Thứ sáu, 23/9/2011, 17:02 GMT+7

'Xây tượng đài hoành tráng cũng như nhà nghèo nuôi voi chơi'

"Hình thức làm công trình tưởng niệm bây giờ đã rất khác. Gần đây nhất, kỷ niệm sự kiện 11/9 ở Mỹ, họ cũng không làm những tượng đài cao vút, đồ sộ trên nền 2 tòa tháp cũ", ông Phạm Trung, Trưởng ban Mỹ thuật hiện đại (Viện Mỹ thuật) trao đổi với VnExpress.
> 'Mẹ tôi chắc không vui nếu tượng đài tốn kém'/ Quảng Nam trần tình về 410 tỷ đồng xây tượng đài mẹ Việt Nam

- Vừa có chuyến thăm mô hình tượng đài mẹ VN anh hùng tại Quảng Nam, cảm nhận của ông như thế nào về công trình này?

- Trước thông tin Quảng Nam xây tượng đài mẹ Việt Nam anh hùng, những người nghiên cứu mỹ thuật đã rất quan tâm bởi lẽ công trình đội giá nhiều lần với số tiền rất lớn, trở thành tượng đài có kinh phí lớn nhất Việt Nam, vượt qua cả tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ.

Khi tôi xem mô hình bằng xi măng với tỷ lệ 1/1, ấn tượng đầu tiên là không thỏa mãn, không choáng ngợp về thẩm mỹ, về hiệu quả thị giác mà chỉ thấy đồ sộ. Tôi cũng liên tưởng ngay nếu xây dựng ngoài thực địa, với những công năng lồng ghép (bảo tàng, nơi người dân tới vui chơi, du lịch…), trong không gian nắng và gió khắc nghiệt của miền Trung thì khối tượng này sẽ rất thô và khô.

Tác giả có thể hiện tứ văn học rất hay là tượng sừng sững như núi, có hồ nước phía dưới với ý tưởng "Công cha như núi Thái Sơn/Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra". Tuy nhiên, công trình này không thể hiện được điều đó bởi ấn tượng thị giác là khô, nhiều chi tiết vụn, không có sự chắt lọc và không có tính điêu khắc.

Ảnh: Vũ Huy Thông.
Tượng mẹ VN anh hùng đã xong mô hình xi măng tỷ lệ 1/1. Ảnh: Vũ Huy Thông.

Về quy hoạch mặt bằng, cấu trúc tổng thể cũng không thỏa mãn, dàn trải, rời rạc, mặc dù về sau có thêm tiểu cảnh cây xanh trong không gian chung. Có thể lấy một ví dụ bằng hàng trụ biểu bên ngoài. Tác giả cố gắng khai thác những hình tượng nghệ thuật, mô típ chạm khắc dân gian, như hoa sen, mây, đàn nhạc, chân dung phụ nữ... nhưng khi càng lồng ghép thì thấy sự tả kể, vụn vặt càng lộ rõ.

Nói thẳng là những minh họa đó mang tính cải lương, “tân cổ giao duyên” và nó càng làm cho tính chất tưởng niệm và chủ đề về mẹ VN bị dàn trải, sức thuyết phục về mặt nghệ thuật không cao, mang nặng tính dân gian nhiều hơn là tính bác học, chuyên nghiệp.

- Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cho rằng, tượng hoành tráng mới thể hiện hết tầm vóc của mẹ VN anh hùng, xứng tầm thế giới, ông nghĩ sao về điều này?

- Tư duy thẩm mỹ của người Việt từ hàng nghìn năm nay đều do điều kiện khí hậu và điều kiện kinh tế quy chiếu. Người Việt không có tư duy phát triển theo chiều cao, không có truyền thống làm tượng đài, tượng ngoài trời. Các công trình kiến trúc thường phát triển theo chiều ngang, tiêu biểu như các cung điện ở Huế và đình chùa khắp cả nước.

Từ năm 2006, Viện Mỹ thuật VN tổ chức hội thảo về điêu khắc ngoài trời VN hiện đại. Rất nhiều ý kiến cảnh báo tượng đài ngoài trời VN ngày càng xấu đi, xa rời thẩm mỹ truyền thống của người Việt. Vậy có nên làm tượng đài nữa không? Thế nhưng, sau hội thảo không thấy tình hình tiến bộ mà càng có nhiều tượng đài to và xấu hơn.

Có thể là do kinh tế phát triển nên nhiều nơi, nhiều người muốn làm to hơn song điều ngược lại là hiệu quả xã hội từ các công trình đem lại rất hạn chế. Càng làm, các công trình tượng đài càng tiêu tốn nhiều và không tạo ra được những điểm nhấn thẩm mỹ thị giác bởi tính công thức và minh họa cổ động rập khuôn, không đạt được thành tựu về giáo dục cộng đồng và giáo dục thẩm mỹ.

Ở VN hiện nay rất ít người có khả năng làm tượng đài mà cả tư duy lẫn tay nghề tốt. Những công trình hoành tráng sử thi chỉ đếm trên đầu ngón tay, ví dụ Mẹ Tổ quốc của ông Nguyễn Hải, tượng Nhà tù Lao Bảo của Phạm Văn Hạng, tượng đài Ngã ba đồng Lộc của Lê Đình Quỳ, một số tác phẩm của Phan Gia Hương, Lưu Danh Thanh, Tạ Quang Bạo... Tức là rất ít người làm được những công trình mà có cảm giác có tính hoành tráng, sử thi. Ngay cả các sáng tác của họ, chất lượng nghệ thuật cũng không ổn định.

Các trường đào tạo của chúng ta không có chuyên ngành đào tạo điêu khắc hoành tráng, trừ ĐH Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội. Các trường khác chỉ dạy điêu khắc tượng tròn, còn điêu khắc ngoài trời đòi hỏi kinh nghiệm và hình thức đào tạo riêng thì ta không có.

Ảnh: Vũ Huy Thông.
Các trụ biểu với nhiều họa tiết. Ảnh: Vũ Huy Thông.

- Là nhà nghiên cứu nghệ thuật, ông đánh giá thế nào về xu hướng làm tượng đài đồ sộ hiện nay?

- Hiện nay trên thế giới người ta không làm tượng đài như ở ta nữa. Ngay cả Trung Quốc cũng làm rất ít, chuyển sang những hình thức khác. Gần đây nhất, kỷ niệm 10 năm sự kiện 11/9 ở Mỹ, tại khuôn viên của tòa tháp đôi bị đánh sập, họ không làm những tượng đài cao vút, đồ sộ mà tại nền 2 tòa tháp cũ, họ đào hai cái hồ vuông, nước chảy liên tục vào đấy, xung quanh ghi tên những người thiệt mạng. Ngày tưởng niệm họ chiếu 2 cột đèn laser lên trời, kỹ thuật không có gì ghê gớm nhưng ý nghĩa vô cùng sâu sắc. Hình thức làm công trình tưởng niệm bây giờ đã rất khác. Các nước có nhiều hình thức đáng học hỏi chứ không như của ta, hàng chục năm nay vẫn công - nông - binh giơ tay và tượng đài thành công thức, mang nặng tính cổ động, minh họa.

Tất cả điều đó chứng tỏ sự không tiến bộ về thẩm mỹ đến nỗi có ý kiến tiêu cực rằng nên xếp tượng đài vào lĩnh vực xây dựng, không bàn về thẩm mỹ nữa; hay nên chăng dừng xây tượng đài cho đến sau 2020, để lúc đó kinh tế ổn định, các điều luật rõ ràng hơn thì mới bàn... Trong một cuộc hội thảo do Hội Mỹ thuật VN tổ chức cách đây vài năm, có nhà điêu khắc có thâm niên và uy tín trong việc làm tượng đài ở nước ta từng dũng cảm thừa nhận: “Tượng đài là nơi làm kinh tế của các nhà điêu khắc”.

- Nhân nói về bệnh phì đại, ông đánh giá thế nào về mối liên hệ của phong trào đua nhau làm cái to nhất, lớn nhất, lập kỷ lục ở VN hiện nay?

- Thực ra, bệnh thành tích, bệnh muốn chứng tỏ mình là biểu hiện của sự thụt lùi văn hóa, một biểu hiện của sự thích ồn ào, khoe mẽ của tính thực dụng kiểu “trọc phú” chơi trội. Bởi vì, mình phải biết mình là ai. Dân tộc VN có truyền thống văn hóa lâu dài hàng nghìn năm, truyền thống chống ngoại xâm. Tuy nhiên, kinh tế VN thì chỉ mới thoát nghèo và nước ta về lãnh thổ, dân số là nước trung bình trên thế giới. Chúng ta có quyền tự hào ở những khía cạnh nhất định, thế nhưng khi cả xã hội đua nhau làm mọi thứ mà cái gì cũng muốn ghi vào kỷ lục, nhưng giá trị thực chất thì rất đáng ngờ, thì nó gây nên một cơn sốt mà có nhà văn hóa đã nói là "sự lên đồng tập thể". Ở đây, rõ ràng thể hiện sự trục trặc về văn hóa, một lối sống bề nổi, chụp giật và ngạo mạn.

Tôi có thể khẳng định, với hình thức làm tượng đài ngày càng phóng to về quy mô, bảo thủ về hình thức và kỹ thuật, tiêu tốn ngày càng nhiều tiền mà lại lồng ghép nhiều công năng trái chiều.... thì đó sẽ là một sự thất bại về mặt nghệ thuật của VN. Tượng mẹ VN là ví dụ chung cho sự thất bại này.

Nói cách khác, xây dựng tượng đài được ví như nhà nghèo nuôi voi cưỡi chơi, tốn kém vô cùng, và sự ảnh hưởng về mặt giáo dục tinh thần, xã hội cho cộng đồng ngay tại khu dân cư có công trình xây dựng và cho văn hóa nói chung là không cao, nếu không nói là rất đáng ngại nếu tượng đài đó chất lượng xây dựng, thẩm mỹ xấu.

Ảnh: Nguyễn Hưng.
Ông Phạm Trung: "Nhiều công trình điêu khắc to lớn, kềnh càng, khoa trương khánh thành gần đây đã kéo thụt lùi thẩm mỹ điêu khắc, nghệ thuật tượng đài trở về như những năm 1960-1970, nặng tính chất minh họa, cổ động". Ảnh: Nguyễn Hưng.

- Vậy theo ông công trình này nên làm thế nào cho phù hợp với hoàn cảnh hiện tại trong khi đã triển khai dự án được 4 năm?

- Khi làm tượng đài, có nhiều yếu tố chi phối. Hội đồng thẩm định địa phương có nhiều thành viên không có chuyên môn nhưng lại có tiếng nói quyết định và ra những bài toán mà các nghệ sĩ phải làm theo, thành ra đẽo cày giữa đường...

Tôi cho rằng, dư luận có thể cứ phản đối, còn địa phương họ vẫn sẽ cứ làm nếu không có chỉ đạo nào từ cấp cao hơn. Theo nghệ sĩ Đinh Gia Thắng, chi phí phóng tượng chỉ là 1/2 của con số hơn 410 tỷ đồng, còn lại là các hạng mục, sân vườn. Nếu địa phương có thực tâm cầu thị thì họ sẽ cắt bớt các hạng mục khác. Thực ra nếu họ dùng tiền ấy làm nhà tình nghĩa, làm bệnh viện, trường học thì giá trị nhân văn hơn nhiều.

- Cá nhân ông, nếu có thẩm quyền, ông sẽ xử lý như thế nào?

- Nói thẳng, nếu có thẩm quyền tôi sẽ không cho làm ngay từ đầu, mà lựa chọn nhiều phương án khác, thậm chí có thể mở nhiều cuộc thi, tìm kiếm các đồ án, giải pháp trên phạm vi cả nước. Công trình nên chọn phương án xây dựng vừa phải, tinh xảo. Vẫn có thể lấy mẹ Thứ làm mô thức chung, hoặc hình tượng nào đó khái quát được lịch sử văn hóa dân tộc, nhưng cái chính phải là chọn được người sáng tác có nghề. Bài toán ấy phụ thuộc vào đề bài, công trình được đặt ở đâu, ý nghĩa, yêu cầu cụ thể, vị trí đặt thì sẽ ra hình thức cụ thể. Khi càng cô đọng, xúc tích thì công trình càng có tính biểu tượng, đại diện cho văn hóa dân tộc.

Tôi cũng mong rằng, nhà quản lý nên cầu thị, dừng hãm bớt tốc độ xây tượng đài. Đây không chỉ ý kiến của riêng tôi mà nhiều chuyên gia trong ngành kiến trúc, mỹ thuật từng phát biểu.

Biểu quyết của độc giả trên VnExpress.net từ 20/9 đến chiều 23/9
Biểu quyết của độc giả trên VnExpress.net từ chiều 20/9 đến chiều 23/9.

Nguyễn Hưng thực hiện

Ý kiến bạn đọc () Sắp xếp theo:

Tại sao không giải thích rõ ràng

410 tỷ đồng, một khoản đầu tư quá lớn với một tỉnh nghèo như Quảng Nam. Với khoản đầu tư đó có lẽ sẽ xây được rất nhiều cầu cho học sinh ở vùng nông thôn, sông nước đi học hay làm được rất nhiều công việc có ý nghĩa khác ở Quảng Nam. Thêm nữa việc đầu tư thêm 330 tỷ đồng cộng với con số ban đầu là 81 tỷ đặt ra câu hỏi là người làm quản lý dự án có vai trò như thế nào khi khi để dự án vượt mức đầu tư gấp 4 lần dự toán ban đầu?

Tại sao khi tăng vốn đầu tư cho dự án lại không có một giải thích rõ ràng hơn cho người dân như chúng tôi hiểu? Nếu thực sự minh bạch thì phải công khai tài chính của dự án này để người dân nắm bắt. Chúng tôi không biết là số tiền đầu tư rất lớn đó thực sự có vào đến cổng công trình không?

(Dân đen)


Sử dụng đồng tiền không đúng mục đích

Tôi nghĩ làm tượng đài để tưởng nhớ đến những người có công với đất nước là điều rất tốt, nhưng tỉnh Quảng Nam là còn nghèo, ở đây còn rất nhiều gia đình liệt sĩ, bị nhiễm chất độc da cam, nhưng họ đã có nhà ở chưa? Tôi biết một số gia đình còn ở nhà tranh vách lá, chỉ cần một cơn bão nhẹ là đã bay, tại sao không dùng 410 tỷ Việt Nam đồng này xây cất nhà cho họ?

Nếu tính ra 410 tỷ đồng này sẽ xây dựng được hàng nghìn căn nhà tình nghĩa. Còn nữa, là những người đã hy sinh cho công cuộc chống Mỹ cứu nước mà đến bây giờ vẫn chưa tìm ra hài cốt, vậy tại sao không bỏ ra một ít tiền để tổ chức đi tìm những người đã hy sinh vì tổ quốc? Tôi rất mong mọi người hãy sử dụng đồng tiền cho đúng mục đích.

(Phạm Nhật Duy)


Cảm ơn chú Phạm Trung

Tôi nhìn thấy sự phản ánh sâu sắc của chú Phạm Trung là sự phản ánh của rất nhiều người trong xã hội này. Rất mong Ban quản lý dự án xây dựng tượng đài mẹ Việt Nam anh hùng tỉnh Quảng Nam cân nhắc kỹ hơn nữa và lắng nghe ý kiến của mọi người trong xã hội.

(Phạm Văn Thảo)


Mong nhìn thấy sự cầu thị

Cám ơn tác giả bài báo này và ý kiến của ông Phạm Trung. Hy vọng những người có trách nhiệm sẽ đọc bài báo này và có tinh thần cầu thị.

(Minh Trí)


Không nên làm

Tiền đó là của dân nên phải làm cho hợp lý là phải theo ý của dân. Với số tiền quá lớn như vậy mà xây tượng đài là không hợp lý. Nếu dành tiền đó để lo cho các mẹ VN anh hùng thì hay hơn. Chưa kể vấn đề bớt xén trong việc xây tượng.

(Phùng Ngọc Khiêm)


Nên xem xét lại

Tôi nghĩ xây một tượng đài mà bị nhiều người phê phán hơn là khen ngợi thì các lãnh đạo nên xem xét lại. Vì đây là một công trình không chỉ của riêng ai. Ngay cả những bà mẹ cũng không tán thành. Đừng lãng phí tiền thuế của người dân trong khi đất nước đang gặp nhiều khó khăn.

( Pham Duc )


Tán thành

Hoan nghênh ý kiến phản biện thẳng thắn chứa đựng đầy sự thuyết phục và tính khoa học, nhân văn của ông Phạm Trung.

(quyen tran)


Tuyệt

Một bài quá hay! Quả là có tâm và có tầm, chỉ tiếc là sao không phát biểu từ sớm?

(Huỳnh Hà Nam)


Chắc tác giả muốn có tên trong kỷ lục Việt Nam

Lấy tiền đó để nuôi các bà mẹ VN anh hùng còn lại thì có ý nghĩa hơn. Tưởng niệm người chết quá hoành tráng để làm gì trong khi người còn thì chẳng được bao nhiêu.

(ToMa)


Dành tiền cho việc khác

Nước ta còn nghèo. Số tiền xây tượng đài là quá lớn so với đời sống nhân dân nước ta. Nên để tiền đầu tư vào xây dựng bệnh viện, giúp đỡ người nghèo...

(Trần Đức Tuấn)


Quá đúng!

Hoàn toàn đồng ý với ông Trung! Đây chỉ là cơ hội làm kinh tế của nhà điêu khắc. Nên dừng công trình này lại càng sớm càng tốt.

(Vinh)


Tại sao phải xây tượng đài tốn kém?

Tại sao lại phải xây tượng đài to lớn tốn kém? Liệu tỉnh nhà đã có đủ bệnh viện, trường học cho dân chưa? Tôi nghĩ nếu xây bệnh viện hay trường học để vinh danh, chắc mẹ sẽ vui hơn là làm tượng đài!

(Phan Nguyên Nhung)


Bài hay!

Sướng quá. Thỉnh thoảng mới được một bài đọc sướng con mắt. Cảm ơn bác Phạm Trung vì đã nói hết tâm huyết của mình!

(Hong Mai)


Lãng phí sức dân

Cả nước đang khó khăn về kinh tế, làm tượng đài làm chi cho tốn kém?

(Trần Thanh Tùng)


Nghèo mà làm sang

Ghi nhớ công ơn những bà mẹ Việt Nam anh hùng, tri ân những liệt sĩ là thể hiện hành động và lương tâm trong mỗi con người VN, đâu cần phải tốn công như vậy. Số tiền đó nên để cho những trại trẻ mồ côi, trẻ em khuyết tật, người già cô đơn... Thật không hiểu nổi, trong khi tỉnh Quảng Nam lại thuộc tỉnh nghèo mà còn "chơi sang".

(Người dân)


Làm đã tốn, bảo dưỡng cũng không ít tiền

Theo tôi, nên suy nghĩ lại. Việc làm tượng đài mà tốn đến 20 triệu USD thì lãng phí quá. Sau này chi phí bảo trì, bảo dưỡng, tu bổ hàng năm là bao nhiêu? (500 triệu đồng một năm?) Tôi nghĩ đó là một con số tương đối lớn. Quảng Nam còn khó khăn về kinh tế. Nên đầu tư số tiền xây tượng đài vào những việc khác (xây cầu cho nhân dân đi lại, đầu tư vào cho giáo dục...). Xin đừng lãng phí tiền vào việc đó!

(Lê Xuân Linh)


Cần tư duy khác

Nhưng chúng ta cũng đừng quên rằng năm 1927, giữa muôn vàng khó khăn nước Mỹ đã xây dựng (điêu khắc) một công trình để đời, Tượng đài các Tổng thống Mỹ trên núi Rushmore bang Dakuta. Nếu với lối tư duy thế này con cháu chúng ta sẽ chẳng có một công trình nào để nhớ về cha ông chúng. Đừng vì ở đâu đó chưa có cây cầu, còn thiếu những lớp học mà chúng ta không tán thành xây dựng công trình này. Mọi thứ phải làm song song. Nhà nghèo không có nghĩa là con không được học đại học, không được trang bị laptop. Hãy tin và hãy để Quảng Nam làm.

(Võ Minh Trường)

Ý kiến của bạn

 
 Thay hình khác
  
Off Telex VNI VIQR
 
Link Site
 
 
 
 
Lien he quang cao