Vậy tại sao dư luận lại phản ứng? Vì: 1. Đáng lẽ ra nhân vật đóng vai trò quan trọng trong công tác quảng bá du lịch quốc gia ra thị trường quốc tế phải có từ lâu. 2. Việc xét chọn phải dựa trên các tiêu chí rõ ràng, công khai, thậm chí được tham khảo ý kiến rộng rãi. 3. Đại sứ (cá nhân hoặc nhóm) thường xuất thân từ tiêu chí “trai tài gái sắc” (chính khách, nghệ sĩ nổi tiếng...) hoặc cũng có thể là người bình thường (nông dân trồng lúa, trồng nho, người dân tộc vùng cao... phù hợp chủ đề quảng bá), nhân thân phải “sạch”. 4. Đi kèm chương trình hành động cụ thể.
Lý Nhã Kỳ đã chính thức ghi bàn thắng đầu tiên xét từ góc độ quảng bá cá nhân. Chị hoàn toàn có quyền ngẩng cao đầu tự tin trong lựa chọn của mình. Chỉ không biết được khi chính thức nhận danh hiệu cao quý và đầy trọng trách này, chị có lường hết được gánh nặng dư luận đang hướng về chị và gánh nặng sẽ dành cho chính chị ở phía trước.
Cá nhân tôi không phản đối Lý Nhã Kỳ, thậm chí ủng hộ sự thông minh và dũng cảm tự ứng cử của chị. Tuy nhiên, nếu có quyền bình chọn, người tôi nghĩ đầu tiên là hoa hậu Ngô Phương Lan, kế đến là á hậu Kiều Khanh (người mới đây tham gia với tư cách đại sứ danh dự cho du lịch... Campuchia tại Hội chợ du lịch ITE 2011 tổ chức ở TP.HCM). Là ví dụ vậy!
Mọi việc đang dùng dằng ở dư luận: chọn Lý Nhã Kỳ làm đại sứ thời điểm hiện tại không sai nhưng... chưa ổn, chưa thuyết phục?! Dư luận không hoàn toàn đứng về phía chị vì những lùm xùm trong quá khứ, xung quanh thông tin đời tư, vài sự cố tác nghiệp nghệ thuật. Nhưng sẽ rất không sòng phẳng khi đa số chĩa “mũi dùi” vào chị!
Dù gì, chuyện cũng đã “an bài”, và lần nữa cho thấy công tác quảng bá tiếp thị của chúng ta còn nhiều vấn đề. Những năm gần đây, hằng năm cả nước đón khoảng 5 triệu lượt khách quốc tế, trên 22 triệu lượt khách nội địa, doanh thu toàn ngành trên 4 tỉ USD, du lịch được Nhà nước đưa vào ngành kinh tế mũi nhọn. Trong khi đó, công tác quảng bá tiếp thị không có những đột phá, luôn rơi vào thế bị động, hiệu quả mang lại thấp.
Quay trở lại vấn đề đại sứ du lịch. Điều gì xảy ra nếu đại sứ tự bỏ tiền túi trang trải các chi phí trong khi làm việc trên danh nghĩa đại diện hình ảnh du lịch quốc gia? Theo cách lý giải của đại diện lãnh đạo Bộ VH-TT&DL thì điểm mạnh của Lý Nhã Kỳ là có mối quan hệ rộng rãi tại thị trường châu Á, nhất là Hong Kong.
Hơn ai hết, chúng ta đều biết đại sứ du lịch phải xuất hiện tại những chương trình mang tầm quốc gia và quốc tế được các cơ quan quản lý nhà nước chuẩn bị công phu, với những sự kiện cần đội ngũ “đàn ca sáo nhị khua chiêng gõ trống” rình rang. Họ phải xuất hiện với hình ảnh sang trọng (trang phục đẹp, ngồi ghế máy bay hạng sang, lưu trú khách sạn cao cấp, tổ chức họp báo, tặng những món quà quốc gia mang nhiều ý nghĩa cho khách VIP...).
Quan trọng hơn hết, đại sứ du lịch phải có mặt tại những thị trường du lịch trọng điểm (đối với VN hiện nay và năm năm tới là Tây Âu, Bắc Âu, Bắc Mỹ, Đông Á, Nga...) thì mới mang lại hiệu ứng tốt cho ngành và hình ảnh VN. Theo cách tính của dân tiếp thị du lịch, nếu làm tốt điều này bản thân đại sứ phải chi ra không dưới 5 tỉ đồng trong năm!
Về tài chính, chắc là không quá khó đối với Lý Nhã Kỳ. Để hạn chế tiền túi, cách tốt nhất chị có thể mời các hãng hàng không, các công ty du lịch VN tài trợ cho các chuyến đi, với điều kiện gắn kết lợi ích cả hai. Trong thời điểm hiện nay, đây là điều khả thi. Vậy nên, điều lớn nhất dư luận và ngành du lịch quốc gia đang chờ chính là hiệu quả Lý Nhã Kỳ mang lại trong vai trò mới của mình.
Quốc tế sẽ không cần nhớ, ít quan tâm đến chị với tư cách diễn viên, người mẫu (thậm chí cả xìcăngđan, nếu có), mà thông qua chị, nhìn vào hành động cụ thể của chị, họ sẽ đánh giá, nhận định đầy đủ về vẻ đẹp, sự quyến rũ của du lịch, văn hóa, con người VN. Chị phải nối được nhịp cầu bền chắc giữa du lịch VN với bạn bè, du khách bốn phương.
Vậy thì hãy bắt đầu ngay từ hành động đầu tiên: bầu chọn vịnh Hạ Long vào được những kỳ quan thiên nhiên thế giới đang thời điểm nước rút nhé, đại sứ Lý Nhã Kỳ! Chúng tôi chờ tin vui từ chị.
Theo
Tuổi Trẻ