Ấn Độ không nên 'ghẻ lạnh' với Pakistan
Cập nhật lúc :2:18 PM, 08/10/2011
Truyền thông Ấn Độ đề xuất Pakistan nên là điểm khởi đầu và kết thúc của chính sách khu vực của New Delhi trong bối cảnh chính sách đối ngoại của nước này dường như không đặt trọng tâm lên Pakistan, cũng như tỏ ra không cần thiết phải áp dụng các biện pháp mềm mỏng đối với quốc gia láng giềng này.

Chính sách đối với Bangladesh của Liên minh Tiến bộ Thống nhất cầm quyền ở Ấn Độ đang chỉ ra rằng, bất chấp Pakistan có thể chiếm nhiều ảnh hưởng đối với Ấn Độ, song New Delhi dường như lại coi trọng việc thúc đẩy quan hệ thân thiện với Dhaka nhiều hơn, trong khi đó lại có vẻ thờ ơ với Islamabab.

Bằng chứng là Ấn Độ rất quan tấm vun vén quan hệ với Banglades thông qua động thái thăm Bangladesh của Thủ tướng Ấn Độ, Manmohan Singh hồi tháng 9 vừa qua. Đặc biệt hơn, chuyến thăm của Thủ tướng Singh lại diễn ra ngay sau chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Ấn Độ Sonia Gandhi.

Thủ tướng Ấn Ðộ Manmohan Singh và Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina tại Dhaka trong chuyến thăm tới Bangladesh của Thủ tướng Ấn Độ hồi tháng 9.

Trong chuyến thăm của Thủ tướng Singh tại Bangladesh, lãnh đạo cấp cao hai nước đã tổ chức nhiều chương trình nghị sự thảo luận về các vấn đề liên quan đến an ninh, kinh tế, thương mại. Thậm chí, hai bên cũng thẳng thắn thảo luận về những vấn đề nhạy cảm như tranh chấp biên giới hay về số phận của những người dân sống trong 111 vùng của Ấn Độ nằm lọt trong lãnh thổ của Bangladesh và 51 vùng của Bangladesh nằm lọt trong lãnh thổ Ấn Độ.

Kết quả là, hai bên đã ký được một nghị định thư thỏa thuận phân định biên giới mang tính lịch sử cùng nhiều thỏa thuận quan trọng khác liên quan đến vấn đề về năng lượng tái tạo, giáo dục, thương mại, môi trường,…

Động thái này của New Delhi đã thổi một làn gió mới vào chính sách đối ngoại vốn bị chỉ trích là thiếu tính sáng tạo và thụ động của Ấn Độ.

Tuy nhiên, trong khi các vấn đề liên quan đến biên giới phía Đông Ấn Độ được đặc biệt chú trọng và đạt được những cải thiện đáng kể trong thời gian qua thì dường như giới chức Ấn Độ lại chưa quan tâm đúng mực đối với các vấn đề liên quan đến biên giới phía Tây.

Nhiều người cho rằng, những thành tựu mà Ấn Độ đạt được với Bangladesh cần được nhân rộng về biên giới phía Tây. Điều này có nghĩa là, New Delhi nên bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến Pakistan, thúc đẩy một mối quan hệ thân thiện và nồng ấm với Islamabab.

Để bắt đầu xây dựng mối quan hệ tốt đẹp đó, một chuyến thăm của Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh đến Pakistan là cần thiết và vô cùng giá trị. Kể từ năm 2004, các Thủ tướng Ấn Độ đã không có bất cứ chuyến thăm nào tới Islamabab. Do vậy, trong tương lai, nếu chính sách của Ấn Độ thực sự đặt Pakistan làm trung tâm, thì bắt buộc sẽ phải có một chuyến thăm chính thức như thế.

Ngoài ra, chuyến thăm này sẽ không thể giống như những chuyến thăm chính thức điển hình được thực hiện bởi các đoàn đại biểu của Ấn Độ từ trước đến nay. Thủ tướng Singh nên xem xét đến việc thăm các thị trấn ngoại ô Islamabab và Lahore, chẳng hạn như ngôi làng, nơi mà ông Singh được sinh ra. Hành động này sẽ giúp Ấn Độ gửi những thông điệp tốt lành đến Pakistan tương tự như những gì đã diễn ra trong chuyến thăm Lahore của cựu Thủ tướng Ấn Độ Vajpaayee năm 1999 khi ông này đáp xe buýt đến Lahore ký tuyên cáo hòa bình với Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif.

Cả hai bên cũng nên tranh thủ cơ hội tổ chức lễ kỷ niệm chung 150 ngày sinh của đại danh hào Rabindra Nath Tagore để nâng cấp quan hệ hai nước, không nên dừng lại ở phạm vi là một sự kiện văn hóa đơn thuần nhằm thể hiện lòng tôn kích đối với một cá nhân kiệt xuất mà nên nâng lên thành một hoạt động có ý nghĩa ở cấp nhà nước. Thực tế là, có rất nhiều cá nhân kiệt xuất được cả người Ấn Độ lẫn người Pakistan tôn kính và do đó, Chính phủ hai nước nên xem xét việc công nhận những cá nhân này hàng năm bởi nó sẽ giúp hai bên tạo dựng được một mối quan hệ khăng khít và thân mật hơn.

Chưa hết, đối với các vấn đề thương mại, đến lúc New Delhi và Islamabab phải nỗ lực thực sự để đưa ra các chính sách thiết thực nhằm thúc đẩy kinh tế và thương mại giữa hai nước, chứ không nên chỉ dừng lại ở các cuộc thảo luận tìm kiếm các giải pháp giữa Bộ trưởng ngoại giao hai nước hồi tháng trước hay giữa các quan chức thương mại của hai nước hồi tháng 4.

Ngoài ra, vấn đề giao thông, đặc biệt là giao thông dân sự và thương mại tại các khu vực biên giới của hai nước cũng là một vấn mà Ấn Độ và Pakistan nên quan tâm nhiều hơn nữa. Việc đảm bảo sự thông suốt của các dịch vụ giao thông công cộng tại các khu vực biên giới, chẳng hạn như các dịch vụ xe lửa và xe bus phổ biến, kết hợp với việc tự do hóa cách thức cấp thị thực sẽ tạo ra sự tương tác tuyệt vời cho người dân của hai nước, góp phần thúc đẩy quan hệ giữa hai Chính phủ.

Tuy nhiên, một hạn chế cản trở nỗ lực cải thiện quan hệ Ấn Độ - Pakistan không thể phủ nhận - đó là những lập trường khác biệt của cả hai bên về Chủ nghĩa khủng bố và các tranh chấp lãnh thổ. Giống như biên giới phía Đông của Ấn Độ (tức Bangladesh), nơi mà các tranh chấp cốt lõi giữa hai nước đã được đặt sang một bên khi New Delhi và Dhaka cùng đạt được các thỏa thuận thỏa đáng đặt nền móng cho một sự hợp tác toàn diện hơn thì về biên giới phía Tây của Ấn Độ (tức Pakistan), cũng đã đến lúc Chính phủ hai nước cần có những nỗ lực tương tự trước hết là để hiểu biết và tin tưởng lẫn nhau, sau đó là dọn đường cho một mối quan hệ thân thiện mang lại lợi ích cho cả hai trong tương lai.

>> Hàn Quốc ‘ve vãn’ Trung Á

Lê Dung (Theo The Diplomat)
Ý kiến của bạn In bài này
Dành cho quảng cáo