Thứ Tư, 28/09/2011 - 10:32

Tân Cục phó Cục Điện ảnh: “Tôi không mấy khi mất bình tĩnh…”
(Dân trí) - Tiến sỹ Ngô Phương Lan - người vừa được điều động về giữ chức Phó Cục trưởng điều hành Cục Điện ảnh đã có cuộc trò chuyện với phóng viên Dân trí. TS Ngô Phương Lan đã chính thức về nhận công việc tại Cục Điện ảnh.
 >>  Tiến sỹ Ngô Phương Lan được bổ nhiệm làm Cục phó Cục Điện ảnh
 >>  Cục trưởng, Cục phó Cục Điện ảnh xin từ chức sau vụ thất thoát 42 tỷ đồng
 >>  “Bộ sẽ cân nhắc kỹ vị trí Cục trưởng Cục Điện ảnh”

Khi nhận quyết định điều động về Cục Điện ảnh giữa bối cảnh rối ren sau vụ thất thoát - Chị nghĩ gì?

Quả thật là tôi không có cơ hội để nghĩ ngợi gì vì vừa đi công tác về thì được thông báo có quyết định điều động, từ đó cho đến lúc nhận quyết định tôi chỉ có vài tiếng đồng hồ.

Chị về Cục Điện ảnh khi Điện ảnh đang rơi vào... "bi kịch". Giới làm phim chờ đợi những đổi mới từ nhân sự mới. Vậy, sự nghèo khó của điện ảnh, hay, sự chờ đợi của giới làm phim - khiến chị cảm thấy áp lực hơn?

Có lẽ là cả hai. Nhưng có lẽ chính trong lúc này tôi lại thấy hết được tình cảm và sự quan tâm của mọi người dành cho mình - từ các cấp lãnh đạo, quản lý trong Bộ cho đến các nghệ sĩ, bạn bè, đồng nghiệp và cả giới báo chí nữa. Điều này khiến tôi tự tin hơn và càng cố gắng phải sát cánh cùng mọi người, làm được cái gì đó cho điện ảnh.
 
TS Ngô Phương Lan



Khi về nhận chức tại Cục Điện ảnh, đâu là những công việc đầu tiên chị lên kế hoạch giải quyết? Đã có ý kiến lo ngại rằng, với bối cảnh điện ảnh hiện tại, có thể chị sẽ không biết bắt đầu từ đâu?

Tôi là người chuyên nghiên cứu và viết lý luận, phê bình điện ảnh nên hình như điều đó tạo cho mình bản tính bình tĩnh, hơi lý trí nữa. Chính vì thế cũng không mấy khi mất bình tĩnh hay “cuống quýt” vì chuyện gì. Trước mắt phải giải quyết những công việc tồn đọng của điện ảnh vì bây giờ đã sắp sang quý IV của năm. Từ nay đến Liên hoan phim Việt Nam 17 cùng chỉ còn hai tháng rưỡi, vào giai đoạn nước rút rồi vì thường người ta phải chuẩn bị cả năm cho một Liên hoan phim. Bởi vậy, mấy ngày qua chính thức về làm việc ở Cục Điện ảnh cũng là mấy ngày tôi đã cùng với các đồng nghiệp “xắn tay áo” vào những công việc cần giải quyết gấp nhất.

Sau vụ thất thoát 36,8 tỷ đồng, có ý kiến cho rằng, những người làm nghệ thuật sẽ không giỏi trong quản lý tài chính. Chị đã chuẩn bị cho mình những gì để có thể tránh được vết xe đổ của những người tiền nhiệm?

Vâng, đúng là những người làm nghệ thuật giỏi không phải ai cũng giỏi tài chính. Nhưng đối với người làm quản lý, ngoài năng lực rất cần cái tâm. Làm bất cứ việc gì mà mình nghĩ đến ngành, đến cái chung, đến mọi người trước khi nghĩ đến mình thì tôi tin khó có thể xảy ra những chuyện mọi người hay lo ngại.
 

Các kỳ LHP từ trước tới nay luôn được tổ chức thiếu chuyên nghiệp, luộm thuộm, ít hấp dẫn. Sau sự việc thất thoát tiền, liệu Điện ảnh có thể mang đến cho LHP 17 một gương mặt khả quan? Điều gì khiến chị tin rằng, LHP 17 sẽ mang đến niềm tin cho các nghệ sỹ?

Từ khi nhận trách nhiệm phó Ban tổ chức LHP, tôi đã đề xuất với Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái - trưởng Ban và các thành viên BTC một số thay đổi trong điều lệ, trong cách tổ chức. Ngay cả tiêu chí của LHP cũng sẽ có những thay đổi.
 
Điện ảnh là ngành nghệ thuật có truyền thống và đòi hỏi sự chuyên nghiệp, LHP lần này lại là dịp kỷ niệm 40 năm tổ chức LHPVN (1971-2011), vì vậy, không gian của LHP sẽ dành cho các nghệ sĩ điện ảnh thực thụ và công chúng yêu điện ảnh, không khí của LHP sẽ phải là không khí tôn vinh nghệ thuật điện ảnh và các thế hệ nghệ sĩ- nhà làm phim. Tất nhiên là rất khó khăn, hạn chế về kinh phí, nhưng bạn có cho rằng, không phải lúc nào nhiều tiền cũng làm nên sự sang trọng?
 
Hiền Hương