Thứ Năm, 29/09/2011, 06:53 [GMT+7]
.
.

Thi sĩ Phạm Thiên Thư và nhạc sĩ Phạm Duy: Trong thành vách sương mù của Đạo Ca

 (Phunutoday) - Dù ở thời nào, sự khác biệt giữa giới văn nhân thi sĩ và người bình thường có lẽ nằm ở một chữ duyên.  Những giai thoại về họ hay một tác phẩm bất hủ nào đó được đồn đại, lưu truyền mãi cũng bởi một chữ uyên này. Những tâm hồn lãng mạn gặp nhau, tác động, ảnh hưởng lên tư tưởng của nhau thường tạo ra những tác phẩm kinh điển. Một trong những giai thoại về mối duyên kì ngộ của giới tao nhân mặc khách được nhiều người biết đến nhất trong thế kỷ 20 tại Việt Nam là sự kết hợp của nhạc sĩ Phạm Duy và thi sĩ kiêm nhà tu Phạm Thiên Thư, mà trong đó, kì vĩ nhất là 10 bài Đạo Ca.

Mối duyên tao ngộ của mây và núi

Thuở đó nhạc sĩ Phạm Duy đã đi qua quãng đường dài của tâm ca, tâm phẫn ca, vỉa hè ca… đủ mọi trạng thái từ thanh đến tục, nhưng tâm vẫn bế tắc, chán chường.

Còn thi sĩ kiêm nhà tu Phạm Thiên Thư (pháp danh Tuệ Không) lúc đó nổi danh trên thi đàn bởi những vần thơ lục bát trác tuyệt, bay bổng nửa tăng nửa tục vừa mênh mang hoa lệ, thiền ý sâu xa, vừa ngông nghênh như: “Hỏi con hạc đậu bờ kinh / Cớ sao lận đận cái hình không hư / Vạc rằng thưa bác Thiên Thư / Mặc chi cái áo thiền sư ỡm ờ”. Người ta ví Phạm Thiên Thư là Nguyễn Du tái thế và ông cũng là người có lượng thơ lục bát đồ sộ nhất thế kỷ 20 – khoảng 126 ngàn câu thơ.

 Phạm Thiên Thư là người Việt Nam duy nhất đã thi hóa 7 bộ kinh Phật bằng ngôn ngữ thuần Việt, sáng tác Từ điển cười (Tiếu liệu pháp) bằng thơ, làm Từ điển châm ngôn, viết 3.320 câu lục bát kể chuyện lịch sử trong Hát ru Việt sử thi, và là thi sĩ duy nhất “giỡn mặt” đại thi hào Nguyễn Du để viết lại Truyện Kiều.

Phạm Duy đã phổ nhiều bài thơ của Phạm Thiên Thư (trái) thành các ca khúc đi vào lòng người.
 

Phạm Thiên Thư viết Đoạn trường vô thanh – một tác phẩm được coi như hậu Truyện Kiều với những vần thơ lục bát sang trọng, tuyệt mỹ và điều mà ông tâm đắc nhất chính là sự Việt Hóa câu chuyện Kim Kiều, như ông nói: “Sáng tác phải có chất riêng của Việt Nam”. Ở thi phẩm đồ sộ này, ông còn hơn cụ Nguyễn Du những 20 câu lục bát.

Đó là thời kỳ nhạc sĩ Phạm Duy sáng tác sung sức nhất và cũng hạnh phúc nhất trong cuộc đời. Cuối năm 1971, khán thính giả bắt đầu biết đến những bài ca mang hơi thở thiền của nhạc sĩ Phạm Duy nhưng vẫn đầy lãng mạn, tình tứ. Phạm Duy gặp Phạm Thiên Thư ví như sự khai mở nội tâm, hay đúng hơn là trở về nguồn, về với cây nhà lá vườn nhưng không dựa trên một mẫu số nhỏ hẹp của cành này, nhánh kia.

Sự gặp gỡ của Nhạc sĩ Phạm Duy và thi sĩ Phạm Thiên Thư mà theo ông Phạm Thiên Thư ví “Tôi gặp nhạc sĩ Phạm Duy như một ngọn núi gặp một đám mây”. Cả hai vô tình cùng đi thăm một người quen nằm trong bệnh viên. Nhạc sĩ Phạm Duy kể lại: “Gặp Phạm Thiên Thư ở đó tôi yêu mến anh ngay.  Sau đó thi sĩ luôn đến nhà tôi đàm đạo. Lúc bấy giờ tôi đang soạn những bài ca cho tuổi học trò như Con đường tình ta đi, Trả lại em yêu…

Đọc được bài thơ Ngày xưa hoàng thị mà anh trao cho, tôi như bắt được viên ngọc quý và xin phổ nhạc ngay: Em tan trường về, đường mưa nho nhỏ, anh theo ngọ về, gót giày lặng lẽ đường quê…

Khi Phạm Thiên Thư đưa thêm thơ cho tôi phổ nhạc thì tôi chọn bài  Em lễ chùa này vì cả hai chúng tôi đều muốn quay về xưng tụng những gì thuộc về văn minh Việt Nam, như ngôi chùa cổ ở miền Bắc là nơi lúc còn nhỏ tôi thấy đôi kẻ tình nhân thường hẹn nhau tới dâng dương cầu nguyện: “Đầu mùa xuân cùng em đi lễ / Lễ chùa này vườn nắng tung bay / Và ngàn lau vàng màu khép nép / Bãi sông bay một con bướm đẹp….”.

Từ đó nhạc sĩ Phạm Duy luôn tìm đọc thơ của Phạm Thiên Thư như tập thơ Đưa em tìm động hoa vàng hay bài thơ Gọi em là đóa hoa sầu để phổ thành bài hát.

 “Với tôi lúc đó hình ảnh thiền, chùa, động hoa vàng thật mát mẻ và rất cần thiết cho tâm hồn. Bài Đưa em tìm động hoa vàng được rút ra từ mấy trăm câu thơ của thi sĩ, nói về cái cảnh ngày xưa có gã từ quan lên non tìm động hoa vàng. Để làm gì, không phải chỉ để nhớ nhau mà còn để ẩn náu vậy.

 Lúc đó tôi tự coi mình là kẻ từ quan tìm được nơi ẩn náu là cõi thơ Phạm Thiên Thư. Gặp Phạm Thiên Thư tôi như thoát xác, vượt ra khỏi những đắng cay chán chường và bế tắc của tâm ca, tâm phẫn ca, vỉa hè ca. Tôi muốn thử đi vào đạo với một tu sĩ mà cái uyên thâm về đạo giáo chắc chắn phải hơn tôi rất xa.

Trước hết tôi đề nghị anh nên soạn lại kinh phật như kinh kim cương – với lời tụng là thơ Việt, để tôi phổ thành bài tụng kinh, khác với lối tụng kinh theo tiếng phạn hay tiếng hán. Lúc còn bé tôi cũng thuộc vài câu kinh rồi, nhưng chẳng bao giờ tôi hiểu ý nghĩa của lời kinh.

Qua một bài thơ ngắn,  Phạm Thiên Thư giúp tôi một con đường đi vào Đạo ca, hay đúng hơn là đi vào đạo sống. Bài thơ Pháp thân giúp tôi thấy được một sự thật trong đời là thuyết nhất nguyên: Xưa em là kiếp chim / Chết  mục trên con đường nhỏ / Anh là cội băng mai / Để tang em chờ mấy thuở…

Lập tức tôi đề nghị Phạm thiên thư cùng tôi soạn ra 10 bài hát giống như 10 bước đi của thiền đã được thể hiện qua 10 bức tranh không trâu, có trâu, dắt trâu, mất trâu mà người học về thiền đều biết. Chúng tôi đưa ra danh từ đạo ca, chữ đạo không có nghĩa là tôn giáo mà là con đường. Con đường dẫn người nghe đi tìm sự an lạc của tâm hồn”. 

Điều đáng nể thi sĩ họ Phạm ở chỗ làm thơ như lấy đồ trong túi, ông thi hóa Kinh Kim Cương trong 4 ngày, 10 bài Đạo ca ông viết trong 2 ngày, tập trường thi Động hoa vàng cũng chỉ 7 ngày động bút là xong!

Thành vách sương mù

Có thể nói Mười bài đạo ca là một trong hai tác phẩm hay nhất của nhạc sĩ Phạm Duy – tác phẩm kia là trường ca Áo anh sứt chỉ đường tà. Ý nghĩa của chữ Đạo ở tác phẩm này không phải chỉ có nghĩa là con đường của Lão Tử.

 Trong bài một – Pháp thân, toàn thể ý nghĩa chữ đạo được thâu tóm: mình với ta tuy hai mà một, thì tại sao còn phân biệt Lão với Phật. Đạo ca - sự hợp tác mật thiết giữa hai tác giả, đưa đến sự đồng nhất hòa quyện có thể nói là chưa từng có giữa thơ với nhạc trong lịch sử Tân nhạc Việt Nam.

Về nhạc lý, điểm đặc sắc nhất là Phạm Duy là đã xây dựng toàn bản nhạc căn cứ từ hòa âm cổ điển chứ không phải là từ sự ngân nga câu thơ như lối làm nhạc của hầu hết các nhạc sĩ phổ thơ.

Thi sĩ Phạm Thiên Thư và nhạc sĩ Phạm Duy đặt tên tựa cho Đạo ca là Trong thành vách sương mù – nghĩa là một người đi tìm chân lý để thoát khỏi sương mù khổ ải. Chân lý có thể ở rất gần ta mà ta không thấy. Đạo là thứ không cầu được, càng không tìm được. Đó là ánh sáng, là sự giác ngộ của tâm hồn.

Nhạc sĩ Phạm Duy chia sẻ: “Đạo ca 1 – Pháp thân, khởi đầu sự đi tìm chân lý, vũ trụ được hiện bày như một toàn thể sinh hóa, một tương xuyên mật thiết không còn vực bờ hữu hạn, xóa bỏ mọi ý thức về ngã và phi ngã, xóa bỏ mọi dấu chân đi tìm ngoại vật. Một là tất cả, tất cả là một”.

Đạo ca 2 Đại Nguyện đi từ quan điểm toàn thể trên để dẫn đến một tâm linh bao la diệu vợi, đó là lòng từ bi, là ý lực cứu độ muôn loài như cứu chính mình. Khi chạm vào Đạo, người ta lập tức như trẻ nhỏ, tâm hồn rộng mở bao dung, hân hoan yêu đời là vậy.

Có thể nói đến Đạo Ca 4 – Quán Thế Âm hay là Hóa thân biểu tượng cá nhân bước vào đại thể, một người mẹ đi tìm con với niềm đau khổ riêng của mình đã nghe thấy nỗi thống khổ chung của nhân loại. Một bài tụng ca từ bi buồn thảm giọng thứ nức nở, thanh tao, trúc trắc vào vút bay về cuộc hành trình của một người mẹ tìm con đến lúc lìa đời nhưng tình yêu đó không mất đi bởi cái chết, nó chuyển hóa cứu độ thế nhân.

Đạo Ca 5 – Một nhành mai là sự vượt thắng nỗi lo sợ về cái chết. Vì sinh tử chỉ là sự đắp đổi thăng hoa trong một toàn thể miên viễn là cuộc đời. Bài này còn để tưởng niệm nữ sinh Nhất Chi Mai đã tự thiêu để cầu nguyện cho hòa bình.

Đạo Ca 8 – Giọt chuông cam lộ là bình minh của tâm thức trong ba động của tiếng chuông chùa, tiếng đại hồng như giọt nước làm tràn mạch suối tâm linh, với hình ảnh thiền sư Vạn Hạnh chống gậy trúc xuống núi cưu mang cả mùa đông trong lòng tay ngọc.
Phạm Duy đã phổ nhiều bài thơ của Phạm Thiên Thư (trái) thành các ca khúc đi vào lòng người.
Phạm Duy đã phổ nhiều bài thơ của Phạm Thiên Thư (trái) thành các ca khúc đi vào lòng người.

Đạo Ca 9 -  Chắp tay hoa diễn tả thái độ cung kính yêu thương vạn vật vì tất cả đều hiện bày một bản thể màu nhiệm như nhau, xô đổ mọi nấc thang định kiến, giá trị… “Chắp tay lạy người cho xin nụ cười, chắp tay lạy trời cho đám mưa rơi, chắp tay lạy đất cho mầm cây tươi…”.

Cuối cùng là Đạo ca 10 – Tâm Xuân là con đường trở về gia đình, xã hội và siêu nhiên khiến cho cá nhân được quân bình giữa cảm xúc, trí thức và hành động. Đó là nền đạo lý tổng hợp tối diệu ba nguồn tư tưởng Phật – Lão – Khổng của Việt Nam.

Mùa hồi sinh của đạo Phật cũng là sự bừng sống mãnh liệt của tâm tư thể hiện qua tiết tấu reo vui hân hoan, mang nhiều dấu ấn của văn hóa cổ Việt Nam khiến người ta được tắm tưới trong yêu thương: “Xuân về trong gió hoa lay lững lờ, Xuân về non cao chim mừng suối reo…”

Ngoài tầm vóc nghệ thuật và đạo sống chân thiện mỹ ở đời, 10 bài Đạo Ca giá trị nhất ở chỗ hướng người ta Về nguồn, về những nền tảng văn hóa, truyền thống đẹp đẽ mà cha ông ta đã gây dựng bao đời nay. Hạnh phúc chỉ có được khi anh biết anh là ai, anh ở đâu, anh yêu quê hương đồng bào thiên nhiên vạn vật thế nào, cái Đạo siêu phàm và cái Đạo sống cơ bản nhất của con người tuy hai mà một là vậy.

Ông bà Phạm Thiên Thư hiện là chủ quán một quán cà phê tên Hoa vàng ở ngã tư Bảy Hiền, Cư xá Bắc Hải, TPHCM. Hàng ngày nhiều người tìm đến đây để trò chuyện, đàm đạo với thi sĩ Phạm Thiên Thư, nghe ông kể những câu chuyện về Đạo, về đời

Thiên Ca

;
.
.
'; ABDZone[1] = ''; try{ rotatorAdNetwork("ADBCookie", ABDZone); }catch(e){}