Thứ sáu, 23/9/2011, 18:21 GMT+7

'Các nước trong khu vực đều đã hạn chế xe cá nhân'

Sáng 23/9, tại buổi làm việc với TP HCM, Bộ trưởng Giao thông vận tải Đinh La Thăng đề nghị thành phố sớm có lộ trình hạn chế xe máy, trước hết cấm ở một số tuyến phố, sau đó mở rộng ra đường vành đai 1, 2. Ông cũng ủng hộ dự án thu phí ôtô vào nội đô.
> Thí điểm hạn chế môtô, xe máy ở Hà Nội và TP HCM

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đề nghị TP HCM phải xây dựng một cơ chế đột phá để thực hiện phát triển đồng bộ giao thông vận tải trên địa bàn cả về đường bộ, đường thủy, đường hàng không... TP HCM cần phải có cách đi riêng, không nhất thiết phải đi giống cách đi chung của cả nước.

Về xử lý ùn tắc giao thông, ông Thăng đề nghị TP HCM phải kiên quyết làm được ba việc. Thứ nhất là không cho thuê lòng đường, vỉa hè làm nơi kinh doanh, đỗ xe. Thứ hai là phải có lộ trình để hạn chế xe máy lưu thông trên địa bàn, trước hết cấm ở một số tuyến phố, sau đó đi đến cấm trên các đường vành đai 1, vành đai 2... Thứ ba là phải xử phạt rất nghiêm, áp dụng hình phạt cao nhất đối với người tham gia đua xe trái phép như thu xe vĩnh viễn, thu xong hủy luôn...

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng phát biểu tại buổi làm việc với TP HCM. Ảnh: Tá Lâm.
Bộ trưởng Giao thông vận tải Đinh La Thăng phát biểu tại buổi làm việc với TP HCM. Ảnh: Tá Lâm.

Trao đổi với báo chí bên lề buổi làm việc, ông Đinh La Thăng cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải xây dựng đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng và hạn chế xe cá nhân lưu thông vào thành phố. Về mặt lâu dài cần phải đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông tốt hơn, đầu tư phát triển các loại hình vận tải hành khách công cộng chở được nhiều người, cả đường sắt trên cao và đường ngầm... Tuy nhiên, khi chưa làm được điều này thì trước mắt cần phải có giải pháp giảm ùn tắc giao thông bằng cách hạn chế xe cá nhân vào trung tâm thành phố.

"Những thành phố văn minh hiện đại trên thế giới làm được tại sao mình không làm được? Các nước trong khu vực như Trung Quốc làm gì có xe máy lưu thông ở các thành phố lớn? Tôi đề nghị TP HCM phải rất kiên quyết trong việc này", ông Thăng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Giao thông cũng ủng hộ TP HCM trong việc đưa ra dự án thu phí ôtô vào trung tâm thành phố nhằm giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố. "Không phải chỉ có mỗi Việt Nam thu phí xe ôtô vào trung tâm thành phố. Trên thế giới và trong khu vực cũng đã có nhiều nước thực hiện dự án này. Nếu đi sang Singapore mới biết đi ôtô cực khổ chứ chưa nói đến xe máy. Vừa phải kiếm chỗ đỗ khó khăn, vừa phải nộp đủ thứ lệ phí...", Bộ trưởng Giao thông vận tải nói.

TP HCM có khoảng 5,3 triệu phương tiện giao thông, trong đó có gần 500 ngàn xe ôtô (chiếm gần 1/3 tổng số cả nước). Hàng ngày có thêm 1 triệu xe môtô, xe gắn máy và 60.000 xe ôtô mang biển số các tỉnh thành khác vào thành phố và có khoảng 1.000 xe máy, 100 ôtô đăng ký mới.

"Với tốc độ tăng chóng mặt như thế thì đương nhiên không có hạ tầng giao thông nào có thể đảm bảo nỗi. Biện pháp hạn chế xe cá nhân vào trung tâm thành phố là cần thiết", ông Thăng nói.

Ngoài hai thành phố lớn là TP HCM và Hà Nội thí điểm trước, ông Thăng cũng cho biết, trong tương lai sẽ tiến tới mở rộng hạn chế xe cá nhân trên cả nước. Theo lộ trình của Bộ Giao thông vận tải, đến quý IV năm nay sẽ dự thảo xong, quý I năm 2012 sẽ lấy ý kiến các bộ ngành, các địa phương để báo cáo chính phủ. Đến cuối năm 2012 sẽ trình Chính phủ dự án mở rộng hạn chế xe cá nhân trong cả nước. Tuy nhiên, người đứng đầu ngành giao thông cũng yêu cầu trong các lộ trình cần phải có sự hài hòa về đầu tư cơ sở hạ tầng, hài hòa về văn bản quy phạm pháp luật và hài hòa về tuyên truyền vận động người dân...

Trước đó, thay mặt UBND thành phố, ông Trần Quang Phượng - Giám đốc Sở Giao thông vận tải cho biết, một số dự án do Bộ GTVT làm chủ đầu tư trên địa bàn gặp khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng vì kinh phí vượt quá khả năng khả năng cân đối ngân sách của thành phố. Ví dụ, dự án nâng cấp quốc lộ 50, kinh phí giải phóng mặt bằng đoạn qua TP HCM là 675 tỷ đồng và thành phố đã đồng ý sử dụng ngân sách để chi. Tuy nhiên, thực tế cho thấy khoản tiền dự kiến tăng lên khoảng 1.280 tỷ đồng.

"Thành phố kiến nghị Bộ Giao thông vận tải thống nhất theo phương thức: Ngân sách thành phố góp 78% chi phí giải phóng mặt bằng, 22% còn lại do Bộ GTVT lo", ông Phượng nói.

Đối với dự án nâng cấp tuyến N2 (đoạn Củ Chi - Đức Hòa), hiện nay đã hết vốn nên chưa thể chi trả tiền bồi thường cho các hộ dân. Do đó, thành phố kiến nghị Bộ tiếp tục bổ sung vốn để sớm hoàn tất công tác giải phóng mặt bằng (khoảng 72 tỷ đồng).

Hệ thống giao thông đường bộ TP HCM.
Hệ thống giao thông đường bộ khu vực TP HCM năm 2020.

Các dự án đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, đường cao tốc Bến Lức - Long Thành cũng đã lập xong phương án bồi thường, đang chờ bố trí vốn. Liên quan đến đường liên tỉnh lộ 25B, hiện được tập trung thi công mở rộng 6 làn xe, đã đưa vào sử dụng cầu Giồng Ông Tố mới và một đoạn tuyến này. Dự án dự kiến hoàn thành vào tháng 6/2012.

Thành phố cũng kiến nghị Bộ GTVT chủ trì với các bộ, ngành sớm xây dựng đề án hạn chế và có lộ trình cấm xe môtô, xe máy tham gia giao thông trên địa bàn... Ngoài ra, thành phố cũng kiến nghị Bộ Giao thông vận tải ưu tiên, tập trung tối đa nguồn vốn, đặc biệt là nguồn vốn ODA để xây dựng hệ thống đường sắt đô thị và các công trình trọng điểm của thành phố.

Tá Lâm

Link Site
 
 
 
 
Lien he quang cao