Thứ ba, 11/10/2011, 07:43 GMT+7

Tay chân miệng lan rộng, địa phương chần chừ công bố dịch

Tại nhiều địa phương trên cả nước, số ca mắc tay chân miệng đã tăng vọt một cách bất thường so với mọi năm, song chưa một tỉnh nào quyết định công bố dịch. Lý do là "dịch vẫn còn nằm trong tầm kiểm soát của địa phương”.

Bệnh tay chân miệng bắt đầu gia tăng mạnh từ cuối tháng 5 với 850 ca mắc một tuần, sau đó đạt đỉnh vào đầu tháng 7 với số ca trong một tuần tăng gần 3 lần. Đến đầu tháng 8 thì bệnh đã lan ra 49 địa phương, với hơn 29.000 ca, 79 trẻ tử vong. Trong khi 2 năm trước đó, mỗi năm cả nước chỉ ghi nhận hơn 10.000 trẻ bị tay chân miệng. Khi đó, nhiều người đã đặt ra câu hỏi liệu đã đến lúc ngành y tế công bố dịch.

Tuy nhiên, ngày 20/8 tại cuộc giao ban trực tuyến với 8 địa phương được coi là điểm nóng về bệnh tay chân miệng, thì hầu như tất cả các địa phương đều khẳng định rằng bệnh vẫn nằm trong tầm kiểm soát, chưa cần thiết phải công bố dịch.

Tại cuộc họp khẩn đó, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn đã nhận định "dịch đã được khống chế" vì thế "chưa công bố dịch tay chân miệng ở các địa phương".

Đoàn công tác Bộ y tế kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh tay chân miệng ở Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi. Ảnh: Trí Tín
Đoàn công tác Bộ y tế kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh tay chân miệng ở Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi. Ảnh: Trí Tín.

Thực tế, theo số liệu thống kê của ngành y tế thì dịch có xu hướng giảm nhưng rất chậm. Đến nay đã gần 2 tháng, số mắc tay chân miệng vẫn chưa được cải thiện nhiều. Dịch hiện đã lan ra 61/63 tỉnh, thành trên cả nước. Trong khi đó, theo dự báo của Bộ Y tế, bệnh sẽ tiếp tục tăng cao đến 11.

Nếu so với một số nước trong khu vực trong những năm qua thì tình hình dịch ở nước ta hiện cũng ở mức đáng lo ngại. Năm 2008, từng xảy ra dịch bệnh tay chân miệng ở Singapore nhưng cũng chi có hơn 15.000 ca mắc. Cá biệt tại Trung Quốc, năm 2009 có đến hơn 1,1 triệu trẻ mắc tay chân miệng, 353 tử vong. Bình quân hơn 380.000 ca mắc có 117 tử vong, trong khi tại Việt Nam tính đến hết tháng 9 mới có gần 62.000 ca mắc nhưng đã có 114 trẻ tử vong.

Mức độ giảm bệnh rất chậm là do sự thay đổi hành vi vệ sinh cá nhân, vệ sinh cho trẻ của cha mẹ và người chăm sóc trẻ chuyển biến chậm. Sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể trong công tác phòng chống bệnh tại địa phương chưa được tích cực, còn giao phó chủ yếu cho ngành y tế.

Với những lý do trên, một lần nữa vấn đề công bố dịch lại được đặt ra.

Đại diện Cục y tế dự phòng (Bộ Y tế), tiến sĩ Nguyễn Văn Bình cũng cho biết, việc công bố dịch không thuộc phạm vi và trách nhiệm của Bộ Y tế. Căn cứ vào Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm và Quyết định 64 của Thủ tướng, việc công bố dịch bệnh tay chân miệng thuộc thẩm quyền của địa phương.

Ngày 18/8, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có công điện yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nắm chắc tình hình dịch bệnh trên địa bàn, để thực hiện việc công bố dịch, công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm đúng thời điểm.

Mới đây Viện Pasteur Nha Trang đã đề nghị Quảng Ngãi công bố dịch vì có đủ điều kiện để công bố dịch, với 6.000 bệnh nhân, chiếm 2/3 số ca mắc toàn miền Trung, 5 trẻ tử vong. Tuy nhiên lãnh đạo ngành y tế tỉnh vẫn khẳng định chưa cần.

Thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Tấn Đức, Phó giám đốc Sở Y tế Quảng Ngãi khẳng định, bệnh tay chân miệng còn trong khả năng kiểm soát của ngành y tế tỉnh. Bệnh cũng chưa được Bộ Y tế xác định có sự biến đổi tác nhân gây bệnh, lại xảy ra trong thời điểm không có thiên tai, thảm họa. Vì vậy Sở Y tế chưa tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh công bố dịch.

Các lối đi tại cầu thang máy vào khoa Nhi, Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi đều được cách ly nghiêm ngặt nhằm hạn chế lây lan dịch bệnh tay chân miệng. Ảnh: Trí Tín
Các lối đi tại cầu thang máy vào khoa Nhi, Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi đều được cách ly nghiêm ngặt nhằm hạn chế lây lan dịch bệnh tay chân miệng. Ảnh: Trí Tín

Trong khi đó, tại Khánh Hòa, bệnh tay chân miệng cũng đang gia tăng từng ngày. Bác sỹ Lê Trung Hải, cán bộ Phòng Nghiệp vụ y tế, Sở Y Tế Khánh Hòa cho biết: " Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 1.332 ca bệnh tay chân miệng, bệnh đang có xu hướng gia tăng, chưa có dấu hiệu dừng lại. Tỉnh Khánh Hòa đã chi gần 3 tỉ đồng cho công tác phòng chống".

Tuy nhiên ông Bùi Xuân Minh, Phó giám đốc Sở Y tế Khánh Hòa thì cho rằng, bệnh tay chân miệng vẫn còn nằm trong vùng kiểm soát và bệnh có xu hướng giảm nên không nhất thiết phải công bố dịch.

Tương tự, lãnh đạo Sở y tế các tỉnh: Bình Định, Quảng Nam và Đà Nẵng, 3 điểm nóng về tay chân miệng cũng đều khẳng định chưa công bố dịch lúc này.

Về vấn đề này, Tiến sĩ Viên Quang Mai, Phó Viện Trưởng Viện Pasteur Nha Trang nhận định: "Hiện bệnh tay chân miệng tại Quảng Ngãi đã ở mức độ nặng, tất cả các huyện, thành phố đã có ca bệnh. Những tỉnh khác có thể công bố dịch theo huyện, theo xã".

Theo Tiến sĩ Mai, "công bố dịch bệnh tay chân miệng tuỳ phạm vi, cấp độ xử lý ở từng địa phương, chứ không phải tất cả. Nếu vượt tầm kiểm soát của từng địa phương thì phải do lãnh đạo chính quyền quyết định. Tuy nhiên, các địa phương rất khó và không dám nói là dịch vượt tầm kiểm soát của mình. Họ ngại vì nhiều lý do khác nhau". Quan trọng nhất là ngay lúc bắt đầu nghi có dịch, các địa phương cần quy chế đặc biệt để giám sát, khoanh vùng khống chế ngay từ đầu từ công tác phòng chống dịch bệnh tay chân miệng cũng như một số bệnh truyền nhiễm khác sẽ đạt hiệu quả cao hơn nhiều.

Theo phó giáo sư Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương "Vấn đề cốt lõi là làm thế nào để huy động toàn xã hội cắt đứt đường lây truyền của dịch bệnh này. Thực tế thời gian qua, UBND các cấp và ngành y tế đã rất cố gắng thực hiện nhưng cần phải tập trung tăng cường hơn nữa, truyền thông trực tiếp với thông điệp cụ thể và phù hợp cho các bà mẹ có con dưới 5 tuổi, với sự tham gia tích cực của Hội Phụ nữ. Chỉ có sự tham gia chủ động tích cực của mỗi bà mẹ và người chăm sóc trẻ cùng cộng đồng, chúng ta mới có thể ngăn chặn được lây truyền dịch".

Theo Quyết định 64 của Thủ tướng, công bố dịch truyền nhiễm chỉ được thực hiện khi hội đủ hai điều kiện. Một là số người mắc bệnh truyền nhiễm vượt quá số bệnh nhân dự tính bình thường của cơ quan y tế tuyến tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên. Hai là có ít nhất một trong các yếu tố nguy cơ sau: quy mô, tính chất của bệnh dịch vượt quá khả năng kiểm soát của cơ quan y tế tuyến tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; bệnh dịch được Bộ trưởng Bộ Y tế xác định có sự biến đổi tác nhân gây bệnh, có nguy cơ làm tăng tỷ lệ tử vong cao mà chưa xác định rõ tác nhân gây bệnh, chưa có biện pháp khống chế hiệu quả; dịch bệnh xảy ra khi có thiên tai, thảm họa.

Xét theo điều kiện này thì hiện nhiều địa phương đã thoả mãn điều kiện 1. Điều đó đồng nghĩa với việc nếu công bố dịch thì địa phương đó thừa nhận không thể kiểm soát được bệnh tay chân miệng. Cũng vì thế mà chưa có địa phương nào công bố.

Giáo sư Phạm Song, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam cũng thừa nhận: "Tôi không hiểu vì sao khi đó (giao ban trực tuyến hôm 20/8) Bộ Y tế lại đồng thuận với các địa phương không công bố dịch. Việt Nam số chết nhiều như thế vì sao vẫn không công bố dịch. Chúng ta có luật nhưng luật không bao trùm cuộc sống, thực tế".

Trong một không gian nhất định, một vùng dân cư khi số mắc tăng vọt so với bình thường trong một thời gian nhất định thì gọi là dịch. Nếu chiếu theo định nghĩa này thì rõ ràng là dịch tay chân miệng đã xảy ra tại một số tỉnh, thành.

"Theo lập luận của lãnh đạo Bộ Y tế, tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm nhóm B, do địa phương quyết định. Vậy tại sao những tỉnh, thành như TP HCM đáng lẽ phải công bố dịch từ cách đây gần 2 tháng lại không làm", giáo sư Phạm Song nhấn mạnh.

Cũng theo ông, tuyên bố dịch không có hại gì, như dịch tiêu chảy cấp có phẩy khuẩn tả thì sợ danh tiếng, đến thế kỷ 21 rồi mà vẫn có người bị tả, trong khi nhiều nước trên thế giới đã thanh toán dịch này từ thế kỷ 20. Hay như việc công bố dịch SARS thì sợ ảnh đến du lịch, kinh tế… Tay chân miệng là bệnh của trẻ con, công bố dịch chỉ có lợi, nhân dân cảnh giác hơn, hiểu biết bệnh hơn.

Bệnh tay chân miệng lây qua đường tiếp xúc, chất nhày trong họng, mũi, trong đó đặc biệt quan trọng là từ phân, thậm chí ngay cả khi trẻ khỏi rồi virus vẫn tồn trại trong phân đến 3 tuần.

Theo thống kê của Bộ y tế, hiện cả nước đã ghi nhận gần 66.400 trường hợp mắc, trong đó có 119 ca tử vong tại 25 tỉnh, thành phố. Để phòng bệnh hiệu quả, Bộ Y tế tiếp tục đưa ra khuyến cáo tăng cường các biện pháp vệ sinh, đặc biệt là việc rửa tay nhiều lần trong ngày bằng xà phòng và nước sạch, hạn chế tiếp xúc với nguồn bệnh, phát hiện và cách ly sớm các ca bệnh…

Trí Tín - Nam Phương

Ý kiến bạn đọc () Sắp xếp theo:

Điếc không sợ súng

Không hiểu tại sao đoàn công tác Bộ y tế lại không hề có trang phục tối thiểu khi đi kiểm tra nhỉ, vì đây là bệnh lây nhiễm, có thể các ông ấy rất dũng cảm nhưng họ sẽ mang mầm bênh phát tán ra bên ngoài chứ!

( Hai Cù Lèo )


taychanmieng

Kính thưa các quý vị quan chức ngành y tế VN! Tôi không biết các vị có con hay cháu trong độ tuổi mẫu giáo, cấp 1 hay không? Nếu có thì các vị có cho con cháu mình đi học hay để ở nhà ? Chúng tôi là thành phần công nhân viên, chúng tôi phải đi làm ngày 8 tiếng và buộc gửi con đến trường vì tương lai của chúng. Chúng tôi không có sự lựa chọn nào khác mặc dù hiện nay bệnh tay chân miệng đang hoành hành khắp nơi. Chúng tôi hiện đang sống trong sự lo lắng, bất an cho con của mình vì nạn nhân của căn bệnh này đều là nhửng cháu bé chưa biết tự bảo vệ lấy mình. Rửa tay thường xuyên, phòng bệnh bằng gì gì đó ...xin thưa đó là chuyện của người lớn, mà nếu không xem đây là Dịch bệnh thì làm sao người lớn có đủ quyết tâm và phương tiện để cứu giúp những cháu bé còn lại. Xin quý vị đừng vì bệnh thành tích mà gây ra nhửng nỗi đau quá lớn cho gia đình người khác. Hay các vị phải chờ đợi đến lúc con cháu của chính mình chết vì căn bện này thì quý vị mới đủ can đảm công bố Tay chân miệng là Dịch bệnh?

( Duong Q11 )


Phai cong bo dich !

Tôi cho rằng : Cần phải công bố dịch rộng rãi và dùng nhiều biện pháp chống dịch được tốt hơn .Khổ thân các em sinh ra vào thời bình nhưng gặp quá nhều dich bệnh. Thân mến !

( Hana )


Cần phải sớm công bố dịch

Tại sao nhà nước mình không kỷ luật những tỉnh có số lượng TCM mà không chịu công bố dịch. chắc là tất cả đều mắc bệnh chạy theo thành tích rồi.

( T Nguyên )


Hay xem lai y te cua nuoc ta

That dang lo ngai cho nen y te nuoc ta
Minh song o nuoc ngoai (Han Quoc), ho xu ly benh chan tay mieng rat nhanh va linh hoat mac du benh bung phat nhanh va hoang loat.
Y te nuoc ta con kem qua. Neu chu tam va dinh huong dung dan thi dau den noi nhu bay gio.
Do tri tre, au tri trong cong tac nen benh moi bung phat. Chung ta nen quan tam nhieu den dich benh hon la tang gia thuoc, gia vien phi.

( Truong Tuan Hung )


Đáng lên án

Tôi không hiểu giữa công bố và không công bố dịch thì có lợi-hại gì, giờ qua bài báo tôi đã hiểu. Chỉ mỗi "sợ mất mặt" mà người ta đang tâm không công bố dịch. Theo tôi trong QĐ 64 của Thủ tướng phải thêm vế: "Nếu địa phương không công bố dịch mà có bệnh nhân chết vì bệnh dịch đó thì cách chức Chủ tịch+Giám đốc Sở y tế" thì chắc là dịch sẽ được công bố thoải mái. Bộ trưởng y tế đâu rồi?

( TL )


Lo Lang

Hôm nay, đọc bài báo này tôi thật sự vô cùng thất vọng và chán nản với cách suy nghĩ, hàng động của ngành y tế và chính quyền địa phương...không biết bao giờ bệnh thành tích mới hết và những điều thực sự quan trọng như sức khỏe con người mới được đặt lên hàng đầu. Là một người mẹ đang nuôi con nhỏ, tôi cũng như rất nhiều bà mẹ khác, thường xuyên theo dõi các thông tin về dịch chân tay miệng, di làm mà tâm trạng lo lắng vô cùng. nhìn các cháu nhỏ bị bệnh mà thương quá. Nhà tôi ở TP.HCM, nơi có thể gọi là điểm nóng của bệnh này nhưng chưa bao giờ thấy hành động nào của chính quyền địa phương về việc chủ động tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện vệ sinh phòng trống bệnh. Đọc báo thấy y tế các phường sẽ phát miễn phí nước lau nhà nên đến xin, mỗi cháu được 03 gói, lau nhà ba lần. Nhưng những người làm công việc chân tay, ít có thời gian theo dõi báo chí thì sao, nhiều khi tôi vẫn tự hỏi như thế và cảm thấy buồn chán, thương cảm cho các cháu nhỏ có hoàn cảnh khó khăn.....

( CTX )


Con họ chưa chết

Con họ chưa chết và cũng không trong phạm vi nguy hiểm, vì vậy họ không muốn công bố dịch, để giữ mấy cái danh tiếng hão.

( Lê Văn Bảy )


Đề nghị công bố rõ địa phương có dịch bệnh

Kính gửi Bộ Y Tế,

Tôi đề nghị bộ y tế công bố rõ địa phương nào có dịch bệnh để người dân chủ động trong việc phòng ngừa. Vì đây rõ ràng là dịch bệnh nguy hiểm mà thông tin công bố rất chung chung.

Xin cảm ơn

( Nguyễn Thành Trung )


Bộ trưởng y tế đâu?

Hơn 111 trẻ đã tử vong rồi, vậy mà Bà Bộ trưởng vẫn im tiếng? Không có động thái gì là sẽ dập dịch, đùn đẩy cho nhau. Mạng người đó ạ! Hãy xem Bộ TC và Bộ GTVT mà học hỏi. Làm không được thì từ chức đi để người khác làm.

( TL )


VÌ CON TRẺ, CẦN SỚM CÔNG BỐ DỊCH CHÂN TAY MIỆNG

VÌ CON TRẺ, CẦN SỚM CÔNG BỐ DỊCH CHÂN TAY MIỆNG Tôi băn khoăn về việc lãnh đạo Bộ Y tế và các địa phương vô cảm khi đến thời điểm này vẫn chưa công bố dịch chân tay miệng. Các vị cần sớm mạnh dạn công bố dịch, thông tin kịp thời, đầy đủ, minh bạch để người dân, đặc biệt là các gia đình có con nhỏ biết đường phòng tránh, không để xảy ra những cái chết oan uổng vì thiếu thông tin. Cách duy nhất để người dân tự phòng tránh có hiệu quả như mong đợi của Bộ Y tế là phải thông tin đúng, đủ, khách quan, sớm. Mà công bố tình hình dịch có mất gì đâu, chỉ có lợi. Tôi thực sự khó hiểu đến thời điểm nay vẫn chưa địa phương nào công bố dịch.

( Lê Hoài Nam )


Kiểm soát được

Kiểm soát được là còn đếm được số trẻ tử vong? Đến khi trẻ chết hàng loạt thì mới công bố dịch sao. Làm ơn công bố dịch và thanh toán viện phí cho người dân đi, đóng thuế thu nhập đủ thứ mà

( Đoàn Bùi Chánh Trung )


Chừng nào là thời cơ để công bố dịch

cho tôi hỏi rằng chừng nào mới là thời điểm thích hợp để công bố dịch, có phải là chờ số trẻ mắt bệnh chết gần hoặc hơn 1 nửa số người mắt bệnh mới gọi là dịch, câu : phòng bệnh hơn chữa bệnh" đâu rồi.

( Huệ Nghi )

Ý kiến của bạn

 
 Thay hình khác
  
Off Telex VNI VIQR
 
Link Site