Nỗi buồn máy bay Made in Viet Nam

Thứ bảy 24/09/2011 08:11
(GDVN) - Trong đoạn phim tư liệu Phi công bay thử nghiệm Phạm Duy Long khi tiếp đất đã ôm chặt 1 sỹ quan không quân khóc nức nở...
Tháng 12/2005, chiếc máy bay VAM1 đã được chế tạo và bay thử nghiệm thành công dưới sự giám sát của các nhà khoa học và đại diện Bộ Quốc phòng Việt Nam.

Ngày 8/12/2005, chiếc VAM-1 do phi công Phạm Duy Long lái cất cánh tại sân bay Long Thành (Đồng Nai).

Một dự án khoa học có khả năng ứng dụng thực tiễn rất lớn và tưởng như rất khả thi, cuối cùng vẫn dậm chân tại chỗ trong suốt 6 năm qua. Và đến nay, 2 chiếc máy bay vẫn đang nằm trong kho chờ đợi sự cho phép của các cơ quan quản lý Nhà nước.
 
Năm 2005, trên đường vận chuyển chiếc máy bay VAM1 từ TP.HCM tới sân bay Nước Trong đã để lại những hình ảnh đầy hào hứng. Khi đó, dự án máy bay VAM đã được chấp thuận. Chiếc máy bay đã cất cánh lên trời cao mang theo niềm hạnh phúc và những ước mơ của rất nhiều nhà khoa học.
 
Trong đoạn phim tư liệu Phi công bay thử nghiệm Phạm Duy Long khi tiếp đất đã ôm chặt 1 sỹ quan không quân khóc nức nở, những giọt nước mắt hạnh phúc… Khi đó rất nhiều người đã tin tưởng vào tương lại sáng lạn của dự án máy bay VAM.
 
Sau 6 năm, gặp lại những người có niềm đam mê bầu trời tại TP.HCM, đó là phi công thử nghiêm Phạm Duy Long, là Kỹ sư hàng không Vimar Nguyễn, Chủ đầu tư của dự án. Họ không già đi là mấy so với thời điểm năm 2005, nhưng sự hào hứng thì đã mất nhiều. Những chiếc máy bay của họ trong dự án VAM đang nằm đắp chiếu trong kho, theo đúng nghĩa đen của cụm từ này.
 
Phi công Phạm Duy Long cho biết: "Ở Canada thì Long bay rất nhiều, ở đây không được bay tôi rất buồn. Bây giờ tôi nhìn những chiếc máy bay này như những đứa con bị bỏ rơi”.
 
Hai chiếc máy bay nằm im lặng trong kho như những chủ nhân của chúng. Họ có rất nhiều điều muốn nói về lợi ích khi sử dụng máy bay VAM, về sự tiện lợi và ứng dụng đa dạng của hàng không siêu nhẹ. Chỉ có điều không ai muốn nghe. Và các cơ quan quản lý Nhà nước cũng không thể trả lời ông một cách rõ ràng: Tại sao VAM1 lại không được bay.
 
Ông Vimar Nguyễn, Kỹ sư hàng không chia sẻ: “Tôi vẫn hy vọng là nó sẽ được bay, rồi sẽ đến lúc đó, chỉ có điều là đừng quá lâu trước khi sức khỏe của tôi đi xuống. Còn về việc không được bay thì chính tôi cũng không thể biết được tại sao".
 
Trong 6 năm chờ đợi, rất may mắn là ông Vimar Nguyễn lại tìm được một công việc cũng liên quan tới hàng không, liên quan tới máy bay, tới niềm đam mê chinh phục bầu trời… Đó là là thiết kế và sản xuất mô hình máy bay có gắn động cơ. Tuy là nghề tay trái, nhưng nó cũng rất phát triển và mang lại cho ông nguồn thu nhập đáng kể.
 
Về Việt Nam để mong muốn phát triển máy bay thật, nhưng giờ đây ông Vimar Nguyễn và những cộng sự của mình lại trở thành những chuyên gia trong việc chế tạo máy bay đồ chơi. Có lẽ tình huống éo le này không hề có khi ông dự định về nước.

 
Theo Xuân Tùng/VTV

Bình luận

Sắp xếp theo:

Tiến - 24/09/2011 18:02

Chiếc máy bay VAM1 có thể nâng cấp lên thành chiếc Embraer EMB-314 / A-29 Super Tucano ? Nếu các bạn nâng cấp lên thành công thì khả năng đón nhận của các bạn rất lớn. Bước đầu tiên Việt Nam tự sản xuất ra máy bay 1 động cơ.

mạnh lê - 24/09/2011 15:25

Thật là không thể hiểu được...làm việc kiểu gì nữa thế mà luôn nói rằng đầu tư vào khoa học công nghệ?

huuluyen_group - 24/09/2011 12:19

Đây là trong những lý do hỏi tại sao trình độ phát triển của chúng ta luôn đi sau nhiều nước khác

Bạch Hồng Long - 24/09/2011 08:29

Nhắc lại sự việc này, Phó GS.TS Nguyễn Thiện Tống, người trực tiếp tham gia chế tạo chiếc Vam-2 nay đã là Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Cửu Long thẳng thắn: Trong khi nhu cầu sử dụng máy bay nhỏ trong việc cấp cứu y tế, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn; tuần tra kiểm soát trên biển, du lịch, bảo vệ rừng… còn rất lớn. Song chúng ta đang thiếu một hành lang pháp lý, nhất là trong việc cho phép sử dụng máy bay và được bay.

Bạch Hồng Long - 24/09/2011 08:28

Chỉ một thời gian ngắn sau đó, chiếc máy bay siêu nhẹ mang tên Vam-1 có trọng lượng 150kg, vận tốc bay 150km/h; bay được ở độ cao 2.500m và tầm bay khoảng 500km. Chỉ cần nền đất cứng rộng chừng 200m2 là máy bay có thể cất hạ cánh với toàn bộ nguyên liệu, máy móc nhập từ nước ngoài đã chính thức được hoàn thành.

Sau một loạt các thủ tục, tháng 12/2005, chiếc Vam-1 chính thức được cất cánh bay thử tại sân bay Long Thành, Đồng Nai và do chính phi công Phạm Duy Long điều khiển.

Bạch Hồng Long - 24/09/2011 08:27

Sau lần bay thử thứ nhất được chừng 3 vòng với thời gian vỏn vẹn 45 phút này, chiếc máy bay siêu nhẹ Vam-1 đã phải chịu cảnh "đắp chiếu" từ đó tới nay. Chiếc Vam-2 thậm chí còn chưa được nghiệm thu và không được cất cánh.

Năm 2003, sau khi được Chính phủ cho phép chế tạo máy bay siêu nhẹ, Hội Cơ học Việt Nam đã phối hợp với ông Vimar Nguyễn, Việt kiều Canada và là một chuyên gia về máy bay loại nhỏ đầu tư vốn, bắt tay vào sản xuất.

Xuân Lê - 24/09/2011 08:18

Tôi cũng có cùng suy nghĩ với bạn Long. Thật là đáng buồn. Cám ơn anh Xuân Tùng, tôi biết anh cũng là người đam mê khám phá, làm chủ bầu trời

Tiến Long - 24/09/2011 08:16

Đọc bài viết này bản thân tôi một người đam mê khoa học kỹ thuật cảm thấy rất buồn, chẳng biết tại sao nữa... Nhìn lại lịch sử hàng không thế giới, không có những sáng tạo, không có những trải nghiệm, thậm chí cả những tai nạn chết người thì làm sao con người được đi máy bay như bây giờ.Càng yếu kém thì càng phải bay thật nhiều, thử nghiệm thật nhiều để đúc rút kinh nghiệm. Nhìn những người hàng xóm của chúng ta liên tục có những tiến bộ vượt bậc về công nghệ trong tất cả các lĩnh vực mà sao...