Van xin kẻ cắp trên xe bus: ‘Khi các nghĩa sĩ ở vào thế yếu’

Thứ bảy 08/10/2011 05:51
(GDVN) -“Từ một bức tranh xã hội thu hẹp là cộng đồng xe bus lâm thời, chúng ta thấy xã hội đang có những biểu hiện rối loạn về giá trị và chuẩn mực…”
Ông Trịnh Hòa Bình – Giám đốc Trung tâm Dư luận xã hội (Viện Xã hội học) chia sẻ.

Sau khi đăng tải video: “Thanh niên nghẹn ngào van xin kẻ móc túi trên xe bus”, Báo Giáo dục Việt Nam đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi từ phía độc giả. Trong đó, không ít độc giả khẳng định, sự việc này dường như đã trở nên “quen thuộc” trên nhiều tuyến xe bus trên địa bàn Thủ đô. Tuy nhiên, đau lòng hơn là thái độ im lặng, thờ ơ của những người chứng kiến khi đứng trước cái ác. Để rộng đường dư luận, PV đã có cuộc phỏng vấn ông Trịnh Hòa Bình về vấn đề này.


Trách nhiệm cộng đồng bị xem nhẹ

Tỏ ra còn khá bức xúc với sự việc xảy ra trong video clip trên, ông Trịnh Hòa Bình cho rằng: “Sự kiện đó phản ánh rất nhiều chiều. Nếu nói một cách táo tợn, quyết liệt thì xã hội chúng ta… không an toàn. Đặc biệt là không an toàn cho những người đàng hoàng, tử tế”.

Theo ông Trịnh Hòa Bình có một thực tế đáng báo động là: khi người ta van xin kẻ cướp, dường như người ta đã thừa nhận sự việc đó là chuyện bình thường, được phép xảy ra. Đặc biệt, những người chứng kiến, tham gia vào câu chuyện một cách bị động lại tỏ ra rất thờ ơ, dửng dưng trước sự việc. Điều đó cho thấy sự vô cảm trong một bộ phận đồng loại. Tất nhiên, sự việc không xảy ra trên toàn bình diện xã hội nhưng chắc chắn có thể khẳng định chúng đã có mặt ở không ít nơi trên đất nước này.

“Nói nặng lời, những kẻ thờ ơ ấy đang tiếp tay cho cái ác, cái xấu”, ông Bình bức xúc. Phân tích về thái độ vô cảm ấy, ông Bình cho rằng: “Các đương sự ngại tốn kém thời gian, ngại thua thiệt, ngại bị truy kích, trả thù… Trách nhiệm với cộng đồng của họ còn bị xem nhẹ. Do đó, bức tranh của xã hội đang trở nên không lành mạnh và đáng quan ngại”.

Ông Trịnh Hòa Bình chia sẻ bản thân mình đã khá lâu không đi xe bus bởi… quá mất thời giờ: “Có lần tôi chủ động đi để “nếm trải”, để biết. Nhưng thời gian từ nhà đến cơ quan mất hơn một tiếng rưỡi đồng hồ. Xe bus vừa phải “tăng bo”, vừa phải chen chúc. Ở đó, văn minh không được đảm bảo, hành khách không nhường nhau, không kính già nhường trẻ, không ưu tiên phụ nữ… Nói tóm lại, văn minh xe bus của chúng ta đang có vấn đề”.

Trở lại với câu chuyện chàng thanh niên bị móc túi phải lạy lục, van xin kẻ cắp, ông Bình tỏ ra đáng buồn. Buồn bởi lẽ ra, đông đảo mọi người phải ra tay, bắt trói kẻ ác. Buồn bởi lực lượng chức năng, thực thi pháp luật phải vào cuộc. Thậm chí, có rất nhiều hình thức để ngăn chặn sự việc, tài xế xe bus có thể lập tức đóng cửa xe lại và trình báo cơ quan chức năng, khám xét từng người … Nhưng tiếc thay, tất cả những người trên xe đã không làm thế. Thậm chí, họ còn đủ “bình tâm” để quay lại clip này. 

Cần xây dựng áp lực dư luận xã hội

Có thể, đối với nhiều người, câu chuyện xảy ra trên xe bus đó chỉ là việc... bình thường như cơm bữa nhưng theo ông Bình, đó là điều rất đáng quan ngại: “Từ một bức tranh xã hội thu hẹp là cộng đồng xe bus lâm thời, chúng ta thấy xã hội đang có những rối loạn về giá trị và chuẩn mực, làm cho ánh sáng và bóng tối, cái đen và cái trắng lẫn lộn với nhau. Ở đó, cái tốt không được kích hoạt, không được tôn vinh bảo vệ lẫn nhau. Đến một lúc nào đó cái tốt lại sợ cái xấu, sợ cái ác, vi phạm đến trật tự phát triển của cộng đồng theo hướng lành mạnh, tích cực hóa. ”

Từ câu chuyện chàng thanh niên van nài kẻ cướp trên xe bus trong ánh mắt thờ ơ của những người hành khách, ông Bình liên tưởng tới một câu chuyện có phần trái ngược, đó là những hiệp sĩ bắt cướp trên các nẻo đường. Gần đây nhất là trường hợp hy sinh của anh Phạm Văn Chính (Chương Mỹ – Hà Nội) khi tham gia truy đuổi kẻ trộm xe SH.

“Chúng ta cần thiết có văn hóa “đọc” ngược trở lại những sự kiện đó, để làm “dấy” lên dư luận của đời sống cộng đồng, đời sống xã hội. Nhiều hiệp sĩ bắt cướp của chúng ta thuộc vào nhóm “yếu thế”. Họ có cuộc sống thấp kém, phải bươn trải kiếm ăn, phải chắt chiu từng đồng… nhưng lại không lãng quên phần phẩm chất tốt đẹp vì cộng đồng.

Cần so sánh họ với những người có suy nghĩ “tránh dây dưa vào những việc nhức đầu, không đáng có” để xây dựng một “áp lực” dư luận xã hội - một dư luận chín chắn, trưởng thành”, ông Bình nói.

Bên cạnh đó, để góp phần hạn chế tình trạng đáng báo động này, ông Bình khẳng định: “Đây không phải là câu chuyện “nghĩa khí” đơn thuần và cũng không phải là việc của riêng ai mà phải có sự thực hiện đầy đủ chức năng giữa nhiều ngành, nhiều lực lượng. Đặc biệt là đối với các cơ quan chức năng vì họ thực sự đã không hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình”. 

Huyền Anh

Bình luận

Sắp xếp theo:

Hoàng Thanh Phong - 08/10/2011 11:50

Muốn tìm hiểu vấn đề này có gì khó đâu? hãy bắt đầu từ những lái xe và phụ xe buýt, họ biết cả nhưng không dám nói vì miếng cơm manh áo, nếu đảm bảo an ninh cuộc sống của họ thì chuyện này dễ như bắt cá trong giỏ! tôi chỉ sợ việc "đánh trống bỏ dùi" như lâu nay thì ... chỉ khổ cho người lương thiện.

Nguyễn Mạnh Hưng - 08/10/2011 10:22

Mọi người thờ ơ trước những sự lấn át của cái "ác" vì pháp luật không bảo vệ được người tốt trong thực tế.
Việc phát hiện kẻ cắp (móc túi trên xe buýt) rất dễ, người dân ai cũng trông thấy vì nó diễn ra công khai hàng ngày và giữa ban ngày.
Tại sao các cơ quan bảo vệ trật tự xã hội không hành động?
Nếu việc trấn áp cái ác trên xe buýt không quan trọng đối với các cơ quan ấy, thì người dân ai dám ra tay?

Nguyễn Mạnh Hưng - 08/10/2011 10:21

Mọi người thờ ơ trước những sự lấn át của cái "ác" vì pháp luật không bảo vệ được người tốt trong thực tế.
Việc phát hiện kẻ cắp (móc túi trên xe buýt) rất dễ, người dân ai cũng trông thấy vì nó diễn ra công khai hàng ngày và giữa ban ngày.
Tại sao các cơ quan bảo vệ trật tự xã hội không hành động?
Nếu việc trấn áp cái ác trên xe buýt không quan trọng thì người dân ai dám ra tay?

tran van tien - 08/10/2011 10:20

Chúng ta đặt một câu hỏi, là khi vấn đề tờ báo cho rằng moi người đã chấp nhận" dường như người ta đã thừa nhận sự việc đó là chuyện bình thường, được phép xảy ra" .Vậy thì người dân đã chứng kiến việc đã diễn ra quá nhiều. Vậy thì chúng ta thử hỏi lục lượng cảnh sát ở đâu?. Nhưng quay lại mà van xin kẻ ăn cắp của mình...Thật tội nghiệp

thao - 08/10/2011 10:10

Theo tôi chính các cơ quan chức năng vẫn chưa vào cuộc, chưa đưa ra được những biện pháp mạnh và cứng rắn đủ sức răn đe tội phạm.Khi mà những người "nghĩa hiệp" ra tay cứu người gặp nạn.Nhưng sau đó chính họ lại bị bọn tội phạm trả thù.Lúc này ai sẽ là người bảo vệ họ? Liệu sau đó có ai còn dám lên tiếng nữa không?

Đặng Khánh - 08/10/2011 10:02

Tôi thấy những phát biểu trong bài báo là bi quan và không đúng. Tôi cũng làm việc và sống ở Hà Nội, đã đi xe bus nhiều, và thấy việc chen lấn là bắt buộc, còn người già vẫn luôn được nhường ghế. Tôi thấy ông ngại đi xe bus thì không nên phát biểu như vậy. Bản thân tôi cũng đã chứng kiến khá nhiều hành động nghĩa hiệp, của nhiều tầng lớp, nhất là tầng lớp lao động. Hình ảnh trên video này chỉ đại diện cho một bộ phận xã hội, không nói lên điều gì cả.

vu duy tan - 08/10/2011 09:38

Các bạn nhớ lại vụ móc túi trước đây xảy ra trên xe buýt trên đoạn đường từ Q.9 đến Q.Bình Thạnh. Cụ già thấy tên móc túi đang thò tay móc điện thoại của hành khách. Cụ già tri hô, tên trộm dùng dao chém mặt cụ già, và đâm thương tích các anh thanh niên tham gia bắt trộm. Khi lực lượng chức năng bắt được, chỉ xử lý phạt hành chính. Do việc gây thương tích chưa đủ xử lý hình sự. Sau đó, các tên trộm này quay lại tìm người truy bắt để trả thù. Thật bức xúc.

phan văn phước - 08/10/2011 08:49

luật sửa đổi là : kẻ nào có hành vi móc túi , cố ý xâm hại đến thân thể và tinh thần của người khác thì bị TÙ chung thân và bồi thường gấp 10 lần số tiền trộm được thì từ nay có ai dám ko ?

Nguyen Ngoc - 08/10/2011 08:31

Việt Nam hiện nay có rất nhiều người sống ích kỷ, nhiều người không có khả năng tự vệ chứ đừng nói đến chuyện can thiệp giúp kẻ khác. Theo tôi Nhà nước cần có các chính sách sau: Phát động mạnh mẽ phong trào học võ trong sinh viện, học sinh, và nhân dân nói chung để nhiều người có đủ tự tin can thiệp giúp người khác. Mặt khác có chính sách thưởng công xứng đáng bằng vật chất cho những người dám đấu tranh với tội phạm để bảo vệ cho người khác; truy tặng danh hiệu anh hùng,liệt sỹ nếu họ hy sinh.

không tên - 08/10/2011 08:23

Xảy ra vấn đề như nêu trên phần nào cũng bởi pháp luật của ta chưa nghiêm, trước đây tôi có đọc bài viết nào đó. Cũng đã từng có người nghĩa hiệp can dự vào những chuyện như vậy trên xe Bus và rồi bị chính những kẻ cướp giật chém bị thương nhưng khi công an bắt giữ được những tên cướp đó chúng chỉ bị nhốt vài ngày thôi. Vậy ai còn dám mạnh dạn ra tay nghĩa hiệp vậy nữa chứ!