Nhiều gia chủ “nếm trái đắng” vì ô sin
27-09-2011 | 06:20(Nguoiduatin.vn) - Theo đánh giá của các chuyên gia, việc công nhận người giúp việc là nghề chính thức sẽ góp phần mang lại quyền lợi hợp pháp và chính đáng cho người giúp việc, đảm bảo an sinh xã hội.
- Cung cầu nhân lực lao động năm 2011 mất cân đối
- Cả nước hướng về người lao động Việt trở về từ Lybia
Theo Dự thảo Bộ luật Lao động bổ sung mới đây, chủ sử dụng thuê người giúp việc gia đình (thường gọi là ôsin) ổn định lâu dài sẽ phải ký hợp đồng lao động, trong đó có điều khoản về lương tối thiểu, thời giờ làm việc, giờ nghỉ ngơi, tiền lương làm thêm giờ, điều kiện lao động, các chế độ khác cho người lao động như Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội và Bảo hiểm thất nghiệp.
Đảm bảo quyền lợi sát sườn với nhóm lao động "yếu thế"
TS Trịnh Hòa Bình, Viện Xã hội học bày tỏ: "Tôi hoàn toàn tán thành việc công nhận ô sin là một nghề. Trong quá trình thực hiện có thể gặp những khó khăn do phản ứng từ phía chủ nhà, tuy nhiên theo tôi với những chủ nhà văn minh chắc chắn họ sẽ chấp nhận. Khi nghề này được thừa nhận, chuyện đóng bảo hiểm để thực hiện quyền lợi cho họ là đương nhiên. Đó sẽ là quyền lợi sát sườn, gắn bó lâu dài với người lao động".
Công nhận người giúp việc là nghề chính thức sẽ góp phần mang lại quyền lợi hợp pháp và chính đáng cho người giúp việc, đảm bảo an sinh xã hội. |
TS Bình cũng thừa nhận những mặt trái liên quan đến công việc của người giúp việc như ô sin trộm cắp, bắt cóc con chủ nhà, thậm chí giết gia chủ để cướp tài sản... được báo chí đăng tải trong thời gian qua là hoàn toàn có thực. Việc công nhận ô sin là một nghề có thể sẽ không triệt tiêu được những hiện tượng đó tuy nhiên nó sẽ bị kiểm soát chặt chẽ từ phía xã hội và tất nhiên những sự việc đó sẽ dần bị đẩy lùi. Khi ô sin được công nhận như một nghề, họ sẽ có "mã số" trong xã hội, đó là biểu hiện của một xã hội văn minh, hiện đại. Đồng thời, nó cũng là tiêu chí góp phần đảm bảo an sinh xã hội".
Là người từng nhiều năm nghiên cứu chuyên sâu về xã hội học, TS Bình nhận định, hầu hết những người đi làm nghề giúp việc thường ở vào nhóm yếu thế, thu nhập thấp, chịu nhiều ảnh hưởng của hoàn cảnh gia đình. Thừa nhận quyền lợi chính đáng của họ cũng sẽ giúp họ có cơ hội được đào tạo, huấn luyện tốt hơn. Tất nhiên, Nhà nước sẽ xây dựng nên những trung tâm đào tạo người giúp việc, góp phần nâng cao trình độ học vấn, cũng như tính chuyên nghiệp của họ.
Và lẽ dĩ nhiên, chủ nhà sẽ có nhiều cơ hội hơn để lựa chọn cho mình những người giúp việc ưng ý. Thay vì phải về tận quê tìm bà con, nhờ sự giới thiệu của người nọ người kia, gia chủ có thể thoải mái lựa chọn người giúp việc sao cho tin tưởng nhất. Chuyện ô sin làm nũng đòi tăng lương, hay giận dỗi, nổi đùng nổi đóa bỏ về quê như trước đây sẽ không còn xảy ra nữa.
Xét dưới góc độ pháp lý, TS Bình cho rằng, hiện nay mọc lên nhiều trung tâm môi giới người giúp việc tự phát. Họ gần như không chịu trách nhiệm đến cùng, không có ràng buộc về mặt pháp lý với người lao động. Khi phát sinh những vấn đề liên quan đến pháp luật họ gần như phủi tay, rũ bỏ hoàn toàn trách nhiệm. Với điểm mới này sẽ tạo khung pháp lý để quản lý tốt lực lượng lao động này, góp phần xử lý những trung tâm làm ăn gian dối.
Đồng quan điểm, ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam bày tỏ: "Hiện nay, người giúp việc đang chịu không ít thiệt thòi trong xã hội do đặc thù công việc này mang lại. Với điểm mới trong Dự thảo Bộ luật Lao động này, họ sẽ được bảo vệ một cách tối đa, chủ lao động sẽ phải trả công xứng đáng đối với công sức người lao động bỏ ra".
Không nên đưa ngay vào luật
TS Đặng Quang Điều, Viện trưởng Viện Công nhân - Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) bày tỏ: "Thực ra, nghề ô sin đã tồn tại từ lâu nhưng chưa được luật hóa. Theo quan điểm của tôi, việc công nhận quyền lợi hợp pháp của người giúp việc vào trong luật là tốt, nó sẽ góp phần đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người lao động. Tuy nhiên, cũng tồn tại những mặt hạn chế”.
TS Điều cũng cho biết, “thực sự, vấn đề này chưa được nghiên cứu xã hội một cách kỹ càng, cũng chưa được thực hiện thí điểm trong thực tiễn. Vì vậy, việc quy định ngay trong luật vấn đề này có thể sẽ chưa thực sự chín muồi. Về mặt nghiên cứu, tôi cho rằng chỉ nên quy định có tính chất khung, trong thời gian khoảng 1 - 2 năm. Khi nghiên cứu một cách cụ thể, có đầy đủ cơ sở khoa học, chúng ta sẽ quy định dưới hình thức Nghị định. Như vậy, việc thực hiện sẽ cơ động và thuận lợi hơn. Nếu đưa ngay vào luật thời điểm này sẽ rất khó thực hiện".
"Bên cạnh đó, vấn đề làm cách nào để bảo vệ những đối tượng khác nhau cùng làm nghề ô sin cũng cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng. Đối với những lao động trẻ em, vị thành niên, phụ nữ, thậm chí là những người cao tuổi... quy định đặt ra cũng cần khác nhau, trên cơ sở cùng phải hướng đến quyền lợi hợp pháp của họ. Thậm chí cũng phải nghiên cứu cả phản ứng từ phía chủ nhà, những người sẽ trực tiếp tiếp nhận lao động", TS Điều nói.
Những lao động giúp việc gia đình sẽ có thêm quyền lợi và chỗ dựa luật pháp từ Bộ luật Lao động bổ sung tới đây. |
Có cái nhìn đa chiều hơn, thạc sĩ Lê Quang Bình, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Xã hội và Môi trường cho biết: "Từ quan điểm xã hội, tôi nghĩ cần phải có nghiên cứu sâu về quan hệ lao động giữa người lao động và người sử dụng lao động để có những điều chỉnh hợp lý trong mối quan hệ lao động đặc biệt giữa chủ và ô sin. Khác với các quan hệ lao động khác, người lao động thường ở cùng người sử dụng lao động (chủ nhà) và như vậy ngoài quan hệ lao động họ còn có nhiều quan hệ khác như tình cảm, sự tin cậy và tôn trọng lẫn nhau”.
“Theo số liệu thống kê của Vụ Gia đình (Bộ VHTTDL), hiện có khoảng 60% người giúp việc gia đình trông coi trẻ em hàng ngày, khoảng 20% chăm sóc người già và 20% chỉ làm các công việc nội trợ. Rõ ràng, số ô sin làm việc trực tiếp với trẻ em và người già - tức là chăm sóc các thành viên quan trọng của gia đình người sử dụng lao động chiếm đa số”.
“Chính vì vậy khi đi tuyển ô sin, chủ nhà hay quan tâm đến tư cách đạo đức, sự tin tưởng và trách nhiệm của họ. Vì tính đặc biệt này, việc thuần túy áp dụng hợp đồng lao động chỉ có thể giải quyết một phần trong quan hệ lao động (phần quyền lợi và trách nhiệm) nhưng chưa giải quyết được quan hệ tình cảm, sự tin cậy đặc biệt giữa chủ nhà và ô sin".
"Ngày trước, những người giúp việc trong gia đình khá giả thường ở hẳn và lâu dài trong nhà chủ. Họ gắn bó và được coi như người nhà mà không cần có hợp đồng lao động.
Chính vì vậy, tôi nghĩ rằng để giải quyết những vấn đề như bạo lực, xã hội... thì chúng ta phải xây dựng quan hệ và quan hệ này cần dựa trên nền tảng đạo đức thì mới bền vững”.
“Có lẽ, chúng ta nên có hiệp hội của những người làm nghề ô sin và họ cùng nhau xây dựng một bộ quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức của nghề này. Song song với Luật Lao động, bộ quy tắc ứng xử sẽ góp phần giải quyết các vấn đề xã hội tiêu cực đã xảy ra giữa ô sin và chủ nhà trong thời gian qua", Thạc sĩ Bình góp ý.
Anh Đức