Nhạc chờ di động ăn theo lương
"Giá ơi thương lấy lương cùng, tuy rằng khác loại nhưng chung là tiền... Gió đưa cái giá lên trời, cho lương ở lại chịu nhiều đắng cay..." hay "Em có một ước ao, em có một khát khao là tăng lương, là tăng lương...
>Lương tối lên 2 triệu đồng \ Nhạc chờ cho ngày cá tháng tư
>Nhạc chờ di động 'khủng'
Cùng với đợt điều chỉnh lương sớm từ 1/10, nhà mạng cũng tung ra thị trường các bản nhạc chờ mô phỏng mối quan hệ giữa giá cả và lương.
|
Nhiều bản nhạc khiến người nghe phải bật cười. Ảnh: Hoàng Hà. |
Khi đề xuất tăng lương tối thiểu vùng ở mọi loại hình doanh nghiệp được Chính phủ công bố ngày 1/7, bản nhạc chờ "Mong cho lương ổn giá bình" bỗng có số lượng truy cập lên tới 200 lượt chỉ trong một ngày. Đoạn nhạc mô phỏng câu chuyện một anh chàng ngồi than thở chuyện giá cả tăng cao, nếu vợ không biết tiết kiệm thì chẳng biết sẽ sinh sống bằng gì nhanh chóng được truyền nhau trên cộng đồng mạng.
Từ đó, các bản nhạc chờ "rậm rịch" ăn theo lương xuất hiện với số lượng và tần suất ngày càng nhiều. Không đơn thuần là các đoạn thơ có vần hay mẩu chuyện hài hước cho vui, các bản nhạc chờ còn được nhà mạng phân tích theo mối quan hệ theo quy luật giữa giá và lương hay giá cả lạm phát...
"Giá ơi thương lấy lương cùng, tuy rằng khác loại nhưng chung là tiền. Thương nhau lương giá đi liền, ghét nhau lương - giá hai miền xa xôi" ; "Gió đưa cái giá lên trời, cho lương ở lại chịu nhiều đắng cay" hay "Giá ơi ta bảo giá này, giá lên nhanh quá có ngày chết lương"... Bản nhạc chờ này vừa tung ra thị trường trong tháng 8 nhưng đã thu hút tới hơn 300 lượt tải. Giá mỗi bản nhạc chờ này là 3.000 đồng duy trì hạn dùng trong 3 tháng.
Các bản nhạc chờ cố lượng người truy cập tăng cao còn có "Tăng lương cho em đi sếp ơi", "Alo sếp ơi tăng lương đi". Tuy nhiên, bản nhạc chờ "Vì sao lương thấp - Nếu ai hiểu vì sao lương của chúng ta lại thấp thế, xin trả lời giùm cho em được không, sếp ơi, khoan khoan hò khoan, cho ẻm tăng lương, khoan khoan hò khoan, em khổ lắm rồi, sếp ơi, đi về hết tiền mất rồi... sếp ơi, ôi mệt quá..." thu hút được sự chú ý hơn cả. Số lượng tải và gửi tặng hiện đã lên tới con số gần 300.
Giám đốc một hãng phân phối thiết bị công nghệ viễn thông ở Hà Nội chia sẻ cách đây mấy ngày, anh thực sự ấn tượng khi điện thoại cho một cô nhân viên phòng truyền thông thì nghe được bản nhạc chờ: "Sếp ơi, em có một ước ao, em có một khát khao là tăng lương, là tăng lương. Em có một khát khao, em có một ước ao là tăng lương là tăng lương, là lương em luôn tăng cao".
Điều anh ấn tượng không phải vì nội dung bài hát được nhái theo tác phẩm "Làn da nâu" của người đẹp lắm chiêu Phi Thanh Vân mà là cô nhân viên của anh vốn nổi tiếng kín kẽ, ít nói lại có thể cài đặt bản nhạc chờ như vậy.
"Để các nhân viên trong công ty thoải mái, vô tư, dám bộc lộ cái tôi của mình là điều chúng tôi luôn mong muốn. Giá nhà mạng sáng tác bản nhạc nào nói lên nỗi niềm của sếp mỗi lần thị trường biến động, mỗi kỳ trả lương hay mong muốn nhân viên làm việc tốt để hưởng thành quả thì hay biết mấy", vị giám đốc này chia sẻ.
Hiện nay Viettel là hãng viễn thông đi đầu trong việc cung cấp ra thị trường các bản nhạc tự chế vui nhộn và luôn bám sát diễn biến thời cuộc.
Chẳng hạn khi giá xăng tăng, một loạt bản nhạc chờ tự chế liên quan đến xăng dầu, điện nước được tung ra thị trường. Khi vấn đề giá cả, lạm phát ám ảnh nền kinh tế, các bản nhạc chờ phân tích mổ xẻ chuyện giá cả cũng được đưa ra. Thậm chí khi các vấn đề tranh chấp biển Đông được xới lên, các bài ca yêu nước cũng được Viettel lập thành một topic để tiện cho người dùng di động cài đặt.
Ngoài Viettel, 2 hãng viễn thông khác như MobiFone và VinaPhone cũng cung cấp các bản nhạc chờ sáng tạo cho các thuê bao của mình. Mới đây, MobiFone cũng cung cấp bản nhạc chờ: "Giá và lương" hay "Mình vừa được tăng lương - Này này này nói nhỏ nhé, chẳng giấu mình vừa được tăng lương, phải kín đáo kẻo vợ nó tương cho hết tiền..."; "Sếp ơi, xăng với chả điện cứ tăng như thế này sống làm sao được sếp ơi. Sếp xem thế nào tăng lương cho em với chứ kiểu này thì em chết mất" hay "Alo, sếp ạ, sếp ơi tháng này em lại hết tiền tiêu, đồng lương ít ỏi chẳng có nhiều, thắt lưng buộc bụng mì tôm chén, đêm nằm quằn quoại đói liêu xiêu, sếp ơi"...
Hồng Anh