Tăng viện phí để bác sĩ không bị đói!?
11-10-2011 | 08:16(Nguoiduatin.vn) - Một trong những lý do được Bộ Y tế đưa ra để lý giải cho việc cần thiết phải tăng viện phí suốt thời gian qua chính là thu nhập của đội ngũ cán bộ nhân viên y tế cơ sở còn thấp, các cơ sở y tế thu không đủ bù chi.
Bởi thế tăng viện phí đi kèm với tăng cơ cấu tiền lương cho cán bộ y tế mới níu chân họ ở lại bệnh viện và người dân mới có cơ may được hưởng cơ chế khám chữa bệnh tốt nhất!?
Bác sĩ rời bệnh viện vì... đói!
Theo lý giải của Bộ Y tế, do thu nhập của đội ngũ cán bộ nhân viên y tế trong các cơ sở y tế công lập còn thấp, không thể tự sống được bằng nghề, trong khi bản thân các bệnh viện cũng bất lực, bởi viện phí thấp khiến họ thu không đủ bù chi. Cũng từ thực trạng đó, viễn cảnh về việc các bệnh viện công lập phải đóng cửa do không cạnh tranh được với các cơ sở y tế ngoài công lập đã hiển hiện.
Nhiều bác sĩ phải rời bệnh viện vì thu nhập thấp. |
Bằng chứng mà Bộ Y tế đưa ra là tình trạng các bác sĩ công lập kéo nhau bỏ ra làm cho bệnh viện tư nhân hoặc tìm cơ hội để xin lên tuyến trên có thu nhập cao hơn. Chỉ tính riêng tỉnh ĐắkLắk, từ năm 2009 đến nay, toàn tỉnh đã có 48 bác sĩ bỏ việc tại bệnh viện công (riêng bệnh viện Đa khoa tỉnh có đến 12 bác sĩ) để đầu quân cho y tế tư nhân. Đa phần họ là bác sĩ chuyên khoa, chuyên khoa I, thạc sĩ, có kinh nghiệm và trình độ chuyên môn.
BS. Trần Quang Khánh, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hoà Bình cho biết: Trong 7- 8 năm qua, ngành y tế tỉnh đã phải duyệt đơn cho chuyển 10 cán bộ chủ chốt, hầu hết đều là những người sau khi đi học thạc sĩ hoặc bồi dưỡng chuyên môn theo dự án của tỉnh.
Khi nhận bằng thạc sĩ y học, tất cả đều được tỉnh thưởng 10 triệu đồng nhưng họ sẵn sàng trả lại phần thưởng danh dự ấy để không vấn vương khi dứt áo ra đi. Cũng năm 2008, các bệnh viện, cơ sở y tế trong tỉnh Hòa Bình đề xuất xin 65 bác sĩ nhưng chỉ tuyển được 16 bác sĩ. Các bệnh viện huyện năm nào cũng xin bác sĩ, nhưng rồi càng xin càng vô vọng.Tương tự, tỉnh Cao Bằng hiện còn thiếu tới 110 bác sĩ.
BS. Lục Văn Đại- Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Cao Bằng chia sẻ, từ khi có chỉ thị 06 về củng cố công tác y tế cơ sở, đã có khoảng 20 y sĩ tại tuyến xã được cấp kinh phí học nâng cao thành bác sĩ. Thế nhưng sau khi học xong, để có thể chuyển công tác sang tỉnh Lai Châu, một nữ bác sĩ ở tuyến xã sẵn sàng hoàn lại toàn bộ kinh phí cho 4 năm học từ nguồn ngân sách. Tại bệnh viện đa khoa tỉnh, một bác sĩ ngoại khoa đã chuyển vào ĐắkLắk, một thạc sĩ chuyển ra BV Bạch Mai, một bác sĩ chuyên khoa I chuyển vào TP.HCM làm việc.
Không chỉ các bệnh viện huyện, bệnh viện tỉnh kêu thiếu bác sĩ mà ngay đến các bệnh viện tuyến trung ương cũng không giữ chân được bác sĩ. TS. Nguyễn Văn Kính, Giám đốc bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, năm vừa qua tại bệnh viện này đã phải chia tay với 4 bác sĩ, đều là bác sĩ nội trú có trình độ chuyên môn rất giỏi.
Nguyên nhân của những cuộc chia ly không mong muốn này đều xuất phát từ mức lương mà nhà nước chi trả cho bác sĩ trong các bệnh viện công lập thấp, không tương xứng với trình độ và vị trí của họ. Chẳng hạn, một bác sĩ tuyến trung ương, lương mỗi tháng chỉ khoảng 5- 8 triệu đồng, trong khi họ lại được các bệnh viện tư nhân mời ra làm việc với mức lương 30- 60 triệu đồng/tháng, ngay đến y tá cũng được trả đến 20 triệu đồng/ tháng, do đó họ sẽ phải lựa chọn.
Không chỉ trả lương cao, hiện còn có tình trạng một số bệnh viện tư nhân đang xây dựng, đang thành lập, 2-3 năm tới mới đi vào hoạt động nhưng đã sẵn sàng trả lương cho các bác sĩ giỏi trong các bệnh viện công lập hàng tháng để dụ dỗ, lôi kéo họ sau này ra làm việc cho mình.
Thậm chí không chỉ có y bác sĩ, dược sĩ mà ngay đến một số lãnh đạo các bệnh viện lớn cũng bị lôi kéo. "Ngay bản thân tôi cũng được một bệnh viện tư nhân lớn mời sang làm việc và hứa hẹn trả mức lương rất cao, nếu không phải là Giám đốc một bệnh viện công lập thì có lẽ tôi cũng phải suy nghĩ", TS Nguyễn Văn Kính phân trần.
Tăng viện phí để... tăng thu nhập cho bác sĩ!?
Bộ Y tế lý giải, hiện nay Ngân sách Nhà nước cấp cho các bệnh viện công còn rất thấp (40-50 triệu đồng/giường bệnh/năm), chưa bảo đảm chi trả tiền lương theo ngạch bậc, phụ cấp, đóng bảo hiểm. Do đó, hầu hết chi phí để vận hành bệnh viện và thực hiện dịch vụ khám chữa bệnh đều phải sử dụng từ nguồn thu viện phí và BHYT.
Theo Bộ Y tế, thu nhập của đội ngũ cán bộ nhân viên y tế trong các cơ sở y tế công lập còn thấp |
Nếu viện phí tăng lên sẽ tạo điều kiện cho các bệnh viện lấy thu bù chi đồng thời gián tiếp cải thiện thu nhập chính đáng cho đội ngũ y bác sĩ trong bệnh viện công lập, duy trì và cải thiện điều kiện dịch vụ, trang thiết bị phục vụ điều trị, nâng cao chất lượng điều trị cho bệnh nhân.
Quan trọng hơn, tăng viện phí sẽ giúp các bệnh viện công lập tăng tính cạnh tranh với các đơn vị y tế ngoài công lập, giữ chân được các y bác sĩ giỏi. Bởi thế, trong đề xuất viện phí mới được Bộ Y tế trình lên hội đồng gồm Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội VN xem xét, trong số 350 dịch vụ được đề nghị tăng giá đều có cơ cấu tiền lương!
Theo ông Trần Đức Long - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), năm 2010 mức đóng BHYT được nâng từ 3% lên 4,5% lương tối thiểu. Nếu tăng viện phí, quỹ BHYT chỉ có khả năng cân đối trong giai đoạn 2011-2012, đến 2013 phải tính toán đề nghị Chính phủ cho điều chỉnh mức đóng, tăng mức hỗ trợ cho người nghèo.
Luật Bảo hiểm y tế cho phép điều chỉnh phí bảo hiểm y tế lên 6% lương tối thiểu. Viện phí mới chỉ tính chi phí trực tiếp cho người bệnh như thuốc, máu, dịch truyền, phí điện nước... Nhưng trong đề xuất viện phí mới được Bộ Y tế trình lên hầu hết các dịch vụ được đề nghị tăng giá đều có cơ cấu tiền lương! Dich vụ khám lâm sàng chung/khám chuyên khoa, chi phí đầy đủ cho một lần khám bệnh được Bộ Y tế tính toán là 61.000 đồng cũng có trên 15.000 đồng là tiền lương.
Ngay cả những người thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (Bảo hiểm xã hội VN) cũng thắc mắc: phí điều trị vết thương phần mềm nông là 157.000 đồng, cơ cấu cho tiền lương là 18.000 đồng, nhưng ở dịch vụ thay băng bó bột, tiền lương chiếm đến 6.900 đồng trong tổng mức phí 25.000 đồng. Nếu chỉ nhìn vào mức đề nghị thì cơ cấu cho tiền lương của bác sĩ chiếm phần không nhỏ. Nhưng liệu tăng cơ cấu lương cho bác sĩ, người dân có được hưởng dịch vụ tốt nhất?
PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc bệnh viện Việt Đức cho biết: Nhờ phát huy hiệu quả các biện pháp xã hội hóa y tế, phát triển dịch vụ y tế chất lượng cao đã giúp thu nhập của cán bộ nhân viên y tế trong bệnh viện Việt Đức được nâng cao rõ rệt, đặc biệt là tạo điều kiện tối đa cho các bác sĩ giỏi phấn đấu, cống hiến, phát triển tay nghề nên ít khi có chuyện bác sĩ trong bệnh viện này xin nghỉ việc để ra làm ngoài.
Hoàng Anh- Ngân Giang