Sẻ chia và đau đớn tận cùng
Lâu nay, khán giả vẫn chú ý nhiều đến đề tài đồng tính và mại dâm nam, nhiều diễn đàn cũng khai thác cảnh nóng của hai diễn viên chính Hồ Vĩnh Khoa (vai Khôi) và Lương Mạnh Hải (vai Lam). Tuy nhiên, bất ngờ là trong Hotboy nổi loạn, không hề có phân cảnh nào “câu khách” hay “hài hước dễ dãi”.
Lương Mạnh Hải và Hồ Vĩnh Khoa đau khổ với mối tình đồng tính
Gói tròn trong giá trị thật nhất của mỗi bản thể dị biệt là nỗi sợ hãi của lừa dối và chia lìa; tận cùng của tình yêu là sự hy sinh, vắt kiệt niềm tin, tha thứ và chấp nhận đánh đổi.
Lam và Khôi, những người không có quyền lựa chọn giới tính, phải chịu đựng gấp đôi nỗi đau của một người bình thường. Giằng xé về hình hài mình và chịu đựng bi kịch của tình yêu dối lừa, tự đày ải mình trong nhận thức khốc liệt về cuộc sống, biết mình “đi lạc” nhưng không dám gồng lên, bứt phá ra khỏi lằn ranh nghiệt ngã của sự lệch lạc để trả tâm hồn về thanh thản. Mỗi một câu nói của Lam – Khôi như một vết cắt, chỉ có thể hủy hoại sự thật bằng cách chấp nhận giày xéo lên nỗi đau của chính mình. Cả Lương Mạnh Hải và Hồ Vĩnh Khoa đã như hóa thân trọn vẹn vào nhân vật. Khoảnh khắc kiên cường hay giọt nước mắt nào của Lam và Khôi rơi xuống cũng đủ đầy giá trị cho cảm xúc.
Hotboy nổi loạn không cố tình câu khách mà hơn hết là lời cảnh báo trước một hiện tượng của xã hội đang ngày càng lan tỏa và tạo ra những bi kịch không lối thoát cho những hình hài “lạc giữa thiên đường”. Thái độ sống quyết định số phận là giá trị sâu lắng nhất mà Vũ Ngọc Đãng muốn chia sẻ qua Hotboy nổi loạn. “Không ai có quyền lựa chọn giới tính khi sinh ra, nhưng mỗi người có quyền quyết định đường đi cho chính mình”-Lam lao vào cuộc sống ô trọc vì chấp nhận đó là số phận không thể thay đổi, nhưng Khôi hoàn toàn có thể tìm thấy chân trời bằng chính sức mạnh tự thân.
Chia sẻ về phim, nhà biên kịch Nguyễn Hồ đánh giá cao tác phẩm “chuyên nghiệp và đầy chất điện ảnh”: “Vũ Ngọc Đãng đã xử lý rất khéo giữa một đề tài nhạy cảm và hiện thực xã hội. Kết cấu phim chặt chẽ, hai câu chuyện không liên quan nhưng bổ sung cho nhau và giá trị sau cùng chính là sự lắng đọng. Phim có giá trị thẩm mỹ và tính nhân văn rất cao”.
Khóc cho thằng Cười
Thằng Cười, cô gái điếm và con vịt không liên quan gì đến câu chuyện của Hotboy nổi loạn. Sợi dây liên kết chính là sự mong manh của thân phận, những khắc nghiệt đến tàn khốc của cuộc sống vốn đầy những mảnh vụn lặng câm. Vũ Ngọc Đãng nói anh không có tham vọng gói tròn tất cả những lát cắt cuộc đời trong phim nhưng bằng hai câu chuyện tưởng chừng không hề liên quan nhau, anh đã làm nên một hình dung xao xác về cõi tồn tại lao lung trong kiếp đời.
Thằng Cười không tiếng nói, cũng không có hạnh phúc, khuôn mặt lúc nào cũng khờ khạo. Cười đi nhặt ve chai, cong mình ủ ấm trên chiếc ghe phế liệu neo ở bến sông, sống bằng sự hồn nhiên thơ trẻ mặc kệ những năm tháng nắng mưa quanh cuộc đời mình. Điểm tựa, tình yêu và hy vọng duy nhất của thằng Cười là mầm sống được nảy nở từ quả trứng.
Cuộc đời không còn ai để yêu thương nhưng chưa từng từ bỏ hy vọng của thằng Cười có thể làm khán giả rơi nước mắt. Lặng câm trong thanh thản, chịu đựng trong ngơ ngác, chờ đợi trong sẻ chia và tài sản quý nhất không có gì ngoài tình yêu thương.
Thân phận con người mong manh, bé nhỏ với những ước mơ bình dị, giản đơn
Đạo diễn đã dành cho thằng Cười những thước phim đẹp đến nao lòng và cũng là cho khán giả khoảng lặng mênh mông hiện hữu trên một thân phận. Cộng thêm vào nỗi đau cho những người “lạc giữa thiên đường” là cô gái điếm mang tên Trần Thị Phước Hạnh nhưng số phận lại là những mảng tối đối lập. Nhân vật xuất hiện không nhiều, lời thoại được sắp xếp khéo léo để lý giải hoàn cảnh xuất thân. Ở tận đáy xã hội và trong đường cùng của nghèo hèn, người với người vẫn tìm đến nhau, lan tỏa tình thương ấm áp và thanh cao – vốn là cái thiên lương trong sáng tiềm ẩn trong trái tim mỗi người.
Vũ Ngọc Đãng nói rằng anh kể câu chuyện về thằng Cười, cô gái điếm và con vịt như là một “cân bằng” cái khốc liệt của Hotboy nổi loạn. Một sự cân bằng hoàn hảo như giọt nước mắt lăn tròn trên mỗi thân phận. Và cũng như Hiếu Hiền, “người cũ” Phương Thanh trong phim của Vũ Ngọc Đãng lần này không phải để chọc cười mà là làm nên mắc xích nối dài tình yêu thương. Nhà biên kịch Nguyễn Hồ nói thằng Cười và cô gái điếm là hai hình ảnh đẹp nhất hiện lên từ nỗi đau và không có từ nào khác hơn ngoài “xuất sắc” dành cho diễn xuất của Phương Thanh và Hiếu Hiền.
Các cảnh nóng đã bị cắt gần hết sau ba lần kiểm duyệt nhưng đó cũng chính là một điểm dừng cần thiết cho sự trọn vẹn, bởi bản thân câu chuyện vốn dĩ đã đủ mạnh cho tất cả sự chát đắng, trần trụi và nghiệt ngã. Một kết thúc cần thiết sau tất cả những điều tận cùng. Sự hài hước cũng dừng lại, dành cho tiếng cười trong sự chắt lọc tinh tế nhất.
Những người trong giới đều phải công nhận Hotboy nổi loạn là bộ phim rất khác với những phim trước đây Vũ Ngọc Đãng đã làm. Chọn cách dừng lại trong bản lĩnh thay đổi, theo nhận định của đạo diễn Lê Hoàng thì “Đãng chuột” đã thật sự mở ra cánh cửa mới cho chính mình.
Tiểu Quyên. Ảnh: BHD cung cấp