Cơm sinh viên: Thịt ôi, rau nát, gạo hẩm
Giảng đường thành “sàn diễn” thời trang
Vài năm gần đây, trong giới sinh viên nổi lên trào lưu ăn mặc mang tên “Thời trang mát mẻ". Nhiều sinh viên không ngại ngần “show” hàng bằng những bộ trang phục trống trước hở sau.
Thanh, SV Đại học Văn hóa từng làm bạn bè trong lớp “chói mắt” vì bộ trang phục quá ư nổi bật: Áo hai dây ở trong, ba lỗ ở ngoài, quần sóc ngắn cũn cỡn. Phụ kiện đi kèm là một lô lốc vòng tay, vòng cổ lỉnh kỉnh và một chiếc ba lô vải jean được xé viền te tua. “Không hiểu nổi bạn ấy nghĩ gì mà lại ăn mặc kiểu như thế. SV mà ăn mặc phản cảm kiểu đó thì không thể chấp nhận được” - Một SV nam bức xúc nói.
Nhiều SV đang vô tình biến giảng đường thành “sàn diễn” thời trang (Ảnh: VNN) |
Thu Trang (sinh viên trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật TW ) có một vóc dáng lí tưởng. Để chứng tỏ đẳng cấp và khoe những đường cong hoàn hảo của mình, cô nàng đã chọn những bộ đồ may bằng chất liệu vải co giãn bó sát cơ thể. Nhìn Trang rảo bước tung tăng giữa sân trường, mọi người đều nghĩ đó là một người mẫu đang trình diễn thời trang trên sàn catwalk.
Không chỉ có bạn gái mới biết cách mặc đồ “mát mẻ”, các nam sinh cũng thích “chơi trội” bằng trang phục. Hoàng (SV Đại học Kinh tế Quốc dân) là con một đại gia. Hoàng thích săn lùng những chiếc quần bò nhãn hiệu Gucci đục lỗ nham nhở ở vùng đùi trên và những chiếc áo phông bó sát cơ thể nhằm khoe bộ ngực vạm vỡ của mình. Để tăng thêm chất nam tính, cậu chẳng ngại ngần sắm cho mình những chiếc lắc tay và dây chuyền vàng hầm hố hàng chục triệu đồng trông như một ông trùm xã hội đen.
.
Yêu là thử sống
Sống trong môi trường xa người thân, thiếu thốn tình cảm, sinh viên bước chân vào tình yêu trong sáng là lẽ thường, nhưng không ít cử nhân tương lai đến với nhau và “sống thử” công khai như cặp vợ chồng. Mỗi người một quê, lên thành phố trọ học, Nam và Vân ở hai phòng đối diện trong cùng dãy trọ. Suốt ngày mở cửa ra đụng trán nhau, lửa gần rơm lâu rồi cũng bén, họ yêu nhau.
Sau “tiếng sét ái tình” và quãng thời gian kéo dài 3 tháng “cưa cẩm”, hai người đã đi đến quyết định “góp gạo thổi cơm chung” cho tiết kiệm chi phí sinh hoạt.
Dạo quanh các dãy trọ ở thành phố bây giờ sẽ không khó để gặp những “gia đình trẻ” sinh viên kiểu góp gạo thổi cơm chung như thế.
Nhiều đôi sống thử với nhiều lý do khác nhau: một số thì lấy cớ là “giảm chi phí”, một số thì “kiểu gì chúng tôi chả lấy nhau”, một số khác là do bản năng, do thích, do trào lưu.
Linh, SV Học viện Hành chính kể ở xóm trọ 10 phòng nơi cô thuê, trước dịp hè chỉ có đúng duy nhất một đôi sống thử. Nhưng giờ thì có đến 4 cặp, cứ lần lượt rủ người về. “Hai bạn gái đang ở “độc thân” kia cũng đã có người yêu, chắc rồi cũng chẳng lâu nữa là “lập gia đình” thôi” – Linh nói.
Sinh viên trong cơn “lốc” lô đề
Cờ bạc, lô đề không phải là hiện tượng mới lạ gì trong giới sinh viên. Hiện nay, quanh nhiều trường ĐH có thể thấy ngay dịch vụ lô đề trá hình dưới các quầy bán xổ số.
Đi đến ngõ ngách nào cũng có thể đụng ngay những hàng trà đá chuyên ghi lô đề và các hàng game trưng những tấm biển bắt mắt. Thế nên, không phải quá lạ khi nhiều tân sinh viên vừa chân ướt chân ráo lên Thủ đô, chưa quen đường sá, trường học nhưng đã học được cách ghi lô đề và “bập” ngay các trò chơi điện tử.
Sinh viên trong cơn “lốc” lô đề (Ảnh: ANTĐ) |
Nam - sinh viên một trường đại học, một “con nghiện lô đích thực”. Mỗi khi “trúng quả đậm”, Nam đều vung tiền ăn chơi, khao bạn bè, một phần giữ lại để “lấy nó nuôi nó”- theo như lời cậu ta nói. Từ những lần vận đỏ cứ đến liên tục như vậy, Nam “say” lúc nào không biết.
Huy - ĐH Thủy Lợi, sống trọ ở làng Triều Khúc tâm sự: “Mới ngày đầu mỗi ngày em chỉ chơi cho vui thôi, nhưng giờ thì thành quen. Chiều nào cũng phải ra “đóng đô” ở hàng trà đá trước ngõ để nghe mọi người kháo chuyện lô đề và chọn cho mình một con”.
Không chỉ nam sinh mà cả nữ sinh cũng tìm đến lô đề. Nữ sinh chơi đề không nhiều, không rộ như nam nhưng cũng không phải là ít. Mấy cô sinh viên có chút "máu mê" lô đề trong người, không có "gan" thì thi thoảng làm con lô dăm ba chục nghìn. Mất thì thôi, được thì lại rủ nhau đi mua sắm, uống cà phê chỉ để "buôn dưa cà dưa muối".
Anh Quang chủ một cửa hiệu cầm đồ cho biết: “Khách hàng chủ yếu là những cô, cậu sinh viên thiếu tiền do người nhà gửi lên chưa kịp thì ít mà cần phải trả nợ lô, đề thì nhiều. Tài sản họ cầm là xe máy, dàn vi tính, điện thoại, thậm chí cả thẻ sinh viên, chứng minh thư ... Thôi thì đủ thứ, thứ gì cầm được họ cầm tất”.
Lê Nho Việt