(GDVN) - Đó là khẳng định của anh Đinh Văn T – bác ruột của cháu Bích trong buổi trò chuyện với PV báo Giáo dục Việt Nam vào chiều tối hôm qua, ngày 7/9.
Với thái độ e dè, sợ PV chụp ảnh cháu Bích, anh T tiếp chúng tôi một cách rất thận trọng. Chỉ khi biết chúng tôi chắc chắn không có ý định chụp hình cháu Bích thì anh mới phần nào cảm thấy thoải mái hơn.
Tâm sự với PV trong buổi chiều muộn khi vào thay ca trông cháu Bích cho chị gái mình, anh T buồn rầu nói: “Sau ca phẫu thuật, sức khỏe của cháu Bích đã tốt hơn. Ban ngày cháu chơi vui vẻ nhưng đến tối cháu lại mê man và khóc thét lên. Tôi hỏi: “con bị đau ở chỗ nào để bác nhờ bác sỹ chữa cho thì cháu chỉ nói là không biết”.
|
Sự ngăn cản quyết liệt từ người nhà cháu Bích khi PV muốn chụp ảnh cháu (ngày 5/9) |
Việc đó diễn ra khoảng 1 tuần nay rồi. Cứ mỗi đêm trông cháu thấy nó như vậy tôi lại thấy đau lòng. Ở nhà tôi, cứ có một người khóc thì cả nhà lại khóc vì thương con, thương em và thương cháu.
Nửa tháng nay, tôi không về nhà, cứ đi làm xong lại qua chăm cháu. Từ nhỏ cháu đã sống với ông bà ngoại và tôi nên cháu rất quấn tôi. Tôi đi làm xa, mỗi khi cháu ốm, mẹ tôi gọi điện báo rằng cháu Bích ốm, chủ nhật này con có về được không thì tôi lại cố gắng thu xếp công việc dù rất bận rộn để về với cháu. Tôi coi cháu Bích như con mình vậy.
Mọi người trong nhà tôi không ai bảo ai đều không kể cho cháu nghe về bố mẹ và em cháu. Đến thời điểm này cháu vẫn chưa biết chuyện bố mẹ và em cháu đã mất.
BẤM VÀO ĐÂY XEM CHÙM ẢNH MỚI NHẤT VỀ CHÁU BÉ 8 TUỔI VỤ THẢM SÁT
BẤM VÀO ĐÂY XEM VIDEO CHÁU BÉ 8 TUỔI TRONG VÒNG TAY NGƯỜI THÂN
Mấy hôm nay, mọi người vào thăm cháu đều nói sau này cháu khỏe mạnh thì về ở với bác T nhé nhưng cháu vẫn khăng khăng bảo về ở với bố mẹ. Chúng tôi không biết nói với cháu thế nào nên vẫn cứ cố gắng giữ bí mật càng lâu càng tốt.
Đến khi cháu không thấy bố mẹ và em đâu thì có lẽ chúng tôi phải nói dối cháu rằng bố mẹ cháu đã đi làm ăn ở xa, vội quá mà không kịp nói với cháu. Việc này để đến khi cháu lớn hơn mới nói rõ thì chắc là cháu đỡ bị sốc hơn”.
Chia sẻ nỗi lo của anh T, chúng tôi bày tỏ băn khoăn: Liệu rằng khi phiên tòa xét xử Lê Văn Luyện được mở ra, cháu Bích phải đến với tư cách là một người tham gia tố tụng thì sao?
Anh T cho rằng cháu Bích không biết gì về chuyện này và sẽ không đến dự phiên tòa.
Anh T cho biết: “Khi gia đình lo lắng về tâm lý của cháu Bích sau khi xuất viện, bác Quyết (Giám đốc BV Việt Đức – PV) nói với gia đình rằng lúc này không có biện pháp tâm lý nào tốt bằng tình cảm của gia đình đối với cháu.
Để cháu có thể quên đi nỗi buồn mất cha mẹ và em, chúng tôi sẽ không cho cháu về quê mà cho cháu ở nơi khác (xin giữ bí mật) – nơi mà mọi người không biết về hoàn cảnh gia đình cháu như thế nào. Tôi sợ khi cháu về quê, mỗi khi tiếp xúc với một ai đó mà người đó lại có những câu nói hoặc biểu hiện làm cháu nhớ về nỗi đau vừa qua thì cháu sẽ rất khổ.
Đấy cũng là lý do tại sao tôi không muốn hình ảnh của cháu lên báo chí vì có lên cũng không giải quyết được vấn đề gì mà chỉ là để thỏa mãn tính tò mò của một số người. Khi hình ảnh của cháu được tung lên mạng thì sau này vô hình dung điều này sẽ không tốt cho cháu nếu cháu vô tình xem được.
Tôi nghĩ một thời gian sau, khi không ai nhắc đến nữa thì nỗi đau cũng dần qua đi. Tôi mong muốn các cơ quan báo chí thôi không đưa hình ảnh của cháu Bích lên mạng nữa. Âu cũng là giúp cháu hòa nhập tốt với xã hội sau này".
|
Anh T tin rằng một thời gian sau nỗi đau sẽ qua đi |
Anh T chia sẻ thêm: “Để cháu không mặc cảm về vết sẹo dài ở mặt, gia đình sẽ cho cháu phẫu thuật thẩm mỹ để làm mờ vết sẹo đó đi”.
Trước đó, báo Giáo dục Việt Nam đã đưa tin về việc chuyên gia tâm lý Lê Khanh – Phòng khám Tâm lý trẻ em & gia đình (TP. Hồ Chí Minh) chia sẻ những kinh nghiệm giúp cháu Bích có thể vượt qua nỗi đau mất mát to lớn trong đêm kinh hoàng ấy:
“… Nhìn chung, mình sẽ phải cho cháu Bích biết sự thật về gia đình cháu. Nhưng cách nói lại là rất quan trọng: không nặng nề… đó là kỹ thuật của người tư vấn. Ví dụ như: bố mẹ cháu sống rất tốt nhưng đã bị cướp vào, trong lúc đó đã bảo vệ cháu. Bố mẹ cháu sẽ yên tâm hơn khi cháu cố gắng học hành giỏi…
Chúng ta phải nói những cái tốt trước. Khi trẻ thấy được những cái tốt thì những điều xấu đi sau sẽ làm giảm đau khổ. Khi đó trẻ có cảm giác như được an ủi hơn. Đó là cách để mình tiếp xúc với trẻ em nói chung và cháu Bích trong trường hợp này nói riêng…
... Còn những người chăm sóc cháu đừng nên nhắc đến chuyện này trong thời gian càng dài càng tốt, chỉ hướng cháu đến tương lai và khuyên nhủ cháu: cháu cố gắng học tập để thở thành người tài không phụ lòng mong mỏi của cha mẹ… Mục đích là để ít nhất cháu quên giai đoạn này đi không còn nhớ tới. sau này khi cháu Bích đã lớn lên và hồi tưởng về quá khứ thì hồi tưởng đó cũng nhẹ nhàng hơn.
Còn mọi người xung quanh, có thể thời gian đầu họ rất hay quan tâm đến cháu dưới góc độ hỏi han tình hình và điều này cũng có thể gây chấn thương tâm lý cho cháu.Tôi cũng mong mọi người trong làng xóm đừng nhắc đến chuyện đó trước mặt cháu để cho cháu đỡ tưởng nhớ đến quá khứ.
Lúc này, cách cư xử khéo léo và thời gian có lẽ là liều thuốc tốt nhất để cho cháu Bích có thể nguôi ngoai về đem kinh hoàng đã cướp đi sinh mạng của bố mẹ và em gái mình... ”.
BẤM VÀO ĐÂY XEM CHÙM ẢNH MỚI NHẤT VỀ CHÁU BÉ 8 TUỔI VỤ THẢM SÁT
BẤM VÀO ĐÂY XEM VIDEO CHÁU BÉ 8 TUỔI TRONG VÒNG TAY NGƯỜI THÂN