Mất niềm tin vào y bác sĩ, dân mới phải 'hối lộ'
Khảo sát của Công đoàn Y tế Việt Nam cho thấy khoảng 45% bệnh nhân, người nhà không hài lòng với nhân viên y tế, thủ tục hành chính. Trong đó, bị phê nhiều nhất là Bệnh viện K với hơn 63% ý kiến, ít nhất là Bệnh viện Phụ sản Trung ương 7,3%.
> Nhiều y bác sĩ vẫn không từ chối phong bì/ 5 bệnh viện cam kết không phong bì
Đây là kết quả khảo sát về giao tiếp ứng xử giữa nhân viên y tế với bệnh nhân, người nhà do Công đoàn Y tế Việt Nam cùng với Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế) thực hiện vào tháng 7 vừa qua. 5 bệnh viện tuyến trên được khảo sát là: Việt Đức, Phụ sản Trung ương, K, Bạch Mai và Bệnh viện E.
Bà Trần Thị Thanh Tâm, Phó chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam cho biết, gần một nửa người được hỏi không hài lòng là một con số không nhỏ. Đó có thể do thái độ thiếu tôn trọng bệnh nhân, người nhà, thủ tục chờ đợi quá lâu, bác sĩ khám chữa chưa ân cần, động viên chia sẻ. Ngoài ra là nhân viên y tế chậm trễ, không có mặt kịp thời khi cấp cứu, khi bệnh nhân cần. Đặc biệt khoảng 10% hách dịch, quát tháo, vô cảm.
|
Bệnh viện K phải dán thông báo nghiêm cấm y bác sĩ nhận, người nhà đưa phong bì. Ảnh: Nam Phương |
Cũng theo bà, tình trạng các bệnh viện (nhất là tuyến trung ương) thường xuyên quá tải, đãi ngộ đối với nhân viên y tế còn chưa tương xứng, nên rất dễ nảy sinh tiêu cực, nhất là trong ứng xử của các y bác sĩ.
“Điều này đã phần nào ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh, làm phai mờ hình ảnh tốt đẹp của người thầy thuốc trong nhân dân. Từ đó, dẫn đến những suy nghĩ, lời nói, hành vi thiếu tôn trọng đối với thầy thuốc, gây rối loạn bệnh viện, thậm chí sát hại bác sĩ”, bà Tâm chia sẻ.
Kết quả một nghiên cứu về vấn đề phong bì trong ngành y vào năm 2010 cũng cho thấy một thực tế tương tự. Hầu như không có một trường hợp nào tỏ ra hài lòng với việc đưa phong bì, cho dù có thể việc đưa là tự nguyện hoặc do bắt buộc. Họ tự nguyện đưa trên cơ sở làm sao để người thân, mình có được dịch vụ chăm sóc tốt hơn. Nhìn chung, họ không mong muốn tái diễn hình thức này.
Theo tiến sĩ Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng thì mục tiêu “hối lộ” bác sĩ, y tá… là để giải quyết nỗi lo lắng của bệnh nhân và người nhà. Nói một cách khác là đã có sự mất niềm tin vào chất lượng dịch vụ từ phía bộ phận cung cấp dịch vụ y tế - các bệnh viện. Không có cách nào tạo niềm tin cho họ ngoài việc phải đút phong bì.
|
Chuyện phong bì đã trở thành y đức của người thầy thuốc. Ảnh: Thiên Chương |
Cũng chính vì thế, để bảo vệ hình ảnh của người thầy thuốc trong nhân dân, Công đoàn ngành y tế đã triển khai xây dựng điểm về thực hiện Quy tắc ứng xử nâng cao y đức trong 5 bệnh viện trung ương (Việt Đức, Phụ Sản Trung ương, K, Bạch Mai và E). Trong đó có nội dung nhân viên y tế: “Nói không với phong bì”.
Thực tế, bộ Quy tắc ứng xử này được Bộ Y tế ban hành từ năm 2008, trong đó về quy định 5 điều cán bộ, nhân viên y tế không được làm. Tuy nhiên, hơn 3 năm đã trôi qua, người dân vẫn ca thán về thái độ, hành vi, ứng xử của nhân viên y tế, đặc biệt là phải lót tay bác sĩ, y tá… Chính các lãnh đạo bệnh viện, bác sĩ cũng biết việc này.
Ngày 12/10, Bệnh viện K tổ chức hội nghị triển khai thực hiện Quy tắc ứng xử nâng cao y đức với sự tham gia của lãnh đạo các khoa, phòng chủ chốt trong bệnh viện. Theo kế hoạch, Bệnh viện sẽ thành lập Ban điều hành, làm các bảng Nội quy, băng rôn, khẩu hiệu, tranh ảnh, áp phích…. Đồng thời tổ chức ký cam kết giữa cán bộ nhân viên với các trưởng khoa, phòng, bộ phận, tổ chức cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân khi vào viện ký cam kết vào phiếu cam kết thực hiện để dán vào hồ sơ bệnh án. |
Nam Phương
Buồn vì dịch vụ các bệnh viện
Nếu không đưa tiền cho Bác sỹ thì có được chăm sóc đúng quy định không ?
Tôi thấy nếu không có tiền thì : Tiêm đau hơn, ít hỏi thăm tình hình, hay quát nạt cáu ghắt, ......!!!! . Vì thế phải phong bì thôi. ( Bài ca phong bì của GS Cù Trọng Xoay vẫn có hiệu lực ) . Buồn
( Như Minh )