- Sau chuyến đồng hành mang “Bữa cơm có thịt” đến học sinh vùng cao Suối Giàng, Yên Bái ngày 1/10 vừa qua cùng Báo Giáo dục Việt Nam, điều còn đọng lại trong chị là gì? Ở thành phố, tôi có điều kiện tiếp xúc với những bữa ăn có thể nói là xa hoa, thừa mứa, nhiều đồ ăn bị bỏ phí, trong khi các em ở vùng cao Suối Giàng thiếu từng miếng thịt, từng con cá. Sự trái ngược đó khiến tôi suy nghĩ rất nhiều. Mà hơn hết ai cũng biết, trẻ em là đối tượng cần được ăn uống, chăm sóc nhiều nhất. Đằng này, các em học sinh Suối Giàng thiếu thốn nhiều quá!
|
Ngọc Hân cõng một em nhỏ trong chuyến đi từ thiện mang bữa cơm có thịt cho học sinh Suối Giàng, Văn Chấn, Yên Bái cùng Báo Giáo dục Việt Nam. Ảnh: Văn Trinh. |
Chứng kiến cuộc sống, nghe các cô giáo nói về bữa cơm của các em, tôi vô cùng băn khoăn. Và, ngay lúc này, tôi cũng không biết làm cách nào để có thể san sẻ nhiều hơn cho cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của các em.
- Nếu như không có mặt trong chuyến đi từ thiện lên Suối Giàng, có bao giờ chị nghĩ số tiền 2000đ có thể mang lại bữa ăn có thịt, có cá cho học sinh vùng cao? Nếu ở thành phố, đương nhiên điều đó là không thể. 2000đ đi chợ cũng chỉ đủ mua vài cọng hành thôi! 2000đ giúp học sinh vùng cao một bữa ăn có thịt, cá - thực lòng, nếu chưa lên Suối Giàng tận mắt chứng kiến cuộc sống các em, tôi sẽ không tin vào điều đó!
- Chị còn tiêu tờ tiền 2000đ không? Cũng còn! Vì tôi vẫn phải đi chợ mua đồ ăn cho gia đình. 2000đ có thể mua được một vài thứ vụn vặt như vài cọng hành, một ít lá rau thơm, một vài củ tỏi. Nhưng, chắc chắn, 2000đ thật khó mua được một thứ gì liên quan đến thịt.
- Tiếp xúc với các em học sinh vùng cao Suối Giàng, có điều gì khiến chị “ám ảnh” không? Lúc tôi ngồi cùng ăn bữa trưa với các bé cấp 1, tôi có hỏi một bé rằng, thế ăn cơm thịt lâu chưa? Em ấy mới trả lời tôi: Mới được ăn thịt vài ngày gần đây thôi! Còn trước kia chỉ có cơm với canh rau. Mà gọi là canh rau, chứ thực tế chỉ có lõng bõng vài ngọn rau, có thêm chút muối nên rất nhạt và khó nuốt.
Ăn không đủ no nên đến giờ học, không tập trung được. Điều đó làm tôi nhớ lại hồi bé đi học mà thấy nhói lòng. Ngày còn bé, sáng dậy muộn không đủ thời gian ăn sáng phải đi học luôn thì y rằng, lên học được 1, 2 tiết là người đã lả ra, mệt mỏi không làm được việc gì ra hồn. Vậy mà, các em vùng cao nhỏ như vậy đã phải thường xuyên chịu những bữa ăn đói khổ, thiếu thốn dinh dưỡng.
Tôi nhớ như in một kỷ niệm về 1 bé gái vùng cao nhưng không phải là “ám ảnh” đâu nhé! Về Hà Nội, mỗi lần nhớ tới kỷ niệm về bé gái này, tôi đều mỉm cười rất vui. Tôi không nhớ rõ tên cô bé, nhưng mọi người trong đoàn công tác lên Suối Giàng đều gọi vui cô bé là “hot girl” Suối Giàng.
|
Ngọc Hân và cô bé được gọi "hot girl" Suối Giàng. Ảnh: Văn Trinh. |
Cô bé học lớp 3, khá xinh xắn, trắng trẻo và bạo dạn. Khác với nhiều bạn nhỏ e dè, bẽn lẽn khi tiếp xúc người lạ thì cô bé luôn tươi cười rất xinh và trả lời trôi chảy những câu hỏi mọi người đưa ra. Thậm chí, cô bé còn luôn bám theo tôi, đòi dẫn tôi về nhà cho cha mẹ nhìn mặt “chị xinh gái”. Lúc đoàn ra về, cô bé đã khóc và bắt tôi hứa quay trở lại thăm. Và, tôi cũng đã hứa với cô bé, nếu có dịp, nhất định sẽ quay trở lại nơi đây và chào cha mẹ em.
- Và, chị sẽ quay trở lại Suối Giàng một lần nữa - ít nhất là vì lời hứa với cô bé “hot girl”? Hy vọng là một ngày gần nhất có thể trở lại nơi đây thăm các em học sinh. Nếu lần sau đến, tôi sẽ mang tặng các em những cuốn sách giáo khoa, sách dạy cư xử hay các câu chuyện dành cho trẻ nhỏ… Trước mắt, nhờ các nhà hảo tâm, “Bữa cơm có thịt” của học sinh nghèo nơi đây sẽ được duy trì trong một thời gian khá lâu nữa. Một điều làm ấm lòng bất cứ ai quan tâm đến cuộc sống học sinh nghèo vùng cao...
- Công chúng từ lâu ít nhiều mất niềm tin vào kiểu “lời hứa gió bay” của các người đẹp. Lời hứa Ngọc Hân trở lại Suối Giàng tin được bao nhiêu %? Tôi không khuyên mọi người nên tin tôi bao nhiêu % vì không gì có thể nói trước được. Mọi người hãy nhìn vào công việc mà tôi sẽ làm. Tôi không hứa hẹn mà tôi sẽ cố gắng làm hết sức có thế. Vậy thôi!
- Cảm giác “nhận lại” khi giúp đỡ người khác như thế nào? Tôi vẫn nói với bạn bè: tự mua đồ cho mình nhiều khi không vui bằng mua tặng một món đồ cần thiết cho người khác. Tôi từng gặp phải cảm giác buồn, thậm chí thất vọng khi tặng quà cho người khác nhưng người đó không thích thú. Cùng Báo Giáo dục Việt Nam mang đến cho các em vùng cao bữa cơm có thịt, nhìn các bé cười vui, ăn liền một lúc 2-3 bát còn giỏi hơn mình, tôi cảm thấy hạnh phúc lắm.
- Tham gia hành trình “Bữa cơm có thịt” là lần thứ mấy chị lên vùng cao? Là lần thứ 3. Hai lần trước, tôi đi với các bạn sinh viên cùng lớp lên vùng cao thực tập nên không có nhiều thời gian tìm hiểu, chơi đùa với các em như lần lên Suối Giàng, Yên Bái cùng Giáo dục VN. Chuyến đi để lại cho tôi rất nhiều kỷ niệm.
|
Ngọc Hân chơi đùa với trẻ em Suối Giàng. Ảnh: Văn Trinh. |
- Sau đăng quang Hoa hậu VN, luôn thấy Ngọc Hân đồng hành trong với nhiều chương trình từ thiện, hoạt động xã hội. Chị không lo kiếm tiền, phát triển sự nghiệp trong lúc tên tuổi còn đang “hot” sao? Công việc từ thiện, công tác xã hội là một phần trách nhiệm của ngôi vị Hoa hậu. Thứ nữa, việc này cũng là mong muốn của tôi. Trách nhiệm cộng thêm mong muốn sẽ thúc đẩy con người làm nhiều việc có ích hơn nữa.
Còn chuyện phát triển sự nghiệp, kiếm tiền để đảm bảo cuộc sống, thì tôi vẫn đang làm đấy chứ! Giống nhiều các bạn sinh viên mới ra trường, tôi vẫn đang cố kiếm tiền từ chính kiến thức chuyên ngành thiết kế thời trang được học ở trường Đại học. Tôi nghĩ, cho dù là một Hoa hậu đi nữa, chắc chắn vẫn cần phải có một công việc ổn định – như thế mới có 1 cuộc sống bình thường, chứ không nên nghĩ, cứ là Hoa hậu thì tự nhiên tiền, địa vị sẽ đến với mình. Tôi muốn có một cuộc sống giống những người lao động chân chính khác.
- Chị nghĩ sao nếu ai đó nói: Ngọc Hân nên dừng tất cả công việc từ thiện, hoạt động xã hội sau 2 năm trách nhiệm - từ khi đăng quang Hoa hậu VN, để phát triển sự nghiệp riêng của bản thân? Dù có hết 2 năm trách nhiệm, tôi sẽ không dừng công việc từ thiện hay trách nhiệm xã hội lại. Tôi nhớ Hoa hậu Thùy Dung từng nói một câu: “Đã là Hoa hậu thì là Hoa hậu cả đời. Dù muốn hay không, vương miện vẫn đi theo bản thân cả đời”.
Hết 2 năm đương nhiệm, rõ ràng, dù ít dù nhiều một Hoa hậu vẫn phải có trách nhiệm với xã hội. Vẫn biết, sau 2 năm đó, bản thân phải bận tâm nhiều thứ khác, trách nhiệm có thể giảm bớt đi nhưng mong muốn làm việc tốt chắc chắn vẫn còn.
- Trong 11 gương mặt Hoa hậu Việt Nam, tại sao chị lại chọn dẫn lời Hoa hậu Thùy Dung - để minh họa cho ý thức trách nhiệm cần có của một Hoa hậu? Qua câu nói của Thùy Dung, tôi chỉ muốn nói rằng, cô ấy đã đúng: Đã là Hoa hậu, sẽ là Hoa hậu cả đời - dù muốn hay không. Nếu không phải Thùy Dung nói câu đó mà là bất kỳ ai chăng nữa, tôi vẫn cho rằng nó rất đúng.
- 21 tuổi, Ngọc Hân bắt đầu bước vào cuộc sống tự lập sau khi tốt nghiệp Đại học. Theo chị, 3 điều cần thiết nhất của một cô gái trẻ cho cuộc sống, sự nghiệp tương lai là gì? Đầu tiên, tôi nghĩ là sự chân thật trong giao tiếp. Thứ 2, là điều tôi nhận thấy sau khi đăng quang: là đôi khi mọi người đặt quá nhiều kỳ vọng vào một Hoa hậu - đơn thuần chỉ là một cô gái còn rất trẻ mới bước vào đời. Điều đó đôi khi tạo nên 1 ánh hào quang, một giá trị ảo cho cô gái đó.
Nếu ai không đủ tỉnh táo để tìm về giá trị thực của bản thân, không biết mình có cái gì và đang ở đâu, chắc chắn sẽ mãi mãi đi trên mây, không chạm chân được xuống đất. Điều thứ 2 tôi muốn nói ở đây là, mỗi bạn trẻ cần biết được giá trị con người thật của mình ở đâu - thực sự điều đó rất cần thiết.
Thứ 3 là luôn phải biết cân bằng, biết thế nào là đủ trong mọi trường hợp. Người nào biết cân bằng tốt sẽ thành công và có cuộc sống hạnh phúc.
Nếu thời tiết tiếp tục thuận lợi, sáng thứ 7 (ngày 15/10/2011) Đoàn công tác từ thiện của Báo Giáo Dục Việt Nam sẽ khởi hành đến Nậm Mười (Văn Chấn, Yên Bái).
Thời gian khởi hanh dự kiến: 6h00 ngày 15/10
Địa điểm xuất phát: 147 phố Mai Dịch, quận Cầu Giấy Hà Nội (đối diện Đại học Thương Mại).
Mọi đóng góp, ủng hộ về tiền và quà (quần áo, sách vở, đồ dùng học tập, đồ chơi) xin được gửi về:
Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, số 147 phố Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội.
Số tài khoản: 0541101464009, Ngân hàng Quân đội MB Thăng Long
Điện thoại: 0983.290 677 (anh Hải)
Sau chuyến đi Nậm Mười, Báo sẽ tiếp tục hành trình từ thiện đến những nơi khó khăn hơn: Hà Giang, Cao Bằng, Điện Biên… Kính mời các nhà hảo tâm cùng chung tay, chung sức!