Chủ Nhật, 23/10/2011 - 05:17

“Chê” SV dân lập là đi ngược lại với sự phát triển
(Dân trí) - Trước việc UBND tỉnh Nam Định thông báo không tuyển dụng công chức là những người tốt nghiệp đại học dân lập, tư thục hay tại chức, nhiều lãnh đạo trường ĐH cho rằng quy định như vậy đi ngược với sự phát triển, là tư duy lỗi thời.
 >>  “Chê” SV dân lập: “Bộ GD-ĐT và Bộ Nội vụ phải thổi còi”
 >>  “Chê” SV dân lập: Nam Định không thực hiện đúng Luật GD

Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Công Tạn - Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường ĐH Thành Tây: Đứng về tư duy hội nhập là không ổn

Nam Định phân biệt đối xử với sinh viên (SV) dân lập như vậy không đúng vì Luật Giáo dục đã công nhận bằng cấp của các loại hình đào tạo công lập, tư thục, dân lập đều như nhau. Nếu không tuyển SV tốt nghiệp trường tư thục thử hỏi trên thế giới như Mỹ toàn trường tư thục thì có tuyển không. Cách nhìn nhận như vậy nếu đứng về tư duy hội nhập là không ổn, lỗi thời và định kiến.

Nam Định đưa ra cách tuyển như thế nào thì quyền của Nam Định nhưng đưa ra quy định không nhận SV dân lập, tại chức là không đúng gây nên sự hiểu lầm đối với xã hội và kể cả đường lối giáo dục xã hội hóa cũng bị hiểu nhầm. Đường lối của Nhà nước là tạo điều kiện cho mọi người được học.

Về chất lượng giáo dục các trường ngoài công lập, công nhận là chỗ này chỗ kia có vấn đề chưa theo kịp yêu cầu nhưng đó là thời kỳ ban đầu. Trong 5 năm đầu phải chấp nhận chất lượng mức này mức kia nhưng nhà nước có quy chế thật chặt để đảm bảo chất lượng tối thiểu và nâng dần chất lượng lên.
 
Nếu nói SV dân lập không bằng công lập thì không đúng. Trong ảnh: Đặng Xuân Nam, sinh viên trường ĐH Duy Tân, nhận bằng khen của Bộ GD-ĐT.

Hoàng Thị Lan Phương, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học - Bộ GD-ĐT: Nam Định quy định như vậy không đúng!

Nam Định làm như vậy không đúng. Đối với Luật Giáo dục đã không phân biệt trường công lập và dân lập. Ngay cả Luật Giáo dục đại học sắp tới cũng không có sự phân biệt. Khi xây dựng Luật Giáo dục đại học, đã có ý kiến cho 1 Chương riêng cho trường dân lập nhưng chúng tôi nghĩ không cần thiết vì đã công nhận bằng cấp thì luật như nhau.

Biết rằng mục tiêu tuyển dụng phụ thuộc vào nhà tuyển dụng nhưng nếu nói SV dân lập không bằng công lập thì không đúng. Hiện nay có nhiều trường dân lập tốt như ĐH Thăng Long, ĐH Văn Lang, ĐH FPT..., không nên đánh đồng chung như vậy.

Nguyễn Xuân Phong, phó hiệu trưởng Trường ĐH FPT: Không nên lấy chất lượng đầu vào làm thước đo chất lượng giáo dục đại học

Nam Định quy định như vậy là không đúng với Luật vì các phôi bằng đại học đều do Bộ GD-ĐT quy định. Luật giáo dục cũng đã ghi không phân biệt trường công và trường tư. Cơ quan nhà nước mà từ chối như vậy là không hợp lý.

Nhà tuyển dụng chọn SV trường nào để tuyển cũng là chuyện bình thường nhưng mà phân biệt rất thô giữa khối công lập và dân lập như vậy không được. Trên thực tế hiện nay rất nhiều trường dân lập đã vượt trường công. Với trường ĐH FPT, tôi tự tin là chất lượng đào tạo đã vượt được một số trường công tốp đầu.

Về phía trường ĐH FPT, chúng tôi không lo ngại về việc tuyển dụng vì đối tượng SV trường tôi rất ít khi vào công chức mà chủ yếu vào doanh nghiệp. Với các doanh nghiệp thì không sợ vì họ không quan tâm việc SV tốt nghiệp trường nào ở Mỹ hay Việt Nam mà quan trọng người đó có đáp ứng yêu cầu họ đưa ra hay không.

Lý giải như lãnh đạo Nam Định do chất lượng đầu vào các trường dân lập thấp. Tuy nhiên, chất lượng đầu vào cũng quan trọng nhưng nó không phải tất cả vì các em học sinh ngoài việc học trong trường thì điều quan trọng nhất các em học ngoài nhà trường, do vậy không nên lấy chất lượng đầu vào làm thước đo chính cho chất lượng giáo dục đại học.

Việc xã hội đánh giá không cao các trường ngoài công lập tất nhiên cũng có lý do vì nhiều trường cũng làm không tốt trong những năm đầu. Để khôi phục được hình ảnh trong xã hội, các trường ngoài công lập sẽ phải nỗ lực hơn trong việc chuẩn đầu ra, việc làm của SV và đánh giá của xã hội. Vấn đề này không phải ngày một ngày hai làm được mà phải có thời gian.

Hồng Hạnh