Bí ẩn Hà Châu đại lực sĩ: Gặp gỡ kỳ nhân
GiadinhNet - Trong giới võ thuật Việt Nam, danh tiếng của võ sư đại lực sĩ Hà Châu rộng khắp thế giới
LTS: Trong giới võ thuật Việt Nam, danh tiếng của võ sư đại lực sĩ Hà Châu rộng khắp thế giới. Thế giới đã thừa nhận ông là một trong tam đại kỳ nhân có khả năng phi thường. Ở tuổi 86, Hà sư phụ vẫn còn vấn vương nghiệp võ dù đã rửa tay gác kiếm, vẫn còn lụy phiền về người kế thừa chức chưởng môn Hồng Gia Quyền, day dứt một kỳ án khiến đời ông lận đận, lao đao…
Theo lời chỉ dẫn của võ sư Lý, đệ tử Hà sư phụ, chúng tôi đến một quán cà phê trên đường Lương Định Của thuộc phường An Khánh (quận 2, TPHCM) để gặp vị Chưởng môn Thiếu Lâm Hồng gia lừng danh một thuở. Võ sư Lý đã đến sớm chờ chúng tôi. “Thầy chưa đến hả anh?”. “Nhà thầy ở gần đây, ra liền”, võ sư Lý trả lời. Trước đó chúng tôi có ngỏ ý muốn tìm đến nhà Hà sư phụ để tiện bề trò chuyện, tâm tình nhưng võ sư Lý bảo thầy ngại nhà cửa chật hẹp.
Khoảng 15 phút sau, một ông già người gày, tóc điểm bạc, đi xe gắn máy dừng trước quán. Chúng tôi thấy võ sư Lý kéo ghế đứng lên, chủ quán cà phê cũng lật đật ra đón. Sau này chúng tôi mới biết đây là quán mà thầy trò Hà sư phụ đến thường xuyên. Khi võ sư Lý đưa ông già đến chỗ chúng tôi ngồi, những người xung quanh đều lên tiếng “chào thầy”. Đây là lần đầu tiên chúng tôi diện kiến vị Đại lực sĩ từng khuấy động “giang hồ” bằng tuyệt nghệ nằm chịu cho xe tải cán qua người. Ông vận bộ đồ 4 túi kiểu xưa, tuy cũ nhưng sạch sẽ và lịch sự, chân đi giày vải, loại giày để luyện võ. Hà sư phụ chìa tay ra bắt, miệng cười, nụ cười làm khuôn mặt ông linh hoạt hẳn: “Nghe Lý nói có nhà báo tới thăm. Lý gọi cà phê mời khách chưa?”. Cách vào chuyện của ông khiến chúng tôi thấy ở ông toát lên một sự lịch lãm nhưng gần gũi.
|
Võ sư Lý đón thầy từ cổng quán cà phê. |
“Đại thiếu gia” đam mê nghiệp võ
Trong cuộc sống, Hà sư phụ đôi khi không thể tránh được những cuộc thách đấu quyết liệt. Năm 1958, “Thiết cước” -một võ sư Campuchia thách đấu trước đông đảo người dân tại Đà Lạt khiến Hà sư phụ phải dùng Thiết Sa chưởng đánh gãy “chân sắt”. Năm 1960 tại Chợ Lớn, một khách võ tên Tăng Bình đã mời quan khách chứng kiến và công khai đòi tỷ thí, Hà sư phụ buộc phải hạ đo ván. Song ông vẫn cứu Tăng Bình khỏi tình trạng bất tỉnh mới ra về. |
Trò chuyện với Hà sư phụ có phần khó khăn bởi tai của ông đã nặng, muốn hỏi chuyện vị sư phụ đã bước qua tuổi 86, chúng tôi phải kê miệng gần tai ông và nói khá to. Bao quanh nghiệp võ, lão võ sư đại lực sĩ Hà Châu có khá nhiều huyền thoại, nay được nghe đích thân ông kể, chúng tôi lấy làm hào hứng lắm. Bản thân võ sư Lý cũng ít dịp biết thân thế của thầy nên cũng chăm chú lắng nghe.
Hóa ra Hà sư phụ là một “đại thiếu gia”, con chủ xưởng cưa ở miệt Sóc Trăng xưa. Thời đó cậu bé Hà Châu được cha đích thân khai tâm võ thuật, lại mời hẳn một vị sư phụ ở Hongkong về nhà, bao ăn ở, lo mọi chi phí để chỉ làm mỗi việc duy nhất là truyền thụ võ công. Thế là cuộc sống của “đại thiếu gia” Hà Châu từ 9 tuổi đã không còn biết chuyện gì khác ngoài luyện võ. Vị sư phụ đến từ Hongkong không ai khác chính là Trình Luân, một cao thủ thuộc hàng nhất đại tôn sư của phái Thiếu Lâm Hồng gia. Môn phái này tương truyền được Hồng Hy Quan, một trong những đệ tử của Chí Thiện thiền sư phái Thiếu Lâm chính tông chân truyền võ công lúc ông này lưu lạc vào thời điểm chùa Thiếu Lâm bị tàn phá. Sau này, giới điện ảnh Hongkong đã xây dựng hình ảnh Hồng Hy Quan qua bộ phim cùng tên do diễn viên giỏi võ Lý Liên Kiệt thủ diễn, đã chinh phục không ít khán giả yêu thích phim võ thuật.
Mỗi ngày, ngoài thời gian ăn ngủ, tất cả thời gian Trình sư phụ buộc cậu bé Hà Châu phải luyện công. Ngoài quyền cước, binh khí, cậu bé Hà Châu được Trình sư phụ ngâm thuốc bổ trợ gân cốt để luyện ngạnh công. Một mẻ thuốc 30 lít rượu cùng những vị thuốc từ chùa Thiếu Lâm được 2 thầy trò ngâm 15 ngày là bỏ, tiếp tục làm mẻ mới. “Những loại rượu thuốc này đắt tiền lắm. Mà những dụng cụ khác để luyện công cũng đâu có rẻ. Nhưng lúc đó gia đình khá giả đâu có nề hà chuyện tiền bạc. Thân phụ của tôi cung cấp đầy đủ, cần gì có nấy. Lúc đó tôi chỉ có ăn xong là luyện võ, đâu cần phải bận tâm gì chuyện tiền nong hay sinh kế”, Hà sự phụ tâm sự.
|
Hà sư phụ kể chuyện. Ảnh: TG |
Qua 15 năm ăn-ngủ-luyện võ, chành thanh niên Hà Châu miệt Sóc Trăng đã tinh thông thập bát ban võ nghệ, nội-ngoại công phu đã đến trình độ thượng thặng. Tay chân của Hà sư phụ đã trở thành những thứ vũ khí tự nhiên vô cùng lợi hại. Hà sư phụ vừa đưa ngón trỏ to khỏe vừa nói: “Cái này là dao đó, chọc một cái là lủng ruột chứ không giỡn đâu. Thấy cái đốt ngón tay cái không, quẹt trúng một cái là trầy gia tróc thịt à”. Rồi ông lại sờ đầu: “Cái này cũng là vũ khí đó, ủi một cái là lủng tường à nghen”. Chúng tôi cầm tay ông già 86 tuổi mà cảm giác như thép nguội, về hình dáng thì quá ư là kỳ hình dị tướng. Còn đầu của ông “cứ như có gì độn cao trong đó”, không giống người bình thường.
“Hạ sơn” tung hoành tứ hải
Thời xưa, những đệ tử tục gia chùa Thiếu Lâm sau những tháng ngày gian khổ luyện võ sẽ qua những cửa ải kiểm tra trình độ võ công. Võ sĩ nào vượt được các cửa ải sẽ nhấc đỉnh đồng nóng, cửa ải cuối cùng để hạ sơn hành hiệp trượng nghĩa. Thời của Hà sư phụ, một thân võ công tuyệt đỉnh nhưng chẳng thể hành hiệp trượng nghĩa như thời xưa, ông bèn “hạ sơn” lập đoàn biểu diễn để phô diễn những tuyệt nghệ đã dày công luyện tập. Vào thập niên 50 của thế kỷ trước, đoàn biểu diễn của Hà sư phụ có cả “võ vương” Minh Cảnh gốc người Tiền Giang, tay đấm bốc vô địch Đông Nam Á năm 1944. Hà sư phụ chuyên biểu diễn công phu võ thuật, võ sư Minh Cảnh đánh quyền Anh, cứ thế đoàn lưu diễn khắp các tỉnh Trung và Nam kỳ.
Người cao tuổi sống ở Sài Gòn và các tỉnh Nam kỳ từng xem Hà sư phụ biểu diễn đều khiếp phục trước những tuyệt nghệ của ông. Với công phu “thiết thủ công”, Hà sư phụ kê đầu xuống gạch làm đe, bên trên là một tảng đá nặng, một người khác dùng búa tạ đập vỡ táng đá, ông vẫn thản nhiên vô sự. Tại Hội chợ Thị Nghè năm 1957, những người tham quan Hội chợ đã phải lắc đầu lè lưỡi trước sức mạnh của ông với màn diễn “song xa phân thây” như hình phạt “tứ mã phân thây” thời xưa. Hà sư phụ đứng giữa, hai tay bị dây xích nối với 2 xe ca chạy theo hai hướng. Khi tiếng máy xe gầm rú là người xem cứ ngỡ ông bị xé toạc làm đôi. Song ông vẫn đứng sừng sững, còn 2 xe ca thì bị ông giữ chặt đến độ tuôn bánh trên đường nhựa, mùi cao su khét lẹt. Nhiều người sống tại Đà Lạt năm 1958 vẫn còn nhớ màn biểu diễn kinh người của Hà sư phụ khi ông nằm để 10 xe đò 50 chỗ chở đầy người cán qua mà không hề gì!!!
Trong tất cả những pha diễn, bản thân Hà sư phụ đến giờ vẫn còn “lạnh mình” khi kể lại là chuyến lưu diễn tại Trà Vinh vào năm 1961. Có lẽ đây là màn biểu diễn “khắc dấu” tên tuổi đại lực sĩ Hà Châu khi ông quyết định nằm dưới đất chịu lực cho xe lu cán qua người. Mọi tính toán và thu xếp đã được chuẩn bị kỹ lưỡng nhưng đến khi xe lu chạy đến giữa người ông thì trục trặc và tắt máy. “Lúc đó tôi than trong bụng là “thôi xong đời rồi. Phen này Hà Châu tử nạn”. Còn bao nhiêu sức lực tôi gồng mình chịu đựng. Ông trời cũng còn thương cho chiếc xe lu nổ máy lại và chạy tiếp. Thế mới còn Hà Châu ngồi đây”, lão võ sư cười lớn. Khoảng thời gian xe lu tắt máy và nổ máy lại chỉ tầm tầm 5-10 giây đồng hồ, nhưng lại không hề có trong suy tính và kịch bản. Chợt Hà sư phụ trầm giọng nói thêm: “Cú thoát nạn đó, ngoài việc trời thương cho xe nổ máy trở lại, còn có tính khiêm tốn của tôi nữa, chứ nếu háo danh quá là tôi chết rối”. Chúng tôi lấy làm thắc mắc nhìn ông, Hà sư phụ thủng thẳng: “Hồi đó, khi tổ chức màn diễn, người ta hỏi tôi có thể chịu được sức nặng bao nhiêu tấn. Tôi chỉ trả lời cỡ 12 tấn thôi. Thế nhưng qua quá trình luyện tập tôi biết mình chịu đến 15 tấn. Nhờ 3 tấn khiêm tốn ấy mà chiếc xe lu cán qua người chỉ nặng 12 tấn thôi. Cũng nhờ 3 tấn khiêm tốn ấy mà tôi trụ được. Nếu lúc đó chiếc xe lu nặng 15 tấn thì có hai Hà Châu cũng chịu không nổi”.
|
Đại lực sĩ Hà Châu cho xe lu 12 tấn lăn qua người (ảnh tư liệu). |
Từ “Người ngoài hành tinh” đến “Kỳ nhân thế giới”
>>Loại công phu đặc biệt nhất Trình sư phụ truyền thụ cho Hà Châu là “Thiên cân trụy”, một trong những huyền công mà không phải cao thủ Thiếu Lâm chính tông nào cũng luyện được. Đây cũng chính là công phu giúp Hà sư phụ có những màn biểu diễn nghẹt thở, gây chấn động thế giới. >>Phương Tây từng tồn tại một giả thuyết cho rằng hành tinh Ummo từng cử khoảng 20 người đến Trái đất để tìm hiểu sự sống và nền văn minh tại đây. Những người Ummo sống hòa đồng cùng người Trái đất mà không hề bị phát hiện. Vậy là “Ummo Hà Châu” trở thành biệt danh quốc tế của Hà sư phụ từ đó. |
Ngoài 2 tuyệt kỹ làm nên tên tuổi Hà Châu là công phu Thiên cân trụy và Thiết thủ công, Hà sư phụ còn biểu diễn nhiều tuyệt kỹ công phu khác khiến người đời phải tán dương không ngớt. Với công phu Thiết sa chưởng, Hà sư phụ có thể dùng lòng bàn tay đóng đinh 2 tấc (20cm) xuống ván dày, lại dùng ngón tay nhổ ngược đinh lên. Hà sư phụ còn dùng thiết trảo công với những ngón tay như gọng kìm sắt để bẻ gãy sắt hình chữ U, hoặc xé đứt đôi nguyên bộ bài 52 lá ngọt lịm. Bằng công phu Thiết kiều công, Hà sư phụ có thể nằm trên hai chiếc ghế đặt tại vị trí vai và đùi, chỉ với hai điểm tựa của cơ thể, ông có thể chịu được 20 người đứng trên tấm ván dài đặt trên bụng của mình...
Công phu tuyệt kỹ của Hà sư phụ không chỉ chinh phục người dân trong nước mà còn vang dội cả thế giới. Sau chuyến lưu diễn gây tiếng vang lớn tại Liên Xô (cũ) năm 1989, đến năm 1991 Hà sư phụ vừa biểu diễn vừa dạy hơn 1 tháng ròng rã trên đất Ý. Sau một màn biểu diễn công phu Thiết thủ công kê đầu trên gạch làm đe đập đá, khi người Ý dùng búa đập vỡ tảng đá trên đầu xong, Hà sư phụ đứng dậy thì khán giả vỗ tay tán thưởng không ngớt và hét to: “Ummo Hà Châu”. Lời khen tặng này ám chỉ Hà sư phụ không phải người bình thường ở Trái đất mà là người thuộc hành tinh Ummo, có những siêu năng lực kỳ bí.
Sức lan tỏa của năng lực phi thường Hà Châu chẳng mấy chốc rộng khắp thế giới. Đến nỗi Dorling Kindersley, một nhà xuất bản có uy tín hàng đầu thế giới đã giới thiệu võ sư Hà Châu trong sách “Những người có khả năng siêu phàm” bán khắp thế giới được ấn hành năm 1991 và tái bản năm 1992. Trong quyển sách trên, nhà xuất bản Dorling Kindersley giới thiệu 3 nhân vật có khả năng siêu phàm: Một thuật sĩ Yoga người Ấn Độ có khả năng chôn sống dưới cát hàng tháng; Võ sư Nhật Bản Hohan Soken (1889-1982) thuộc gia tộc Matsumura có khả năng biểu diễn bài quyền Bạch hạc trên tấm ván thả nổi trên mặt nước; Hà Châu, võ sư đại lực sĩ của Việt Nam với nhiều tuyệt kỹ công phu kỳ dị. Như hổ mọc thêm cánh, gần như danh tiếng Hà sư phụ đã trùm cả cộng động võ thuật quốc tế.
Trước khi chia tay Hà sư phụ để ông nghỉ trưa, chúng tôi hỏi cố một câu: “Thầy, sao hồi đó thầy không tham gia thi đấu mà phải mời võ sư Minh Cảnh vào đoàn biểu diễn vậy thầy?”. Hà sư phụ đang chuẩn bị đứng dậy lại ngồi xuống, ông nói giọng hài hước: “Cái môn võ của mình với các công phu của mình không đánh nhau được, bởi đụng tới đâu là người ta bị thương tới đó. Mà nếu theo các kiểu đánh thi đấu thì phải bao tay bao chân, lại không cho đánh chỗ hiểm thì khác nào trói tay chặt chân mình rồi, còn đánh đấm gì nữa. Thôi biểu diễn cho chắc”. Câu hỏi này lại dẫn ông đến một câu chuyện khác. “Cách đây không lâu tôi đi về hơi khuya, gặp 4 thanh niên có vẻ say rượu rồi. Họ chạy loạng choạng nên hơi vướng nhau. Bốn thanh niên này chặn đầu xe tôi lại định gây chuyện. Dù phải thủ thế nhưng tôi vẫn lên tiếng trước “mấy em đi xe kiểu này lỡ quẹt nhau té chú Hà Châu làm sao?” - Bốn thanh niên hơi khựng lại một chút rồi gật đầu chào tôi rồi mạnh ai nấy đi. Ở đời ráng đừng để xảy ra chuyện động tay động chân, con nhà võ càng phải ráng tránh”... Hà sư phụ nói như trút gan ruột...
(Còn nữa)
Kỳ tới: Kỳ án “lu bể”
Từng phải đền tiền vì “lỡ tay” làm chết bò mộng Võ sư Hà Châu sinh năm 1927 tại Ba Xuyên (nay là Sóc Trăng). Khi còn bé đã theo học Thiếu Lâm Hồng Gia phái (còn gọi là Hồng Gia Quyền) cùng chưởng môn Trình Luân. Võ phái này tương truyền xuất phát từ Thiền sư Chí Thiện, một trong 5 cao đồ của Thiếu Lâm Tự, đã trốn thoát khi chùa bị các võ tướng nhà Thanh hỏa thiêu. Thiền sư Chí Thiện đã truyền tuyệt đỉnh võ công Thiếu Lâm phái của mình cho Hồng Hy Quan. Thiếu Lâm Hồng Gia phái có những bài quyền trứ danh như Ngũ hình quyền, Thập hình quyền, Hổ hạc song hình quyền, Dạ hổ xuất lâm quyền, Xà miêu hạc quyền và một trong những báu vật trấn môn là bài Thiếu Lâm Phá sơn Hồng gia quyền. Võ sư Hà Châu đã học hầu hết thập bát ban võ nghệ, đạt trình độ cao về nội công và ngoại công nên có thể dùng tay chẻ đá, xé gỗ, hoặc cho xe lớn cán qua thân thể, đồng thời tinh thông các bài quyền và binh khí của Thiếu Lâm Hồng Gia. Trong số những công phu ông luyện thành giai đoạn có Thiên cân trụy (hay Thiên cân tạ), một trong Thiếu Lâm thất thập nhị huyền công. Năm 1957, tại cầu Thị Nghè (TPHCM), võ sư Hà Châu đã biểu diễn công phu Song xa phanh thây. Hai tay ông ghì chặt 2 sợi xích, mỗi đầu sợi xích lại được nối với một chiếc xe tải, chạy theo hướng ngược nhau. Bánh xe quay tít tại chỗ, hai chiếc xe vẫn không tiến lên được chút nào. Tuy nhiên không may, cầu Thị Nghè bị sập khiến một số người bị thương và bị chết. Năm 1958, tại khu hồ Xuân Hương, Đà Lạt, võ sư nằm cho 10 chiếc xe khách, mỗi xe chở 50 người lần lượt cán qua người. Năm 1961, tại Trà Vinh võ sư cho một xe lu nặng 12 tấn chạy lên người. Năm 1962, tại Cà Mau, võ sư dùng tay không xiết cổ một con bò mộng. Màn biểu diễn này sau đó được võ sư diễn lại nhiều lần ở các địa phương khác nhau, có lần bò đã bị chết, võ sư phải đền đền tiền cho người chủ. Sau năm 1975, dân chúng Sài Gòn tưởng võ sư đã qua đời nhưng bất ngờ vào năm 1988, võ sư Hà Châu lại xuất hiện và lần này ông dùng tay không đóng những cây đinh dài vào gỗ rồi lại dùng 2 ngón tay kẹp đinh nhổ ra. Đây gọi là công phu Bạt đinh công. Tại sân vận động Hàng Đẫy Hà Nội trong thập niên 1990, võ sư Hà Châu đã từng biểu diễn những công phu tuyệt đỉnh, như bay người lên dùng một ngón tay (Nhất dương chỉ) chọc thủng quả dừa khô được tung lên trên không, hay dùng cạnh tay chặt sợi dây buộc vào hai dóng mía dựng hai bên, sợi dây đứt nhưng các dóng mía không hề bị đổ. Có thời gian võ sư Hà Châu về Mỹ Tho sống bằng nghề tiện cho Xí nghiệp dệt Hồng Gấm. Năm 1974, võ sư làm giám học ở trường trung học Tân Dân (Mỹ Tho). Năm 1975 ông làm hiệu trưởng trường Dân Trí tại Cái Bè. Trong nghề phay tiện, năm 1976 võ sư được cấp bằng sáng chế “máy phay biên dạng thoi” đạt kỹ thuật bậc 7/7 khi là công nhân xưởng cơ khí dệt Bến Nghé, Bình Thạnh. Cũng ở đây, ông đã sáng tạo ra một dụng cụ tập công phu Thiên cân trụy rất đơn giản, vài đệ tử của ông đã luyện và có thể chịu được sức nặng tới 5- 6 tấn. Võ sư đã từng nhiều lần biểu diễn công phu tại Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông và một số nước châu Âu. Trong lần biểu diễn tại Ý hơn một tháng rưỡi, ông được nhận rất nhiều tiền thù lao, nhưng khi về nước tay trắng vẫn hoàn tay trắng. Năm 1997 lão võ sư đã làm lễ “rửa tay gác kiếm”, quay về đời thường sinh sống bằng nghề rèn binh khí.
TK (Tổng hợp) |
Đỗ Bá - Thanh Giang