Giáo dục đại học: Cho guốc cao và đi lạc đường

17/10/2011 09:52:44

- Tại hội thảo góp ý cho dự thảo Luật Giáo dục Đại học (GDĐH) do Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam tổ chức ngày 13/10, nhiều chuyên gia cho rằng, giáo dục đại học ở Việt Nam đang đi lạc khỏi con đường chung của thế giới.

TIN LIÊN QUAN

GS Hoàng Tụy (nguyên viện trưởng Viện Toán học): Làm khác thiên hạ

GS Hoàng Tụy
GS Hoàng Tụy
GDĐH ở nước ta đã đi lạc ra khỏi con đường chung của thế giới, cái gì cũng làm khác thiên hạ. Nếu lạc hậu, cố gắng có thể còn đuổi kịp, song lạc đường thì càng đuổi càng khó khăn. Quan trọng bây giờ là phải tìm xem chúng ta đi lạc ở chỗ nào để điều chỉnh lại cho đúng. Cái quan trọng là phải xác định được phương hướng cải cách giáo dục toàn diện. Một khi chúng ta chưa xác định được phương hướng cải cách GDĐH toàn diện như thế nào thì việc xây dựng luật xem ra không hiệu quả.

Trong bản dự thảo GDĐH tôi chưa thấy có sự giúp ích nào cho nền đại học thoát khỏi trì trệ. Nhiều vấn đề căn bản của GDĐH trong dự thảo thể hiện rất mờ nhạt, thiếu cụ thể, phi lý ví dụ biên soạn giáo trình chung giảng dạy tại đại học, phần trên dự thảo quy định các trường đại học tự chủ tự chịu trách nhiệm, nhưng phía dưới lại áp đặt do Bộ Giáo dục & Đào tạo biên soạn. Hay như vấn đề nghiên cứu khoa học quy định cũng chỉ "khuyến khích động viên" chứ chưa có chính sách cụ thể cho nghiên cứu.


GS.TSKH Nguyễn Đăng Hưng (chủ tịch Công ty TNHH thành viên CNTT, Việt kiều Bỉ): "Loạn" hệ đào tạo

GS.TSKH Nguyễn Đăng Hưng
GS.TSKH Nguyễn Đăng Hưng
Chúng ta có quá nhiều hệ đào tạo nào chính quy, tại chức... Tại chức là cách thức đào tạo của thời chiến, giờ phải khác chứ. Chỉ nên có duy nhất đại học chính quy thôi. Tôi để ý thấy có hiện tượng ở vùng sâu, vùng xa thì hay được cộng điểm. Cấp bằng mà không có chất lượng tốt chỉ làm hại thêm.

 

Việt Nam nghèo nhưng chơi sang, có những viện nghiên cứu là những "tháp ngà", hoàn toàn độc lập với các trường đại học, giảng viên đại học thì mải chạy sô, không có thời gian nghiên cứu, giáo trình vài chục năm không thay đổi, trong khi khoa học thì tiến như vũ bão. Muốn GDĐH tốt cần phải giảm những tháp ngà, gắn nghiên cứu với đào tạo đại học, phải đảm bảo lương cho giáo viên đại học để họ không phải chạy sô...

GS Bùi Thiện Dụ (hiệu trưởng trường Đại học Dân lập Phương Đông): Không nên cho đôi guốc cao giả tạo

GDĐH không đáp ứng được nhu cầu phát triển của đất nước... Khó mà không đồng ý với đánh giá này. Chúng ta phải tránh để không đi nhầm hướng nữa. Tôi ví dụ, chính sách ưu tiên, nâng đỡ các đối tượng dân tộc ít người, vùng sâu vùng xa. Rất đúng, vì mục tiêu cuối cùng là nâng mặt bằng giáo dục của những vùng này lên ngang với các vùng khác. Nhưng không nên ưu tiên bằng cách cộng thêm điểm (thực chất là cho thêm điểm mà không cho hiện thực).

Tại sao không xây các khu dự bị đại học bao cấp hoặc giảm học phí ở các trung tâm vùng hay các thành phố lớn cho các con em dân tộc thiểu số. Như vậy ta nâng tầm cao đầu của các em lên chứ không phải cho các em đôi guốc lênh khênh (bằng cách cho điểm thêm). Đôi guốc cao ấy về lâu về dài là có hại cho các em vì với đôi guốc giả tạo, mà với tư duy kiểu này thì đôi guốc ngày càng cao và càng dễ ngã.

Góp ý cho dự thảo luật GDĐH (dự thảo 5), nhiều ý kiến cho rằng dự thảo vẫn còn "xanh". Hàng loạt các vấn đề bức xúc hiện nay như phân tầng đại học, tự chủ, kiểm định chất lượng giáo dục... chưa được thể hiện rõ ràng trong dự thảo luật. GS.TSKH Nguyễn Đăng Hưng nói, đọc dự thảo GDĐH lần 5 thấy hơi buồn vì nó chưa thoát ra khỏi cơ chế bao cấp xin cho, chưa thể hiện được sự đổi mới toàn diện.

Ông Nguyễn Lộc, phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Giáo dục cho rằng, dự thảo luật không thấy mùi của GDĐH. Vấn đề đào tạo nhân lực trình độ cao, chất lượng cao, trường đại học đa ngành... chưa thể hiện được. Theo ông Nguyễn Quang Kính, nguyên chánh văn phòng Bộ Giáo dục & Đào tạo bản dự thảo có rất nhiều vấn đề cần phải sửa chữa, bổ sung như việc quản trị đại học, điều kiện giao quyền tự chủ cho các trường đại học...

Thu Hà (thực hiện)

.
Xin vui lòng gõ Tiếng Việt có dấu
.