Tin bài liên quan:
Trước hết, về giáo dục toàn diện trong nhà trường. Hiện nay, chúng ta đã có Luật Giáo dục, trong đó nêu rõ mục tiêu giáo dục toàn diện về các mặt đạo đức, trí tuệ, lao động, thể chất, thẩm mỹ... cho học sinh. Để đạt được mục tiêu đó, người ta đã xây dựng chương trình giáo dục thích hợp, trong đó, có những môn học riêng phục vụ cho từng mặt giáo dục toàn diện trên (ví dụ, môn Đạo đức ở tiểu học nhằm giáo dục các chuẩn mực hành vi đạo đức, giúp học sinh ứng xử đúng đắn theo các mối quan hệ hằng ngày...) và quy định những hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp...
Chúng ta hô to việc giáo dục toàn diện, nhưng trong thực tế, chúng ta thiên về "dạy chữ" mà chưa thực sự "dạy người" một cách đúng mức và cần thiết. Trong thực tế, ai cũng biết, tại rất nhiều địa phương, ở tiểu học thì chỉ 2 "môn chính" là Toán, Tiếng Việt là được các thầy cô quan tâm giảng dạy, còn những "môn phụ" thì rất ít được dạy một cách đúng mức theo quy định của chương trình (ví như hiện tượng bỏ tiết, bớt thời gian theo quy định là khá phổ biến ở nhiều địa phương), ở cấp trung học thì chỉ những môn thi mới được coi trọng, còn những môn không thi thì bị "ghẻ lạnh", được dạy qua quýt. (Thực ra, không có khái niệm "môn chính", "môn phụ", nhưng trong thực tế, rất nhiều thầy cô giáo, nhiều bậc phụ huynh... gọi như vậy). Trong lúc đó, chính những "môn phụ" lại có ý nghĩa to lớn trong việc giáo dục nhân cách cho học sinh, coi nhẹ những môn học này thì nhân cách của học sinh bị "lệch", méo mó - đó là hệ quả tất yếu.
Lê Văn Luyện - kẻ gây ra vụ thảm sát tại tiệm vàng Ngọc Bích |
Thứ hai, qua các môn học khác nhau, chúng ta hầu như mới giáo dục ý thức cho học sinh một cách phiến diện. Thực tế, ý thức của học sinh mới chỉ dừng lại những hiểu biết về những điều cần làm, về những điều cấm... Chừng ấy chưa đủ! Tên Luyện thừa biết việc làm của nó là ác, sẽ bị trừng phạt, điều đó chứng tỏ nó ý thức được hành vi của mình, nhưng nó vẫn hành động. Trong giáo dục, kết quả hành vi mới là quan trọng nhất, nhưng chúng ta chưa quan tâm đúng mức về giáo dục kỹ năng, hành vi, thói quen cho học sinh. Giáo dục mới "mớm" cho trẻ những kiến thức để rồi nhiều học sinh sử dụng những hiểu biết đó để đối phó mà chưa biến tri thức thành ý thức tự giác. Muốn giáo dục hành vi đúng mức, nhà trường cần tổ chức các hoạt động ngoại khóa, hoạt động ngoài giờ lên lớp. Nhưng "mảng" giáo dục này, theo tôi được biết, ít có nhà trường nào quan tâm.
Thực ra, ở nhà trường cũng có giáo dục hành vi cho học sinh, tuy nhiên, chủ yếu mới dừng lại ở những lời răn dạy, trừng phạt và kể cả đánh đập học sinh. Tôi đồ rằng, tên Lê Văn Luyện chưa từng được nhà trường tổ chức cho những việc làm thể hiện lòng nhân ái của con người đối với đồng loại (ví như giúp đỡ những bạn có hoàn cảnh khó khăn, quyên góp giúp những nạn nhân bị ảnh hưởng chất độc cam, giúp đỡ những người khuyết tật...). Tôi thiển nghĩ rằng, nếu như trước đây, Luyện được tham gia các hoạt động nhân đạo nào đó thì phần thú tính độc ác trong con người hắn không thể "nặng" như khi nó xuống tay chém, giết 4 con người vô tội.
Thứ ba, công tác giáo dục hướng nghiệp ở nhà trường chưa được tổ chức tốt. Bây giờ, hầu như với mọi học sinh, vào đại học là con đường duy nhất để lập nghiệp. Cũng không nên trách, phê bình học sinh về điều đó. Đáng lẽ ra, nhà trường phải là một trung tâm tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh, giúp các em biết được khả năng của mình, nhu cầu của xã hội, đòi hỏi của các ngành nghề... Đối với những em "học kém, từng bị đúp" như tên Luyện, nhà trường cùng gia đình cần hướng cho các em học nghề. Tuy nhiên, theo báo chí cho biết, sau khi học xong lớp 9, tên Luyện đã đi làm phụ hồ nay đây, mai đó. Tôi thiển nghĩ rằng, nếu nhà trường định hướng được cho tên Luyện đi học nghề sau khi học xong lớp 9 thì hành động cướp, giết kia đã không diễn ra.
Thứ tư, việc tên Luyện học kém không nói lên được Luyện là "học sinh không học được". Tại cơ quan điều tra, hắn khai đã lập kế hoạch tỉ mỉ từ trước. Qua sự việc cướp, cất dấu tang vật, chạy trốn của Luyện, chúng ta thấy, thậm chí hắn là kẻ thông minh. Vậy, tại sao một đứa trẻ được thầy giáo đánh giá là "học kém" mà lại "thông minh" trong chuyện đi cướp? Theo quan niệm giáo dục hiện đại, mọi học sinh đều thông minh (người ta chia ra nhiều lĩnh vực mà học sinh thể hiện trí thông minh, như toán học, ngôn ngữ, khoa học, âm nhạc, vận động...) - trong đó, có em thì thông minh một lĩnh vực, có em thông minh một số lĩnh vực. Do đó, nay không còn khái niệm "học sinh không học được" mà chỉ có "thầy giáo không dạy được"! Một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của nhà trường là phát hiện và phát triển trí thông minh của từng học sinh mà như GS Ngô Bảo Châu có nói, đại ý, cần phải làm cho "hạt vừng" trí tuệ mở ra chân trời tri thức.
Nhà trường chúng ta hiện nay nói chung và tôi đồ rằng, những trường nơi Luyện từng học nói chung chưa làm tốt điều này. Một trong những nguyên nhân đó là do phương pháp dạy học của chúng ta quá yếu kém - chúng ta đã và đang đọc cho học sinh chép, giảng cho học sinh nghe, yêu cầu học sinh học thuộc lòng quá nhiều, kể cả những nội dung mà chính các em không hiểu. Lối dạy học như vậy không những không phát huy được tư duy, trí tuệ của học sinh mà còn dễ biến các em thành những con vẹt, không hơn không kém. Qua báo chí, qua thực tiễn, tôi thấy trí tuệ con người Việt Nam mình có lẽ thuộc vào nhóm dân tộc thông minh nhất thế giới, nhưng đa số học sinh Việt Nam học trong nước chưa giỏi. Đó là lỗi của giáo dục! Vì giáo dục chưa làm cho trí thông minh của học sinh bộc lộ và khai thác nó có ích.
Tôi tin tưởng rằng, giá như giáo dục nước mình có phương pháp tốt có thể phát hiện, khai thác được trí thông minh của học sinh nói chung và Luyện nói riêng thì hắn đã không "học kém", "từng bị đúp, từng bỏ học nhiều ngày" (theo báo chí). Nếu thế thì Luyện đã vào cấp 3 (trung học phổ thông) và câu chuyện kinh hoàng kia đã không xảy ra! Trong số những học sinh được - coi - không - học - được như Luyện, có một số em bị cuốn vào những cám dỗ đen tối như lang thang, trộm, cướp, nghiện hút... bởi môi trường xã hội hiện nay bị ô nhiễm trầm trọng, trong đó Luyện là một "đại diện" khá điển hình. Tôi cũng cảm thấy đau lòng khi nghĩ rằng, nếu giáo dục không đổi mới, phương pháp dạy học còn đọc chép thì sẽ còn có nhiều Luyện tương tự nữa! Đúng như Bác Hồ nói "Hiền dữ đâu phải là tính sẵn, phần nhiều do giáo dục mà nên". Tôi cũng muốn nói thêm rằng, tôi không "buộc tội" giáo dục trong vụ này, nhưng giáo dục không phải hoàn toàn ngoài cuộc!
Về giáo dục gia đình, bố mẹ Luyện đã mắc nhiều sai lầm (tôi chỉ nói về những sai lầm xảy ra trước khi Luyện đi cướp). Ông Lê Văn Miên và bà Trương Thị Thơm chỉ lo buôn bán, làm ăn mà chưa quan tâm đúng mức về đứa con của mình. Ông bà đã không biết quản lý Luyện để Luyện thành con nghiện game online, ăn chơi, nghiện hút rồi phải đi cướp để có tiền trả nợ (như hắn khai). Theo lời ông bà, "cứ mỗi lần về nhà, Luyện chỉ ăn được vài bữa với bố mẹ rồi bỏ đi đâu không rõ". Như đã nói ở trên, trong đời sống xã hội hiện nay, có nhiều hiện tượng tiêu cực mà trẻ em rất dễ mắc phải. Thực tiễn cho thấy, nếu bố mẹ càng "quản" chặt thời gian của con cái thì nguy cơ "lây nhiễm" cái xấu của đứa trẻ càng thấp, và nếu gia đình thiếu quan tâm, trẻ rất dễ "dính" những thói xấu mà Luyện là một "tấm gương".
Gia đình Luyện có kinh tế khá giả, không biết bố mẹ có nhờ người kèm Luyện học hay không (xin nói rõ: vấn đề dạy thêm, học thêm khá "nhạy cảm", còn có những ý kiến xuôi chiều, trái chiều, nhưng tôi cho rằng, đối với những học sinh "học kém" như Luyện chẳng hạn thì nếu có người kèm học, Luyện đã tiến bộ trong học tập, đã vào được lớp 10 và nhờ đó, chuyện tày trời kia đã không xảy ra.
Tôi đoán rằng, trong cuộc sống hằng ngày ở gia đình, bố mẹ đã nuông chiều, không tổ chức cho con mình làm việc nhà. Làm việc nhà - nghe ra thì đơn giản, nhưng thực tế có ý nghĩa giáo dục to lớn - giúp cho trẻ biết giá trị của lao động, giúp trẻ hình thành một số kỹ năng lao động cần thiết, giáo dục cho trẻ lòng yêu lao động, thái độ trách nhiệm và biết ơn bố mẹ mình... Thực tế cho thấy, Luyện là kẻ lười lao động, ham chơi, làm phụ hồ một thời gian thì về - điều đó khẳng định hắn không được gia đình giáo dục đúng đắn và đúng mức.
Với những phân tích đó, tôi tin rằng, nếu Luyện được nhà trường và gia đình giáo dục tốt, câu chuyện đau lòng trên đã không xảy ra.
Từ sự việc trên, giáo dục nhà trường cần xem lại mình, từng gia đình cần rút kinh nghiệm cho mình.
PGS - TS Nguyễn Hữu Hợp