Độc đáo chợ chửi, chợ Tây giữa lòng Hà Nội

Thứ ba 04/10/2011 11:11
(GDVN) - Ngoài địa điểm mua sắm ưa thích, chợ Ngã Tư Sở là nỗi e ngại của rất nhiều "thượng đế" vì họ có thể bị nghe chửi bất cứ lúc nào.
Sự góp mặt của những phiên chợ này làm cho nét văn hóa chợ ở Thủ đô càng thêm độc đáo.

Độc đáo chợ sinh vật cảnh

Chợ Bưởi là một trong những phiên chợ cổ hiếm hoi còn được duy trì trong giữ lòng Hà Nội đến tận bây giờ.

Chợ họp vào ngày các ngày 4, 9, 14, 19, 24, 29 âm lịch hàng tháng, trên đoạn đường Hoàng Hoa Thám từ ngã ba chợ Bưởi cho đến ngã ba Văn Cao. Ngoài các mặt hàng như rau, củ quả, thịt, cá… chợ Bưởi còn chuyên bán các loại thú nuôi (chó, mèo, chim, cá cảnh, vịt, ngan, gà, cây cảnh...).

Chợ Bưởi là một trong những chợ phiên chợ cổ hiếm hoi còn được duy trì trong giữ lòng Hà Nội đến tận bây giờ. Ảnh Báo Đất Việt.


Chợ Bưởi vốn thuộc làng Yên Thái ở bờ Tây Nam của Hồ Tây. Nằm ở nơi hợp lưu giữa hai con sông Tô Lịch và Thiên Phù, nơi đây từ lâu đã trở thành một trong những trung tâm buôn bán sầm uất của cả vùng Kẻ Bưởi.

Chợ Bưởi chính thức được xây dựng vào những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, khởi đầu từ phiên chợ cổ đã tồn tại từ nhiều thế kỷ trước đó. Ngày nay, chợ Bưởi vẫn mang phong cách chợ phiên quê.

Lạ lẫm “Chợ Tây” trên đất thủ đô


Đi men theo đường Tô Ngọc Vân (Tây Hồ, Hà Nội) vào một ngõ nhỏ, ở đó vào mỗi sáng Thứ 7 hàng tuần đều có một phiên chợ rất đặc biệt có tên: Chợ Tây.

Gọi là chợ nhưng thực ra chỉ là hai sân nhỏ nằm đối diện nhau cùng một số ít gian hàng. Tuy nhiên, điều đặc biệt chính ở sự độc đáo của các mặt hàng mà hầu như bạn sẽ khó tìm thấy hơn ở những nơi khác, cũng như sự đặc biệt về người bán và người mua ở đây.

Gọi là chợ Tây có lẽ vì 3 lý do: Chợ do người Tây sáng lập, quản lý, người bán hàng trong chợ đa phần là  Tây, khách hàng “Tây” đi chợ rất nhiều và chợ lại nằm ở… khu ven hồ Tây.

Đến chợ Tây, khách hàng Việt sẽ rất thích thú khi được mua hàng của người Tây.


Mặc dù chỉ có hơn chục gian hàng, nhưng chợ vẫn mang đạm phong cách của những phiên chợ châu Âu cuối tuần. Các mặt hàng bày bán ở đây đều mang hơi hướng phương Tây từ nước hòa, nước xịt phòng, kem dưỡng da đến gạo lứt, trà, bánh Pizaa, túi sách, sách truyện, rượu, mật ong.

Những người Tây bán hàng ở chợ nói tiếng Việt rất thành thạo. Chợ  được mở từ năm 2009, do ông Patrice Gautier,  gốc Pháp, giám đốc Công ty Cổ phần dịch vụ Chăn nuôi Thú y châu Á thành lập.

Tại đây, bạn có thể tìm mau được nhiều chiếc túi handmade độc đáo được bán với giá khá cao, khoảng 50 USD/chiếc. Gian hàng sách có cả những ấn phẩm bằng tiếng Pháp và tiếng Việt. Sách ở đây có giá dao động từ 200.000 - 600.000 đồng/quyển hoặc hơn thế.

Bánh ở chợ Tây cũng đắt hơn so với bên ngoài, nhưng rất thơm và ngon. Một chiếc bánh Choco Banana Muffin nhỏ xinh có giá 20.000 đồng, hoặc một chiếc bánh mì đen khá lớn (khoảng 500g) có giá 60.000 đồng.

Mật ong có giá 290 nghìn đồng/chai 500ml. Rau xanh tại chợ phần lớn là rau sạch nên cũng có giá đắt hơn ở các chợ khác. Rau muống, rau dền, rau mồng tơi, rau cải, cải bó xôi đều có giá 30 nghìn đồng/kg…

Trước đây khách hàng chủ yếu của chợ là người nước ngoài sinh sống quanh khu vực Hồ Tây đến giao lưu, mua bán thì hiện nay, cư dân Hà thành cũng rất thích thú mỗi khi đến tham quan, mua sắm ở chợ này.

Lung linh chợ đêm Phố Cổ

Tuyến phố đi bộ Hàng Đào - Đồng Xuân kết nối với chợ đêm Đồng Xuân thành một không gian đi bộ phố cổ về đêm, dài gần 3km với điểm bắt đầu từ phố Hàng Đào, ngay sát hồ Hoàn Kiếm. Phố đi bộ được tổ chức vào 3 buổi tối cuối tuần từ thứ 6 đến Chủ nhật, còn chợ đêm Đồng Xuân họp cả tuần, đặc biệt thứ 7 hàng tuần chợ còn tổ chức hoạt động văn nghệ dân gian như hát chèo, xẩm, ca trù, quan họ do Hội Nhạc sỹ Việt Nam thực hiện.

Chợ đêm Phố Cổ là một điểm du lịch hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách gần xa tới mua sắm, tham quan, thưởng thức văn hóa nghệ thuật.

Những ngày cuối tuần, chợ đêm Phố Cổ càng trở nên nhôn nhịp, đông vui.


Phố đi bộ Hàng Đào - Đồng Xuân và chợ đêm Đồng Xuân đã thực hiện xuất sắc nhiệm vụ chính là khai thác nét văn hóa phố cổ Hà Nội, quảng bá kiến trúc, không gian phố cổ, giới thiệu sản phẩm làng nghề phố nghề Hà Nội và xây dựng điểm đến của du lịch Hà Nội.

Hơn 3.000 hộ kinh doanh đêm trên khắp tuyến phố đi bộ và chợ đêm tạo ra sức hấp dẫn về mua sắm hàng hóa với giá cả rất bình dân.

 Điều đặc biệt, ngay cạnh những dãy hàng náo nhiệt người ta vẫn cảm nhận được một đêm phố cổ trầm mặc qua những mái ngói thâm nâu thiếu ánh đèn hay những căn nhà im lìm đóng cửa sau lưng.

Chợ “chửi” Hà thành


Ngoài những phiên chợ mang đặc sắc văn hóa, phong cách của từng nơi, Hà thành còn nổi tiếng với những chợ “chửi”. Thượng đế đến chợ này chủ yếu là mua hàng và sẵn sàng bị chửi bất cứ lúc nào.

Chợ Ngã Tư Sở là những địa chỉ mua sắm quần áo, giày dép của nhiều người. Tuy nhiên, những địa điểm trên cũng là nỗi e ngại của rất nhiều "thượng đế" bởi mua hàng ở đây dễ bị ăn cả “rổ chửi” cộng với cách hành xử thiếu văn hóa, thậm chí mang dáng dấp "côn đồ" của nhiều chủ hàng.

"Thượng đế" của chợ Ngã tư Sở có thể nghe chửi bất cứ lúc nào. Ảnh Bee


Đến chợ Ngã Tư Sở - Hà Nội, người mua hàng thường quen với điệp khúc: “Em ơi vào xem hàng đi, nhiều kiểu dáng mẫu mã đẹp lắm”, hay "Em ơi, vào xem hàng đi em, chị bán rẻ cho...", "Em chọn đi, em thử đi, cái kiểu này rất hợp với dáng em đó". Ấy thế mà nếu khách hàng chỉ có ý định ngắm là không mua, người bán có thể quay ngoắt 180 độ, chuyển từ gam “ngọt ngào” sang gam “côn đồ” ngay. Đứng nhìn hàng chị mà không mua hả? Chửi. Mặc cả rồi không mua hả? Chửi. "Can tội" mặc cả thấp cũng bị chửa.

Khách đến mua hàng trót hỏi giá mà không mua sẵn sàng bị người bán hàng chửi thậm tệ. Bởi khi đó, với những người bán hàng không bán được hàng thì thượng đế là đối tượng để họ... chửi.

Phương Thúy (tổng hợp)