Trước “chiến dịch” hạn chế xe cá nhân, gia tăng các phương tiện vận chuyển công cộng, phóng viên Dân trí đã tham khảo ý kiến của những người thường xuyên sử dụng xe buýt, lắng nghe nỗi bất bình của họ về nạn móc túi đang hoành hành trên loại hình vận chuyển được đánh giá là “tương lai” của giao thông thành phố này.
Lê Nam Khánh (ra Hà Nội học nghề): Bước xuống xe buýt, định lấy điện thoại ra gọi người thân ra đón thì chiếc điện thoại Nokia X2 của em không cánh mà bay. Vậy là “vé” cho hành trình trên tuyến xe 34 từ chợ Việt Hưng đến Cầu Giấy của em mất gần 2 triệu đồng. Quá đắt so với những ưu đãi của nhà nước cho người dân chọn xe buýt là phương tiện đi lại quan trọng.
“Lên xe đã rất cẩn thận nhưng em vẫn mất điện thoại”
Thực ra, em và hàng vạn người đi trên xe buýt đều biết rất rõ tình trạng trộm cắp diễn ra thế nào và lúc nào bọn trộm hay “hành xử” nhất. Biết là vậy và cũng đề phòng rất cẩn thận nhưng chỉ cần sao nhãng một phút trên hành trình kéo dài hàng giờ thì cũng đủ để cho bọn trộm móc mất điện thoại.
Nhớ lại lúc mất điện thoại, lúc đó xe buýt đông nghẹt người, em cảm tưởng mỗi người chỉ còn đứng được một chân dưới sàn, lúc lái xe phanh gấp để đón trả khách, bị dồn ép nên em phải bỏ hai tay ra tóm lấy móc trên nóc. Cùng lúc đó cảm giác có ai đó thò tay vào túi móc trộm đồ nhưng không làm gì được, đến khi xe dừng hẳn, sờ tay vào túi thì điện thoại đã mất. Lúc đó hàng chục người lên xuống cùng lúc thì biết kêu ai.
Nguyễn Vĩnh Cường (Đại học Ngoại Thương): Đối với sinh viên như bọn em đi xe buýt là lựa chọn tối ưu nhất vì tiết kiệm được rất nhiều tiền: gửi xe, xăng xe, sửa xe… Nhưng bức xúc mỗi cái đi trên phương tiện công cộng này với những thứ đồ có giá trị trên người thì chẳng nói trước được điều gì, cẩn thận mấy cũng bị kẻ cắp móc mất. Không những thế lái phụ xe còn hay cáu bẳn, chửi bới khách.
“Xe buýt với sinh viên là lựa chọn tối ưu nhưng còn tồn tại rất nhiều bất cập”
Đã nghe các anh chị khóa trước nói đến việc trộm cắp hoành hành trên xe buýt nên em rất cẩn thận để không bị mất đồ. Không mang thứ gì quan trọng trên người nếu không cần thiết. Hôm nào mang một khoản tiền lớn đi đóng học phí thì tốt nhất là chọn phương tiện cá nhân.
Thân Trọng Hùng (Đại học Công Nghiệp): Lợi dụng lúc có đông người chen chân lên xe buýt nên bọn trộm thường hoành hành, nhất là vào giờ cao điểm buổi sáng hoặc chiều tối. Đi nhiều xe buýt nên em biết rõ địa điểm hay mất cắp nhất là điểm trung chuyển đối diện Đại học Giao thông vận tải, Long Biên và điểm đón trả khánh trước cổng trường Đại học Sư Pham 1 và các bến xe khách…
“Bọn trộm thường hoành hành vào giờ cao điểm”
Quan sát thấy đối tượng hay bị trộm đồ nhất là con gái vì các bạn có biết bị cướp cũng chẳng làm gì được ngoài việc ngậm ngùi cho qua. Thậm chí con trai bọn em bị lấy trộm mà biết chắc cũng chẳng dám làm gì vì bọn chúng rất đông, lại manh động.
Em chưa bị mất cắp bao giờ nhưng cách đây vài hôm một người bạn thân của em bị móc sạch đồ. Thực ra, cách phòng ngừa mất cắp của em cũng giống như các bạn khác là không mang theo thứ gì quan trọng trên người. Bọn trộm rất tinh vi nên mình cẩn thận mấy, cất kỹ đến đâu bọn chúng cũng lần được. Nói thì vậy thôi, biết đâu đấy có thể ngày nào đó em cũng bị mất như mọi người.
Nguyễn Tuấn Anh (Sinh viên đại học FPT): Hàng ngày đi xe buýt nên em chứng kiến rất nhiều vụ trộm, có người bị móc mất ví, điện thoại, ngang nhiên hơn chúng còn dùng dao rạch cả ba lô, túi xách của hành khách. Mặc dù chưa bị mất bao giờ, nhưng em rất bức xúc trước sự hoành hành của kẻ cướp ngày càng táo tợn và bọn chúng hoạt động theo nhóm 5 -6 tên chứ không đơn lẻ.
“Em từng chứng kiến rất nhiều vụ mất cắp, thường bọn trộm hoạt động theo nhóm 5 - 6 tên”
Cách đây vài tháng em chứng kiến một bạn nữ bị móc điện thoại tại điểm trung chuyển xe buýt trước cổng Đại học Giao thông vận tải. Bạn ấy tóm được tay kẻ trộm nhưng không đòi được vì tên này rất hung hăng, hành xử theo kiểu “vừa ăn cắp vừa la làng”, cả nhóm bọn chúng kéo đến hăm dọa. Vì vậy, bạn bị mất đồ không làm gì được hơn ngoài việc nhanh chân bước lên xe buýt để khỏi bị hành hung.
Bí quyết em để không bị mất đồ là vì mình đã từng trải qua 2 năm quân ngũ nên đi trên xe lúc nào cũng áp dụng chiến thuật “vườn không, nhà trống”: tiền không, ví không… còn điện thoại lúc nào cũng giữ khư khư trong tay.
Quang Phong