I. Cách đây mấy năm, nhiều mọt sách ở Hà Nội đua nhau tìm đọc cuốn tiểu thuyết "Chó ngao Tây Tạng" của tác giả Vương Chí Quân. Sau đó, tới lượt bộ tiểu thuyết "Mật mã Tây Tạng" được ấn hành, càng khiến cho loài "thần khuyển" được biết nhiều hơn ở Hà Nội. Chính bản thân tôi cũng tò mò, song tìm khắp các hiệu sách ở thủ đô đều không tìm được cuốn "Chó ngao". Phải tới khi tôi nhờ một người bạn ở TP HCM lùng trong đó rồi chuyển phát nhanh ra thì tôi mới có thể sở hữu được cuốn sách này.
Một ngày nọ, anh bạn đã mua sách hộ tôi tiết lộ một thông tin đầy bất ngờ: "Mình thấy bảo Hà Nội có người đã nuôi được Ngao Tạng rồi đấy, cậu thử tìm hiểu xem". Sau nhiều giờ lùng sục trên mạng Internet, kết quả tôi nhận được chỉ là vài mẩu rao vặt bán "chó ngao" mà trông chẳng khác gì chó thường. Đang chán nản, anh bạn tôi lại gọi ra cho biết, người đang nuôi một con Ngao Tạng rất to nhà ở phố Hòe Nhai, cậu thử tìm xem.
Và sau mấy ngày lê la các quán nước, tôi đã có được địa chỉ chính xác của chủ nhân không chỉ một mà hai con Ngao Tạng ở Hà Nội. Anh Phạm Mạnh Hùng được coi là một trong những người đầu tiên ở thủ đô nuôi được loài "thần khuyển" này. Sau nhiều cú điện thoại, tôi đã hẹn được anh Hùng để "mục sở thị". Anh Hùng hẹn cuối buổi chiều, sau giờ làm việc.
Có mặt tại nhà anh Hùng, mặc dù đã chuẩn bị tinh thần song khi đối mặt với con Bin (tên gọi của con chó ngao 24 tháng tuổi), tôi vẫn một phen hú vía. Cánh cửa vừa bật mở, một bóng đen từ đâu lao ra chồm lên như muốn ăn tươi nuốt sống khách lạ. Rất nhanh, anh Hùng tóm lấy đầu nó ghì lại, rồi dùng một sợi dây da to bản xích nó vào một góc nhà. Sau vài phút trấn tĩnh, tôi mới có thể quan sát nó.
Không khác trong sách miêu tả là bao, con Bin cao khoảng 80cm, nặng chừng 70 kg. Đôi mắt của nó lúc nào cũng sáng rực. Đặc biệt, bộ lông của nó rất dày. "Nếu ở xứ lạnh thì lông nó còn dài hơn, và tạo thành bờm như bờm sư tử nữa" - anh Hùng kể. Tuy đã bị xích vào một góc nhà, song với vẻ ngồi một cách oai vệ, khiến tôi liên tưởng đến những con nghê ở đình, chùa…
Cũng theo anh Hùng, cách đây khoảng 2 năm, do có người bà con ở Trung Quốc nên anh Hùng đã nhờ mua về một con Ngao Tạng thuần chủng. Khi mang về nó chỉ nặng khoảng 6-7 kg song dáng đã rất oai vệ, có bờm như bờm sư tử. Mấy tháng sau, anh Hùng lại nhờ tìm thêm một con cái. Một căn phòng rộng khoảng 20m2 ở trên phố Hòe Nhai được trưng dụng làm chỗ ở cho con đực (con Bin). Còn con cái được nuôi tại căn phòng khác trong ngôi nhà trên phố Yên Phụ.
Theo như anh Hùng, thì ở Hà Nội hiện đang có một phong trào nuôi Ngao Tạng. Ngoài Hùng ra thì có anh Huy ở phố Hàm Long, anh Lộc trên phố Hàng Bún và anh Minh (ở tập thể Thành Công), mỗi người có trong tay một con Ngao Tạng. Lẽ ra số Ngao Tạng ở Hà Nội phải lên đến 20 con nhưng ở thời điểm này thì chỉ được phân nửa. Vốn là loài chó chỉ quen sống ở vùng cao nguyên Tây Tạng (độ cao trung bình khoảng 5.000m so với mực nước biển) nay đưa về Việt Nam một số con đã bị chết do không thích nghi nổi điều kiện khí hậu. Và để nó trưởng thành như một con mãnh hổ, dĩ nhiên không phải là điều đơn giản.
II. Một huấn luyện viên chuyên huấn luyện chó nghiệp vụ tên Thắng kể với chúng tôi. Cách đây mấy tháng, anh được một đại gia tên Chiến (quận Hai Bà Trưng) mời về tận nhà để chữa bệnh cho con "cún cưng" của ông ta.
Theo đại gia này, con Ngao Tạng được mua khoảng một năm về trước. Khi về nhà thì lập tức nó được sở hữu một căn phòng đẹp nhất. Đại gia này còn thuê thợ lắp máy lạnh riêng với nhiệt độ rất thấp bật 24/24 giờ trong ngày để chú ngao khỏi bị rụng lông. Do công việc bận rộn, đại gia Chiến còn phải thuê hẳn một ôsin, chuyên lo chuyện ăn uống, dọn vệ sinh cho thú cưng của mình.
Chưa hết, đại gia này còn nhờ người thân ở nước ngoài, tậu một bộ bàn chải gồm nhiều loại răng với mức độ thưa, dày khác nhau để chải lông. Lại mua các loại sữa tắm dành riêng cho chó, để sao cho bộ lông của nó luôn phải "suôn mượt như tơ"….
"Đúng là có chuyện đó thật" - anh Hùng xác nhận. Tuy nhiên, với anh Hùng thì kiểu nuôi ngao như trên chỉ là để… làm cảnh thôi. Riêng Hùng thì muốn chú ngao của mình không những to, đẹp mà còn phải biết giữ nhà, biết vâng lời chủ nữa. Mỗi ngày, Bin được cho ăn hai bữa. Bữa sáng nhỏ gọn là khoảng 5 quả trứng vịt lộn. Bữa chiều khỏang nửa cân thịt bò tươi. Vị chi mỗi tháng Ngao xơi mất không dưới 5 triệu đồng riêng tiền ăn. "Một số chủ thường nấu đầu gà với gạo thành cháo cho ngao ăn, song nếu ăn thức ăn chín thì rẻ có rẻ song ngao sẽ bị "đần" đi nhiều" - anh Hùng cho biết.
Bên cạnh đó, hàng tuần còn phải bổ sung sữa tươi và thức uống canxi, thuốc bổ các loại… cho ngao. Hầu như con ngao nào về Việt Nam cũng bị nhiễm bệnh về phổi hoặc bị nhiễm trùng máu. Con Bin của anh Hùng cũng từng phải đưa đi điều trị tại cơ sở thú y, đồng thời đưa đi huấn luyện… hết hàng vài chục triệu đồng.
Giới buôn chó ở Hà Nội kháo nhau, bây giờ có một con ngao thì coi như có cả một gia tài. "Con ngao của anh không biết bán được bao nhiêu tiền?" - tôi hỏi anh Hùng. "Tôi nuôi nó từ nhỏ, không bán đâu" - Hùng tỏ vẻ phật ý. Nhưng lát sau thì anh kể, có dạo anh dắt chó đi chơi, một người đàn ông tự giới thiệu là chủ một doanh nghiệp ở TP HCM có đề nghị để lại cho ông ta con chó với giá 500 triệu đồng. Nhưng Hùng lắc đầu.
Anh Nguyễn Văn M. (nhà ở quận Đống Đa) thì cho biết, anh đã phải trả tới hơn 100 triệu đồng để mang được một nàng Ngao Tạng về Việt Nam. Tới giờ nàng đã đến tuổi cập kê, anh M. muốn tìm ngao đực cho nàng làm bạn cũng không có. "Chắc là tôi phải mang sang Trung Quốc thuê phối giống thôi. Người quen bên ấy vừa thông báo, mỗi lần phối cũng mất cả chục ngàn đô. Tiền thì tôi không tiếc, chỉ nghĩ cái công đi lại rồi tiêm các loại thuốc phòng dịch cũng đủ mệt".
Chú chó trị giá hơn 30 tỉ đồng | Big Splash - Chó ngao đắt nhất thế giới (hơn 30 tỉ VNĐ). |
Tháng 4/2011, một chú chó ngao Tây Tạng đã được bán với giá 1,6 triệu USD (tương đương với hơn 30 tỉ VND). Chú chó có tên Big Splash, được ông chủ là Lu Liang, một người chơi chó cảnh ở Laoshan, thành phố Thanh Đảo, phía đông Trung Quốc bán cho một tỉ phú ngành than. Con chó này mới 11 tháng tuổi nhưng đã nặng 81 kg, nó có bộ lông đỏ rực - màu cực hiếm của loài Ngao Tạng. |