“Cầu vồng tình yêu” được VTV “Việt hoá” từ kịch bản phim
“Vinh quang gia tộc” của Hàn Quốc, “Người mẫu” cũng có nguồn gốc tương tự. Có thể nói mức độ phim “Việt hoá” trên VTV3 trong tháng 9 này hơi… đậm đặc vì 2 phim này phủ kín suốt tuần. Và tại sao, giờ vàng phim Việt mà khán giả lại phải xem kịch bản Hàn?
Phim “Cầu vồng tình yêu” được “Việt hoá” từ phim
“Vinh quang gia tộc” của Hàn Quốc.
Dở dở ương ươngTrong bối cảnh kịch bản phim truyền hình Việt thiếu và yếu tới mức đã bị xem là “thảm hoạ” thì lựa chọn các bộ phim ăn khách của Hàn Quốc để “Việt hoá” là một cách làm dễ và khá an toàn cho các nhà sản xuất phim.
Dù sao, cách xây dựng kịch bản phim truyền hình của Hàn Quốc cũng khá chuyên nghiệp cho dù vẫn còn có những trường hợp phim của xứ sở kim chi vẫn làm cho khán giả “vừa xem, vừa tức”, “tức vẫn phải xem” vì những tình tiết phi lý như kiểu “Sự quyến rũ của người vợ”.
Nếu liệt kê phim “Việt hoá” từ Hàn Quốc tới nay đã lên tới con số vài chục nhưng phim thành công thì chỉ tính trên đầu ngón tay, có thể kể đến phim
“Dù gió có thổi”, “Mùi ngò gai”, “Lối sống sai lầm”… còn phim thất bại thì nhiều vô số kể. Thế nhưng các hãng phim vẫn lao vào con đường này bởi một lẽ, chi phí mua kịch bản rẻ hơn so với mua kịch bản nội, dễ thu hút quảng cáo vì phim Hàn ăn khách toàn chuyện tình tay ba, tay tư, gia đình ngăn cản, con riêng, con chung…
Thế nhưng, do vì trình độ làm phim chưa “tới bờ tới bến” nên phim Việt hoá cũng chính là lý do làm phim “Việt hoá” thất bại. Đạo diễn Võ Tấn Bình cho biết: “Tôi thấy các biên kịch của ta hầu như chỉ làm mỗi việc dịch kịch bản Hàn Quốc sang tiếng Việt, thay đổi chút chút để làm cho nó không bị nhận ra là chuyện phim đang diễn ra ở nước ngoài chứ đầu tư để cho nó ra chất Việt Nam thì không có. Hơn nữa, để tiết kiệm chi phí, các nhà sản xuất thẳng tay gạch bỏ những cảnh quay tốn kém, vì vậy phim thường rơi vào tình cảnh dở dở ương ương”.
Hàng nhái “lởm khởm”Thất bại đau đớn nhất của dòng phim “Việt hoá” có lẽ phải kể đến phim “Ngôi nhà hạnh phúc” của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng. Một bộ phim ăn khách của Hàn Quốc khi được làm lại ở VN đã khiến rất nhiều khán giả phản ứng vì ngôn từ vô duyên của các diễn viên.
Có lẽ để làm cho ra “chất Việt”, đạo diễn đã phải “vắt óc” thêm vào những đoạn đối đáp thô thiển trong phim. Điển hình là khi Kiều Nhi (Tường Vy) hỏi Bá Thông (Hiếu Hiền):
"Cục thịt ơi cục thịt, em là cục vàng, vậy con mình là cục gì?", Bá Thông đáp lại rằng: "Cục c…".Trong khi các nghệ sĩ ai cũng hô hào và nói nhiều về việc giữ gìn “bản sắc văn hoá dân tộc” thì việc làm phim dễ dãi, tràn lan phim Hàn được “Việt hoá” kiểu này thực sự là một điều ngược lại.
Cũng phim
“Ngôi nhà hạnh phúc”, kịch bản đã lười biếng để cho nhân vật làm món cơm cuộn (kimbap) của Hàn để mời nhau ăn mà chẳng nghĩ tới việc thay vào đó món ăn thuần Việt. Tất cả những lỗi lặt vặt như vậy khiến khán giả mất cảm tình với phim “Việt hoá” làm theo kiểu… “lởm khởm”.
Một sự khác biệt về văn hoá khác khiến kịch bản phim Việt hoá không dễ được khán giả chấp nhận, đó là các nhân vật thường nói rất nhiều. Văn hoá, tính cách của con người xứ Hàn không giống người Việt, hầu hết các nhân vật trên phim Hàn đều dễ dàng bày tỏ các trạng thái tình cảm yêu, ghét, giận dữ, hơi một chút là sừng sộ cãi cọ…
Trong khi người Việt lại kín đáo hơn một chút. Vậy mà trên màn ảnh, cứ phải chứng kiến các nhân vật nói nhiều, phụ nữ ngồi uống rượu “chén chú chén anh” theo kiểu đàn bà xứ kim chi khiến những khán giả lớn tuổi thấy bực mình.
Rõ ràng nếu làm phim “Việt hoá” theo kiểu dễ dãi, thiếu sự cố vấn của các nhà tâm lý, nhà văn hoá thì vô hình trung, chúng ta đang làm một việc rất không nên, đó là “Hàn Quốc hoá” khán giả Việt.
Theo Dân Việt