Thứ Ba, 11/10/2011, 08:29 [GMT+7]
.
.

Ca sĩ Nguyễn Hưng luôn nói lời xin lỗi với người bạn đời

(Phunutoday) - Nổi tiếng, hào hoa và làm thổn thức bao trái tim người hâm mộ qua những khúc ca, những vũ điệu Chachacha cuồng nhiệt, đầy cảm xúc, Nguyễn Hưng đã làm say mê bao nhiêu trái tim thiếu nữ. Nhưng anh lại là người đàn ông chung thủy, sống chân thành và giản dị với mối tình kéo dài gần 40 năm cuộc đời.

Bị mẹ ép trở thành vũ công
 Ca sĩ Nguyễn Hưng cùng bạn nhảy trên sân khấu (nguồn internet)
Nguyễn Hưng là con của vũ sư Ánh Tuyết, nổi tiếng từ đầu thập niên 60 tại Việt Nam với lớp huấn luyện khiêu vũ và vũ dân tộc. Bà đã có công đào tạo nhiều vũ sư tài giỏi cho đến những ngày cuối tháng 4/1975. Trong số đó, có người con trai út của bà là Nguyễn Hưng, từng đoạt giải Kim Khánh về khiêu vũ do Nhật báo Trắng Đen tổ chức vào năm 1972 với thể điệu Chachacha khi mới 17 tuổi.
 
Ít ai biết rằng thuở nhỏ, khi theo mẹ đi diễn, chàng ca sĩ kiêm vũ công tài danh Nguyễn Hưng ngày nay lại chưa bao giờ có cảm giác thích thú gì với những điệu vũ uyển chuyển được mẹ và các vũ sư thể hiện trên sân khấu. Nguyễn Hưng khi đó chỉ say sưa theo dõi ban nhạc và mê mẩn các tay trống. Khi được mẹ mua cho chiếc trống đầu tiên, Nguyễn Hưng đã say mê đến mất ăn mất ngủ. Với bộ trống đầu tiên trong đời, Nguyễn Hưng với tên thật là Nguyễn Từ Hưng đã gia nhập ban nhạc trẻ The Radiations, đi trình diễn nhiều nơi trong suốt 2 năm.
 
Do có một số mâu thuẫn với đồng nghiệp, vũ sư Ánh Tuyết quyết định bắt con trai nối nghiệp của mình. Vũ sư Ánh Tuyết chỉ có hai người con trai, anh trai của Nguyễn Hưng đang theo nghiệp lính nên cậu con trai út khi đó, dù thích dù không cũng phải theo mẹ lên sàn tập nhảy. Nguyễn Hưng vốn là người con hiếu thảo nên dù không hề thích thú với những điệu vũ, anh vẫn chăm chỉ luyện tập.
 
Xem phim chưởng Hồng Kông, thấy người ta cho cát, cho chì vào ống quần rồi buộc túm lại tập nhảy, tập chạy cho nhanh, Nguyễn Hưng cũng lén làm theo. Không ngờ, nhờ vậy mà chỉ một thời gian ngắn sau, đôi chân của anh đã trở nên nhanh nhẹn hơn, cơ thể như được giải phóng. Lần đầu ra sân khấu biểu diễn, Nguyễn Hưng rất tự tin khi trình diễn điệu Tango. Thế nhưng, bạn nhảy của anh còn khá trẻ và chỉ mới tham gia khiêu vũ không lâu nên bị khớp.
 
Khi ra sân khấu, cô luống cuống, tới cuối bài biểu diễn, trong động tác “te”  thì cô bất ngờ vấp té nên tiết mục bị gãy. Mặc dù vẫn có một vài khán giả thương mến dành cho những tiếng vỗ tay lác đác cho đôi bạn diễn trẻ nhưng khi bước vào hậu đài, vũ sư Ánh Tuyết đã mắng con một trận. Nguyễn Hưng im lặng nghe mẹ mắng vì anh biết mình đã mắc lỗi, dù không phải khán giả nào cũng biết anh là con trai của nữ vũ sư nổi tiếng nhưng điều đó cũng khiến Nguyễn Hưng chịu áp lực.
 Lần đầu ra sân khấu biểu diễn, Nguyễn Hưng rất tự tin khi trình diễn điệu Tango (nguồn internet)
Khi bị mẹ bắt ra sân khấu diễn lại, Nguyễn Hưng chợt nhớ mình rất thích những điệu vũ Chachacha nên đánh liều. Bị sốc bởi lần đầu thất bại nên khi ra nhảy lần thứ hai, Nguyễn Hưng dồn hết tâm trí của mình vào điệu nhảy. Đến giờ, mỗi lần nhắc lại, mắt Nguyễn Hưng vẫn ngập tràn niềm hạnh phúc. Anh thổ lộ: “Có lẽ ông trời đã dành cho tôi vào con đường nhảy bằng thể điệu này. Đó đúng là cái nghiệp để tôi gắn bó và sau này nổi tiếng với điệu nhảy Chachacha”. Một người bạn vẫn thường theo dõi Nguyễn Hưng tập nhảy khi đó đã phải thốt lên thán phục “Ôi! Coi thằng này nhảy không thấy chân của nó ở đâu hết”.

Khiêu vũ khiến tôi gặp người vợ hiền

Gắn bó với nghiệp vũ công do bị mẹ ép nhưng chưa bao giờ Nguyễn Hưng oán trách mẹ. Anh coi đó như nghiệp số của mình và còn nhiều lần thầm cảm ơn mẹ, vì nhờ gắn bó với khiêu vũ, anh đã tìm được người bạn đời của mình. Chị Thục Hiền, người bạn đời gắn bó và chia sẻ cuộc sống cùng Nguyễn Hưng trong suốt hơn 30 năm qua, cũng từng là một cô gái trẻ đam mê nghệ thuật khiêu vũ. Quen nhau từ ngày bắt đầu đến với khiêu vũ, sau một năm, cả hai trở thành bạn nhảy của nhau.
 
Cũng giống như bao cặp bạn nhảy khác, Nguyễn Hưng và Thục Hiền cũng có những trận cãi vã, tranh luận nảy lửa để thống nhất một động tác trình diễn. Thế nhưng, nghệ thuật khiêu vũ cũng là cơ sở để họ gắn kết với nhau không chỉ trên sàn diễn mà còn ở ngoài cuộc đời thực. Ngày đó, Thục Hiền rất xinh đẹp. Những bức hình chân dung của chị một thời được treo đầy trên tường phòng khách, cầu thang trong ngôi nhà mà vợ chồng chị mua tại Việt Nam trên đường Hoàng Văn Thụ, Q. Tân Bình vẫn khiến khách đến chơi nhà trầm trồ và ngạc nhiên. Chị xinh đẹp, kiêu sa, tân thời không hề thua kém bất cứ cô minh tinh Hồng Kông nào thời đó.
 
Sau năm 1975, Nguyễn Hưng từng cộng tác với một số đoàn hát như đoàn xiếc Độc Lập, Bông Sen... cùng với một số vũ trường ở Sài Gòn vì chưa hề có một căn bản nào về thanh nhạc. Một thời gian ngắn sau, anh được Giáo sư Duy Tân chỉ dẫn và khi qua đoàn Bông Sen 2, anh cũng như tất cả diễn viên khác đã được theo học những khóa luyện thanh và nhạc lý. Nhờ vào đó, anh đã có những hành trang cần thiết đến với sinh hoạt ca nhạc sau này.
 
Cho đến khoảng năm 1982 - 1983, Nguyễn Hưng trở lại với nghề dạy khiêu vũ. Anh đặt chân đến Toronto, Canada vào năm 1992 với sự bảo lãnh của vợ. Những ngày đầu khi ra nước ngoài định cư, cuộc sống của Nguyễn Hưng gặp khá nhiều khó khăn. Anh tiếp tục mở lớp dạy khiêu vũ tại Canada nhưng thời tiết ở đây khắc nghiệt, không nhiều người mê học khiêu vũ nên một tuần anh cũng chỉ được dạy 1-2 buổi vào cuối tuần.
 Nguyễn Hưng, từng đoạt giải Kim Khánh về khiêu vũ do Nhật báo Trắng Đen tổ chức vào năm 1972 với thể điệu Chachacha khi mới 17 tuổi (nguồn internet)
Công việc ít, lại sống cuộc sống xa quê hương nên Nguyễn Hưng có nhiều lúc cảm thấy buồn chán. Chính vợ anh, đã là người luôn bên cạnh động viên, an ủi chồng. Vốn từng là một cựu vũ công, nên Thục Hiền biết nỗi đau đáu của chồng khi không được nhảy, không được đứng trên sân khấu. 
 
Năm 1994, trong một dịp sang Toronto trình diễn, nữ ca sĩ Phương Hồng Quế mà Nguyễn Hưng từng quen biết trước kia, đã khuyến khích anh sang Califonia thăm dò tình hình vì ở đó có nhiều cơ hội để phát triển ngành ca hát. Cùng với Phương Hồng Quế, Nguyễn Hưng sang Califonia và tham dự đêm ra mắt CD của nữ ca sĩ Phi Phi tại vũ trường Đêm màu hồng ở Nam Cali vào tháng 3/ 1994. Đêm đó, anh lên sân khấu hát góp vui 2 nhạc phẩm “Vết thù trên lưng ngựa hoang” và “Đưa em vào cõi chết”, những nhạc phẩm từng được trình bày qua tiếng hát Elvis Phương, Thái Châu cũng là hai giọng anh rất ưa thích và công nhận là có chịu ảnh hưởng phần nào.
 
Đêm đó cũng có mặt một người điều hành tại một Trung tâm ca nhạc có tiếng ở Hải ngoại, chính người đó đã mời anh hợp tác, một điều anh không ngờ tới.
 
Tạm gác lại sự nghiệp khiêu vũ, Nguyễn Hưng bàn bạc với vợ việc mình sẽ qua Mỹ biểu diễn. Với lợi thế là một vũ công chuyên nghiệp, lại từng học qua thanh nhạc nên chẳng mấy chốc Nguyễn Hưng đã nhận được sự yêu mến của đông đảo khán giả. Những lời mời biểu diễn đến liên tiếp khiến chính Nguyễn Hưng cũng cảm thấy bất ngờ.
 
Hàng tuần, anh thu xếp vali rồi cùng vợ lên đường phục vụ khán giả. Chị ở bên cạnh anh, chăm sóc, nâng niu, sửa cho anh từng nếp áo, cái quần. Chị tận tình lo cho anh từng chút một, góp ý cho anh từng động tác biểu diễn, cách hát, cách giao lưu với khán giả. Cảm động trước tình yêu, sự quan tâm tận tình của người bạn đời dành cho mình, Nguyễn Hưng luôn cảm thấy mình nợ vợ một lời xin lỗi.
 
Anh hiểu, chị cũng có những đam mê của mình với ánh đèn sân khấu, nhưng chị, vì gia đình, vì cuộc sống mưu sinh của gia đình nên chấp nhận rút lui vào trong hậu trường, chăm sóc, giúp đỡ anh thuận lợi hơn trong sự nghiệp. Đôi mắt Nguyễn Hưng lúc nào cũng ngời sáng khi nhắc đến vợ. Đối với anh, Thục Hiền không chỉ là một người vợ hiền, chị còn là một đồng nghiệp, một người đồng cam cộng khổ cùng anh trong suốt quãng thời gian dài qua.
 
Anh tâm sự thường nói với vợ: “Sorry. Anh biết có những điều làm cho em không vui nhưng ông trời chỉ cho chúng ta có một cánh cửa. Ông trời đã cho anh một cánh cửa để gắn bó với sự nghiệp ca hát và được khán giả yêu thương. Điều đó có thể làm cho em không vui nhưng khi nào không đi hát nữa, anh sẽ đưa em đi nhảy”.
 
Nguyễn Hưng mong muốn được tối tối cùng người bạn đời cùng nhau tới club khiêu vũ nhưng vì nhiều lý do, đến nay, những điều giản dị đó anh hiếm khi thực hiện được. Vợ anh, chị Thục Hiền cũng hiểu và đồng cảm với chồng điều đó và chị cũng vô cùng hạnh phúc khi nghe anh nói sau này khi không còn đi hát nữa, anh rất muốn được cùng chị tới sàn khiêu vũ mỗi đêm, giống như thời hai anh chị quen nhau cách đây đã mấy mươi năm.
 
Tránh nhắc nhiều  tới gia đình, đối với Nguyễn Hưng là cách để gìn giữ và bảo vệ tổ ấm của mình. Anh muốn được sống một cuộc đời giản dị. Sau ánh đèn sân khấu, anh muốn rút lui vào nơi yên bình nhất của cuộc đời mình, đó là ngôi nhà với hơi ấm của người vợ hiền thảo. Ít khi Nguyễn Hưng la cà ở bên ngoài, ít khi tâm sự, ít khi tụ tập cùng bạn bè ở quán bia, quán rượu hay những chốn vui chơi của giới showbiz như nhiều nghệ sĩ khác.
 
Hiện nay, Nguyễn Hưng đang đầu tư thật nhiều cho người con trai tên Nguyễn Hưng Long - cũng có năng khiếu ca hát và khiêu vũ. Anh  cũng mua một căn nhà khá rộng rãi với 4 tầng lầu để mỗi khi hai vợ chồng trở về Việt Nam thăm mẹ, anh có nơi đi lại, sinh hoạt. Nguyễn Hưng ấp ủ dự định tổ chức liveshow của mình vào tháng 9 tới trên cả ba miền đất nước nhằm đáp lại tình cảm của khán giả trong nước dành cho anh. Đây cũng là món quà mà anh muốn dành tặng cho mẹ, cho vợ, những người phụ nữ đã gắn bó, giúp đỡ anh đến với bộ môn khiêu vũ và bên anh hơn nửa cuộc đời.

  • Công Đức
;
.
.
'; ABDZone[1] = ''; try{ rotatorAdNetwork("ADBCookie", ABDZone); }catch(e){}