Thứ hai, 3/10/2011, 13:08 GMT+7

Hàng loạt tai nạn do biển báo phân làn ở Hà Nội

Do được đặt đơn độc và lửng lơ giữa đường nên những tấm biển phân làn đang là nguyên nhân gây ra hàng chục vụ tai nạn ở thủ đô, gây bức xúc cho người dân.
> Đề xuất các phương án phân làn mới

* Ảnh: Biển báo phân làn bị đâm cong, móp

Ngày 21/9, Hà Nội thí điểm phân làn trên một số tuyến phố chính nhằm giảm ùn tắc và tai nạn giao thông. Tuy nhiên, sau hơn 10 ngày, số vụ tai nạn trên các tuyến phố này không giảm mà thậm chí còn tăng lên. Nguyên nhân là do biển báo và dải phân cách đặt lửng lơ giữa đường khiến nhiều người bất ngờ và húc phải.

Anh Bùi Anh Tuấn (số 370 Xã Đàn) cho biết, một tuần trước, Sở Giao thông cắm biển phân làn trước cửa nhà anh nhưng do gần ngã tư, xe quay đầu thường xuyên tông vào nên chiếc cột này được dời xuống trước số nhà 376.

"Dù biển được cắm lùi xa ngã tư nhưng, tôi thấy mấy ngày qua đã có hàng chục vụ tai nạn xảy ra, chủ yếu do xe máy tông phải biển báo", anh Tuấn nói.

Ảnh: Tiến Đức.
Chiếc biển bị đâm cong trên phố Xã Đàn tối 30/9. Ảnh: Độc giả Tiến Đức cung cấp.

Theo anh Tuấn, ngày 30/9 xảy ra khá nhiều tai nạn, buổi sáng một phụ nữ tông vào cột biển báo làm vỡ toàn bộ một bên yếm xe Spacy, đến tối một chiếc xe máy tiếp tục đâm cong cột báo, và đẩy văng dải phân cách ra xa.

"Thấy tai nạn xảy ra liên tục, tôi gọi điện báo cho bên giao thông. Mấy cán bộ đến mang chiếc biển bị cong gập đi còn dải phân cách thì vẫn để nguyên. Đến gần 1 giờ sáng, tôi đang ngủ thì nghe tiếng 'rầm'. Mở cửa sổ ngó ra thì thấy một ông già nằm bất tỉnh trên đường sau khi tông vào dải phân cách", nhân chứng này kể.

Thấy người bị nạn, anh Tuấn cùng với nhân viên trông xe và một số người dân gọi xe cấp cứu đưa nạn nhân đi bệnh viện. Sau khi anh Tuấn tiếp tục gọi điện phản ánh tới cơ quan chức năng, đoạn dải phân cách cứng này mới được bê vào rìa đường.

"Tôi thấy cách đặt biển và dải phân cách như hiện nay không khác gì chiếc bẫy. Từ ngày phân làn, tai nạn trên phố nhiều hơn bình thường", anh Tuấn bức xúc nói.

Không chỉ trên phố Huế và Bà Triệu mà ngay cả trên suốt tuyến phố Xã Đàn và Giải Phóng, hầu hết các biển báo phân làn đặt giữa đường đều bị đâm cong, vênh hoặc bị xe quệt phải gây tróc sơn, móp lại. Chính điều này khiến nhiều người lo lắng với cách bố trí biển báo hiện nay.

Tiến Dũng

Ý kiến bạn đọc () Sắp xếp theo:

Ý thức giao thông kém

Hiện tượng đi đâm giải phân cách này là do ý thức đi đường kém, không chịu quan sát. Giả sử đó không phải là giải phân cách mà là 1 người đi đường thì sao? Đường đi đâu phải lúc nào cũng không có chướng ngại vật mà cứ nhắm mắt phóng ẩu. Những người đâm phải dải phân làn đường cần phải phạt nặng vì vi phạm giao thông. Chúng ta có thể bỏ giải phân nàn cứng thay bằng phân nàn mềm nhưng bổ sung vào đó luật phạt vi phạm thật cao để những kẻ coi thường luật giao thông bị chừng phạt thích đáng.

(long)


Đặt chướng ngại vật gây tắc nghẽn và tai nạn

Kiểu phân làn bằng cách đặt một dãy ngắn các "con lươn" như vậy chẳng khác nào tạo chướng ngại vật gây thêm tai nạn giao thông và ách tắc. Từ ngày phân làn cứng nhắc bằng cách chia đôi lòng đường cho xe máy và ôtô, tôi nhận thấy tình trạng ách tắc xẩy ra dài thời gian hơn trước. Đoạn phố Huế chẳng hạn, tắc đường từ khoảng 15h30, người bán hàng tại các cửa hàng thì nhận xét là: tắc đường liên miên vào giờ cao điểm! Nên dùng phân cách mềm và nâng cao ý thức người dân bằng việc thu phạt cao nếu vi phạm.

(Nguyễn Thị Trà Vinh)


Bất cập

Đường Giải Phóng, còn nhiều hơn như thế này, ôtô cũng có, xe đạp, xe máy cũng có, đường thì đông, tự nhiên có cái cột to tướng ở giữa đường, ai mà chả bất ngờ.

(Nguyễn Tiến)


Cần gây chú ý cho người đi đường

Đề nghị làm chân cột to hơn một chút và có những phương pháp gây chú ý cho người tham gia giao thông: phản quang, hình bìa cảnh sát giao thông đứng phân làn, đừng dùng người thật như hiện nay.

(Nguyễn hải thanh)


Vẫn là ở ý thức

Tôi thấy rất nhiều người kêu về chuyện phân làn gây tai nạn nhưng thử tự hỏi xem ý thức tham gia giao thông của những người đó thế nào đã? Khi đi trên đường phải tuyệt đối tập trung, làn đường đã chia rồi mà đánh võng từ làn này sang làn kia thì khả năng đâm phải dải phân cách là rất lớn. Hơn nữa, trong qua trình xây dựng hệ thống giao thông thì cũng phải làm dần dần, khắc phục dần dần, thử hỏi lấy đâu ra một hệ thống xây dựng là chạy tốt ngay từ đầu? Riêng bản thân tôi từ ngày có sự phân làn, đi lại tôi thấy nhàn hơn nhiều. Tuy nhiên có một vài nơi như các bạn nêu ra cũng cần phải xem lại sự bất hợp lý. Chúc Sở Giao thông Hà Nội sớm có các phương thiết thực cho giao thông Thủ đô. Trân trọng cảm ơn !

(Bồ câu trắng)


Biển báo bẫy người đi đường và ý thức tham gia kém

Sau 4 ngày đầu tiên tận mắt tôi đã chứng kiến 3 vụ người tham gia giao thông đâm vào biển phân làn, lý do thì rất đơn giản cả 3 vụ đó đều là những người vừa đi vừa nhắn tin điện thoại cho nên không quan sát thấy và khi nhìn thấy thì đã muộn rồi.

(nguyễn quang tuấn)


Biển báo, phân làn chưa hợp lý

Hiện tại việc phân làn xe, biển báo hiện đang áp dụng trên mấy tuyến phố chưa hợp lý.

- Đường nhỏ, đường xấu: hết đào lại làm, hết đắp lại đào.

- Xe ôtô hiện nay chiếm tối khoảng 10% lượng xe lưu thông -> đường dành cho phương tiện này tại sao lại chiếm 50%.

- Việc phân làn chỉ có tác dụng được 15-20 m lại thêm một thanh tra giao thông đứng trông. Nếu mà áp dụng tất cả các tuyến phố như vậy thì không biết cần đến bao nhiêu người đứng phân làn?

- Cán bộ các ban ngành cần nghiên cứu thêm phương án khác hợp lý hơn nhằm tiết kiệm thời gian đi lại của dân, từ đó góp phần đem lại lợi ích kinh tế cho quốc gia. "1 phút = 10.000 vnd / người".

Việc cần làm: Nâng cao ý thức của người dân, đặc biệt quan tâm tới đối tượng học sinh, sinh viên. Tại trường Giao thông sinh viên vẫn đi bộ dưới lòng đường như thường, cầu vượt làm chẳng đi. Tín hiệu đèn giao thông tại trường Sư phạm Hà nội mấy khi sinh viên đi để ý tới đèn xanh hay đỏ? Tại sao không kết hợp với nhà trường, mấy cảnh sát, thanh tra đứng đây và phạt hành chính nghiêm khắc đối với trường hợp vi phạm. Tăng cấp bậc cho Thanh tra giao thông, cảnh sát theo doanh thu phạt người vi phạm, đề xuất phương án khả thi. Phạt càng nhiều chức càng to. Lấy ý kiến đóng góp của dân chúng thì "khó vạn lần dân liệu cũng xong".

(Tran Son)


Chạy đúng quy định An toàn GTĐB có gây tai nạn?

Tai nạn giao thông là do yếu tố cảnh báo và tuyên truyền của quận còn quá yếu. Tại sao lại bắt đầu phân luồng bằng các cọc đơn độc? Tại các vị trí trước cọc phân luồng chúng ta có đặt băng rôn và biển hướng dẫn chưa? Nếu chưa có nên làm sớm.

Và vấn đề còn lại là người tham gia giao thông có tuân thủ đúng quy định về An toàn giao thông không? Về vận tốc? Về sức khỏe? Trong bài phản ánh có đưa ra 3 dẫn chứng trong đó có 2 người lớn tuổi vậy 2 người này có đảm bảo sức khỏe để điều khiển xe gắn máy không hay họ chỉ nhìn thấy được vật trong tầm 10m?

Để giảm bớt TNGT tôi thiết nghĩ lực lượng chức năng cần tăng cường tuần tra và kiểm soát người tham gia giao thông.

(Tran Quoc Hung)


Lỗi của người tham gia giao thông

Chúng ta nên ủng hộ việc phân làn xe để hạn chế dần việc tranh cướp phần đường của nhau. Việc làm này còn phải có thời gian không thể một sớm một chiều. Một số tai nạn được phản ảnh trên đây là hoàn toàn do ý thức của người tham gia giao thông gây nên. Hãy tượng tượng xem những chiếc ôtô quay đầu trên phố Xã Đàn, ông già nọ, người phụ nữ kia... tông vào cột phân làn và nếu cột phân làn lại là người cùng tham gia giao thông thì hậu quả sẽ thế nào? Và mặc dầu đã phân làn nhưng hiện tượng tranh giành phần đường của nhau vẫn phổ biến. Tôi đã đi hầu hết các tuyến phố mới phân làn nhưng vẫn có ôtô đi vào đường xe máy còn xe máy thì lấn vào đường ôtô quá nhiều. Nếu không có những biện pháp kiên quyết với những người cố tinh này thì sớm muộn những hậu quả đáng tiếc cũng sẽ xảy ra.

(nguyen xuan chung)


Hãy in chữ và hình lên làn đường

Chẳng hiểu ai nghĩ ra cái kiểu phân làn đường quái chiêu, không khác gì cái bẫy giết người cho các phương tiện giao thông! Hãy học nước Lào bằng cách việc phân làn in thành hình phương tiện, thậm chí viết bằng chữ lên mặt đường ở các điểm giao cắt đấu nối làn chứ đừng thiết lập thêm các bẫy giết người kiểu đó nữa! Dù gì cũng đã làm và đã tốn kém qua các đêm dựng nên các biển cột và 4-5 cục phân làn nhưng hãy sửa sai ngay khi có thể! Trân trọng cám ơn.

(Cải tiến)


Bạn tôi vừa bị tối qua

Bạn tôi cũng mới bị đâm vào dải phân cách này trên đường Giải Phóng tối qua. Thiết nghĩ một biện pháp để giảm ùn tắc nhưng lại khiến giao thông lộn xộn hơn và tai nạn cho người đi đường thì có nên xem xét và đánh giá lại không.

(Media)


Ý thức người dân chưa cao

Ở Hà Nội hiện nay tôi thấy ý thức tham gia của người tham gia giao thông chưa cao mặc dù thời gian gần đây trên các phương tiện truyền thông báo chí đã đưa tin, truyền bá rất nhiều đến việc đặt giải phân cách trên các tuyến phố, vậy tại sao lại có những con người vẫn ngang nhiên đi sai làn đường. Ôtô con thì đã ít nhiều tham gia rất đúng luật có chăng chỉ có một số nhỏ cố tình vi phạm và đa phần là các lái xe taxi mà thôi. Còn lại toàn là xe máy.

Tôi đã thử theo dõi vài ngày trên tuyến đường hàng ngày tôi đi qua, thì điều bức xúc nói chung là sự vô trách nhiệm của những người đi xe máy, họ đã cố tình đi hết sang làn đường quy định dành cho ôtô. Và những trường hợp như A Tuấn nêu, tại sao không xảy ra với ôtô mà lại toàn xảy ra với xe máy? Và chắc chắn những trường hợp đó không thể nói là không biết đến những biển báo đó được và tôi cũng không thể hiểu họ đi thế nào mà lại có thể đâm vào cột báo đó, phải chăng do họ đi ẩu hay phóng nhanh vượt ẩu? Nếu họ chỉ chú ý và để tâm một chút khi tham gia giao thông thì tôi đảm bảo sẽ không bao giờ xảy ra tai nạn như thế được.

(tranhuong)


Nên dùng biển báo trên cao

Nên bỏ hết phân làn kiểu này mà thay vào đó là biển báo phân làn trên cao và vạch kẻ đường!

(Phạm Gia Hoan)


Biển bé, cắm sát chỗ phân làn

Ở các nước an toàn là đầu tiên, biển phân làn để trên cao, chữ to và có đàn soi sáng, cách từ xa đã nhìn thấy. Đâu như ở ta biển và chữ thì bé lại cắm sát chỗ phân làn và lại cắm ở trên đường đi thế không biết... Có lẽ số người tai nạn giao thông (trung bình tính theo đầu phương tiện tham gia giao thông) ở Hà Nội còn ít hơn các địa phương khác trong cả nước nên cần có biện pháp này để theo kịp cả nước chăng?....

(Đỗ Thái)


Nên đặt biển báo lớn hơn

Đặt biển báo đầu đường thì không sai. Nhưng biển quá nhỏ, không nổi bật tầm nhìn cùng với kiểu phóng xe "tự nhiên như trong sân nhà mình" trong suốt nhiều năm qua chính là nguyên nhân gây ra tai nạn. Sở GTCC nên đặt biển báo lớn hơn. Khu vực đặt biển báo phân làn xe cần có lốp ôtô không sử dụng sơn trắng - đỏ - vàng, hoặc các thùng nhựa chứa nước loại lớn. Cách mà các nước văn minh vẫn làm để giảm chấn.

Nếu chẳng may đâm vào thì hạn chế được thấp nhất chấn thương. Mong là bài viết không làm độc giả hiểu sai về tác dụng của phân làn giao thông. Theo tôi cần quyết liệt hơn nữa trong xử phạt vi phạm đi sai làn đường, đừng để hoạt động này sớm chìm vào thất bại. Và người tham gia giao thông cũng đừng đổ lỗi cho biển báo. Hãy đi chậm lại, quan sát thật kỹ và đi đúng luật. Đảm bảo sẽ không ai bị sao hết.

(Quyết Thắng)


Cắm biển như hiện nay không khác gì bẫy

Tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến của bài báo, với cách "cắm" biển phân làn trên đường phố Hà Nội như hiện nay thì không khác gì bẫy người tham gia giao thông - RẤT NGUY HIỂM. Đề nghị ngành giao thông áp dụng cách đặt biển phân làn như trên đường Giải Phóng.

(LX)


Cắm biển tuỳ tiện

Tôi vừa chạy xe máy và cả ôtô mấy lần suýt gây tai nạn vì mấy biển phân làn bất thường mọc lên. Ngay lúc đó tôi đã nghĩ sẽ xảy ra vô khối tai nạn vì các biển báo này đối với người tham gia giao thông. Rồi có biển phân làn lại có thêm hàng tá người đứng sau phân làn. Trong bối cảnh giao thông đô thị như hiện nay thị việc phân làn như thế làm sao mà làm được. Mọi người cứ thử xem rồi sẽ thế nào.

(Nguyễn Quang Minh)


Nhiều biển cắm bất hợp lý

Hình như bên giao thông cứ thấy cắm được là cắm chứ không tính toán, khá nhiều biển báo phân làn cắm rất tuỳ tiện gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Đơn cử hai đầu cầu vượt ngã tư Vọng biển báo cắm quá gần chân cầu nếu đi đúng theo biển thì làn xe máy trên cầu đi xuống và làn ôtô từ chân cầu đi ra sẽ giao nhau, khá là khó quan sát với người đi xe máy từ trên cầu xuống; hoặc nhiều biển báo phân làn gần nay đèn tín hiệu và trạm xe bus: xe bus phải đi sai làn nếu không muốn qua biển phân làn rồi rẽ gấp vào bến.

(Đức Thắng)


Cần xem xét lại cách bố trí các biển báo

Tôi cũng phải thường xuyên phải di chuyển trên tuyến đường này nhưng không khỏi giật mình khi bất ngờ nhìn thấy các cột biển phân làn giữa đường. Sẽ không ngạc nhiên nếu nhiều người mới đi vào các tuyến phân làn hoặc di chuyển vào thời tiết xấu hoặc trời tối bị tai nạn. Việc phân làn đường là rất hợp lý nhưng cách thực hiện phải sao cho khoa học để tránh tai nạn đáng tiếc!

(Nguyễn Thắng)


Biển báo giao thông bằng đèn LED

Tại sao Sở Giao thông Vận tải không dùng biển báo giao thông có tích hợp bằng đèn LED nhỉ?

(Vu phương Nam)


1, 2

Ý kiến của bạn

 
 Thay hình khác
  
Off Telex VNI VIQR
 
Link Site
 
 
 
 
 
 
Lien he quang cao