Điện ảnh cuối năm 2011:
Chờ 3 phim “bom tấn” về chiến tranh
(Dân Việt) - Không hẹn mà gặp, cuối năm nay sẽ có 3 bộ phim về đề tài chiến tranh cách mạng hoàn thành là “Mùi cỏ cháy”, “Đường Hồ Chí Minh trên biển” và “Huyền thoại 1C”.
Tiếng ve trong “Mùi cỏ cháy”
Để có được bộ phim kỷ niệm một thời đạn lửa và tái hiện năm 1972 khốc liệt ở chiến trường Quảng Trị, nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm đã phải ấp ủ kịch bản này trong suốt 5 năm.
Phim kể về 4 sinh viên Hoàng, Thành, Thăng, Long cùng lên đường nhập ngũ vào mùa hè năm 1971. Trải qua chiến tranh, nhóm 4 người bạn chỉ còn Hoàng là người duy nhất trở về. Bộ phim là một cuốn nhật ký bằng hình ảnh xen kẽ giữa cuộc sống hiện tại của Hoàng với quá khứ chiến tranh.
|
Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm (phải) tại trường quay phim Mùi cỏ cháy. |
Gần 1 năm nay, đoàn làm phim “Mùi cỏ cháy” thực sự vắt kiệt mình cho những bối cảnh khó. Các cảnh quay đầu, đoàn phim tái hiện lại cuộc sống Hà Nội những năm 1970, đây là một điều không hề đơn giản, bởi vậy họ đã sử dụng triệt để những cảnh quay sinh hoạt tại gia đình ở nhà cổ 87 phố Mã Mây, Hà Nội…
Những cảnh quay chiến tranh tại thành cổ được dựng lại ở Làng Văn hóa các dân tộc VN (Đồng Mô, Hà Nội) nhưng đạo diễn Nguyễn Hữu Mười - Hãng phim Truyện VN vẫn chưa thực sự hài lòng. Ông cho biết: “Để tạo dựng một thành cổ bị địch tàn phá như trong bức ảnh của nghệ sĩ nhiếp ảnh Đoàn Công Tính rất khó, với kinh phí eo hẹp 5,2 tỷ đồng của đoàn phim là không thể. Nhưng dù sao chúng tôi cũng phải dựng lại, trong phim khán giả chỉ thấy một góc hẹp thành Quảng Trị, chứ không thể thấy sự bát ngát và điêu tàn như thực tế vốn có”.
Còn với nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm thì bộ phim mang một phần cuộc đời ông chứa đựng nỗi ám ảnh về tiếng ve kêu trong Công viên Thống Nhất mùa hè năm 1971 ở cảnh mở đầu và cảnh kết, đó là nơi 4 chàng sinh viên cùng nhau chụp một bức ảnh lưu niệm trước khi ra chiến trường. “4 người ra đi mà chỉ có 1 người trở về để nghe lại tiếng ve của mùa hè thời trai trẻ, đau xót lắm chứ.
Nhiều đêm tĩnh lặng, đi trên phố, tôi trăn trở và tự hỏi tại sao mình được sống trở về? và tôi đã viết: Đêm trong suốt áp ngực vào phương ấy/ Gặp lại mùi cỏ cháy suốt đời trai/ Ngôi sao rơi trên dãy kẽm gai dài/ Những vùng đất không tiếng gà cất gáy/Bao hăng nồng cỏ cháy rát hoàng hôn...” – nhà thơ xúc động.
Lăn lộn với cuộc chiến
Cùng với sự vào cuộc của điện ảnh, 2 bộ phim truyền hình "Đường Hồ Chí Minh trên biển - Đoàn tàu không số" (40 tập) và “Huyền thoại 1C” (20 tập) dự kiến cũng hoàn thành vào cuối năm nay sẽ mang đến cho khán giả những góc nhìn khác về chiến tranh.
Bộ phim “Đường Hồ Chí Minh trên biển – Đoàn tàu không số” do Đài Truyền hình TP.HCM phối hợp thực hiện với Hãng phim Giải Phóng, có kinh phí 16 tỷ đồng. Bộ phim “Huyền thoại 1C” do Bộ VHTTDL là chủ đầu tư giao cho Hãng phim Tây Nam thực hiện, với kinh phí hoàn toàn do Nhà nước đầu tư vào khoảng trên dưới 30 tỷ đồng.
"Đường Hồ Chí Minh trên biển - Đoàn tàu không số" là một bộ phim hoành tráng do 3 đạo diễn Xuân Cường, Hồ Ngọc Xum và Đinh Thái Thụy cùng chỉ đạo thực hiện với 9 tổ quay phim.
Những cảnh quay đồ sộ nhất đã được thực hiện tại căn cứ Minh Đạm (Long Hải - Vũng Tàu) và vùng biển Vũng Tàu. Đó là cuộc hành quân với hơn 200 diễn viên; cảnh trực thăng, tàu chiến của Mỹ vây ráp những con tàu cảm tử không số của cách mạng và trực thăng Mỹ đổ quân vây các cánh rừng.
Nhiều tháng nay, đạo diễn NSƯT Nguyễn Thanh Vân lại đang lăn lộn trên vùng đất Mộc Hóa (Long An) để làm phim về cuộc sống của lực lượng TNXP suốt 8 năm bảo vệ đường 1C - tuyến đường giao liên biên giới trải dài từ Sóc Chuốt (Túc Mía, Campuchia) đến Cà Mau, đi qua hầu hết các địa phương của miền Tây Nam Bộ.
Phương Phương