- Tiếp xúc với cử tri quận 3 và 4, TP.HCM hôm nay (18/10), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang mong muốn cải cách sắp tới sẽ giúp không phải nghe "ca vọng cổ" dài dài về tiền lương nữa.
Chủ tịch nước đã lắng nghe những ý kiến bức xúc xoay quanh vấn đề dân sinh, đặc biệt là bất cập về hệ thống tiền lương.
Ông Đặng Văn An ở phường 5, quận 4, cho hay đồng lương mà ông và những người dân khác đang hưởng chỉ là đồng lương danh nghĩa. "Ai cũng thấy là bất hợp lý", ông dẫn trường hợp lương sinh viên học ngành sư phạm, sau 4 năm học ra trường, chỉ được trả hơn 1 triệu đồng, "sống một mình không nổi chứ đừng nói là nuôi ai". Hay một nhân viên tạp vụ trong ngành giáo dục lương chỉ 700.000 đồng, sau khi trừ bảo hiểm, mức này còn dưới chuẩn hộ nghèo của thành phố là 12 triệu đồng/năm.
Ghi nhận ý kiến đóng góp và kiến nghị của cử tri, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng chính sách tiền lương đang áp dụng rất lạc hậu so với đời sống, cần cải cách, thay đổi chính sách tiền lương để phù hợp với thực tiễn.
"Tiền lương hiện nay rất lạc hậu, điều này ai cũng biết. Có một thực tế là cán bộ, công chức sống không phải dựa vào lương. Do vậy sắp tới sẽ có quyết định về cải cách tiền lương, tôi hy vọng là với những cải tiến, chúng ta sẽ không còn phải nghe "ca vọng cổ" dài dài về vấn đề này nữa" - Chủ tịch nước nói
Chia sẻ với cử tri về những khó khăn trong đời sống, về tiền lương và một số chế độ chính sách không còn phù hợp, Chủ tịch nước cũng cho biết, trong tình hình kinh tế khó khăn hiện nay, lạm phát và tiền lương là hai vấn đề rất quan trọng phải giải quyết, trong đó chống lạm phát là nhiệm vụ đầu tiên phải tập trung xử lý, cố gắng kéo giảm đến cuối năm nay lạm phát còn 17 - 18% và phấn đấu năm 2012 sẽ giảm còn một con số.
Cùng với vấn đề tiền lương, chế độ chính sách cho cán bộ cơ sở, người có công, tình trạng giao thông xuống cấp, đổi mới giáo dục, chống tham nhũng, biến đổi khí hậu và chủ quyền lãnh thổ được cử tri quận 3 và quận 4 quan tâm.
Bức xúc trước tình hình trật tự an toàn giao thông ngày càng xuống cấp, tai nạn giao thông gia tăng, bế tắc trong giải quyết tình trạng kẹt xe và nạn đua xe trái phép ngày càng trầm trọng, cử tri hai quận cho rằng đó là do pháp luật về giao thông và việc xử lý vi phạm chưa nghiêm, chưa đủ sức răn đe. Cử tri kiến nghị cần phải xử lý mạnh tay hơn đối với nạn đua xe trái phép, tịch thu xe vi phạm, phạt nặng gấp nhiều lần so với mức phạt hiện nay.
Cử tri hai quận cũng cho rằng công tác phòng, chống “quốc nạn” tham nhũng vẫn chưa đem lại hiệu quả, tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, với nhiều hình thức, nhiều cấp độ và ở mọi lĩnh vực. Theo các cử tri, chống tham nhũng phải bắt đầu từ trung ương, có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan và cần tăng cường giám sát người đứng đầu. Các cử tri cũng mong muốn Quốc hội, đoàn - tổ và mỗi đại biểu Quốc hội tăng cường hoạt động giám sát đối với hoạt động của chính quyền các cấp, các bộ ngành, các tập đoàn, doanh nghiệp; giám sát việc giải quyết khiếu nại tố cáo, các kiến nghị của cử tri.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định chống tham nhũng là vấn đề quan trọng được Đảng và Nhà nước rất quan tâm và sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện, đổi mới cách làm và bộ máy làm công tác phòng, chống tham nhũng để phù hợp với tình hình mới.
"Theo tôi, ngoài việc tổng kết chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về vấn đề này, ngoài ra phải tổng kết luôn kết quả của bộ máy, tổ chức các cấp đang điều hành, lãnh đạo công việc này...".
Chủ tịch nước khẳng định sẽ không để "chìm xuồng" vụ Vinashin. "Liên quan tới xử lý vụ Vinasin, nhiều cử tri đề cập với tâm trạng lo lắng, tôi xin nhắc lại là đồng chí Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng (trước đây) và Tổng bí thư hiện nay đã khẳng định trước cử tri là không để "chìm xuồng" vụ này. Tôi cũng tin tưởng như vậy. Kết quả xử lý thế nào, sẽ có báo cáo trước cử tri".
Thái Thiện