Tăng giá máy bay: Nhiều doanh nghiệp lo sốt vó

12-10-2011 | 06:40

(Nguoiduatin.vn) - Mới đây, các hãng hàng không trong nước đã đề xuất tăng trần giá vé máy bay lên 1,5 lần so với mức giá cũ. Được biết, cách đây không lâu, vào giữa tháng 4 giá vé máy bay đã được điều chỉnh tăng lên 20%.

Phải đối mặt với hàng loạt các mặt hàng tăng giá chóng mặt, giờ ngành nào cũng dựa vào đó để tăng giá càng khiến người dân lo ngại. Đặc biệt, việc các hãng hàng không đòi tăng giá liên tiếp trong một năm đã khiến nhiều người dân sửng sốt, nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các đơn vị kinh doanh du lịch đang lo sốt vó.

Vé sẽ tăng trung bình khoảng 20%

Với lý do bù đắp chi phí biến động tỷ giá và nhiên liệu, các hãng hàng không đồng loạt kiến nghị tăng trần giá vé lên 1,5 lần. Khi ấy, vé máy bay khứ hồi của chuyến Hà Nội - TP. HCM sẽ tăng lên 8 triệu gần bằng lương 4 tháng của một công chức Nhà nước.   Thông tin từ Vietnam Airlines (hãng hàng không chiếm thị phần khống chế ở thị trường nội địa) cho biết, chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2011, chi phí nhiên liệu bay đã tăng thêm 1.534 tỷ đồng so với kế hoạch đầu năm.

Với lý do bù đắp chi phí biến động tỷ giá và nhiên liệu, các hãng hàng không đồng loạt kiến nghị tăng trần giá vé lên 1,5 lần

Các hãng khác như Jetstar Pacific, Air Mekong chi phí cũng tăng lên nhiều so với dự tính của họ. Vì thế, ông Phạm Ngọc Minh, Giám đốc Vietnam Airlines cho rằng với việc chi phí đầu vào đang tăng mạnh như hiện nay thì việc tăng giá trần lên mức 1,5 lần là cần thiết. Và cũng chỉ có việc tăng giá trần thì mới có đa dạng các loại giá vé nội địa để khách hàng lựa chọn.

Trao đổi với PV Nguoiduatin.vn, ông Lại Xuân Thanh, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Dân dụng Việt Nam, Bộ GTVT cho biết: "Lúc đầu các hãng hàng không đề nghị bỏ khung giá trần để các đơn vị tự định giá vé. Tuy nhiên, chúng tôi thấy rằng, trong sự quản lý của Nhà nước với một loại hình hoạt động công cộng thì việc duy trì giá trần vẫn là hợp lý và cần thiết. Ngược lại Chính phủ cũng chỉ đạo, phải tạo điều kiện thuận lợi cho các hãng hàng không kinh doanh thuận lợi, nhất là kinh doanh bay trong nội địa để có thể tự bù đắp được. Theo thông tư liên tịch của Bộ GTVT và Bộ Tài chính số 103 thì những đường bay có sự cạnh tranh của nhiều hãng hàng không sẽ không áp giá trần mà để cho các hãng tự áp dụng mức giá phù hợp. Tuy nhiên, hiện nay điều đó vẫn chưa áp dụng. Tuyến Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh có nhiều hãng Hàng không cung cấp dịch vụ nhưng hiện tại các hãng vẫn chưa được tự đưa ra mức giá”.

Ông Thanh cho rằng, việc nâng khung giá trần không phải tăng giá mà để các hãng hàng không linh hoạt hơn trong việc định giá bán. Các hãng sẽ đưa ra nhiều gói giá khác nhau, có những giá kịch trần, nhưng cũng có những giá rẻ hơn. Ví dụ, hành khách lên sân bay mua vé để đi ngay thì phải chấp nhận giá kịch trần. Nếu khách hàng có thời gian và lựa chọn được những gói phù hợp thì sẽ có những gói rẻ hơn. Tuy nhiên, tựu chung lại, đợt nâng trần giá lần này sẽ khiến giá vé máy bay tăng trung bình khoảng 20%.

Trả lời câu hỏi, vì sao ngành hàng không lại chọn tăng giá trần lên 1,5 lần mà không phải một con số khác, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Lại Xuân Thanh cho hay: "Giá trần được xây dựng theo phương thức: các hãng hàng không giải trình giá thành, rồi tính toán theo mức độ phần trăm sử dụng ghế. Tức là muốn có lãi thì tất cả các gói dịch vụ đều phải tính toán theo giá ấy. Chính vì trần giá như hiện nay khiến các hãng không thể xây dựng nhiều khung giá khác nhau. Nếu nới trần giá lên 1,5 lần so với trước thì họ mới có thể tạo thêm được nhiều gói giá khác nhau cho khách hàng lựa chọn".

Sở dĩ các hãng hàng không đưa đề xuất nâng giá trần vé máy bay vì họ đang kêu lỗ ở các đường bay nội địa. Trước lý do này, nhiều người cho rằng các hãng hàng không cần phải cân đối lỗ lãi giữa đường bay trong nước và quốc tế. Không phải cứ nội địa lỗ là đòi tăng giá vé.

  Ngành du lịch có thể bị ảnh hưởng nặng nề nếu quyết định tăng giá vé máy bay được thực hiện.

Về vấn đề này, ông Thanh khẳng định: "Các sân bay địa phương hầu như không bao giờ bù lỗ nổi, chứ không nói gì đến lãi. Tuy nhiên các đường bay địa phương vẫn phải duy trì vì ý nghĩa xã hội của nó rất lớn. Bên cạnh đó, cũng không thể tách bạch giữa đường bay nội địa và nước ngoài. Nếu không có trong nước thì không thể cạnh tranh đường bay quốc tế với hãng hàng không của các nước khác. Thậm chí, đường bay nội địa phải chịu lỗ để đường bay quốc tế lãi. Tuy nhiên việc lỗ, lãi của các hãng hàng không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như đầu vào, giá thành, cung cách quản trị kinh doanh, giá xăng dầu... Việc tăng trần giá vé sẽ lấy đường bay lợi nhuận cao bù cho đường bay địa phương để giảm bớt lỗ".

Ngành du lịch sẽ khó khăn ?

Theo lý luận của các hãng hàng không thì nâng trần giá vé không có nghĩa là nâng toàn bộ giá vé ở tất cả các thời điểm và chuyến bay. Những chuyến bay tập trung vào giờ cao điểm trong ngày sẽ tăng cao và giá thấp ở giờ thấp điểm. Cao ở chiều đông khách và thấp ở chiều vắng khách nhằm điều tiết thị trường theo hướng có lợi cho cả doanh nghiệp và khách hàng.

Tuy nhiên, dù có đa dạng gói dịch vụ nhưng lãnh đạo Cục Hàng không vẫn khẳng định mức tăng chung là 20%. Mức tăng này ảnh hưởng khá nhiều đến hoạt động của nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là ngành du lịch. Nhiều người lo ngại, với mức giá vé nội địa tăng cao, du khách sẽ chọn địa điểm du lịch ở các nước trong khu vực thay vì du lịch trong nước bởi giá vé tương đương.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về tác động của việc tăng giá vé máy bay ảnh hưởng đến ngành du lịch nước nhà, ông Lại Xuân Thanh cho rằng: "Theo tôi, tăng trần giá vé sẽ không ảnh hưởng đến du lịch vì người làm du lịch thường có kế hoạch và đi theo nhóm. Du lịch trong vận tải hàng không luôn là đối tượng được hưởng ưu tiên giá rẻ. Vì thế, có khi du lịch lại có cơ hội tìm kiếm gói giá rẻ. Điều này còn tuỳ thuộc vào chính sách của từng hãng hàng không".

Trái với sự lạc quan của Cục Hàng không, các công ty du lịch đều tỏ ra khá lo lắng. Trao đổi với PV, ông Phan Đức Mẫn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho hay: "Tăng trần giá vé làm cho giá vé sẽ tăng cao. Như vậy sẽ ảnh hưởng đến giá tour của các hãng lữ hành. Thông thường, giá vé máy bay sẽ chiếm từ 30 - 70% giá của một tour du lịch. Nếu giờ giá vé máy bay tăng lên nữa thì sẽ đẩy giá tour lên cao. Trong lúc kinh tế khó khăn, nhu cầu du lịch của người dân đã giảm đi nhiều. Nếu giá tour tăng cao thì phát triển du lịch lại càng khó khăn hơn. Bên cạnh đó, các hãng lữ hành thường ký hợp đồng với các đối tác nước ngoài trước đó từ 6 tháng đến 1 năm giờ mà tăng như thế thì lượng khách của các hãng lữ hành sẽ chững lại một thời gian và không thể áp mức giá đã ký. Lượng khách sẽ giảm đi khá nhiều".                                     

             Nhiều DN thuộc ngành hàng không đang lãi lớn

 Như thông tin đã nêu, các doanh nghiệp kêu lỗ và đòi tăng trần giá vé. Tuy nhiên, hầu hết các công ty con của Vietnam Airlines lại đang lãi khá lớn. Khác với với Jetstar Pacific, Mekong Air, lợi nhuận chủ yếu thu từ hoạt động bay, Vietnam Airlines đang có tới 22 công ty con trong số đó có nhiều công ty đang làm ăn khấm khá. Công ty CP Dịch vụ hàng không Sân bay Nội Bài lãi 30 tỉ đồng trong năm 2010. Công ty Bảo hiểm Hàng không lãi 45 tỉ đồng trong năm 2010. Công ty Xăng dầu Hàng không Việt Nam lãi trước thuế trong năm 2010 đạt 105,5 tỉ đồng; dự kiến năm 2011 lãi 115 tỉ đồng. Công ty CP Suất ăn hàng không Nội Bài lãi 55 tỉ đồng trong năm 2010; dự kiến lãi 50 tỉ đồng trong năm 2011.

Thành Huế

Tags: Tăng giá vé máy bay, nghành du lịch, khó khăn, ảnh hưởng, nặng nề