Chủ Nhật, 18/09/2011, 16:44 [GMT+7]
.
.

Chuyện tình cảm động của chàng trai mù với thôn nữ xinh đẹp

(Phunutoday) - Anh là một chàng trai mù, lại xuất thân trong một gia đình nghèo khó. Còn chị vốn được sinh ra trong một gia đình khá giả - một người đẹp thôn quê, từng làm xiêu lòng các bậc anh tài khắp làng trên, xóm dưới. Nhân duyên tiền định đã đưa lối để hai người gặp nhau và viết nên một câu chuyện tình kỳ diệu.
 
Họ đến được với nhau dù không phải trèo đèo, lội suối hay vượt qua biển lửa, thế nhưng rào cản gia đình, định kiến của xã hội thì không hề ít. Và rồi, họ đã có một cuộc sống trong ấm, ngoài êm bằng sự cảm thông, tình yêu thương và nụ cười viên mãn.
Nguyễn Văn Long và 2 con
Một buổi sáng tháng 9/1993, trong buổi khai giảng chuẩn bị vào lớp 10, khi đứng dậy, Long thấy mắt mình mờ đi không còn nhìn thấy gì nữa. Ngay sau đó, Long được thầy cô chở vào Bệnh viện Đa khoa huyện Yên Thành khám và điều trị. Để chạy chữa cho Long, gia đình phải chạy vạy, vay mượn hơn 70 triệu đồng, thế nhưng căn bệnh hủy hoại thuỷ tinh thể vẫn cướp đi nguồn sáng của Long. Bị bạn bè trêu chọc, chán nản, Long đã nhiều lần tìm đến cái chết, nhưng thương bố mẹ già “thần chết” không mang nổi Long đi.
 
Nguyễn Văn Long sinh ra trong một gia đình nghèo khó có tới 6 anh em (Long là con trai út trong gia đình), nhưng giàu truyền thống Nho học. Vốn là một chàng trai khôi ngô tuấn tú, học giỏi nên ngay từ thuở còn ngồi trên ghế nhà trường, Long đã nuôi ước mơ trở thành thầy giáo. Thế nhưng, khi mới chớm qua cái tuổi “trăng 15”, định mệnh nghiệt ngã lại cướp đi “cửa sổ tâm hồn”, dập tắt niềm mơ ước làm nghề “trồng người” của Long.
 
Bi quan, chán nản luôn là kẻ thù số một khi niềm ao ước.  Sự học của chàng trai trẻ bị đứt gánh giữa chừng. Chết không được ông trời và người thân chấp nhận. Vậy, phải sống sao cho ra sống, để không phải trút gánh nặng lên trên đầu bố mẹ già, là điều khiến Long trăn trở hàng đêm.
 
Năm 1997, Long quyết định mò mẫm vào Tây Nguyên ở nhờ nhà chị gái, để đi bán tăm tre cho Hội người mù TP.Buôn Mê Thuật. Những ngày lang thang khắp các huyện thị tỉnh Đắc Lắc, anh Long đã gặp chị Phạm Thị Hoài - người cùng quê xứ Nghệ. Và rồi họ đã đồng tâm cộng khổ, đấu tranh với khiếm khuyết cơ thể, đấu tranh với lý trí để viết lên câu chuyện tình vượt lên số phận và sống hạnh phúc.

Nhân duyên tiền định

Cách đây 14 năm, vào một ngày giữa thu, trời Tây Nguyên se lạnh, Long lang thang qua từng ngõ phố Buôn Mê Thuột bán tăm tre. Cả ngày lăn lộn, nhưng Long chỉ thu được hơn mười ngàn đồng. Xẩm tối, đang loay hoay tìm đường về nhà thì Long bị lạc vào giữa cánh rừng bạt ngàn cao su. Trời Tây Nguyên vừa mới mưa xong, con đường đất đỏ lấm lem bùn đất.
 
Đang lúc không tìm được lối ra thì Long gặp Hoài - một nữ công nhân trồng rừng cao su trên đường đi làm về. Chiếc xe đạp Thống nhất hàng ngày Hoài vẫn chở nhựa về công ty, thế mà hôm nay như nhân duyên tiền định, Hoài đạp xe không rồi hát vu vơ những nhạc phẩm dân ca xứ Nghệ. Giọng hát ngân vang như muốn thốt lên nỗi niềm nhớ quê da diết của một cô gái mới bước qua tuổi 18.
 
Đang miên man trong lời hát, bất thình lình tiếng gọi của Long vang lên: “Em gái xứ Nghệ ơi! Cho anh nhờ đoạn đường!”. Cái giọng gọi vội đậm âm xứ Nghệ ấy, bất chợt xua đi nỗi buồn xứ lạ của một cô gái xa quê. Không quản thân gái một mình nơi núi rừng hẻo lánh, Hoài dừng xe: “Anh cũng ở xứ Nghệ à? Sao lại bị lạc vô đây? Thôi lên xe, em chở anh về nhà”…
 
Chiếc xe chầm chậm lăn bánh, hai phận đời trái ngược nhau nhưng cùng chung một nỗi buồn nơi đất khách. Họ hàn huyên, chia sẻ với nhau suốt cả quãng đường dài. Cũng như Long, Hoài dù là một cô gái xinh đẹp nổi tiếng khắp làng trên, xóm dưới, nhưng sự đời ai oán đã không cho Hoài hãnh diện ở đời. Hoài sinh ra trong một gia đình giàu có, bố mẹ đều là những nhà thương gia có tiếng ở Nghệ An.
 
Với dáng người cao ráo, khuôn mặt khả ái và giọng hát dịu dàng, sâu lắng, ngay từ bé Hoài đã mang trong mình khát vọng trở thành nữ ca sĩ xứ Nghệ. Thương con, bố mẹ Hoài luôn tạo mọi điều kiện về vật chất và hết mực ủng hộ con về mặt tinh thần. Thế nhưng, khi Hoài bắt đầu bước lên lớp 9 thì hoàn cảnh nhà Hoài lại rơi vào bế tắc.
 
Bố mẹ Hoài làm ăn thua lỗ, trong thời gian ngắn đã sạt nghiệp, phải bán hết gia sản để bù nợ. Vậy là, một cô gái xinh đẹp, hát hay, có điều kiện kinh tế luôn nghĩ sẽ thực hiện được ước mơ nhưng trong chốc lát đã bị dập tắt. Ước mơ đổ vỡ, sau hơn một tháng vật vã với cú sốc tinh thần, Hoài quyết định từ bỏ ước mơ để vào Nam chăm sóc rừng cao su cho một công ty ở Đắc Lắc. Xa quê, xa bố mẹ, Hoài cũng chẳng buồn nghĩ tới tương lai.
 Gia đình long
Thế nhưng, ngay lần đầu tiên gặp Long - chàng trai tuy mù đôi mắt nhưng tiếng đàn ghita cùng những lời bộc bạch chân thành đã khiến trái tim Hoài rung động. Hoài tâm sự: “Đó là cái ngày định mệnh. Bởi những lời chia sẻ chân thành như moi hết ruột gan của chàng trai bất hạnh nhưng giàu nghị lực đã làm em thực sự xúc động. Chính em đã đi đến quyết định sẽ luôn coi anh như người bạn tâm giao, cùng chia sẻ mọi nỗi buồn, vui về cuộc sống”.
 
Sau một tháng tìm đến nhau hàn huyên, sẻ chia nỗi niềm, tình yêu của anh chị bùng lên một cách mãnh liệt. Cả hai đều nhận thấy người này là một nửa của người kia. Dẫu biết vậy, nhưng ngày cô siêu mẫu Phạm Thị Hoài ngỏ lời gửi gắm cuộc đời cho mình, anh Long đã khóc. Hơn ai hết, Long hiểu hoàn cảnh hiện tại của mình. Vướng vào cuộc đời anh, Hoài sẽ phải khổ đến nhường nào. Long vùi sâu chôn chặt mối tình câm lặng, chỉ dám coi Hoài như một người bạn tâm giao, một người em gái.
 
Thế nhưng, vào một buổi chiều tháng 10/1997, lương duyên tiền định kéo tình cảm của hai người lại với nhau. Trong cơn mưa tầm tã, con đường đất đỏ Tây Nguyên lầy lội làm Long liên tiếp phải “vồ ếch”, nhưng may mắn, Hoài đã có mặt và dìu dắt Long về nhà. Cảm động trước tấm lòng của người thương bấy lâu giấu kín, Long không cầm nổi nước mắt. Tấm chân tình của Hoài đã thực sự chinh phục được anh. Những mặc cảm về thân phận khuyết tật biến mất, nhường chỗ cho tình yêu và khao khát hạnh phúc mãnh liệt. Ngay hôm sau, Hoài quyết định dẫn Long về quê nhà gặp gia đình xin cưới, nguyện lấy Long làm chồng.

Vượt qua định kiến, dệt nên tổ ấm viên mãn

Hai người yêu nhau, hiểu nhau và thông cảm cho nhau là vậy, nhưng để đến với nhau với họ đâu phải là chuyện dễ dàng. Ngày Hoài dẫn Long về nhà ra mắt với gia đình, khi nghe tin con gái giới thiệu người yêu và xin gia đình cho cưới, bố mẹ Hoài đã kịch liệt ngăn cấm. Thậm chí bố mẹ Hoài còn tuyên bố là “cắt đứt tình thân” nếu như Hoài lấy Long làm chồng. Rồi anh em họ hàng, làng xóm cũng dèm pha, khuyên ngăn.
 
Hoài kể, cái ngày dẫn Long về nhà ra mắt bố mẹ và xin cưới, chưa nói hết câu Hoài đã bị mẹ tạt ly nước vào mặt và bảo: “Mày nhìn kỹ lại nó xem. Nó mù thì làm được gì hả? Nếu mày lấy nó thì tao với mày sẽ cắt đứt tình mẹ con”. Những lời nói ấy như xát muối vào hai trái tim đang “rỉ máu”. Hoài quay sang nhìn Long, hai hàng nước mắt cứ thế lăn dài rồi nghẹn ngào: “Con xin mẹ cho con được lấy anh ấy. Nếu không lấy được người mình yêu, con thà ở vậy suốt đời”.
 
Có lẽ vì thế mà các cụ chỉ còn biết nói câu: “Thôi trời không chịu đất thì đất phải chịu trời vậy”. Sau hai ngày thuyết phục gia đình, vượt qua những khó khăn định kiến, Hoài được bố mẹ chấp thuận, cho cưới. Ngày 22/10/1997 tại xã Ngọc Sơn (huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An), đã diễn ra một sự kiện thu hút sự quan tâm đặc biệt của người dân địa phương. Đám cưới giữa anh Nguyễn Văn Long và chị Phạm Thị Hoài diễn ra trong niềm vui mặn chát của họ hàng hai bên và bà con lối xóm.
 
Nhắc lại những rào cản trước ngày cưới Hoài tâm sự: “Nhiều người từng bảo em thân gái chính chuyên lại xinh đẹp, lấy ai không lấy lại lấy người vừa mù, vừa nghèo chỉ có khổ cả đời. Thế nhưng, với em đó là cái duyên vợ chồng. Ngày em đến với anh Long, em có nghĩ đến lợi danh gì đâu. Chỉ biết rằng chúng em hiểu nhau, thương nhau, cảm thông số phận rồi nên nghĩa vợ chồng thôi”.
 
Người ta thường bảo “Thuận vợ thuận chồng, tát biển Đông cũng cạn”. Để chăm lo cuộc sống cho gia đình, sau ngày cưới Long quyết định đi học nghề tẩm quất, xoa bóp trị liệu 2 tháng rồi vào TP.Vinh hành nghề. Hoài ở nhà nhận 5 sào ruộng và chăn nuôi lợn, gà. Cứ một tuần, Hoài lại đạp xe vào Vinh thăm Long một lần. Được một thời gian, nghĩ đường xá xa xôi, Hoài lại đeo bòng con nhỏ, nên Long quyết định trở về quê mở quán tẩm quất, xoa bóp ngay tại nhà.
 
Cuộc sống khó khăn, nhưng anh chị vẫn hết mực yêu thương nhau. Đến nay, anh chị đã có với nhau 2 cô con gái xinh xắn, ngoan ngoãn. Khi đề cập tới những dự định trong tương lai, anh Long tâm sự: “Căn bệnh quái ác đã lấy đi của tôi nguồn sáng. Nhưng tôi còn đôi tay và khối óc, tôi chỉ ao ước mở được một cơ sở tẩm quất dưới trung tâm huyện. Phần vì muốn cho những mảnh đời như tôi có đồng thu nhập để trang trải cuộc sống, phần mong được gần vợ, gần con”.
 
Giờ đây, sau 14 năm nên duyên nghĩa vợ chồng, chuyện tình yêu đẹp như chuyện cổ tích của Nguyễn Văn Long - Phạm Thị Hoài vẫn được bà con lối xóm nhắc đến như một niềm cảm phục dành cho mối tình cao cả. Một đôi vợ chồng trẻ luôn tràn trề nghị lực sống, đồng tâm cộng khổ nguyện cùng nhau tát cạn biển đời. Bỏ lại sau lưng những khó khăn, thiếu thốn về vật chất, chị Hoài vẫn một lòng nguyện ở bên chăm sóc người chồng bị mù cùng bố mẹ già và con cái.
 
Với chị, đó không phải là nỗi khổ hay sự bất hạnh, mà đó là niềm hạnh phúc. Một gia đình thiếu thốn vật chất nhưng không bao giờ thiếu thốn nụ cười, niềm vui. “Được sống bên cạnh người mình yêu thương, một người luôn hiểu và san sẻ niềm vui nỗi buồn, thì khổ bao nhiêu, túng thiếu vật chất bao nhiêu chúng em cũng vượt qua được”- chị Hoài khẳng định.
 
Vượt qua biết bao khó khăn để đeo đuổi mối tình tuyệt diệu, giờ đây anh chị luôn tự hào đã có được với nhau hai cô con gái xinh đẹp, ngoan ngoãn. Anh chị cho con cái cuộc đời, còn con cái cho anh chị niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống, rằng: hạnh phúc luôn đến với những người biết sống yêu thương và biết khát khao để vun đắp cho mái ấm gia đình.
 
Tới thăm căn nhà nhỏ của vợ chồng anh Long, chị Hoài, mới cảm nhận được sự ấm cúng, ngập tràn yêu thương. Nhìn cái cách trò chuyện, cái cách anh gọi vợ đầy trìu mến, đôi bàn tay siết chặt mỗi lúc gần bên. Cái cách chồng gẩy đàn ghi ta, vợ dạy hai cô con gái ngân vang những lời ca, tiếng hát… mới thấy ngọn lửa tình yêu trong họ lúc nào cũng nồng đượm như thủa ban đầu.

Hùng Võ
;
.
.