(GDVN) - Những quán cóc liêu xiêu, những hàng quà bánh mỗi độ thu về của người Hà Nội đã bắt đầu đỏ lửa, tí tách đêm khuya.
Chỉ mới vài cơn gió lạnh tràn về, những cành cây trên đường phố Hà Nội bắt đầu thưa dần lá. Lẫn trong cái lạnh cuối thu, đầu đông đâu đó những mùi hương nồng nàn của ngô, khoai nướng, của bát bánh trôi tàu thơm nức... đánh vào mỗi người cảm giác thèm được hít hà, nhâm nhi hơi ấm của các món ăn trong tiết trời se lạnh.
“Hà Nội mùa thu… mùa cốm xanh về, thơm bàn tay nhỏ, cốm sữa vỉa hè, thơm bước chân qua”, cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã gửi tặng Hà Nội tuyệt tác “Nhớ mùa thu Hà Nội”, cũng là một lần gợi nhớ, gợi thương về hương cốm Hà Nội. Trời vào thu cũng là lúc cốm theo chân các bà, các chị lên phố. Nơi góc vỉa hè, một cụ bà khăn vấn áo thâm, đặt tấm mẹt tre lên thúng, trải lá sen bánh tẻ đùm cốm cho khách.
|
Hình ảnh những bà cụ già bên thúng cốm là một trong những nét đẹp của gánh hàng rong Hà Nội. |
Giống như cốm làng Vòng, bánh trôi tàu từ lâu đã trở thành món ăn quen thuộc, dân dã của thực khách Hà thành mỗi độ thu sang, đông về. Trong cái se lạnh, man mát của tiết trời thu, bánh trôi tàu trở thành món quà ủ ấm những bàn tay.
Một bát bánh trôi tàu bao giờ cũng có hai viên bột vừa to bằng quả trứng gà ta, một viên nhân đậu xanh xay nhuyễn với đường cát, một nhân vừng đen xay. Và khi nhắc đến món bánh trôi tàu thì không thể không nhắc tới quán vỉa hè của nghệ sĩ Phạm Bằng ở 30 Hàng Giầy - nơi có lẽ là đắt khách nhất Hà Nội. Ngoài ra tiệm bánh trôi ở số 4 Hàng Cân, Bánh trôi Điệp béo phố Hàng Điếu cũng là những địa điểm hút khách không kém. Thông thường giá mỗi bát bánh ở đây là 15 nghìn.
|
Cái lạnh của xứ Bắc dường như ngọt hơn khi bạn xuýt xoa thưởng thức bát bánh trôi tàu nóng. |
Dưới chân cột đèn một góc phố nào đó, hình ảnh chậu than hồng với những bắp ngô non đang căng sữa, hạt mẩy tăm tắp như hàng răng ngọc, cùng những đôi má ửng đỏ, những cặp mắt long lanh xúm xít quanh người bán hàng đang nhanh tay quạt cho chín mẻ ngô đã trở thành hình ảnh thân quen trong lòng người Hà Nội mỗi độ thu về.
Ngô nướng quyến rũ thực khách bằng mùi hương đặc trưng, riêng có, mùi thơm của hương đồng gió bãi hào phóng và thơm thảo.
|
Chỉ với 5 nghìn đồng thực khách đã có những bắp ngô nướng nóng “bỏng” tay. |
Ở ven đường, những chảo bánh khoai, bánh chuối, nem rán... lại chuẩn bị cho một mùa bận rộn. Trong cái khí trời lành lạnh, tạt vào một hàng bánh nào đó trên đường Láng, Khương Trung… nghe chảo bánh dậy lên mùi khoai lang mới, chợt thấy buổi tối mùa thu lành lạnh sao mà ấm áp lạ.
|
Từ già đến trẻ, thanh niên nam nữ ai cũng chuộng món bánh ngõ hẻm này, không chỉ vì giá rẻ (3000d/chiếc), dễ tìm mà còn rất ngon và hợp với tiết trời mát mẻ như thế này. |
Những đĩa ốc nóng còn vương khói, hít hà cùng thứ nước chấm cay nồng cũng là thói quen của nhiều người Thủ đô trong những ngày thu se lạnh.
Chẳng biết ốc nóng vỉa hè Hà Nội có từ bao giờ? Nhưng ở bất kỳ con phố nào tại đất Hà Thành, người ta cũng có thể dễ dàng bắt gặp những quán ốc nóng với đủ tên gọi khác nhau. Thế nhưng, dân ghiền ốc thì chắc hẳn sẽ nhớ ngay đến những địa chỉ chuyên về ốc nóng nổi tiếng như ốc nóng Giảng Võ, ốc nóng Nam Đồng, ốc nóng Phùng Khoang, ốc nóng Hà Trang (Đinh Liệt) … và dĩ nhiên không thể bỏ qua được món ốc nóng Kim Liên.
|
Không giống nhiều thứ quà khác, ốc nóng là món ăn mang phong cách “bụi”, “bụi” từ chỗ ăn cho tới phong cách ăn. |
Sẽ thật là thiếu sót vô cùng nếu như nhắc đến quà bánh vỉa hè mà không nhắc đến hạt dẻ nóng - món quà ưa thích của người Hà thành mỗi độ “đã nghe rét mướt luồn trong gió”.
Hãy thử một lần dọc theo những đường phố ở Hà Nội, từ những con phố cổ như Hàng Bạc, Tô Tịch, Hàng Than đến những đường phố ngoại thành sầm uất hơn như phố Huế, Láng, Nguyễn Trãi... đâu đâu ta cũng dễ dàng bắt gặp những bà, những chị bên bếp than đỏ rực với chảo hạt dẻ rang. Âm thanh lách tách với mùi thơm thoang thoảng từ chảo hạt dẻ rang dường như khiến vỉa hè Hà Nội rộn rã và ấm cúng lạ thường.
|
Giá của hạt dẻ nóng dao động, từ 80 đến 120 nghìn/kg, tuy nhiên đa phần là hạt dẻ Trung Quốc. |
Những thứ quà bánh giản dị, ấm áp thơm nồng nơi quán cóc vỉa hè ấy đã tạo nên nét rất riêng của Hà Nội, nét văn hóa hàng rong của người Kẻ Chợ. Để mỗi độ thu về, trong tiết trời se se, những người con xa xứ bồi hồi khôn nguôi, nhớ từng góc phố con đường, nhớ gánh hàng rong của các mẹ, các chị, ùa lòng về thổn thức.