|
Thí sinh xem lại bài trước giờ thi tại Trường ĐH Ngoại thương năm 2008. Ảnh: Lê Anh Dũng |
>> “... lương thấp tè tè mà còn chảnh!!!! Chị có học NT không?? Điều tra bảng lương của cử nhân NT rồi hãy post nhak chị, cái này dùng tuyển sinh viên làm thêm thì phù hợp hơn. (... em nói hơi thẳng, đụng lòng tự ái thì chị cứ phăng)”
>> “sinh viên NT mà có năng lực thực sự thì lương dưới 1k$ ko bao giờ làm. Học ngoại thương mà làm nhiu đó thà học nông lâm!”
Dù đa số các ý kiến mang tính tiêu cực trên là của các sinh viên năm 1 và năm 2 còn thiếu trải nghiệm cuộc sống và còn có phần nào đó sự hăng hái và tự hào thái quá của những người được học trong một môi trường có điểm đầu vào cao, có chất lượng thuộc hàng đỉnh ở Việt Nam, và ngay sau đó, một số thành viên quản trị diễn đàn và các anh chị lớn đã phản đối thái độ hơi quá tự tin và so sánh không tốt về các trường khác của các sinh viên trên:
“Nói thế này đủ biết bạn này ko có kinh nghiệm đi làm. Miễn bàn với vấn đề tự tin thái quá kiểu thế này. Mà nói năng nên suy nghĩ nhé bạn”
“Với tình trạng người ta share thông tin việc làm, đã ko làm hoặc ko hứng thú thì nên quan sát theo dõi thui! Đằng này các bạn chém gió lung tung như thế, vừa mất lòng người post thông tin vừa làm giảm giá trị bản thân vừa lòi ra cái ngờ – u của mình”
Nhưng những bình luận gai mắt như trên của các sinh viên Ngoại thương đã khiến một người làm công tác nhân sự có blog kinhcan24 cảm thấy khó chịu, và anh bình luận “Không biết các bạn nghĩ sao nhưng tôi với tư cách nhà tuyển dụng cũng như người sử dụng thì tôi không dám dùng sinh viên Ngoại Thương lắm. Họ có vẻ tự tin thái quá. Từ đó dẫn đến việc ít chịu học hỏi, hay đòi hỏi và cuối cùng là mức độ cam kết với tổ chức không cao. Khi tôi tuyển sv Ngoại Thương về, tôi sợ họ không ở được lại với công ty quá sáu tháng. Đó là điều tôi lăn tăn.”
Và rồi giọt nước đã tràn ly, những bình luận của chủ blog kinhcan24 đã lan với tốc độ như tên lửa qua nhiều cộng đồng mạng, và đặc biệt được một trang truyền thông trên Facebook, có gần 100.000 thành viên hâm mộ, loan tin.
Từ đó, dư luận mạng đặt câu hỏi về những ảo tưởng trong môi trường học đường ở các trường được gọi là “Top” ở Việt Nam. Thậm chí ý kiến của bạn Nguyễn Thuận trên Facebook đề cập tới việc giáo dục lại tư tưởng cho sinh viên các trường Đại học được gọi là “Top” ở Việt Nam, để cho các bạn không mắc lỗi tư duy khi cho rằng mình chỉ cần vào một trường đại học tốt, thuộc hàng “đỉnh” là có thể đảm bảo những mức lương khủng “nghìn đô”.
Nguyễn Thuận cũng cho rằng, dù cho đó là những ý kiến của các sinh viên mới vào trường, còn chưa có nhiều hiểu biết về cuộc sống, nhưng không thể phủ nhận được sinh viên có được những suy nghĩ đó là vì nghe được ở đâu đó xung quanh về mức lương cực kỳ hấp dẫn khi ra trường.
Rồi những tuyên bố đánh bóng tên tuổi, hùng hồn về những trường Đại học “Harvard Việt Nam”, “hàng đầu khu vực” đã tạo ra sự tự mãn một cách vô thức trong đầu các sinh viên này.
Anh cho rằng, một số trường Đại học đã làm hư sinh viên khi đưa ra những ví dụ điển hình về những cá nhân xuất sắc có mức lương hàng nghìn đô khi mới ra trường để tạo ra ảo tưởng cho sinh viên, mà quên nói cho sinh viên rõ rằng đó chỉ là những cá thể đặc biệt, không thể đại diện cho số đông cử nhân tốt nghiệp từ trường mà ra.
“Tôi thấy nhiều trường ĐH đem một cá thể vượt trội với mức lương khủng của một tập đoàn ra làm mức lương chung của sinh viên trường. Chính cái tư tưởng không đồng bộ này của trường ĐH mà khiến sinh viên càng lúc càng tỏ ra tự mãn, tự ti hơn, đem so sánh với các trường cửa dưới và tự hào về mình”
Anh kết luận “Tóm lại, trường ĐH nên tư tưởng cho sinh viên quay về thực tại, sống với thực tế hơn và loại bỏ tư tưởng CỬA TRÊN ngay ở môi trường giáo dục ĐH này.”
Những ý kiến lên án và phả đối mạnh mẽ “phát ngôn gây sốc” của vài sinh viên Ngoại Thương đã khiến cộng đồng này phản ứng lại. Một quản trị viên diễn đàn FTU2 là Antonio Vivaldi qua một bài phân tích dài đã chỉ ra tới 8 lỗi sai mà anh gọi là “nguỵ biện” trong luận điểm mà kinhcan24 đưa ra.
Và qua đó, cũng khuyên các sinh viên mới vào trường nên cẩn trọng trong phát ngôn, và toàn bộ sinh viên của trường không quá lo lắng về dư luận không tốt bên ngoài, bởi “các bạn chỉ cần chứng minh cho họ thấy được năng lực và đạo đức của các bạn khi ra đời thì tự bản thân họ sẽ phải thay đổi quan điểm không tốt (nếu có) của họ mà thôi.”
Nhưng ngay dưới bài “luận tội”, cũng có một thành viên là mod và là đàn anh của Vivaldi là TAL đã phản hồi như sau:
“Với tư cách là sinh viên khóa trước, anh có vài với khuyên với em như sau:
- Em đừng đem sách vở để phân tích 1 ý kiến cá nhân như vậy. Họ là nhà tuyển dụng, họ có quyền nêu lên quan điểm như vậy.
- Anh thấy suy nghĩ của người này là hoàn toàn đúng đứng trên quan điểm 1 người sử dụng lao động. Thử hỏi: Em có dám ăn nước tương mà trên đó có ghi: sử dụng chất 3-MCPD để bảo quản không?!?!”
Ngoài ra, một cựu sinh viên Ngoại thương với blog trpdat cũng viết bài phản đối những nhận định phê phán sinh viên Ngoại thương, trpdat cho rằng: “việc sinh viên Ngoại thương (FTU) đòi lương dưới 1000$ thì không làm – mình thấy không có gì kì lạ cả. Nếu bạn đã học vất vả để vượt qua đầu vào rất cao ở FTU, hoạt động tích cực, học tập tích cực, ham học hỏi và có chí phấn đấu trong một môi trường cạnh tranh khắc nghiệt như vậy, bạn hoàn toàn có quyền hi vọng một mức lương như vậy, điều đó không có gì là sai”
Anh còn phản đối những ý kiến mà anh gọi là “mạt sát” dân Ngoại thương, rồi cho rằng nhận xét của kinhcan24 “không dám dùng sinh viên FTU nữa” vì ““ít chịu học hỏi, hay đòi hỏi và cuối cùng là mức độ cam kết với tổ chức không cao” là “giống như việc kim cương cứng nên thôi ta đừng nhọc công tìm cách cắt nó làm gì, lấy gì dẻo dẻo như đất sét mà tạo hình cho sướng”
Vụ việc này có thể coi là một bài học cho những bạn thích phát ngôn nông nổi trên mạng.
Bạn thấy đấy, dù bạn chỉ là một cái nick ảo vô danh trên mạng, nhưng chỉ cần phát ngôn của bạn gây sốc và được một số trang truyền thông loan tin, cộng với ý kiến của những người vốn không có thiện cảm với cộng đồng của bạn, bạn đã trở thành một “tội nhân” khiến cả trường bị lên án, cả cộng đồng mà bạn yêu mến phải khó khăn đứng ra chống chọi lại làn sóng phản đối từ nhiều cộng đồng trên mạng.
Và dù có chống trả thành công đi chăng nữa, thì cộng đồng của bạn cũng đã dính phải những “tiếng xấu” mà rất lâu sau mới có thể tẩy sạch trong tâm trí mọi người.
Theo CafeF1