấy của mình. Tuy nhiên, hành động lại vô cùng ghê tởm. Nghĩa không chỉ giết người mà còn giết sau khi hoan lạc với người đã từng gắn bó, đầu ấp tay kề với mình”.

Có thể nói, không phải ngẫu nhiên mà dư luận lại phải xôn xao về hai kẻ sát nhân này. Một người được đào tạo bài bản, một người học hành không tới nơi, tới chốn… nhưng đều gây ra những tội ác không thể dung thứ. Đó cũng là điều mà ông Trịnh Hòa Bình trăn trở: “Cái ác vẫn tồn tại trong lòng xã hội. Nếu cả xã hội không đồng tâm, kết lại đứng bên nhau thì cái ác có thể nảy sinh ở bất cứ nơi đâu, ở bất cứ vị trí nào, không kể người thất học hay tri thức!”.

Theo GDVN

Bình luận của bạn

Tên của bạn
Email
TELEX VNI None Chọn Avatar
Bình luận


 
?