Báo điện tử của báo Nông thôn Ngày nay

Thứ tư, 21/09/2011 13:11
21/09/2011 | 06:14

"Khát vọng Thăng Long" dự Oscar 2012: Thi cho... vui?

(Dân Việt) - Ông Huỳnh Vĩnh Ái - Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL cho biết, bộ phim "Khát vọng Thăng Long" đã nhận được số phiếu bầu chọn cao nhất để trở thành đại diện cho điện ảnh Việt Nam tham dự Giải Oscar 2012.

Đề cao tính lịch sử

NSƯT Đặng Xuân Hải - Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam cho biết, để giành được tấm vé tham dự Giải Oscar 2012, bộ phim "Khát vọng Thăng Long" của đạo diễn Lưu Trọng Ninh đã được hội đồng duyệt phim "mổ xẻ" kỹ lưỡng.

Cảnh trong phim "Khát vọng Thăng Long".

Trước đó, có ba bộ phim "Long thành cầm giả ca", "Cánh đồng bất tận", "Khát vọng Thăng Long" đã gửi hồ sơ và đăng ký tham dự Giải Oscar và đạt đủ hạng mục quy định của Viện Hàn lâm khoa học và Nghệ thuật điện ảnh Mỹ, về "phim nói tiếng nước ngoài hay nhất", phải "chiếu thương mại ít nhất 7 ngày liền tại nước sở tại, từ ngày 30.9 năm trước đến ngày 1.10 năm sau".

So với hai phim còn lại, "Khát vọng Thăng Long" có những ưu điểm nổi bật như tính lịch sử, dân tộc và tính nhân văn đậm nét, các tuyến nhân vật khá mạch lạc với hai nhân vật Lê Long Đĩnh và Lý Công Uẩn.

"Khát vọng Thăng Long" giành được vé đi dự Giải Oscar đã làm không ít khán giả Việt ngạc nhiên, bởi trước đó, dư luận cho rằng, so với "Khát vọng Thăng Long" và "Long thành cầm giả ca", thì bộ phim "Cánh đồng bất tận" của đạo diễn Quang Bình "nặng ký" hơn bởi nó rất thành công về doanh thu và mang đặc trưng của điện ảnh đương đại, trong đó chuyển tải được vẻ đẹp sông nước đồng bằng sông Cửu Long độc đáo.

Chủ yếu là giao lưu, học hỏi

Trong lịch sử Oscar, giải phim nước ngoài hay nhất thường được trao cho các phim đến từ châu Âu. Năm 2001, bộ phim "Ngọa hổ tàng long" của đạo diễn Lý An là bộ phim châu Á đầu tiên chính thức nhận được giải thưởng này. Từ năm 1957 trở đi, Oscar mới chính thức có giải phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất. Bộ phim châu Á giành giải thưởng này gần đây nhất là phim "Okuribito" của Nhật Bản trong lễ trao Giải Oscar 2009.

Khán giả Việt đang chờ đợi và hy vọng một sự bứt phá của điện ảnh nước nhà tại mùa Giải Oscar 2012. Tuy nhiên, một số phim trước đó như "Mùa len trâu", "Chuyện của Pao", "Áo lụa Hà Đông", "Đừng đốt" được gửi tham dự nhưng không thu được kết quả gì. Đó cũng là điều dễ hiểu khi mặt bằng chung điện ảnh nước ta còn thấp ngay cả khi so với các nước trong khu vực. Tượng vàng Oscar vẫn đang là giấc mơ xa vời của điện ảnh Việt Nam.

Nói về triển vọng giành Giải Oscar 2012 của "Khát vọng Thăng Long", ông Đặng Xuân Hải cho rằng, tất cả chúng ta đều có quyền hy vọng bộ phim sẽ giành giải.

Phản bác lại nhận định Việt Nam tham dự Giải Oscar chỉ để cho vui, ông Đặng Xuân Hải khẳng định, đối với tất cả các giải của liên hoan phim, điện ảnh trong khu vực và trên thế giới, điện ảnh Việt Nam nên tham gia để giao lưu, học hỏi kinh nghiệm từ sân chơi điện ảnh quốc tế, quảng bá văn hóa, lịch sử Việt Nam.

Tuy nhiên, đạo diễn Lưu Trọng Ninh - "cha đẻ" của "Khát vọng Thăng Long" cũng không thực sự tự tin nhiều ở cơ hội của phim tại Oscar 2012. Ông cho biết: "Điện ảnh Việt chưa đủ lực để vào một cuộc chơi lớn như thế. Lại gần nó là điều khó lắm nên tôi không cảm thấy áp lực dù phim được chọn đi dự Oscar hay không".

  • Tin nổi bật
  • Tin đọc nhiều nhất